6 cách nấu cháo dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi thơm ngon, đơn giản
Cách nấu cháo dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi sẽ góp phần cung cấp dinh dưỡng cần thiết khi bé bước vào giai đoạn ăn dặm. Bước sang tháng thứ 6 – 7 thì sữa mẹ sẽ không có đủ dưỡng chất cho bé. Do đó việc nấu cháo tại nhà vừa giúp bé tập quen dần với thức ăn, vừa tăng cảm giác ngon miệng lại bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng. Để giúp thực đơn ăn dặm của bé thêm đa dạng, Cachnau.vn sẽ chia sẻ cùng các mẹ 6 công thức nấu cháo dinh dưỡng vừa ngon – bổ – dễ thực hiện dưới đây nhé!
Mục Lục
1. Cháo dinh dưỡng là gì?
Trước khi học cách nấu cháo dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi thì các mẹ nên hiểu rõ cháo dinh dưỡng là gì nhé. Nó được biết đến là loại cháo được nấu từ một số loại gạo và hạt khác kết hợp với rau củ, trứng, thịt, cá,…Vì vậy trong một bát cháo dinh dưỡng sẽ cung cấp được đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của bé. Từ các loại vitamin, đạm, protein cho đến các hợp chất hữu cơ, khoáng chất như sắt, phospho, magie,…
2. Bé 7 tháng tuổi có thể ăn dặm bằng cháo dinh dưỡng được không?
Nếu như bé mới 5 – 6 tháng tuổi mới chỉ làm quen với các loại cháo mềm, loãng, mịn và dễ tiêu với các thành phần nguyên liệu đơn giản phù hợp. Bước sang tháng thứ 7, bé nên tập ăn cháo có kết cấu đặc hơn với nhiều chất dinh dưỡng khác nhau, phong phú hơn. Mẹ có thể thay đổi các bữa ăn bột với cháo xay nhuyễn sẽ tăng cảm giác ngon miệng và tạo cảm giác hứng thú hơn cho bé trong bữa ăn.
Bé 7 tháng tuổi thì một ngày mẹ nên cho ăn 2 bữa cháo dinh dưỡng vì đây là giai đoạn bé tập lật, bò nên cần đảm bảo cả số lượng và chất lượng. Và nên chế biến 2 bữa ăn với 2 thực đơn khác nhau để bé không bị ngán. Kèm theo đó là ăn bữa phụ với bánh flan, bánh mì hoặc yến mạch cùng hoa quả và sữa.
Một điều cần lưu ý là mẹ nên áp dụng công thức ăn từ ít đến nhiều, từ loãng đến đặc. Bởi giai đoạn này hệ tiêu hóa của bé vẫn còn yếu nên phải làm quen từ từ. Đồng thời cho bé tập ăn dần các loại thực phẩm từ rau củ cho đến thịt, cá và hải sản. Và nhớ rằng ăn dặm chỉ là bữa phụ còn sữa mẹ vẫn luôn là nguồn cung cấp dưỡng chất tốt nhất.
3. Hướng dẫn cách nấu cháo dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi
3.1. Cách nấu cháo cá hồi và cải bó xôi
Cá hồi được biết đến là loại cá chứa nhiều protein và DHA. Kết hợp cùng vitamin trong cải bó xôi sẽ rất tốt cho sự phát triển não bộ của bé. Nhờ các dưỡng chất có lợi này sẽ giúp bé được nhanh nhẹn, thông minh hơn cùng một đôi mắt sáng khỏe. Cháo cá hồi là món ăn khá phổ biến trong thực đơn ăn dặm của bé. Công thức chế biến cùng cải bó xôi cũng thông dụng và khá dễ làm.
3.1.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Cá hồi: 1 miếng vừa đủ
- Hành khô: 1 củ
- Cải bó xôi: 3 cành
- Cháo trắng: 1 chén cơm
- Phô mai: 1 viên (loại cho bé dưới 1 tuổi)
- Dầu ăn dành cho bé
- Gừng, muối
3.1.2. Sơ chế các nguyên liệu
- Cá hồi bỏ da rồi đem rửa với chút muối và gừng để loại bỏ mùi tanh. Sau đó ngâm với sữa tươi không đường để khử độc, rửa lại với nước và thái nhỏ.
- Hành khô bóc vỏ, rửa sạch và thái lát. Cải bó xôi rửa sạch và cắt miếng nhỏ tùy theo khả năng ăn thô của bé.
3.1.3. Nấu cháo cá hồi cải bó xôi
- Bắc chảo lên bếp cho chút dầu ăn vào đun nóng già rồi cho hành khô vào phi thơm. Tiếp đến cho cá hồi vào xào chín, dùng thìa nghiền nhuyễn và tắt bếp.
- Bắc nồi cháo trắng lên bếp hâm lại cho nóng, thêm viên phô mai vào khuấy tan đều. Cho cá hồi vào đảo đều.
