Ai là người vẽ 8 bức họa 8 hình tướng của Bồ Tát Quán Âm?
Ở quanh vùng Tô Châu, Hàng Châu, dân chúng thường thờ phụng những bức tranh họa 8 tướng của Bồ Tát Quán Âm. Sở dĩ dân chúng rất thích 8 bức tranh này, là vì ngay từ đầu, chính Bồ Tát Quán Âm đã hiện thân tự tay vẽ ra những bức tranh mẫu. Chuyện này có liên quan đến một vị cư sĩ tên là Vương Tích Tước.
Vị cư sĩ này có biệt hiệu là Kinh Thạch, đã từng làm quan lớn trong triều đình, cuối đời từ quan về vườn sống ẩn dật, dốc lòng làm việc Phật pháp. Suốt đời ông luôn thích làm việc thiện hay bố thí, đã làm được nhiều việc lợi ích cho dân cho nước.
Ông giao du một cách thân tình với một vị cao tăng đương thời, tức là Thiền sư Viên Thông. Một bên là quan lớn, một bên là cao tăng, hai bên cùng hỗ tương xiển dương Phật Pháp nên lúc ấy đạo Phật rất hưng thịnh.
Mục Lục
Ở quanh vùng Tô Châu, Hàng Châu, dân chúng thường thờ phụng những bức tranh họa 8 tướng của Bồ Tát Quán Âm
Một hôm, Vương Kinh Thạch đang tụng bài Tâm kinh, đọc tới câu “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”, bèn nghĩ đến công đức của Bồ Tát Quán Âm đại từ đại bi, bỗng nhiên phát sinh ý nguyện mời một vị họa sĩ tài cao để vẽ một ngàn bức tranh, họa pháp tướng của Bồ Tát Quán Âm, và đồng thời kèm theo bài Tâm kinh để tặng cho người ta đem về thờ. Nhờ thế, người ta sẽ càng thêm một lòng hướng thiện và chịu thay đổi những phong tục tập quán xấu.
Bồ Tát Quán Âm vì lòng đại từ đại bi, tầm thanh cứu khổ, nên huyền ảo hiển hóa đủ các bảo tướng để cứu độ chúng sinh. Con đã phát nguyện mời họa sư vẽ 1.000 bức họa bảo tướng của Bồ Tát tặng cho dân gian để khuyến hóa họ.
Bài liên quan
Hạnh nguyện Bồ Tát Quan Thế âm – Giải pháp vượt qua những khủng hoảng thời đại
Quyết định như thế rồi, Vương Kinh Thạch bèn đi tìm Thiền sư Viên Thông để bàn luận. Ông bạch với Thiền sư rằng:
– Bạch Thiền sư, những ngày gần đây đệ tử có một ý muốn như thế này: Bồ Tát Quán Âm vì lòng đại từ đại bi, tầm thanh cứu khổ, nên huyền ảo hiển hóa đủ các bảo tướng để cứu độ chúng sinh. Con đã phát nguyện mời họa sư vẽ 1.000 bức họa bảo tướng của Bồ Tát tặng cho dân gian để khuyến hóa họ, đại sư nghĩ thế nào?
Thiền sư Viên Thông nghe thế thì mừng rỡ vô cùng, khen ngợi hết lời:
– Ông tận tâm tận lực xiển dương Phật Pháp, phát tâm vẽ bảo tướng của Bồ Tát Quán Âm tặng cho dân gian để khuyến hóa thế tục, đó là một điều thiện, công đức vô lượng!
Vương Kinh Thạch nói:
– Tuy nhiên đệ tử có một điều xin thỉnh ý đại sư, đó là Bồ Tát hiển hóa đủ các bảo tướng khác nhau, vậy thì đệ tử nên vẽ bảo tướng nào? Đại sư trí tuệ uyên thâm, xin chỉ giáo đệ tử.
Viên Thông pháp sư trả lời:
– Muốn biết tốt nhất nên vẽ bảo tướng nào của Bồ Tát, thì phải chiếu theo “Thiên quang nhãn Quán Tự Tại Bồ Tát Bí Mật Pháp Kinh”, tất cả có tám tướng:
– Một là “Kim Cương Quán Tự Tại Bồ Tát”
– Hai là “Dữ Nguyện Quán Tự Tại Bồ Tát”
– Ba là “Sổ Châu Quán Tự Tại Bồ Tát”
– Bốn là “Câu Triệu Quán Tự Tại Bồ Tát”
– Năm là “Trừ Chướng Quán Tự Tại Bồ Tát”
– Sáu là “Bảo Kiếm Quán Tự Tại Bồ Tát”
– Bảy là “Bảo Ấn Quán Tự Tại Bồ Tát”
– Tám là “Bất Thối Chuyển Kim Luân Quán Tự Tại Bồ Tát”.
