20 truyện cổ tích cho bé ngủ ngon để mẹ kể chuyện cho bé mỗi đêm
Mục Lục
1.11 Câu chuyện Gấu con bị sâu răng
“Trong rừng có một chú Gấu con rất thích của ngọt. Mật ong, bánh ga-tô, các loại kẹo, chú ăn bao nhiêu cũng chẳng chán. Gấu con nhai kẹo suốt ngày. Nhiều hôm đi ngủ rồi mà mồm vẫn còn ngậm kẹo.
Một hôm, răng Gấu con đau nhức. Nó ôm mặt khóc tu tu. Bao nhiêu bánh kẹo thơm ngon nhưng vì đau răng nên chẳng nhấm nháp được tì nào. Ở lớp học, cô giáo Sơn Dương luôn căn dặn học sinh:
– Sau khi ăn phải đánh răng, nhất là sau khi ăn đồ ăn ngọt!
Nhưng Gấu con chẳng chịu nghe lời. Nó bảo:
– Đánh răng trôi mất vị ngọt thì tiếc lắm!
Mẹ đưa Gấu con đến bệnh viện, bác sĩ Khỉ nói ngay:
– Răng cháu bị sâu hết cả rồi!
Gấu con ngạc nhiên nói:
– Cháu có ăn sâu bọ bao giờ đâu mà sâu lại cắn vào răng cháu ạ?
Bác sĩ Khỉ cười phá lên giải thích:
– Cậu bé ngốc ơi! Đó là do thức ăn, nhất là các loại bánh kẹo bám vào răng, không được đánh rửa sạch, lâu ngày sẽ biến thành “sâu” đục thủng chân răng, làm răng cháu đau nhức và có thể bị gãy hoặc lung lay. Chắc chắn ăn nhiều đồ ngọt xong, cháu không chịu đánh răng đúng không?
Gấu con cúi đầu khẽ “vâng”.
Bác sĩ Khỉ ân cần chữa răng cho Gấu con và dặn:
– Từ nay về sau, cháu phải đánh răng buổi sớm khi mới ngủ dậy, sau các bữa ăn và trước khi đi ngủ. Có thế mới giữ được những chiếc răng còn lại.
Gấu con sung sướng đáp:
– Vâng ạ!”
Ý nghĩa: Truyện cổ tích cho bé ngủ ngon là lời nhắc nhở đối với các bé, không nên ăn nhiều đồ ngọt và phải chăm chỉ đánh răng hàng ngày.
1.12 Câu chuyện Chú Lừa khôn ngoan
“Một con Lừa đang vui vẻ ăn cỏ trên một ngọn đồi mà không hề hay biết rằng có một con Sói đang rình nó. Khi con Lừa ăn xong và ngẩng đầu lên, nó ngỡ ngàng nhận ra con Sói đang đứng nhìn mình.
Con Lừa biết rằng mình phải suy nghĩ nhanh nếu muốn tự cứu lấy bản thân. Nó bắt đầu hét lên như thể mình đang bị thương rất nặng. Nghe tiếng hét, con Sói không hiểu chuyện gì đang xảy ra nên nó đã tiến lại gần và hỏi:
– Mày bị sao vậy?
– Một cái gai đâm vào chân tôi, anh có thể giúp tôi lấy nó ra được không?
– Tại sao tao phải làm thế?
– À, tại vì điều này có lợi cho anh. Cái gai rất nhọn. Nếu anh ăn thịt tôi, cái gai sẽ bị kẹt trong cổ họng của anh đấy.
Nghe cũng có lý, Sói chạy lại định giúp con Lừa lấy cái gai ra. Tuy nhiên, khi Sói đến gần, con Lừa đấm cho con Sói mấy cái và nhanh chân chạy trốn. Con Sói bị choáng váng và không kịp nhận ra chuyện gì nữa.
Sau khi bình tĩnh lại, Sói nhận thấy rằng mình bị mất vài cái răng. Sói cảm thấy vô cùng xấu hổ và thầm nguyền rủa về sự ngu ngốc của mình.”
Ý nghĩa: Khi gặp tình huống khó khăn, con hãy bình tĩnh dùng trí khôn của mình để vượt qua. Bên cạnh đó, truyện cổ tích cho bé ngủ ngon này còn nhắc nhở bé đừng bao giờ chỉ biết nghe người khác; hãy dùng não để phán đoán.
