Vào trong hoang dã: Một cách tìm ý nghĩa cuộc sống
Nguyễn Tử AnhThứ bảy, 1/1/2022
|
17:00 GMT+7
Tìm kiếm gian nan, thử thách
“Tôi đã có một cuộc sống hạnh phúc” là lời từ biệt ngắn gọn của Christopher Johnson McCandless vào ngày 18/8/1992, sau 112 ngày bước chân vào nơi hoang dã và cũng là ngày cậu ra đi mãi mãi khi ở tuổi 24.
Một trong những hành động cuối cùng của cậu là chụp chân dung chính mình. Trong bức ảnh, cậu đứng gần chiếc xe buýt dưới bầu trời Alaska cao vời vợi, một tay cầm lời từ biệt chĩa vào ống kính máy ảnh, tay kia giơ cao như chào tạm biệt với vẻ hạnh phúc. Khuôn mặt cậu hốc hác nhưng sự đau khổ, cô đơn, thất vọng không thể hiện trong bức ảnh. Cậu đang mỉm cười và ánh mắt cậu trông thanh thản, bình an.
Chris McCandless tự đặt cái tên mới sau khi đốt bỏ mọi thứ: Alexander Supertramp (Siêu Lang Thang). Lớn lên ở vùng ngoại ô giàu có thuộc Washington, Mỹ trong một gia đình khá giả với cha là nhà khoa học làm việc cho NASA, mẹ là một nhà kinh doanh thành đạt, cậu học hành giỏi giang và từng là vận động viên chạy bộ cừ khôi. Sau khi tốt nghiệp loại ưu Đại học Emory, McCandless liền bỏ đi biệt tăm, đổi tên và tặng toàn bộ 24.000 Mỹ kim trong tài khoản tiết kiệm cho một quỹ từ thiện, bỏ lại chiếc ô tô và hầu hết tài sản, đốt hết tiền mặt trong ví. Rồi cậu tự gây dựng cuộc sống mới, đi lang thang khắp Bắc Mỹ để tìm kiếm những trải nghiệm sống động và phi thường. Gia đình không hề biết cậu ở đâu, làm gì cho tới khi thi thể của cậu được phát hiện ở Alaska.
Là một thanh niên vô cùng mạnh mẽ, có lý tưởng sống kiên định, một kiểu lý tưởng không dễ gì ăn nhập vào lối sống hiện đại. McCandless say mê tác phẩm của Lev Tolstoy và đặc biệt là cách mà nhà văn Nga vĩ đại ấy từ bỏ cuộc sống giàu có và quyền quý để mong sống những ngày cuối đời trong yên bình và cô đơn. Khi tiến về rừng rậm và băng giá Alaska – chuyến đi mà theo McCandless là “hành trình vĩ đại” cuối cùng, cậu ý thức rất rõ và không hề mang chút ảo tưởng nào rằng mình đang đi tới một vùng đất đầy mật ngọt. Gian nan, thử thách mới chính là điều mà cậu tìm kiếm.
Cái chết của Siêu Lang Thang trở thành một đề tài gây tranh cãi tại Mỹ. Một bên là sự ngưỡng mộ vì lòng quả cảm và lý tưởng sống, bên còn lại là sự nổi giận, xem cậu như một gã “chập mạch”, một gã ái kỷ bỏ mạng vì ngạo mạn và xuẩn ngốc.
Người đọc, trước khi theo chân hành trình của McCandless và có thể cả khi gấp cuốn sách lại, sẽ có quan điểm riêng về McCandless. Câu hỏi không phải là điều gì đã xảy ra, mà là đoạn kết ấy có ý nghĩa gì.
Sống đã là cuộc hành trình tìm kiếm ý nghĩa của nó
Con người thường luôn trong một hành trình nào đó, dù ý nghĩa hay vô vị. Những người hùng tâm thì tìm kiếm hành trình vĩ đại, cống hiến cho nhân loại, tìm cách bù đắp cho những điều còn thiếu sót của tạo hóa đặt trong những người yếu thế, khiếm khuyết. Những kẻ tầm thường thì tìm kiếm lợi ích cá nhân, thỏa mãn cái tôi. Dẫu gì, với mỗi kiểu người, hành trình đó luôn có ý nghĩa. Và vì nó ý nghĩa, nó thôi thúc hành động dù ngu ngốc hay thông minh. Gọi là gì thì tùy thuộc vào nhận thức, lối sống và quan điểm từng người. Tôi đã có một cuộc sống ý nghĩa, hay cuộc đời này là vô vị, cõi tạm lại không phụ thuộc vào tiêu chuẩn nào cả.