Đó là tám hình tướng của Bồ Tát, mỗi hình tướng diễn tả một loại thần thông khác nhau. Vậy thì cuối cùng nên vẽ hình tướng nào? Bần tăng không dám chủ quan quyết định, xin mời cư sĩ hãy tự định đoạt lấy.
Đó là tám hình tướng của Bồ Tát, mỗi hình tướng diễn tả một loại thần thông khác nhau. Vậy thì cuối cùng nên vẽ hình tướng nào?
Bài liên quan
33 ứng hóa thân gần gũi của Quan Thế Âm Bồ Tát trong dân gian
Vương Kinh Thạch suy nghĩ một lúc rồi nói:
– Lời sư phụ chỉ giáo rất đúng, đệ tử nghĩ tốt nhất là mời một vài họa sư đến, trước hết dặn họ tắm rửa trai giới thanh tịnh, xong thỉnh Bồ Tát ban cho một điềm lành, thị hiện bảo tướng cho họ thấy. Họ thấy bảo tướng của Bồ Tát rồi thì chiếu theo đó mà vẽ, làm như thế là đúng nhất.
Viên Thông Pháp sư đáp:
– Làm như thế rất tốt.
Vương Kinh Thạch bèn đi mời họa công về vẽ, vừa vặn mời được 8 người, rồi bày tỏ cho họ biết điều mình mơ ước. 8 vị họa công nghe lời Vương Kinh Thạch, tắm rửa trai giới thanh tịnh để cầu nguyện Bồ Tát Quán Âm ứng mộng cho mình thấy bảo tướng. Nhưng liên tiếp mấy ngày mà không có ai mộng thấy điềm gì cả. Họ không biết bảo tướng của Bồ Tát thật sự như thế nào nên cũng không biết vẽ Ngài ra sao, vì thế họ cảm thấy rất khó xử.
Vừa khéo Bồ Tát Quán Âm đi ngang qua chỗ ấy, biết rằng Vương Kinh Thạch muốn vẽ tranh của mình mà đang gặp khó khăn, nên Ngài hóa thành một anh chàng tú tài áo trắng đến trước cửa nhà xin gặp, nói rằng mình có sở trường vẽ các loại hình tướng của Bồ Tát Quán Âm.
Bồ Tát hóa thành một anh chàng tú tài áo trắng đến trước cửa nhà xin gặp, nói rằng mình có sở trường vẽ các loại hình tướng của Bồ Tát Quán Âm.
Vương Kinh Thạch nghe nói có người tự giới thiệu như thế thì mừng khấp khởi, vội mời vào gặp mặt. Nói chuyện một lúc với tú tài, ông rất vừa ý, nhất là khi vị này nói với ông một cách rất thành tâm:
– Ngài phát nguyện lớn như thế thì làm sao không giúp ngài được. Tại hạ đã bảy lần mộng thấy đến đất Phật nên rất quen thuộc với với các hình tướng cùng khuôn mặt của Bồ Tát, ngài muốn vẽ thì tại hạ có thể vẽ liền tức thì.
Vương Kinh Thạch mừng không thể tả:
– Vậy xin thỉnh tiên sinh thi thố tài năng cho, nhưng không biết tiên sinh định vẽ bảo tướng nào?
Tú Tài đáp:
– Pháp sư Viên Thông đã nói với ngài rằng Bồ Tát Quán Âm có 8 tướng, thì theo thiển ý của tại hạ, mình nên vẽ cả 8 tướng mới hoàn mỹ và không thiếu sót.
Vương Kinh Thạch gật đầu liên hồi tỏ ý tán đồng:
– Thế thì quá tốt rồi!
Thế là ông gọi người xếp đặt bàn vẽ, chuẩn bị mực vàng mực bạc, bút nghiên mới tinh cùng giấy trắng thanh khiết, và mời tú tài vẽ.
Bạch y tú tài tiến đến trước bàn, xắn tay áo, cất bút lên bắt đầu vẽ, ngọn bút bay trên giấy mau như gió thổi, cánh tay cầm bút thoăn thoắt như điện chớp, chỉ trong phút chốc là hoàn thành bức hình thứ nhất của Bồ Tát Quán Âm. Tú tài tiếp tục múa bút, lại vẽ xong một bức khác. Không đầy nửa ngày, tám bức họa bảo tướng Bồ Tát Quán Âm đã vẽ xong. Tám vị họa công không ai là không tấm tắc xuýt xoa khen là đẹp tuyệt, còn Vương Kinh Thạch thì mừng vui không bút mực nào tả xiết.