1.13 Câu chuyện Cậu bé Mũi Dài
“Ngày xưa có một cậu bé có cái mũi rất dài, vì thế mọi người gọi cậu là: “Bé Mũi Dài”
Một buổi sáng đẹp trời, tiếng gió vi vu thổi, tiếng chim họa mi hót véo von. Bé Mũi Dài nhìn thấy vườn hoa với muôn vàn bông hoa đua sắc khác nhau: Hoa hướng dương vàng rực, hoa hồng, hoa cẩm chướng đỏ tươi.
Chú bé nhìn thấy một cây táo sai trĩu quả, những quả táo chín đỏ, thơm nức. Chú vội vàng leo lên cây để hái nhưng… chú không trèo lên được vì vướng phải cái mũi dài của mình.
Bực quá chú nói: “Ước gì cái mũi của tôi biến mất, tôi chẳng cần cái mũi, tôi chỉ cần cái miệng để ăn đủ thứ thơm ngon trên đời, cũng chẳng cần có tai làm gì cả”.
Lúc đó chú Ong, cô Họa Mi đứng gần đó, thấy vậy đều ngạc nhiên nói:
– Tại sao bạn không cần mũi? Đối với tôi mũi rất cần, có mũi tôi mới có thể thở được, ngửi và phân biệt được các mùi thơm khác nhau của các loài hoa.
Lúc đó chim Họa Mi bay đến chỗ Mũi Dài nói:
– Nếu bạn không có tai thì làm sao nghe được tiếng hót của tôi và những âm thanh kỳ diệu xung quanh.
Các cô hoa cũng rung rinh nói:
– Nếu bạn không có mắt bạn có nhìn thấy những màu hoa rực rỡ của chúng tôi không?
Bé Mũi Dài nghe xong hốt hoảng thấy mình không thể thiếu chúng được. Từ đó, cậu luôn giữ gìn vệ sinh cơ thể, giữ gìn đôi mắt, cái mũi… không bao giờ có ý định vứt chúng đi nữa.”
Ý nghĩa: Truyện cổ tích cho bé ngủ ngon này nhấn mạnh tất cả các bộ phận đều cần thiết cho cơ thể; bé phải bảo vệ và giữ gìn vệ sinh cơ thể sạch sẽ.
1.14 Con Cừu Đen kêu be be
“Ngày xửa ngày xưa, có một con Cừu Đen sống trong một ngôi nhà nhỏ. Cứ đến mùa xuân, con Cừu Đen lại tự cạo sạch lông của mình và đem ra chợ bán cho những người muốn làm quần áo ấm.
Một năm nọ, nó nhận thấy rằng dường như không ai còn chuộng lông cừu đen nữa. Do đó, số lông cừu mà nó còn lại khá nhiều. Dù vậy, nó không muốn lãng phí số lông này nên đã quyết tâm bán tiếp. Hôm đó, chẳng có ai muốn mua lông của nó cả nên con Cừu Đen mang số lông ấy về nhà.
Ngày hôm sau, nó lại mang ra bán tiếp nhưng mọi chuyện cứ diễn ra y như hôm trước. Và hôm sau, hôm sau nữa cũng y như vậy.
Một ngày nọ, khi con Cừu Đen đang ngồi buồn rầu với số lông của mình, có một cậu bé chạy lại và hỏi nó có bán số lông này không. Nghe hỏi, con Cừu Đen vô cùng mừng rỡ và nói có.
Cậu bé chạy đến chỗ bố mẹ mình thông báo có chỗ bán lông cừu. Họ cùng nhau đến chỗ con cừu và ngỏ ý muốn mua hết toàn bộ số lông. Họ cho biết mình đến từ ngôi làng kế bên; đã tìm kiếm rất nhiều nơi để tìm mua lông cừu đen nhưng không có chỗ nào bán cả.
Ngày hôm ấy, con cừu trở về nhà và cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi những cố gắng của nó đã được đền đáp xứng đáng.”
Ý nghĩa: Hãy cố gắng, kiên trì và không bao giờ bỏ cuộc; truyện cổ tích cho bé ngủ ngon động viên rằng sự kiên định sẽ giúp bé sẽ thành công.
1.15 Hồ nước và Mây
Vào một ngày cuối xuân, những tia nắng đua nhau nhảy nhót trên mặt hồ nước. Mặt hồ lung linh, rạng rỡ dưới ánh mặt trời. Bỗng nhiên trời nổi gió. Chị Mây sà thấp xuống mặt hồ. Hồ nước cuộn sóng nói với chị Mây: “Khi có ánh nắng, tôi lóng lánh đẹp hẳn lên, thế mà chị lại che nắng của tôi”. Chị Mây tung tà áo đen kịt và nói:
– Cô bé ơi! Nếu không có tôi thì sao có cô?
