05 loại Dị tật bộ phận sinh dục bé trai thường gặp
Trong nhiều loại dị tật sinh dục bẩm sinh thì có 05 loại dị tật bộ phận sinh dục bé trai thường gặp nhất, đó là: Lún dương vật; Cong, vẹo dương vật; Tinh hoàn ẩn; Lỗ tiểu lệch thấp, lệch cao; Giãn tĩnh mạch thừng tinh. Để biết thêm chi tiết, cùng CHEK Genomics theo dõi bài viết dưới đây.
Tổng quan về dị tật sinh dục bẩm sinh
Dị tật sinh dục bẩm sinh là một trong những loại dị tật bẩm sinh hàng đầu ở trẻ em, nhất là đối với các bé nam. Dị tật sinh dục xuất hiện khi trẻ mới sinh ra, làm thay đổi hình dạng hay chức năng của một hoặc nhiều bộ phận trong hệ cơ quan này.
Nguyên nhân gây dị tật sinh dục bẩm sinh chưa được khẳng định cụ thể. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp là do ba mẹ đã từng mắc các dị tật tương tự hoặc có mang gen gây bệnh nên di truyền cho con.
Bên cạnh đó, các yếu tố từ môi trường bên ngoài tác động đến người mẹ trong quá trình mang thai cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến dị tật sinh dục bẩm sinh.
Hiện nay, để chẩn đoán dị tật sinh dục bẩm sinh ở trẻ, người ta thường áp dụng kỹ thuật siêu âm ngay từ trong bụng mẹ hoặc cũng có thể được phát hiện trong quá trình khám tổng thể ngay sau khi trẻ được sinh ra.
Nhìn chung, các dị tật sinh dục bẩm sinh thường không gây ảnh hưởng đến tính mạng, song lại tác động rất lớn đến sức khỏe của trẻ, gây cản trở cho các hoạt động sinh hoạt bình thường. Chưa kể sau khi lớn lên, nếu chưa được điều trị và khắc phục thì dị tật sinh dục bẩm sinh còn khiến người bệnh gặp phải nhiều vấn đề hơn, về cả sức khoẻ lẫn tâm sinh lý.
Vì vậy, ba mẹ nên chú ý đến tình trạng trẻ sau khi sinh, thậm chí có thể siêu âm trước sinh để sớm phát hiện những bất thường của bộ phận sinh dục từ đó đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời.
05 dị tật bộ phận sinh dục bé trai thường gặp
Lún dương vật
Lún dương vật là gì?
Lún dương vật hay còn được gọi là vùi dương vật là một trong những dị tật sinh dục bẩm sinh ở các bé trai, có thể phát hiện được ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn rất nhiều trường hợp không được phát hiện, hay được phát hiện rất muộn, thường do nhầm lẫn với biểu hiện của hẹp bao quy đầu.
Lún dương vật nên được phát hiện và điều trị sớm để tránh các hệ quả khi trẻ lớn hơn. Thông thường, lún dương vật sẽ gây ra những ảnh hưởng về tiết niệu, có thể kể đến như: nhiễm trùng tiểu tái phát, viêm quy đầu xơ và tắc. Hiện nay, việc điều trị lún dương vật thường được phối hợp với điều trị hẹp bao quy đầu ở trẻ.
Biểu hiện của lún dương vật
Biểu hiện rõ nhất của tình trạng lún dương vật là lỗ tiểu bị đổ ra đúng ở đỉnh quy đầu, trục dương vật nằm thẳng, tuy nhiên dương vật lại bị lún xuống dưới hoặc chỉ ngang mức của xương mu.
Khi trẻ bị lún dương vật, ống da dương vật thường nhỏ và khá ngắn, bao quy đầu thường bị hẹp, bìu bình thường. Trẻ bị lún dương vật phải dùng ngón tay ấn quanh gốc dương vật khi đi tiểu, cũng như gặp nhiều khó khăn khác trong sinh hoạt.