Tác giả Jon Krakauer bị ám ảnh bởi những chi tiết về cuộc đời của McCandless, cũng như những nét tương đồng giữa ông và chàng trai trẻ, đã dành hơn một năm lần theo dấu vết từ những dòng nhật ký, những người đã gặp McCandless để phục dựng lại hành trình của chàng trai mà ông thấy rất đặc biệt này.
Chắp nối những dữ liệu đó và thực hiện rất nhiều cuộc phỏng vấn, tìm hiểu rất nhiều tài liệu khoa học, tâm lý học và chính tác giả cũng là một nhà leo núi nổi tiếng đã đặt mình vào hàng trăm tình huống nguy hiểm trong những nơi hoang dã, có kiểu suy nghĩ về gia đình giống McCandless, như về đạo đức người cha để rồi kết luận rằng McCandless không phải là gã trai ngu xuẩn, ích kỷ. Trên hết, đấy là người khát khao tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống một cách cực đoan và nồng nhiệt. Cậu ấy dũng cảm hơn chúng ta vì đã hành động. Còn chúng ta, hằng ngày ngồi đó, làm việc làng nhàng, suy nghĩ nông cạn, và bị bao thứ cám dỗ che mờ quyết tâm và lòng khao khát đi tìm ý nghĩa cuộc sống.
Rốt cuộc ý nghĩa cuộc sống là gì?
Thành Cát Tư Hãn sau mỗi trận thắng được các tướng dưới quyền tung hô, đã nói rằng: “Không có thứ gì tốt đẹp cho đến khi thật sự kết thúc”. Thứ tốt đẹp nhất theo ông là sau chiến thắng của một cuộc chiến, nơi vó ngựa của đoàn quân ông trải dài từ Á sang Âu, ông và binh lính được về nhà, nơi mà “đàn bà, con gái, rượu, sữa, hay còn gọi là gia đình đang chờ với niềm kiêu hãnh về những kẻ chinh phạt thế giới”.
Người ta đã tổng hợp những trang nhật ký của McCandless để nhận ra rằng cậu không phải vào nơi hoang dã để thỏa mãn một loại sở thích, mà chính nhờ sống trong hoang dã, cậu đã tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc sống. Đấy là chân thành, giản đơn và gia đình. Những câu hỏi về cuộc sống đã thưa thớt dần giai đoạn về sau, thay vào đó là gạch dưới những đoạn văn mà cậu tâm huyết trong những cuốn sách mang theo.
Chẳng hạn, McCandless gạch dưới đoạn văn trong tác phẩm Hạnh phúc gia đình của Lev Tolstoy: “Anh ấy đã đúng khi nói rằng niềm hạnh phúc đích thực trên đời này là sống vì người khác. Trên tất cả, tôi cần em với tư cách là người bạn đời và nếu được là cả những đứa con. Trái tim người đàn ông còn có thể mong muốn điều gì hơn thế nữa”. Và McCandless đã quyết định tìm đường quay lại. Cậu đã học cách tha thứ, khoan dung và bắt đầu chấp nhận người khác. Cậu đã sẵn sàng về với thế giới văn minh.
Con người, trên tư cách là một giống loài có nhận thức, nhưng lại không phải sàn sàn một kiểu như nhau. Số phận mỗi người lại nằm trong nhận thức và hành động. Điều đó phân biệt giữa người này với người kia, giữa người tâm trí bao la hay nhỏ nhen ích kỷ, giữa người thấy đời đáng sống và cơ hội lồng lộng với kẻ chán ghét tất thảy mọi thứ.
McCandless đã viết cho Ron Franz – một ông cụ tốt bụng, sống cô độc, an nhàn, đã rất mến thương và lo lắng cho cậu, khuyên cậu hãy sống với cuộc sống xã hội: “Cháu muốn nhắc lại lời khuyên cháu đã từng nói với ông, rằng cháu nghĩ ông nên thay đổi hẳn cách sống và bắt đầu làm những việc táo bạo mà trước đó ông không bao giờ nghĩ đến, hoặc lưỡng lự chưa muốn làm. Nhiều người sống thật nhàm chán nhưng lại không có ý định thay đổi bởi quá quen với sự ổn định, với sự phục tùng và thói bảo thủ. Những thứ đó có vẻ đem lại sự yên ổn, nhưng trên thực tế không gì phá hủy khát khao khám phá hơn là một tương lai bảo đảm”.
Hãy bước ra thế giới ngoài kia, dấn thân và mạo hiểm, bạn sẽ tìm thấy ý nghĩa cuộc sống. Muốn vậy, hãy sống đời sống tự do, nhất là tâm trí bạn.