– Tôi cần gì chị: Hồ nước lớn tiếng nói.
Chị Mây tức giận bỏ mặc Hồ nước và bay lên tận trời xanh.
Những ngày hè trời nắng chang chang. Hồ nước bị nung nóng bốc hơi dần lên nên ngày càng bé lại. Chị Mây vẫn giận hồ nước nên ở tít trên cao.
Hồ nước bị cạn kiệt dần. Nó cầu cứu: “Chị Mây ơi! Không có chị tưới nước xuống tôi chết mất”. Bầy cá tôm trong hồ cũng than vãn: “Chúng tôi chết mất vì thiếu nước…”.
Nghe tiếng gọi của Hồ nước và tiếng than vãn của bầy cá tôm… chị Mây bay về tưới nước xuống Hồ cả một ngày đêm. Hồ nước lớn dần lên. Mặt hồ lao xao sóng: “Cảm ơn chị Mây! Cảm ơn chị Mây!”. Hồ nước im lặng suốt cả mùa thu và mùa đông. Mặt hồ phẳng lặng như một tấm gương khổng lồ cho bầu trời xanh ngát cao vời vợi soi mình. Tà áo đen của chị Mây nhỏ dần. Mùa xuân sang, tà áo của chị Mây chỉ còn bằng dải lụa. Chị vội sà tấm thân mỏng tang, bé nhỏ xuống hồ nước mà nói:
– Không có cô bé, tôi cũng teo tóp dần không sống nổi đâu!
Hồ nước lao xao sóng. Ông mặt trời tốt bụng rọi những tia nắng ấm đầu hè xuống mặt hồ. Hồ nước bốc hơi. Trên trời cao, chị Mây lớn dần lên. Từ đó Hồ nước và Mây không bao giờ tranh cãi kể công với nhau nữa. Cả hai đều thấm thía bài học: “Ở đời không ai sống được một mình”.
Ý nghĩa: Truyện cổ tích cho bé ngủ ngon ngụ ý trong cuộc sống có những việc phải cần có sự giúp đỡ lẫn nhau mới có thể thành công được. Để cuộc sống luôn vui vẻ hạnh phúc; bé hãy quan tâm chia sẻ với mọi người; mọi việc sẽ đều tốt.
1.16 Vì sao Thỏ cụt đuôi?
“Thỏ và Nhím là đôi bạn rất thân. Thỏ vốn thông minh nhưng nghịch ngợm hay leo trèo nhảy nhót khắp nơi. Nhím hiền lành, chịu khó, tính tình cẩn thận , chắc chắn.
Một hôm Thỏ rủ Nhím ra ven rừng chơi. Cạnh rừng có một con đường đất đỏ chạy qua, bên kia là bãi cỏ rộng nhiều hoa thơm, bướm lượn, trông thật thích mắt.
Thỏ nói với Nhím: “Chúng mình chạy nhanh qua đường, sang bên kia tha hồ mà hái hoa, bắt bướm. Vốn tính cẩn thận Nhím nói: “Bên kia đường là bãi cỏ trống vắng, trên đường lại có ô tô chạy chúng mình đứng ngắm hoa cũng được”.
Thỏ nghĩ: “Bãi cỏ rộng thế tha hồ mà chạy nhảy, nếu có gì nguy hiểm thì mình chạy nhanh là được.”
Nghĩ rồi, Thỏ chạy băng qua đường. Vừa lúc ấy có một chiếc ô tô chạy đến. Thấy Thỏ, ô tô vội phanh thắng két một cái, chú Thỏ bé nhỏ chui tọt vào gầm xe, chiếc đuôi xinh đẹp của nó đã bị xe đè lên đứt rời ra.
Thấy Thỏ bị nạn, Nhím vội chạy ra đỡ Thỏ vào lề đường. Bị mất đuôi, Thỏ đau đớn, nó ân hận vì đã không nghe lời Nhím, chiếc đuôi của Thỏ còn lại một đọan ngắn ngủi trông thật xấu xí.
Nhím động viên Thỏ: “Từ nay chúng mình cùng phải cẩn thận hơn khi sang đường, phải nhìn sang trái, sang phải, không có xe đến gần mới được qua đường”. Thỏ bẽn lẽn: “Tớ đồng ý”.”
