9 Cách khắc phục tình trạng trẻ sơ sinh có đờm tại nhà hiệu quả

Trẻ sơ sinh có đờm trong cổ họng là một bệnh thường gặp ở trẻ. Việc làm sạch đờm là cách để hạn chế đường hô hấp dưới của trẻ bị tổn thương. Vậy có những cách nào để làm sạch đờm cho trẻ? Đọc bài viết sau của AVAKids để tìm hiểu nhé.

1Nguyên nhân trẻ sơ sinh có đờm

Đờm xuất hiện ở cổ họng là cơ chế phòng vệ tự nhiên của cơ thể. Khi phát hiện có vi khuẩn gây hại xâm nhập, cơ thể sẽ tạo ra chất nhầy để ngăn chặn vi khuẩn. Tuy nhiên, khi quá trình sản sinh và loại bỏ chất nhầy mất cân bằng, chất nhầy sẽ bị tồn đọng, làm cho trẻ sơ sinh có đờm.

Trong giai đoạn đầu đời, hệ hô hấp của trẻ chưa thực sự hoàn thiện, khả năng tự loại bỏ đờm cũng chưa thể tốt bằng người lớn, cho nên trẻ dễ bị ứ tắc dịch nhầy gây ra đờm.

Các tác nhân gây ra đờm ở trẻ sơ sinh có thể kể đến:

  • Thay đổi thời tiết đột ngột
  • Khói bụi
  • Hóa chất
  • Khói thuốc lá
  • Vi rút

Ngoài ra, một số bệnh lý sau đây cũng có thể khiến trẻ sơ sinh có đờm:

  • Viêm phổi
  • Hen suyễn
  • Dị ứng
  • Viêm phế quản
  • Cảm lạnh hoặc cúm

2Cách tiêu đờm cho trẻ sơ sinh tại nhà

Trẻ sơ sinh là lứa tuổi rất hạn chế sử dụng bất cứ loại thuốc nào, chính vì vậy, để giúp tiêu đờm cho trẻ tại nhà, ba mẹ có thể áp dụng các biện pháp sau đây:

Hút mũi cho trẻ

Khác với người lớn, trẻ sơ sinh có đờm sẽ không biết tự khạc nhổ để tống đờm ra ngoài, vì vậy ba mẹ có thể sử dụng bộ dụng cụ hút mũi cho bé để giúp trẻ tiêu đờm.

Ba mẹ có thể sử dụng bộ dụng cụ hút mũi để giúp trẻ tiêu đờm

Ba mẹ có thể sử dụng bộ dụng cụ hút mũi để giúp trẻ tiêu đờm

Tuy đây là cách tiêu đờm đơn giản nhưng lại gây khó chịu, thậm chí là sợ hãi ở trẻ. Ba mẹ nên kiên nhẫn, nhẹ nhàng trò chuyện và thực hiện các bước tiêu đờm sau:

  • Nhỏ nước muối sinh lý (0.9%) từ từ vào mũi của trẻ để làm ẩm mũi, làm loãng chất nhầy trong mũi. Bước này sẽ giúp mẹ hút đờm dễ dàng hơn, trẻ cũng sẽ bớt đau hơn.
  • Đặt trẻ nằm nghiêng 1 bên. Mẹ dùng tay bóp nhẹ phần bóng của dụng cụ hút mũi, sau đó nhẹ nhàng đưa đầu hút vào mũi của trẻ. Các thao tác phải thật cẩn thận, tránh làm tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.
  • Mẹ dùng ngón tay đè nhẹ bên lỗ mũi còn lại của trẻ, từ từ thả bóng ra để đầu hút hút sạch dịch nhầy trong mũi. Sau đó làm sạch đầu hút và lặp lại tương tự cho bên còn lại.
  • Ba mẹ có thể hút mũi cho trẻ từ 2-3 lần/ngày, tránh lạm dụng quá mức dẫn đấn các tổn thương khác cho mũi của trẻ.

Cho trẻ bú sữa nhiều hơn

Một trong những nguyên tắc tiêu đờm cho trẻ là cung cấp đủ nước để làm loãng dịch nhầy. Khi trẻ sơ sinh có đờm, mẹ hãy tăng số lần bú sữa mẹ hoặc sữa công thức của trẻ, khi cơ thể trẻ được cung cấp đủ nước, đờm sẽ loãng ra, trẻ sẽ dễ hắt hơi, xì mũi hoặc ho để làm tiêu đờm trong cổ họng.

Mẹ hãy tăng số lần bú sữa mẹ hoặc sữa công thức của trẻ (Ảnh: Freepik)

Mẹ hãy tăng số lần bú sữa mẹ hoặc sữa công thức của trẻ (Ảnh: Freepik)

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, các mẹ tuyệt đối không cho trẻ uống nước nếu không có sự đồng ý của bác sĩ, vì trẻ rất dễ bị ngộ độc nước trong giai đoạn này.

Nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý

Nước muối sinh lý (0.9%) được khuyến cáo là an toàn cho trẻ sơ sinh. Ngoài tác dụng làm loãng dịch nhầy trước khi sử dụng bộ hút đờm, nước muối sinh lý còn có thể được sử dụng mỗi khi trẻ bị khó thở do đờm, nghẹt mũi…

Theo khuyến cáo của các chuyên gia, ba mẹ có thể nhỏ 2-3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi của trẻ, sau đó bế trẻ theo tư thế đứng để tiêu đờm.

Vỗ lưng cho trẻ

Vỗ lưng cũng là một cách được áp dụng khi trẻ sơ sinh có đờm. Ba mẹ đặt trẻ lên đầu gối sao cho có thể vỗ vào lưng của trẻ. Sau đó, khum bàn tay, vỗ nhẹ vào lưng trẻ.

Ba mẹ chỉ nên vỗ nhẹ vào vùng phổi của trẻ (Ảnh: Wepik)

Ba mẹ chỉ nên vỗ nhẹ vào vùng phổi của trẻ (Ảnh: Wepik)

Lưu ý: Ba mẹ chỉ nên vỗ nhẹ vào vùng phổi của trẻ, tránh vỗ vào cột sống hoặc vùng bụng vì sẽ gây tổn thương cho trẻ.

Đảm bảo môi trường sạch sẽ

Để hạn chế tình trạng trẻ sơ sinh bị đờm, ba mẹ nên cách ly trẻ với các tác nhân gây kích ứng như: Bụi bẩn, khói thuốc lá, nấm mốc,…

Ngoài ra, ba mẹ cũng cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa, chăn gối, quần áo của trẻ để đảm bảo loại bỏ các tác nhân có thể gây ra hiện tượng đờm ở trẻ.

Sử dụng tinh dầu

Các loại tinh dầu như tràm trà, sả chanh,… có tác dụng làm ấm phòng, tan chảy dịch nhầy trong cổ họng của trẻ và giảm sinh đờm.

Sử dụng tinh dầu để xông phòng, làm ấm đường hô hấp của trẻ (Ảnh: Wepik)

Sử dụng tinh dầu để xông phòng, làm ấm đường hô hấp của trẻ (Ảnh: Wepik)

Ba mẹ có thể sử dụng máy xông tinh dầu để khuếch tán hương trong không gian rộng, nhỏ vài giọt vào nước tắm hoặc quần áo của trẻ. Tuy nhiên, ba mẹ không được để tinh dầu tiếp xúc trực tiếp với da của trẻ.

Sử dụng lá hẹ

Trẻ sơ sinh có đờm

Có thể dùng lá hẹ để tiêu đờm cho trẻ

Có một số cách sử dụng lá hẹ để tiêu đờm cho trẻ, ba mẹ có thể tham khảo:

  • Hẹ chưng đường phèn: Dùng 5 – 7 lá hẹ, rửa sạch, cắt ngắn. Cho lá hẹ vào chén cùng với 1 muỗng đường phèn. Hấp cách thủy lá hẹ và đường phèn trong khoảng 15 phút. Chắt lấy phần nước, để nguội, mỗi lần cho trẻ uống 1 muỗng nhỏ, ngày 3 lần, liên tục trong 3 – 5 ngày.
  • Lá hẹ, hạt chanh và hoa đu đủ đực hấp cách thủy: Chuẩn bị 1 nắm lá hẹ rửa sạch, cắt ngắn; 10-20 gam hạt chanh; 15 gam hoa đu đủ đực đã rửa sạch. Cho cả 2 thành phần vào cối, giã nát. Hỗn hợp sau đó được trộn với đường phèn, hấp cách thủy khoảng 30 phút, chắt lấy nước, để nguội. Lấy nước này cho trẻ uống 2 – 3 lần/ngày, mỗi lần khoảng 5ml.

Tạo độ ẩm cho môi trường xung quanh

Môi trường sống của trẻ cũng là yếu tố tác động đến tình trạng trẻ sơ sinh có đờm. Ba mẹ nên giữ độ ẩm cần thiết trong phòng, vừa giữ ấm đường hô hấp của trẻ, vừa có tác dụng tiêu đờm.

Massage cho trẻ

Ba mẹ có thể sử dụng nước gừng ấm loãng để massage cho trẻ, giúp làm ấm cơ thể, hạn chế hình thành đờm. Các vùng nên massage bao gồm: Lưng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay,… mỗi vùng massage khoảng 2 – 3 phút.

Trẻ sơ sinh có đờm

Massage vừa giúp tiêu đờm vừa tăng sức đề kháng cho trẻ (Ảnh: Freepik)

Ba mẹ nên kiên trì thực hiện phương pháp này mỗi ngày 1 lần, kéo dài trong 7 ngày liên tiếp, vừa giúp tiêu đờm vừa tăng sức đề kháng cho trẻ.

Đôi lời từ AVAKids

Trên đây là một số cách xử trí khi trẻ sơ sinh có đờm, AVAKids hy vọng các thông tin này sẽ phần nào giúp ích được ba mẹ. Dẫu vậy, trong trường hợp trẻ sơ sinh khò khè có đờm kèm theo các triệu chứng khó thở nghiêm trọng, ba mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.

Các bài viết của AVAKids/Vũ Trụ Bỉm Sữa chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Nguyệt Minh tổng hợp

Alternate Text Gọi ngay