Để xác định trẻ có bị dị tật lún dương vật hay không, có thể sử dụng các cách sau:
-
Khi dương vật của trẻ không cương, không thấy được dương vật khi không kéo bao quy đầu về phía xương mu, tuy nhiên vẫn có thể thấy được ống da dương vật từ bờ trên xương mu.
-
Khi dương vật của trẻ cương, da của ống dương vật sẽ bị chùng xuống, có thể nắn được một phần dương vật nhô lên khỏi xương mu nhưng khá ngắn.
Cách điều trị
Tuỳ vào nguyên nhân gây lún dương vật và tình trạng sức khoẻ của trẻ mà sẽ có những phương pháp điều trị cho phù hợp, cụ thể:
-
Do béo, phần mu có lớp mỡ dày: có chế độ ăn hợp lý, tập thể dục thể thao, hướng dẫn trẻ tự thực hiện nong lộn dần bao quy đầu. Đến tuổi dậy thì, có thể thực hiện phẫu thuật nhỏ để cắt bớt lớp mỡ ở trên mu.
-
Do dải xơ kéo tụt thân dương vật: thực hiện nong lộn dần nhằm làm rộng bao quy đầu. Với trẻ từ 1-2 tuổi, có thể thực hiện phẫu thuật để làm dài, giải phóng dương vật.
Với những bé đã được 8 tháng, nếu có các dấu hiệu cho thấy lún dương vật thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác, từ đó sẽ được tư vấn các phương pháp điều trị phù hợp, an toàn nhất.
Lưu ý: Hầu hết các trẻ khi đi khám đều được chẩn đoán là hẹp bao quy đầu, vì vậy thường được điều trị bằng phương pháp nong bao quy đầu. Và đa số không đem lại kết quả, dù được thực hiện nong nhiều lần. Ngoài ra, cũng có trẻ được mổ cắt bao quy đầu, tuy nhiên cách điều trị này là không đúng, càng làm cho bệnh thêm nặng. Bởi bao quy đầu được xem là chất liệu vô cùng quan trọng để che phủ thân dương vật sau các ca mổ làm dài dương vật.
Cong, vẹo dương vật
Biểu hiện của cong, vẹo dương vật
Cong, vẹo dương vật (Peyronie) là tình trạng dương vật bị vẹo cong xuống phía dưới hoặc sang một bên khi cương cứng, cùng với đó là biểu hiện dương vật bị xoay trục như quả chuối cong. Đây là một trong những dị tật sinh dục bẩm sinh thường xảy ra ở bé nam, cần được phát hiện và điều trị sớm nhất có thể.
Mặc dù tình trạng cong, vẹo dương vật không ảnh hưởng quá nhiều đến sức khoẻ, tuy nhiên lại có những tác động khi trẻ bước vào tuổi dậy thì, nhất là khi bước vào các mối quan hệ nam – nữ. Ngoài ra, khi dương vật bị cong, vẹo lâu ngày không được chữa trị sẽ rất dễ gây ra tình trạng tiểu gắt, tiểu buốt hay tiểu không hết ở trẻ.
Cách điều trị
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các trường hợp mà bác sĩ sẽ đề nghị phương pháp điều trị có phẫu thuật hoặc không cần phẫu thuật.
Đối với bệnh Peyronie, dương vật cong xảy ra bởi mô xơ cứng tích tụ trong màng bao trắng, việc phẫu thuật thường sẽ được áp dụng. Chỉ có một số ít trường hợp người mắc Peyronie sẽ tự khỏi mà không cần điều trị.
Khi dương vật bị cong, lúc này bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần mô xơ cứng, sau đó ghép một mảnh mô lành khác vào nhằm che các lỗ trên lớp bao trắng tinh hoàn. Tuy nhiên, điểm hạn chế của phương pháp phẫu thuật này là dễ gây nguy cơ rối loạn chức năng cương dương của người bệnh.