Ý nghĩa: Truyện cổ tích cho bé ngủ ngon này nhắc nhở bé phải cẩn thận khi tham gia giao thông; kẻo gây nguy hiểm cho chính bản thân và người khác.
1.17 Cây táo thần
Ngày xửa, ngày xưa đã lâu lắm rồi, có một cây táo thần mọc ở ngoại ô thành phố. Hàng ngày bọn trẻ thường đến chơi ở đó, nô đùa xung quanh cây táo và bứt những quả táo ngon trên cành để chia nhau ăn.
Một hôm có một cậu bé không biết từ đâu đến, cậu bé cau mày nói với bọn trẻ:
– Này chúng mày, vườn này là của tao, tao đã mua từ trước. Cây táo này là của tao, chúng mày đi chỗ khác chơi, cấm không được đến đây nữa.
Nghe vậy, bọn trẻ rất buồn, tất cả cúi đầu lặng lẽ ra về, chỉ còn cậu bé hống hách ở lại.
Cây táo biết tất cả mọi chuyện, bằng phép lạ nó làm cho cậu bé ngủ thiếp đi dưới gốc cây và cũng bằng phép lạ nó làm cho cậu bé nằm mơ. Cậu bé mơ thấy trên thân cây táo có một cái hốc rất lớn. Cậu cảm thấy bụng đói cồn cào. Cậu bé trèo lên cây và định bứt táo để ăn. Nhưng mỗi khi tay cậu bé chạm vào một quả táo thì cành táo laị quay đi chỗ khác và quả táo lại rơi vào cái hốc to tướng ở thân cây. Cứ như vậy cho đến khi tất cả trên cành rơi vào hết cái hốc, chỉ còn trơ lại một quả trên cành.
Cậu bé ngồi dưới gốc cây và khóc. Đến lúc đó cây táo mới cất tiếng hỏi:
– Tại sao cháu khóc?
Cậu bé mếu máo trả lời:
– Ông ích kỉ quá. Ông ăn hết cả táo, ông không cho cháu một quả nào. Cháu đói lắm rồi ông ạ.
Cây táo cười và nói:
– Cháu có nhớ là cháu đã đuổi hết tất cả các bạn không? Các bạn cũng muốn ăn táo của ông nhưng cháu không cho các bạn một quả nào, như vậy cháu có ích kỉ không?
Cậu bé nhớ lại lúc các bạn buồn rầu ra về, cậu bé thấy ân hận vô cùng, cậu bé ngước nhìn cây táo và nói:
– Vâng cháu biết lỗi rồi!
Cây táo cất tiếng cười vang, rung cả cây, làm cho quả táo còn lại cũng rơi trúng đầu cậu bé, cậu bé giật mình tỉnh giấc.
Cậu bé ngơ ngác nhìn xung quanh, cậu bé thấy mình đang nằm dưới gốc cây. Cái hố to tướng trên cây táo biến mất.
Cây táo vẫn đứng yên lặng và trên cây vẫn sai trĩu quả.
Cậu bé chồm dậy, nhớ đến giấc mơ, cậu vội chạy đi gọi các bạn:
– Này các bạn ơi! Quay lại đây chơi đi. Mình xin lỗi các bạn vì đã đuổi các bạn đi.
Thế là tất cả cùng nhau chạy ra vườn. Cậu tự mình trèo lên bứt những quả chín ném xuống cho các bạn. Các bạn lại cười đùa vui vẻ. Cậu bé chợt hiểu rằng điều hạnh phúc nhất trên trái đất này là cùng chia sẻ niềm vui với mọi người.
1.18 Khỉ và cá sấu
Ngày xưa, có một con khỉ sống trên một cây cao lớn và làm bạn với một con cá sấu sống ở dòng sông gần đó. Mỗi ngày, con khỉ sẽ hái những quả táo ngon ở trên cây và đem tặng bạn cá sấu.
Nhận được quà từ khỉ, cá sấu đem về và ăn chung với vợ mình. Vợ của cá sấu là một người rất tham ăn và muốn ăn cả trái tim của chú khỉ. Nghe mong muốn đó của vợ, cá sấu rất băn khoăn nhưng vẫn làm theo ý vợ. Cá sấu đã mời khỉ ngồi trên lưng mình để đưa đi tham quan dòng sông nhưng thật ra nó có ý định giết khỉ và lấy quả tim khi bơi đến giữa dòng.
