5 món ăn làm nên danh tiếng ẩm thực miền Tây sông nước – Văn Chương Phương Nam
Mai Anh
(Vanchuongphuongnam.vn) – “Miền Tây” không chỉ nhắc người ta về một vùng đất xanh mát, trù phú mà còn khơi dậy trong lòng du khách những “món ngon tuyệt đỉnh” chỉ vùng Đồng bằng sông Cửu Long mới có. Nam Bộ nói chung và miền Tây nói riêng với khí hậu “mưa thuận gió hòa” quanh năm, tạo điều kiện cho cây lá tốt tươi, sông ngòi tràn đầy phù sa bồi đắp. Chính nhờ điều kiện như vậy đã hình thành nên nền ẩm thực miền Tây rất phong phú và đa dạng. Hầu như du khách nào đến miền Tây, ngoài mục đích tham quan ngoại cảnh còn để thưởng thức những đặc sản và món ngon nổi tiếng của miền Tây.
Trong vô vàn những món ngon, món lạ, đặc sản ấy, có 5 món ăn làm nên danh tiếng ẩm thực miền Tây sông nước, nức tiếng gần xa.
1. Lẩu mắm
Lẩu mắm – đặc sản nổi tiếng của ẩm thực miền Tây sông nước.
Nhờ sự ưu đãi mà mẹ thiên nhiên ban tặng, vùng đất sen hồng miền Tây quanh năm luôn có một lượng thực phẩm cá tươi ngon dồi dào. Đặc biệt vào những mùa nước nổi bắt đầu, hàng trăm các loại cá từ thượng nguồn đổ về. Để không lãng phí thức ăn, người dân đã chế biến cá thành các loại mắm để sử dụng được lâu dài hơn. Từ đó, nhiều món ăn đặc sản hấp dẫn với nguyên liệu chính là mắm cá như: bún mắm, mắm kho, mắm chưng,…Đặc biệt Lẩu mắm. Lẩu mắm là một trong những món bình dân không thể thiếu trong các bữa ăn gia đình người dân nơi đây.
Hương vị đặc trưng làm nên món lẩu mắm chính là nước lèo mắm chưng. Đa phần mắm cá sặc hoặc cá linh thường được sử dụng phổ biến, bởi cá có thịt rất thơm và khá béo. Một số nơi có thể dùng thêm mắm cá lóc hoặc mắm trèn tùy vào sở thích của mỗi người. Mắm cá được chế biến từ cá còn tươi, làm sạch và ngâm với muối đã pha tầm 6 tiếng. Sau đó ướp cá với các loại gia vị như bột thính, đường thốt nốt,… và xếp cá vào hộp đậy kín trong vòng khoảng từ 3 tuần để cá được ngấm đều.
Lẩu mắm được ăn kèm với các loại rau sống, tôm, cá mực hoặc thịt bò… bằng cách nhúng vào nồi nước lẩu đang sôi cho tới chín. Khi nhúng, vị rau, tôm, mực… càng làm cho nước dùng thêm ngon ngọt, hấp dẫn.
Rau dùng để ăn kèm lẩu mắm đều là những loại rau “hương đồng cỏ nội” đậm chất miền Tây. Với những du khách ở vùng khác tới chắc chắn sẽ ngạc nhiên với những loại rau vừa lạ lại vừa quen. Và có những loại rau du khách chưa bao giờ được thưởng thức.
Rau bông súng, rau đắng, rau ngò om, đọt nhãn lồng, rau càng cua, rau dừa, bông so đũa, bông điên điển… là những loại rau không thể thiếu khi ăn lẩu mắm. Rau và các thực phẩm khác vừa chín tới ăn ngọt vô cùng. Kèm theo đó là chén nước chấm chua chua, cay cay đúng là tuyệt vời. Lẩu mắm ăn kèm với bún tươi. Với sự hòa quyện hương vị đậm đà của các loại hải sản và rau củ quả, lẩu mắm miền Tây từng bước chinh phục được cả các tiêu chuẩn về ẩm thực khó tính nhất và để lại ấn tượng khó quên trong lòng người thưởng thức.
2. Lẩu cá linh bông điên điển
Hấp dẫn với món lẩu cá linh kết hợp bông điên điển.
Miền Tây mùa mước nổi là khoảng thời gian đặc biệt trong năm với bao món ngon dân dã và những đặc sản làm say lòng người. Nếu bông súng mắm kho đậm đà, cá lóc nướng trui ngọt thơm khó cưỡng, cá rô kho tiêu dân dã mà khó quên, ba khía muối hấp dẫn bởi mùi vị quyến rũ thì lẩu cá linh bông điên điển lại là món ăn mang hương vị ngọt thanh, giản dị mà thoảng mùi hương đồng gió nội miền sông nước. Có thể nói rằng ai đến miền Tây mà không thưởng thức món ngon này thì quả thật là điều đáng tiếc.
Vị ngọt của cá linh non còn chưa tượng xương với vị hăng hăng của bông điên điển đã được đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Tây Nam bộ hòa quyện vào cùng một món ăn. Cá linh sau khi làm sạch bụng, sẽ cho vào nồi nước me chua nấu. Do cá rất nhanh chín nên khi cho vào đợi nước sôi trở lại thì cho giá, cà chua, ngò gai, rau thơm và hoa điên điển vào đun thêm 1 phút, sau đó tắt bếp và cho gia vị, hạt nêm.
Bông điên điển với cá linh là một sự kết hợp độc đáo, rất miền Tây và có lẽ chỉ ở xứ sở này người ta mới có thể tìm thấy món ngon như thế. Vị ngọt từ cá linh, vị chua chua, thơm giòn của bông điên điển chấm với nước mắm mặn pha ớt… khiến cho những ai từng ăn món này đều phải gật gù khen ngon.