Trong trường hợp “cậu nhỏ” cong vẹo không do mô sẹo hay cong dương vật bẩm sinh, phẫu thuật thu gọn dương vật sẽ được tiến hành. Bác sĩ sẽ sử dụng các phương pháp phẫu thuật sửa cậu nhỏ bị cong đặc hiệu như Nesbit (cắt hình elip trên bao trắng), Nesbit cải biên (cắt hay rạch bao trắng rồi khâu lại bằng các đường ngang), khâu gấp bao trắng…
Tinh hoàn ẩn
Tinh hoàn ẩn là gì?
Theo thông thường, các bé trai khi sinh ra đều có hai tinh hoàn nằm trong bìu. Tuy nhiên, đối với một số trẻ, một hoặc hai bên tinh hoàn không nằm đúng trong bìu mà lại nằm ẩn trong vùng bẹn. Một số trường hợp khác lại có tinh hoàn ở trong ổ bụng.
Khi phát hiện thấy điều này, nếu bé vẫn còn chưa đến 1 tuổi, ba mẹ không cần quá lo lắng hay cho con đi khám ngay bởi vì tinh hoàn có thể tự di chuyển về vị trí của nó. Thế nhưng, sau 1 tuổi mà con vẫn còn tình trạng như trên thì bố mẹ nên nhanh chóng đưa bé đi khám để có phương pháp điều trị thích hợp.
Từ giai đoạn này, tinh hoàn khi nằm sai vị trí, đặc biệt là nằm trong ổ bụng lâu ngày có thể dẫn đến ung thư hóa. Chính vì vậy, nếu con cần được thực hiện phẫu thuật để hạ tinh hoàn xuống bìu thì bố mẹ nên cho con phẫu thuật khi con khoảng từ 3 đến 4 tuổi, không nên chần chừ quá lâu để dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng khác.
Biểu hiện tinh hoàn ẩn
Một số triệu chứng tinh hoàn ẩn thường gặp phải:
-
Khi bố mẹ không sờ thấy tinh hoàn trong bìu của con hoặc sờ thấy khối u nổi lên ở ống bẹn.
-
Bìu trông nhỏ và phẳng một cách thất thường (bởi vì tinh hoàn ẩn càng cao thì bìu càng kém phát triển)
-
Các trẻ khi sờ chỉ cảm thấy một bên tinh hoàn. Nguyên nhân có thể do:
-
Trẻ bị co rút tinh hoàn: tinh hoàn di chuyển lên xuống giữa bìu và bẹn khi trẻ bị lạnh hoặc cảm thấy sợ hãi, có thể dễ dàng xuống bìu trở lại khi thăm khám. Việc này không phải là bất thường và nguyên nhân chỉ là do phản xạ cơ bìu.
-
Tinh hoàn đi lên hoặc tinh hoàn ẩn mắc phải: tinh hoàn quay trở lại bẹn và không thể dùng tay để xuống bìu được.
-
Thông qua việc siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính ổ bụng hay nội soi ổ bụng, chúng ta có thể kiểm tra chính xác vị trí của tinh hoàn ẩn. Ngoài ra, còn có thể phát hiện những bất thường khác của tinh hoàn như u tinh hoàn, vôi hóa nhu mô tinh hoàn… Từ đó có phương pháp xử lý kịp thời.
-
Trường hợp không sờ thấy cả hai tinh hoàn và muốn xác định xem tinh hoàn có hay không, người ta thường sử dụng đến nghiệm pháp HCG hoặc phương pháp xét nghiệm máu để kiểm tra mức độ một số hóc-môn, bao gồm một chất được gọi
là
chất ức chế Müllerian (MIS). MIS là một chất được sản xuất bởi tinh hoàn, có thể được phát hiện trong mẫu máu của bé trai từ lúc còn bé cho đến khi dậy thì. Nếu MIS không được tìm thấy khi kiểm tra máu của bé trai thì có khả năng cả hai tinh hoàn đều không có.