Khi khỉ biết được mưu đồ xấu xa của cá sấu, nó đã nhanh trí nói với cá sấu rằng mình để quả tim ở trên cây. Nếu muốn lấy thì hãy chở nó quay lại. Cá sấu tin lời, chở khỉ quay trở lại để lấy quả tim. Thế nhưng, khi đến nơi, khỉ đã thoăn thoắt trèo lên cây và chẳng mấy chốc biến mất. Và thế là, kế hoạch của cá sấu đã hoàn toàn thất bại.
Ý nghĩa: Khi gặp phải tình huống khó khăn; bé hãy bình tĩnh, dùng trí thông minh để vượt qua điều đó.
1.19 Ngỗng và rùa
Hai vợ chồng ngỗng và rùa là những người bạn tốt. Mùa hè đến, trời bắt đầu nóng lên khiến hồ nước dần cạn kiệt. Vì vậy, chúng lên kế hoạch đi tìm một chỗ ở mới. Tuy nhiên, rùa không thể bay được nên ngỗng quyết định mang rùa theo bằng cách vợ chồng ngỗng cùng ngậm một cái cây bay hai bên, ở giữa chú rùa cũng ngậm cái cây đó. Điều duy nhất mà rùa cần phải nhớ là không được mở miệng ra khi bay.
Chúng bắt đầu cuộc hành trình của mình. Mọi người đều ngạc nhiên khi nhìn thấy chúng và bắt đầu la hét. Đột nhiên có ai đó cười lên: “Nhìn kìa, một con rùa bay”. Con rùa tức giận và đáp lại: “Tại sao cười tớ?”. Và tất nhiên, con rùa đã rớt xuống đất. May mắn thay, rùa rơi ngay vào một lùm cây nên không bị thương. Lúc này, rùa rất ân hận: “Giá như mình đừng lên tiếng, giờ này mình đã vui chơi cùng vợ chồng ngỗng rồi”.
Ý nghĩa: Đừng nói chuyện khi không cần thiết – mẹ nhớ kể truyện cổ tích cho bé ngủ ngon này thường xuyên nhé.
1.20 Cún con đi lạc
Có một cậu bé bị mất con cún con yêu quý của mình và tìm kiếm xung quanh. Cậu bé đã tìm khắp căn nhà nhưng không thấy cún đâu cả. Cậu đi lang thang khắp nơi từ sáng đến tối nhưng vẫn không tìm thấy.
Cậu bé trở về nhà trong tâm trạng buồn bã. Khi thấy anh hàng xóm đang ngồi bên hiên nhà, cậu đến gần để chúc ngủ ngon và sẵn tiện hỏi thăm xem anh này có nhìn thấy cún con của mình ở đâu không.
– Anh Tí ơi, sáng giờ anh có thấy con cún của em ở đâu không? Em đã tìm nó khắp nơi từ sáng đến giờ.
– Ồ có đấy. Có một con cún đang gặm xương ở đằng kia kìa. Anh không biết cún đó do em nuôi nên không báo em biết.
Ý nghĩa: Truyện cổ tích cho bé ngủ ngon này động viên đừng bỏ cuộc trước khi chưa cố gắng thật nhiều.
2. Lợi ích khi kể truyện cổ tích cho bé ngủ ngon
Truyện cho bé ngủ ngon mang lại nhiều lợi ích mà mẹ không ngờ tới:
2.1 Tạo mối quan hệ gần gũi giữa cha mẹ và con trẻ
Trong quá trình nuôi dạy con, khi kể truyện cổ tích cho bé ngủ ngon; cha mẹ thường dùng các ngữ điệu phù hợp theo từng lời thoại các nhân vật trong truyện, bé rất thích thú.
Vào những lúc này, bé và cha mẹ sẽ thường xuyên chia sẻ nhiều hơn các câu chuyện hàng ngày như: hôm nay con đi nhà trẻ chơi gì, ăn gì, học gì chẳng hạn. Khi đó, truyện cổ tích cho bé ngủ ngon sẽ giúp thắt chặt tình cảm.
2.2 Truyện cổ tích cho bé ngủ ngon giúp giáo dục tâm lý hành vi trẻ
Ngoài ra mỗi một mẩu truyện cổ tích khi mẹ kể chuyện cho bé ngủ ngon luôn có ý nghĩa riêng và bài học đơn giản. Các mẹ có thể đố con để con tự suy nghĩ và vận động. Sau đó các mẹ nhận xét và phân tích kỹ hơn các bài học cho con. Đây là một phương pháp giáo dục định hướng tốt về tâm lý và hành vi sau này.
>> Cha mẹ có thể xem thêm: 13 tác hại khi cho trẻ xem tivi có thể khiến bạn bất ngờ