- Khi nồi cháo sôi lăn tăn thì cho cải bó xôi vào, khuấy 1 – 2 phút thì tắt bếp. Múc cháo ra chén, thêm 1 – 2 giọt dầu oliu, để nguội bớt và cho bé ăn.
3.2. Cách nấu cháo dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi – Cháo tôm mồng tơi
Trong các món cháo cho trẻ ăn dặm không thể thiếu cháo tôm, nhất là ở 7 tháng tuổi. Cháo tôm mồng tơi thường được các mẹ lựa chọn rất nhiều trong thực đơn ăn dặm của bé trong giai đoạn này. Với hàm lượng sắt dồi dào chứa bên trong tôm sẽ giúp bé tăng trưởng chiều cao và xương chắc khỏe. Còn mồng tơi cung cấp các loại vitamin giúp bé nhuận tràng và lưu thông máu tốt.
3.2.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Tôm thẻ: 2 con (hoặc 1 con tôm sú to)
- Mồng tơi: 3 nhánh
- Hành khô: 1/2 củ
- Gạo nếp: 1 nắm
3.2.2. Sơ chế các nguyên liệu
- Gạo nếp vo sạch. Tôm bóc vỏ, bỏ đầu, rút chỉ đen, rửa sạch và băm nhuyễn.
- Rau mồng tơi nhặt lấy lá non rửa sạch và băm nhỏ. Hành khô bóc vỏ, thái lát.
3.2.3. Tiến hành nấu cháo
- Cho gạo nếp vào nồi cùng lượng nước vừa đủ, bắc lên bếp nấu chín nhừ.
- Bắc chảo lên bếp cùng chút dầu ăn cho bé đun nóng rồi cho hành khô vào phi thơm, thêm tôm vào đảo đều cho chín.
- Khi cháo đã chín nhừ thì cho tôm và mồng tơi vào đảo đều tay khoảng 1 – 2 phút với lửa nhỏ thì tắt bếp.
- Múc cháo tôm mồng tơi ra chén, thêm 1 – 2 giọt dầu gấc hoặc dầu oliu sẽ giúp tăng khả năng hấp thụ dưỡng chất cho bé.
3.3. Cách nấu cháo tôm bí đỏ
Cháo tôm bí đỏ là món cháo rất bổ dưỡng thường có trong thực đơn ăn dặm của bé. Tuy nhiên mẹ cần lưu ý trong việc chế biến tôm và không nên dùng quá nhiều tôm. Đặc biệt là trong bữa ăn dặm đầu tiên của bé.
3.3.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Tôm tươi: 2 con
- Gạo tẻ: 20g
- Bí đỏ: 1 miếng
- Dầu oliu dành cho bé
3.3.2. Sơ chế các nguyên liệu
- Tôm tươi cắt bỏ đầu đuôi, bóc vỏ, rút chỉ đen, rửa sạch và chần qua nước sôi. Sau đó đem băm hoặc xay thật nhuyễn.
- Bí đỏ gọt vỏ, rửa sạch, cắt khúc và cũng xay nhuyễn. Gạo tẻ vo sạch, ngâm nước 40 phút cho nở mềm.
3.3.3. Nấu cháo tôm bí đỏ
- Đổ gạo vào nồi cùng lượng nước vừa đủ, bắc lên bếp đun thành cháo cho mềm nhừ.
- Tiếp theo cho ít nước vào tôm đánh tan đều rồi đổ vào nồi cháo và khuấy đều. Sau đó cho bí đỏ vào đun đến khi bí chín mềm thì tắt bếp.
- Để cháo nguội bớt thì cho cháo vào máy xay sinh tố cùng 1 – 2 giọt dầu oliu rồi xay nát, múc ra chén và cho bé ăn khi còn ấm.
3.4. Hướng dẫn nấu cháo ngô thịt gà cho bé ăn dặm
3.4.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Thịt gà: 50g
- Gạo tẻ: 50g
- Ngô (bắp) nếp non: 1 quả
- Dầu oliu
3.4.2. Sơ chế các nguyên liệu
- Gạo tẻ vo sạch, ngâm nước 30 phút cho mềm.
- Thịt gà rửa sạch, cắt miếng, xay nhuyễn hoặc băm nhỏ.
- Ngô nếp tách lấy hạt, rủa sạch rồi đem hấp hoặc luộc chín và nghiền nhuyễn.
3.4.3. Nấu cháo ngô thịt gà
- Đổ gạo vào nồi cùng lượng nước vừa đủ, bắc lên bếp nấu với lửa nhỏ đến khi thành cháo sánh mịn.
- Tiếp theo cho thịt gà và ngô nếp vào khuấy đều đến khi các nguyên liệu chín mềm thì tắt bếp, để nguội.
- Sau đó cho cháo vào máy xay sinh tố xay nhuyễn rồi hâm nóng lại và thêm 1 thìa cà phê dầu oliu khuấy đều. Để cháo nguội bớt thì cho bé ăn.
