365 Truyện Kể Hay Và Ý Nghĩa Cho Bé Trước Khi Đi Ngủ
Kể chuyện cho bé ngủ là một thói quen tốt không chỉ giúp bé an giấc mà còn giúp bé phát triển trí tuệ, nuôi dưỡng bé thành người trí tài. Bố mẹ đã lựa chọn được những câu chuyện hay, đáp ứng những tiêu chí như sự thú vị, hấp dẫn, chứa đựng bài học ý nghĩa cho bé hay chưa? Nếu chưa thì hãy cùng Tusachtinhhoa điểm tên những câu truyện kể cho bé mỗi đêm hay, ý nghĩa, nuôi dưỡng trí thông minh cho trẻ ngay từ nhỏ.
Xem thêm:
- Truyện Cậu Bé Tích Chu – Bài học, ý nghĩa rút ra từ câu chuyện
Những truyện kể cho bé ngủ ngon
Dưới đây là top list những câu truyện kể cho bé ngủ ngon. Khi đọc truyện thì các mẹ cũng có thể biến tấu câu chuyện theo nhiều hướng khác nhau để bé thấy sự hấp dẫn, mỗi lần nghe là một lần phiêu lưu mới.
Sóc và Thỏ đi tắm nắng – Kể chuyện thai giáo cho bé
“Một ngày nắng đẹp, chú Sóc đi dạo trên bờ sông và thấy bên kia sông có một chú Thỏ cũng đang đi dạo chơi.
Sóc tinh nghịch, nhặt một viên sỏi ném về phía Thỏ. Viên sỏi rơi xuống nước gần nơi Thỏ đứng làm nước bắn lên tung tóe vào mặt và người Thỏ.
Chú Thỏ giận quá, cúi đầu nhặt viên đá ném trả lại bên Sóc. Đá cũng rơi xuống nước và sóc cũng bị ướt như Thỏ.
Lần này đến lượt Sóc tức giận. Sóc lượm một viên sỏi lớn hơn và ném qua bên Thỏ. Cứ thế, chú Sóc và chú Thỏ ném qua ném lại tới khi cả hai cùng mệt nhoài. Sau cùng, Sóc nói với Thỏ:
– Thôi chúng ta đừng ném nhau nữa nhé? Nếu cứ ném như vậy lỡ mà ném vào đầu hoặc vào trán thì đau lắm đấy !
Thỏ chạy qua cầu và chìa tay ra nói:
– Vậy thì mình làm bạn với nhau nhé! Chúng ta cùng nhau đi tắm nắng và xem hoa thì vui lắm bạn nhỉ?
Chú Sóc và chú Thỏ cầm tay nhau vừa đi, vừa hát thật là vui”
Truyện đọc cho bé: Khỉ và cá sấu
“Ngày xưa, có một con khỉ sống trên một cây cao lớn và làm bạn với một con cá sấu sống ở dòng sông gần đó. Mỗi ngày, con khỉ sẽ hái những quả táo ngon ở trên cây và đem tặng bạn cá sấu. Nhận được quà từ khỉ, cá sấu đem về và ăn chung với vợ mình. Vợ của cá sấu là một người rất tham ăn và muốn ăn cả trái tim của chú khỉ. Nghe mong muốn đó của vợ, cá sấu rất băn khoăn nhưng vẫn làm theo ý vợ.
Cá sấu đã mời khỉ ngồi trên lưng mình để đưa đi tham quan dòng sông nhưng thật ra nó có ý định giết khỉ và lấy quả tim khi bơi đến giữa dòng. Khi khỉ biết được mưu đồ xấu xa của cá sấu, nó đã nhanh trí nói với cá sấu rằng mình để quả tim ở trên cây. Nếu muốn lấy thì hãy chở nó quay lại. Cá sấu tin lời, chở khỉ quay trở lại để lấy quả tim. Thế nhưng, khi đến nơi, khỉ đã thoăn thoắt trèo lên cây và chẳng mấy chốc biến mất. Và thế là, kế hoạch của cá sấu đã hoàn toàn thất bại.”