3. Ba khía muối
Đây là món ăn rất thân quen với người dân vùng sông nước miền Tây và đã đi vào bữa cơm hằng ngày của nhiều gia đình miền sông nước. Ba khía được gỡ bỏ vỏ, trộn đều với tỏi ớt, đường và chanh, chỉ đợi tầm 30 phút cho ngấm là ăn được. Món ăn đẫm vị ngọt của đường, vị chua của chanh, vị cay nồng của tỏi ớt, chỉ cần ăn với cơm trắng cũng đủ ngon.
Theo nhận xét của những người sành ăn, ba khía ngon là con ba khía có nhiều gạch (gạch son thì màu đỏ, gạch bùn thì màu xám, gạch giá thì màu trắng đục); thịt chắc, khi bẻ cái càng con ba khía ra, thịt không bị dính lại ngoe, càng. Và ba khía ngon nhất là loại ba khía đang ôm trứng.
Thường thì ba khía muối đúng một tuần là có thể vớt ra và trộn ướp gia vị ăn được. Đúng thời gian này, con ba khía muối ngon nhất, sớm hơn thì thịt ba khía chưa “chạy”, chậm hơn thì ba khía muối mất hết thịt. Khi lượng ba khía muối ở nhà để dành ăn từ từ hơi nhiều hoặc là chia ra các keo nhỏ cho cả nước muối vào rồi để vô tủ lạnh hoặc trộn ướp gia vị vừa ăn rồi để vào tủ lạnh ăn dần.
4. Chuột đồng nước lu
Đi khắp Nam Bộ mùa nước nổi, bạn sẽ thấy nơi đâu cũng bày bán thịt chuột đồng. Ngoài món chuột hun khói vốn đã rất quen thuộc, thì món chuột đồng quay lu không chỉ là món ăn mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người dân Nam Bộ và thường chỉ có sau mùa gặt.
Chuột để nướng lu phải là những chú chuột đã ăn no lúa chín, béo múp, được làm sạch ruột, cắt móng, rồi tẩm ướp gia vị cho thấm, sau đó móc từng con vào lu. Người chế biến phải rất khéo, vừa quay vừa trở tay, thêm mỡ, thêm nước gia vị, để sao cho lớp da bên ngoài giòn, vàng óng, không bị khô quá mà bên trong thịt vẫn chín mềm.
Ngoài quay lu, chuột đồng còn được nướng hoặc hấp, nhưng quay lu có lẽ là ngon hơn cả và nhất định phải là chuột của mùa lúa tháng 9, tháng 10, cũng là mùa nước nổi.
Chuột đồng quay lu vàng óng, bắt mắt với những gia vị được tẩm ướp vừa miệng khiến thực khách phải xuýt xoa với mùi thơm nức hấp dẫn. Chuột nướng lu ăn kèm muối tiêu chanh và rau răm, chuối chát, cà chua, dưa leo… Cắn miếng thịt chuột, cảm nhận lớp da giòn tan, thịt thơm và mềm, bạn sẽ quên mất cảm giác ghê ghê, chỉ còn vị ngọt cứ tan dần trong huyết quản.
Nếu đã từng một lần nếm thử chuột đồng chắc chắn du khách sẽ nhớ mãi và muốn quay lại miền Tây để thưởng thức.
5. Gỏi sầu đâu cá sặc
Gỏi sầu đâu cá sặc là một trong những đặc trưng của nền văn hoá ẩm thực Khơ me, được lưu truyền từ Camphuchia sang. Món gỏi gồm có thịt ba chỉ, cá sặc, tôm, dưa chuột, xoài, rau thơm… nhưng đặc biệt nhất vẫn là nước chấm me chua ngọt rưới lên hỗn hợp nguyên liệu, khơi dậy mùi vị, cuốn hút thực khách. Gỏi có thể ăn chơi như các món gỏi của người miền Bắc, có thể ăn kèm với cơm nóng ấm bụng mỗi khi trời đổi gió hay những cơn mưa bất chợt.
Cứ độ tháng 10 về, những cây sầu đâu lại thay lá, ra hoa, người dân nơi đây được mùa thu hoạch, người lữ khách thập phương lại được dịp thưởng thức món đặc sản gỏi sầu đâu khô cá sặc ngon trứ danh của miền Tây sông nước. Lá non và hoa sầu đâu sau khi rửa sạch thì trụng qua nước sôi cho bớt đắng, để ráo nước. Dưa leo, thơm và xoài thái mỏng. Khô cá sặc đem nướng rồi xé nhỏ. Thịt ba chỉ luộc xong thái mỏng, cho thêm ít tôm bóc vỏ. Trộn các nguyên liệu lại với nhau, rưới đều nước mắm ớt tỏi pha chua ngọt, rồi tiếp tục trộn đều tay. Nước chấm là nước mắm me được chế biến khá công phu. Cho me vào nồi, đổ thêm ít nước đun sôi nhẹ đến khi rã rồi lọc lấy nước. Nước me trộn vào nước mắm nhĩ, thêm ít đường, tỏi và ớt băm nhuyễn. Nước chấm ngon là khi nếm thử thấy hài hòa nhưng rõ từng vị chua, cay, mặn, ngọt. Mùi thơm của thịt cá sặc nướng, vị ngọt béo của thịt ba chỉ… hòa lẫn cùng vị đắng của lá sầu đâu thấm dần vào vị giác, dân dã, lạ miệng và rất tinh tế.
M.A (T/h)