3.5. Cách nấu cháo dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi – Cháo thịt heo khoai tây
3.5.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Thịt heo nạc: 20g
- Khoai tây: 1 củ
- Gạo tẻ: 20g
- Dầu oliu cho bé: 1 thìa cà phê
3.5.2. Sơ chế các nguyên liệu
- Gạo tẻ vo thật sạch, ngâm nước khoảng 30 phút cho nở mềm.
- Thịt heo rửa sạch, đem băm hoặc xay thật nhuyễn.
- Khoai tây gọt vỏ, rửa sạch, cắt khúc và cho vào nồi luộc hoặc hấp chín rồi nghiền nhuyễn.
3.5.3. Tiến hành nấu cháo
- Đổ gạo vào nồi cùng lượng nước vừa đủ, bắc lên bếp nấu với lửa vừa đến khi cháo sánh mịn là được.
- Trong lúc đó thì khuấy tan thịt heo với chút nước rồi đổ vào nồi cháo khuấy tiếp. Sau đó thêm khoai tây vào cũng khuấy đều và nấu đến khi các nguyên liệu chín mềm.
- Để cháo nguội rồi đem xay nhuyễn rồi hâm lại cho nóng cùng dầu oliu. Múc cháo ra chén và cho bé ăn khi cháo vẫn còn ấm.
3.6. Cách nấu cháo thịt bò súp lơ
Thịt bò giàu protein, sắt và canxi kết hợp với súp lơ chứa nhiều chất xơ cùng các loại vitamin, khoáng chất. Vì vậy tạo thành một món cháo vô cùng bổ dưỡng giúp bé nhanh chóng tăng cân, tiêu hóa tốt và nâng cao hệ miễn dịch.
3.6.1. Chuẩn bị nguyên liệu
- Thịt bò: 150g
- Súp lơ xanh: 80g
- Gạo tẻ: 50g
- Gạ nếp: 50g
- Phô mai: 1 miếng
- Dầu oliu
3.6.2. Sơ chế các nguyên liệu
- Gạo vo sạch đem ngâm nước khoảng 20 phút để gạo nở mềm.
- Thịt bò rửa sạch, băm nhỏ và ướp với 1 thìa cà phê dầu oliu trong 10 phút.
- Súp lơ rửa sạch, thái miếng nhỏ. Phô mai cũng cắt thành từng miếng nhỏ
3.6.3. Nấu cháo thịt bò súp lơ
- Đổ gạo vào nồi cùng 600ml nước và bắc lên bếp tiến hành nấu thành cháo.
- Cho thịt bò và súp lơ vào chảo xào sơ rồi đem xay nhuyễn tùy thuộc vào khả năng ăn thô của bé.
- Khi cháo đã chín nhừ thì cho thịt bò, súp lơ vào nồi khuấy đều. Đun thêm 10 phút nữa thì tắt bếp, thêm phô mai vào đánh tan. Để cháo nguội bớt thì múc ra tô cho bé ăn.
4. Cách nấu cháo dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi cần lưu ý những gì?
Trong giai đoạn 7 tháng tuổi thì hệ tiêu hóa của bé vẫn còn non nớt. Do đó việc lựa chọn các thực phẩm để nấu cháo cần phải an toàn, đảm bảo vệ sinh và giàu chất dinh dưỡng. Bên cạnh đó, khi nấu cháo dinh dưỡng cho bé thì mẹ cần lưu ý các vấn đề sau:
- Cháo nấu cho bé chỉ nên dùng trong ngày, nếu không hết cũng không nên cho bé ăn bữa sau. Vì các vi khuẩn có hại có thể xâm nhập vào cháo ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của bé.
- Bé dưới 1 tuổi thì khi nấu cháo không nêm thêm gia vị của người lớn để bảo vệ thận được khỏe mạnh. Chỉ cần độ ngọt tự nhiên từ thịt cá, rau củ là được.
- Trường hợp bé bị dị ứng khi ăn cháo thì có thể do các nguyên liệu nấu cháo. Các mẹ có thể chuyển sang thực phẩm khác hoặc hỏi ý kiến chuyên gia dinh dưỡng.
- Một số thực phẩm, gia vị không nên dùng cho bé 7 tháng tuổi như muối, đường, lòng trắng trứng gà nếu bé dị ứng, mật ong, đậu phộng, cá kiếm,…
- Khi nấu cháo dinh dưỡng không cần cho quá nhiều thực phẩm khác nhau. Vì sẽ khiến bé khó khám phá vị, cũng như không hấp thu hết các chất dinh dưỡng lại dễ bị rối loạn tiêu hóa và chán ăn.
Hy vọng với những cách nấu cháo dinh dưỡng cho bé 7 tháng tuổi trên sẽ giúp mẹ có thể thay đổi thực đơn hàng ngày cho bé thêm mới lạ. Đồng thời có thể làm quen dần với nhiều loại thực phẩm khác nhau, từ đó hấp thu được đầy đủ các dưỡng chất cần thiết cho cơ thể phát triển toàn diện. Các mẹ đừng quên lưu lại các công thức trên để giúp bữa ăn dặm mỗi ngày của bé luôn được ngon miệng và hấp dẫn nhé.
Lê Vy