Ý nghĩa câu chuyện: Khi gặp phải tình huống nguy hiểm, khó khăn thì cần phải bình tĩnh, để vượt qua điều đó thì cần sử dụng trí thông minh của mình.
Chó sói và đàn dê
“Ngày xửa ngày xưa, ở một khu rừng nọ có một con dê mẹ và 7 chú dê con. Họ sống với nhau hạnh phúc trong một ngôi nhà nho nhỏ, xinh xắn và ấm cúng.
Dê mẹ thường phải vào rừng để tìm cỏ non, vì ăn cỏ no thì dê mẹ mới có sữa cho đàn dê con bú. Một hôm, khi chuẩn bị đi vào rừng, dê mẹ bèn gọi đàn con lại dặn dò: ”Các con ở nhà nhớ khóa chặt cửa. Khi nào mẹ về, nghe thấy mẹ đọc bài thơ này thì hẵng mở cửa ra:
-
Dê con ngoan ngoãn.
-
Mau mở cửa ra.
-
Mẹ đã về nhà.
-
Cho các con bú.”
7 chú dê con vâng lời mẹ đóng chặt cửa. Thế nhưng, có một con chó sói độc ác sống ở gần đó đã nghe thấy lời dặn của dê mẹ. Sau một hồi tính toán, nó nảy ra ý định lừa dê con mở cửa để ăn thịt các chú.
Sau khi dê mẹ đi khỏi, chó sói liền đến gõ cửa rồi giả giọng dê mẹ:
-
“Dê con ngoan ngoãn.
-
Mau mở cửa ra.
-
Mẹ đã về nhà.
-
Cho các con bú.”
Bảy chú dê con nhận ra giọng ồm ồm của chó sói nên đã nhất quyết không mở cửa.
Một lúc sau, chó sói lại đến và gõ cửa. Lần này nó giả giọng nhẹ nhàng hơn cho giống với giọng dê mẹ. Nhưng lần này, nó cũng không vào được ngôi nhà vì những chú dê con thông minh đã đòi sói phải cho xem móng. Khi thấy móng chân đen xì của con sói, các chú đã không cho nó vào.
Chó sói nham hiểm liền đến tiệm bánh mua bột mì trắng và xoa vào móng vuốt của mình.
Khi nó đến gõ cửa lần thứ ba, những chú dê con nhìn thấy bộ móng màu trắng và cứ tưởng rằng đó là mẹ của mình. Dê con mở cửa cho sói vào nhà và nó lao đến và nuốt chửng cả bầy dê vào bụng; may thay chú dê bé nhất trốn thoát được. No nê, con sói độc ác tìm một gốc cây rồi lăn ra ngủ. Khi ấy, dê mẹ trở về và chú dê bé nhất nhào vào lòng mẹ nức nở.
Dê mẹ liền mổ bụng sói ra. Lần lượt từng chú dê con nhảy ra. Dê mẹ bảo dê con lấy đá nhét vào bụng sói và khâu lại. Khi chó sói tỉnh dậy nó cảm thấy vô cùng khát nước, nó lần mò ra giếng uống nước.
Vì trong bụng nặng trĩu toàn đá là đá nên nó bị rơi tòm xuống giếng. Thế là hết đời con sói gian ác.”
Ý nghĩa, bài học rút ra từ câu chuyện: Sẽ có những người xấu, kẻ gian tìm cách dụ dỗ, làm hại các bé nên để đảm bảo an toàn thì hãy động viên các bé nghe lời cha mẹ.
Đeo chuông cho mèo
“Trong một cửa hàng bách hóa nọ có rất nhiều chuột. Hằng ngày, chúng phá phách và làm hư hỏng rất nhiều hàng hóa. Vì vậy, chủ tiệm đã quyết định mua một con mèo để dẹp yên lũ chuột này. Đàn chuột rất lo lắng về điều đó và tìm cách tự cứu lấy mình.
