39 năm bài hát “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”

Trong cuốn nhật ký của tôi ghi 4 lần nhạc sĩ Xuân Hồng đến thăm Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN), nhưng tôi nhớ nhất là lần cuối năm 1974, khi chúng tôi mới đi “sơ tán” xa trở về Hà Nội. Hôm đó, Xuân Hồng cùng đi với nhà thơ Bảo Định Giang (người từng giữ chức Trưởng ban Văn nghệ Đài TNVN từ thời 1956). Tôi không dự buổi tiếp, vì được Trưởng ban Phạm Tuân giao nhiệm vụ đi đặt bữa “Chả cá Lã Vọng” chiêu đãi các bạn Miền Nam.

Bữa ăn đơn giản, nhưng là “đặc sản” Hà Nội, nên anh Xuân Hồng nói vui rằng: “Sang năm là năm Mẹo (Ất Mão – 1975), mà Mèo lại thích ăn cá, chắc là báo hiệu cho năm Mão thắng to”. Anh Bảo Định Giang nói luôn: “Chắc là Cá sắp hóa Rồng rồi!”. Sau đó anh đọc bài thơ “Xuân Sài Gòn”, trong đó có câu “Xuân này em lại gặp anh – Bến Nghé sóng hát, Bến Thành chợ đông”. Anh Xuân Hồng buột miệng hát luôn “Mùa xuân này về trên quê ta, khắp đất trời biển rộng bao la…”.

Nhạc sĩ Xuân Hồng (Ảnh tư liệu: Hội nhạc sĩ Việt Nam)

Chúng tôi nghe mà cứ nghĩ đó là mở đầu cho một bài hát mùa xuân cho quê hương, đất nước nói chung. Ai ngờ, đó chính là tiền đề cho ca khúc “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” sau ngày đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà. Cái ý về địa danh Bến Nghé, Bến Thành ấy của nhà thơ cũng được nhạc sĩ đưa vào bài hát.

Năm 1980, Xuân Hồng ra Hà Nội, đến thăm Đài. Chúng tôi nhắc lại bữa “chả cá” đầy kỷ niệm lần trước, anh hát lại ca khúc “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh” trong tiếng guitar rộn ràng, giữa tình người văn nghệ thật ấm cúng.

Xuân Hồng kể: “Dạo đó rời Hà Nội, chúng tôi vào B2 ở rừng Lộc Ninh, Tây Ninh. Tháng 3 năm 1975, chiến dịch Tây Nguyên bắt đầu, mở màn cho đại thắng mùa xuân, quân ta thần tốc tiến lên. Lúc ấy, với cương vị là Trưởng ban Văn nghệ Cục chính trị quân giải phóng Miền Nam, tôi cùng anh chị em vạch kế hoạch phục vụ chiến sĩ và đồng bào các khu giải phóng và nhắc nhở các văn nghệ sĩ khẩn trương sáng tác tác phẩm cho kịp với thời cuộc.

Riêng tôi đã có ý, đã từng phác thảo, nay cố gắng chỉnh sửa lần cuối cho xong ca khúc mới để chào mừng Sài Gòn giải phóng. Sau ngày thống nhất, để góp vào tiếng hát chung ca ngợi thành phố, các đoàn văn công, các đội văn nghệ đều dàn dựng theo cách riêng của mình bài hát “Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh”. Sau đó, ca khúc được các đài phát thanh và truyền hình phổ biến rộng rãi”.

Nhiều bài hát của Xuân Hồng, nếu tách riêng phần lời thì giống như một bài thơ, rất đẹp ý tươi vần. Tôi phục ông và học ở ông điều đó. Ở ca khúc này cũng vậy:

“Mùa Xuân này về trên quê ta

Khắp đất trời biển rộng bao la

Cây xanh tười ra lá trổ hoa

Chào mùa Xuân về với mọi nhà

Thành phố Hồ Chí Minh quê ta

Đã viết nên thiên anh hùng ca

Thiên anh hùng ca ngàn năm sáng chói

Lưu danh đến muôn đời.

Thành phố Hồ Chí Minh năm nay

Mùa Xuân về rợp bóng cờ bay

Nước thêm trong dòng sông Bến Nghé

Chợ thêm đông chợ vui Bến Thành…”

Nhạc sĩ Xuân Hồng tên khai sinh là Nguyễn Hồng Xuân, sinh năm 1928 tại Châu Thành, Tây Ninh trong một gia đình nông dân yêu thích nhạc tài tử, do đó ông học nhạc từ rất sớm. Xuân Hồng tham gia cách mạng từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp với nhiệm vụ giao liên. Ngoài làm nhiệm vụ, ông bắt đầu tham gia hoạt động văn nghệ ở chiến trường.

Năm 1949, ông bắt đầu sáng tác những ca khúc đầu tiên. Năm 1954, ông được phân công hoạt động bí mật ở miền Nam. Năm 1960, ông tham gia Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và làm chính trị viên đơn vị C.40. Thời điểm này ông có được nhiều sáng tác, trong đó kể đến ca khúc “Bài ca may áo”.

Năm 1963, ông được giao nhiệm vụ thành lập đoàn văn công của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ đây, những nhạc phẩm nổi tiếng của ông ra đời như “Xuân chiến khu” (1963), “Chiếc khăn tay” (1964), “Hành quân đêm” (viết với Trí Thanh – 1965) và “Tiếng chày trên sóc Bom Bo” (1966).

Năm 1967, ông làm trưởng đoàn ca múa Quân giải phóng rồi sau đó được cử đi học sáng tác tại Trường âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia). Năm 1973, ông trở về chiến trường miền Đông Nam bộ. Sau 1975, đất nước thống nhất, ông giữ chức Trưởng phòng nghệ thuật sân khấu Sở Văn hoá, Phó Chủ tịch Hội văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó ông đã trải qua nhiều chức vụ khác như Tổng thư ký Hội Âm nhạc thành phố Hồ Chí Minh, Uỷ viên thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá III, Phó Tổng thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khoá IV.

Những ca khúc tiếp theo đó của ông như “Mùa xuân bên cửa sổ”, “Cây đàn guitar của đại đội ba”, “Người mẹ Việt Nam”, “Nắng Sài Gòn”… vẫn được công chúng đón nhận và yêu thích. Xuân Hồng là một nhạc sĩ có nhiều sáng tác hay về mùa xuân. Những sáng tác của ông đa phần đều mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, dễ nghe và dễ đi vào lòng người.

Ông mất vào tháng 5/1996. Những đóng góp của ông cho sự nghiệp cách mạng dân tộc đã được ghi nhận xứng đáng với giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu; giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 2000, ông được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Ngày 30/4/2004, nhạc sĩ Xuân Hồng được truy tặng Huân chương Độc lập./.

Alternate Text Gọi ngay