-
Bên cạnh đó, trẻ còn có thể làm xét nghiệm nội tiết tố như LH, FSH, prolactin, estradiol và testosterone để chẩn đoán tinh hoàn ẩn.
Điều trị tinh hoàn ẩn
Trẻ có tinh hoàn ẩn sẽ có nguy cơ vô sinh, bởi vì đường kính của các ống sinh tinh nhỏ hơn, mức độ xơ hóa tinh hoàn cũng cao hơn. Một số trường hợp nếu chỉ bị ẩn tinh hoàn một bên thì vẫn có khả năng có con. Tuy nhiên, họ là nhóm người có nhiều nguy cơ bị ung thư bên tinh hoàn ẩn và một số nguy cơ khác nữa.
Bố mẹ không nên chủ quan đối với các triệu chứng liên quan đến căn bệnh tinh hoàn ẩn của con vì đây là một căn bệnh nguy hiểm nếu không được phát hiện và điều trị kịp lúc. Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường về tinh hoàn của trẻ, bố mẹ cần thiết đưa trẻ đi kiểm tra tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán, cũng như là điều trị kịp thời.
Hiện tại, kỹ thuật gây tê khoang cùng là một trong những kỹ thuật được sử dụng khá phổ biến để điều trị căn bệnh này. Đây là một kỹ thuật đưa thuốc tê vào khoang ngoài màng cứng qua khe cùng và ống cùng nhằm hỗ trợ giảm đau trong và sau mổ cho hầu hết tất cả các ca phẫu thuật can thiệp trên phần bụng dưới và chi dưới như phẫu thuật tinh hoàn ẩn.
Lỗ tiểu lệch thấp, lệch cao
Lỗ tiểu lệch thấp
Là lỗ tiểu đổ ra không đúng ở đỉnh quy đầu mà lại đổ ra ở mặt dưới của dương vật, bìu và đáy chậu khiến cho người mắc phải không thể tiểu tiện một cách bình thường mà có khi phải tiểu ngồi giống như phái nữ.
Khi lỗ tiểu ở thấp về phía dưới thì lỗ tiểu thường rộng còn khi ở gần phía qui đầu thì lỗ tiểu thường bị hẹp và bệnh nhân tiểu khó, tia tiểu nhỏ. Dương vật thường bị cong với các mức độ khác nhau, từ hình chữ C cho đến các trường hợp nặng thì bị kéo gục vào giữa bìu. Bên cạnh đó còn có thể kèm theo một số dị tật khác như: tinh hoàn chưa xuống bìu hoặc dị tật ở đường tiết niệu…
Lỗ tiểu lệch thấp là một dị tật bẩm sinh ở nam giới và tương đối dễ gặp phải. Theo các thống kê trên thế giới, tỷ lệ mắc bệnh là khoảng từ 1/200 tới 1/1.000 nam giới. Tại Việt Nam, tỷ lệ dị tật này vào khoảng 1/350 trẻ trai sau sinh, so với số dân 90 triệu người, tỷ lệ này có thể được xem là đáng kể. Dị tật này không gây chết người nhưng lại ảnh hưởng nhiều tới tâm lý bệnh nhân.
Dựa vào vị trí lỗ niệu đạo mở ra trên dọc chiều dài của dương vật và tầng sinh môn bao gồm: lỗ tiểu lệch thấp ở đoạn trước của phần thấp quy đầu và rãnh của quy đầu, dị tật lỗ tiểu lệch thấp ở trẻ em nam được phân chia ra thành nhiều loại khác nhau: lỗ tiểu lệch thấp đoạn giữa hay đoạn thân dương vật như ở đầu thân dương vật, ở giữa thân dương vật và ở phần gốc của thân dương vật.