Một con chuột đứng dậy và nói: “Tôi có kế hoạch này, nếu chúng ta đeo một cái chuông vào cổ của con mèo; mọi cử động của nó, chúng ta đều biết được”. Đây cũng là một ý kiến hay, thế nhưng vấn đề được đặt ra là ai sẽ làm điều đó. Và khi câu hỏi này được nêu lên, không một ai đáp lại.”
Bài học rút ra: Qua câu chuyện này cho thấy sẽ rất lãng phí thời gian nếu đưa ra giải pháp không hiệu quả.
Rùa và Thỏ
“Ngày xửa ngày xưa, có một con Rùa và một con Thỏ sống trong một khu rừng xinh đẹp và yên tĩnh. Ngày ngày chúng vui chơi với nhau như hai người bạn thân. Một hôm, Thỏ và Rùa cãi nhau xem ai nhanh hơn. Rồi chúng quyết định giải quyết việc tranh luận bằng một cuộc thi chạy đua. Thỏ và Rùa đồng ý lộ trình và bắt đầu cuộc đua. Thỏ xuất phát nhanh như tên bắn và chạy thục mạng rất nhanh, khi thấy rằng mình đã khá xa Rùa, Thỏ nghĩ nên nghỉ cho đỡ mệt dưới một bóng cây xum xuê lá bên vệ đường. Vì quá tự tin vào khả năng giành chiến thắng của mình, Thỏ ngồi dưới bóng cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi. Rùa chạy mãi rồi cũng đến nơi, thấy Thỏ đang ngủ ngon giấc Rùa từ từ vượt qua Thỏ và về đích trước Thỏ. Khi Thỏ thức dậy thì rùa đã đến đích và trở thành người chiến thắng. Lúc này Thỏ biết mình đã thua cuộc vì quá tự tin vào khả năng của mình, còn Rùa chiến thắng vì kiên trì bám đuổi mục tiêu và làm việc hết sức trong khả năng của mình, cộng với một chút may mắn và giành chiến thắng.”
Ý nghĩa câu chuyện: câu chuyện này giáo dục đức tính nhẫn nại, siêng năng, kiên trì. Những người nhanh nhẹn nhưng suy nghĩ cẩu thả thì tới cuối cùng cũng sẽ bị người siêng năng, kiên nhẫn đánh bại dù họ chậm hơn rất nhiều.
Dê đen và dê trắng
“Dê đen và Dê trắng cùng sống trong một khu rừng. Hàng ngày, cả hai thường đến uống nước và tìm cái ăn ở trong khu rừng quen thuộc.
Một hôm, Dê trắng đi tìm cái ăn và uống nước suối như mọi khi. Dê đang mải mê gặm cỏ, bất chợt một con Sói ở đâu nhảy xổ ra. Sói quát hỏi:
– Dê kia! Mi đi đâu?
Dê trắng sợ rúm cả người, lắp bắp:
– Dạ, dạ, tôi đi tìm… tìm cỏ non và…và uống nước suối ạ!
Sói lại quát hỏi:
– Mi có gì ở chân?
– Dạ, dạ, chân của tôi có móng ạ…ạ!
– Trên đầu mi có gì?
– Dạ, dạ, trên đầu tôi có đôi sừng mới nhú…
Sói càng quát to hơn:
– Trái tim mi thế nào?
– Ôi, ôi, trái…trái tim tôi đang run sợ…sợ…
– Hahaha…
Sói cười vang rồi ăn thịt chú Dê trắng tội nghiệp
Dê đen cũng đi tới khu rừng để ăn cỏ non và uống nước suối. Đang tha thẩn gặm cỏ, chợt Sói xuất hiện, nó quát hỏi:
– Dê kia, mi đi đâu?
Dê đen nhìn con Sói từ đầu tới chân rồi ngước cổ trả lời:
– Ta đi tìm kẻ nào thích gây sự đây!
Sói bị bất ngờ, nó hỏi tiếp:
– Thế dưới chân mi có gì?
– Chân thép của ta có móng bằng đồng.
– Thế…thế…trên đầu mi có gì?
– Trên đầu của ta có đôi sừng bằng kim cương!
Sói sợ lắm rồi, nhưng vẫn cố hỏi:
– Mi…mi…trái tim mi thế nào?
Dê đen dõng dạc trả lời:
– Trái tim thép của ta bảo ta rằng: hãy cắm đôi sừng kim cương vào đầu Sói. Nào, Sói hãy lại đây.
Ôi trời, sợ quá, con Sói ba chân bốn cẳng chạy biến vào rừng, từ đó không ai trông thấy nó lởn vởn ở khu rừng đó nữa.”
Ý nghĩa câu chuyện: Qua câu chuyện này thì bạn có thể truyền tải cho bé nhiều thông điệp khác nhau. Ví dụ như trước những tình huống khó khăn, nguy hiểm cần lạc quan tìm cách ứng xử, cần bản lĩnh để giải quyết vấn đề.
Chú bé chăn cừu
“Một chú bé chăn cừu cho chủ thả cừu gần một khu rừng rậm cách làng không xa lắm. Chăn cừu được ít lâu, chú cảm thấy công việc chăn cừu thực là nhàm chán. Tất cả mọi việc chú có thể làm để giải khuây là nói chuyện với con chó hoặc thổi chiếc sáo chăn cừu của mình.
Một hôm, trong lúc đang ngắm nhìn đàn cừu và cánh rừng yên tĩnh chú bé chợt nhớ tới lời chủ của chú từng dặn rằng khi sói tấn công cừu thì phải kêu cứu để dân làng nghe thấy và đánh đuổi nó đi.
Thế là chú nghĩ ra một trò chơi cho đỡ buồn. Mặc dù chẳng thấy con sói nào, chú cứ chạy về làng và la to:
– Sói ! Sói !
Đúng như chú nghĩ, dân làng nghe thấy tiếng kêu bỏ cả việc làm và tức tốc chạy ra cánh đồng. Nhưng khi đến nơi, họ chẳng thấy sói đâu, chỉ thấy chú bé ôm bụng cười ngặt nghẽo vì đã lừa được họ.
Ít ngày sau chú bé chăn cừu lần nữa lại la lên:
– “Sói ! Sói !”.
Và một lần nữa dân làng lại chạy ra giúp chú. Nhưng họ lại chẳng thấy con sói nào, chỉ thấy chú bé chăn cừu nghịch ngợm ôm bụng cười khoái chí.
Thế rồi vào một buổi chiều nọ, khi mặt trời lặn xuống sau cánh rừng và bóng tối bắt đầu phủ đầy lên cánh đồng, một con sói thực sự xuất hiện. Nó nấp sau bụi cây rình bắt những con cừu béo non. Bỗng sói phóng vút ra chộp lấy một chú cừu tội nghiệp. Thấy sói cả đàn cừu sợ hãi chạy toán loạn, chú bé chăn cừu cũng hoảng loạn vô cùng.
Quá hoảng sợ, chú bé chăn cừu vội chạy về làng và la to:
– “Sói ! Sói !”.
Nhưng mặc dù dân làng có nghe tiếng chú kêu, không một ai chạy ra để giúp chú như những lần trước cả. Vì mọi người nghĩ chú lại bày trò nói dối như trước.
Thế là sói thỏa sức bắt mồi, giết chết rất nhiều cừu của chú bé. Sau khi đã chén no nê, nó biến mất vào rừng rậm. Chú bé buồn bã ngồi giữa đồng cỏ, lòng đầy hối hận về hành động nói dối của mình và hậu quả của trò đùa dại dột gây ra.”
Ý nghĩa câu chuyện: nói dối chính là một tật xấu, người hay nói dối ngay cả khi nói thật cũng không có ai tin.
Với những câu chuyện kể hay, đầy ý nghĩa trên đây thì hãy cùng đưa bé vào thế giới của những giấc mơ đẹp. Thường xuyên kể chuyện cho bé không chỉ giúp con tăng khả năng biểu cảm, phát triển ngôn ngữ, trí tưởng tượng mà còn vun đắp, bồi dưỡng tâm hồn trẻ, gắn kết tình cảm. Bé sẽ rất vui và hạnh phúc khi được bố mẹ kể chuyện cho nghe.