Lỗ tiểu lệch thấp ở đoạn sau có thể xem là thể bệnh nặng nhất của bệnh như ở chỗ nối dương vật và bìu dái, ở bìu dái và ở tầng sinh môn. Lỗ tiểu thấp làm cho trẻ khi tiểu tia nước tiểu không thẳng về phía trước mà thường lệch xuống phía dưới chân hoặc ra phía sau. Độ tuổi từ 3 – 6 tháng tuổi cho đến trước 18 tháng tuổi là giai đoạn phù hợp cho việc phẫu thuật nhất.
Một số trường hợp đặc biệt, như dương vật nhỏ thì bé có thể được mổ trễ hơn. Bác sĩ chuyên khoa sẽ là người quyết định thời điểm phẫu thuật ở những trường hợp này.
Quá trình chữa dị tật này bao gồm việc giải quyết hai vấn đề: Chuyển dương vật về đúng vị trí và làm dương vật thẳng khi cương cứng đồng thời phải tạo thêm một ống nữa nối từ lỗ tiểu bị thấp tới đỉnh quy đầu để dẫn nước tiểu và dẫn tinh sau này.
Tuổi để phẫu thuật và chữa trị tốt nhất là từ 2 – 4 tuổi. Mổ ở tuổi này sẽ giúp bộ phận sinh dục phát triển bình thường, tránh sự căng thẳng lâu dài về tâm lý cho bệnh nhân và gia đình. Trẻ tự tin hơn và không còn lo mặc cảm với bệnh nữa.
Lỗ tiểu lệch cao
Lỗ tiểu lệch cao là một dị tật bẩm sinh ở trẻ trai, biểu hiện là lỗ tiểu không đổ ra ở đỉnh đầu dương vật hay mặt dưới dương vật và bìu nhưng lại đổ ra ở mặt lưng, gần về phía mu. Có trường hợp lỗ tiểu đổ ra tại rãnh – viền quy đầu hoặc đổ ra dọc theo phần giữa lưng của dương vật tới xương mu.
Phức tạp nhất là trường hợp không có lỗ tiểu, bàng quang bị mở luôn ra ngoài ổ bụng khiến cho nước tiểu cứ chảy ra suốt ngày. Dị tật này khiến cho việc tiểu tiện trở nên bất thường, thường gây ẩm ướt và mùi khai khó chịu.
Từ đó dẫn đến việc dương vật hay bị biến dạng như ngắn, to bè, bị chẻ làm hai ở mặt trên và bị kéo ưỡn lên phía mu. Hình dạng bất thường này gây ra nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của những người mắc phải nó.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Đây là tình trạng các tĩnh mạch nằm phía trên tinh hoàn trở nên giãn ngoằn ngoèo. Nguyên nhân đến từ gia tăng áp lực của tĩnh mạch thận trái hoặc van tĩnh mạch có bất thường. Giãn tĩnh mạch thừng tinh thường là do máu chảy ngược về chỗ thấp chứ không chảy về tim như bình thường. Tĩnh mạch bị giãn gây ra ứ đọng máu ở vùng tinh hoàn.
Đa phần dị tật bộ phận sinh dục bé trai này không có triệu chứng cụ thể. Chỉ có thể gây đau nhẹ hay cảm giác nặng ở vùng bìu. Nếu tĩnh mạch thừng tinh giãn lớn, có thể gây ra khối sưng ở phía trên bìu.
Tình trạng này có thể gây cản trở việc tưới máu cho tinh hoàn, khiến cho tinh hoàn kém phát triển và ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh trùng khi bé trai trưởng thành. Để giải quyết các biến chứng này, việc phẫu thuật điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh thường được khuyến nghị.
Trên đây là những dị tật bộ phận sinh dục bé trai. CHEK Genomics hy vọng qua bài viết này, bố mẹ sẽ có thêm nhiều thông tin bổ ích, giúp chăm sóc sức khỏe con cái toàn diện hơn.