Hãy nhìn tám bức tranh:
– Bức thứ nhất “Kim Cương Quán Tự Tại Bồ Tát” là tướng phẫn nộ, mặt mũi dữ tợn, dáng vẻ giận dữ, tướng này có thể nhiếp phục ma quỷ.
– Bức thứ hai “Dữ Nguyện Quán Tự Tại Bồ Tát” là tướng đại từ, tay trái cầm quyển kinh, tay phải bất ấn “dữ nguyện” để kết thiện duyên sâu rộng với chúng sinh.
– Bức thứ ba “Sổ Châu Quán Tự Tại Bồ Tát” là tướng đại bi, Bồ Tát ngồi nhắm mắt, tay cầm xâu chuỗi như thể đang thầm niệm Phật, biểu lộ lòng từ bi lân mẫn của Bồ Tát đối với muôn loài.
– Bức thứ tư “Câu Triệu Quán Tự Tại Bồ Tát” là tướng Viên Thông, Bồ Tát ngồi kết già phu, có ba mặt, khuôn mặt chính vui vẻ, đầu đội thiên quan, trên mũ có hóa thân A Di Đà Phật. Khuôn mặt bên trái giận dữ đáng sợ, tóc tai dựng đứng, đầu đội nguyệt quan. Khuôn mặt bên phải cau mày tức giận, răng nanh chĩa ra ngoài. Bồ Tát có sáu cánh tay, một tay cầm dây thừng, một tay cầm hoa sen, một tay cầm đinh ba, một tay cầm rìu, một tay bắt ấn Thí Vô Úy, một tay cầm bảo trượng Như Ý. Tướng này biểu thị Bồ Tát muốn “câu” những “con cá” trời và người đem lên bờ giác ngộ.
– Bức thứ năm “Trừ Chướng Quán Tự Tại Bồ Tát” là tướng Phổ Chiếu, một đầu ba khuôn mặt, tay phải cầm gương báu, bay trái bắt ấn “Dữ Nguyện”, tướng này biểu thị Bồ Tát có năng lực phá trừ ba chướng ở lục đạo.
– Bức thứ sáu “Bảo Kiếm Quán Tự Tại Bồ Tát” là tướng Giải Thoát, trên đầu hiện hoa sen, một tay cầm kiếm báu, một tay đưa lên trước ngực, tướng này biểu thị Bồ Tát có năng lực diệt trừ lục tặc.
– Bức thứ bảy “Bảo Ấn Quán Tự Tại Bồ Tát”, một thân ba đầu và 6 cánh tay, là tướng Phấn Tấn. Cả ba khuôn mặt đều hiện vẻ từ bi. Sáu cánh tay mỗi tay cầm một pháp khí là bảo ấn, chuông mõ, tràng phan, bảo kiếm và hoa sen. Tướng này biểu thị Bồ Tát đi đi lại lại trong Ba giới.
– Bức thứ tám “Bất Thối Chuyển Kim Luân Quán Tự Tại Bồ Tát” là tướng Như Ý, mặt ngọc mỉm cười, đầu đội mũ báu, trên mũ có hóa thân của Vô Lượng Thọ Phật, tay nâng bánh xe vàng ra dáng quay bánh xe, tướng này biểu thị Bồ Tát có năng lực diệt trừ các ác nghiệp.
Vương Kinh Thạch thấy tám bức tranh bảo tướng đã vẽ xong, mừng rỡ quá sức tưởng tượng, khen ngợi hết lời.
Tú tài nói:
– Bây giờ ngài đã có 8 bức tranh bảo tướng này, có thể để làm mẫu cho các vị họa sư vẽ theo. Tại hạ không ở lâu được, xin cáo biệt.
Vương Kinh Thạch nhất định giữ lại mà không được, kêu người đem bạc nén ra để trả tiền thù lao nhưng Tú Tài kiên quyết không nhận, còn lấy từ trong ngực áo ra một viên gì như hạt đậu đưa tặng Vương Kinh Thạch:
– Đây là hạt Tây Phương Vô Úy tôi tặng ngài, ngài hãy thường thường đeo trong người, nó có thể giúp ngài tiêu trừ mọi tai ương, tăng trưởng trí huệ và không bao giờ bị hãm hại.
Vương Kinh Thạch nhiều lần tạ ơn, thân hành tiễn bạch y tú tài ra tận cửa ngoài. Tiễn khách đi rồi, Vương Kinh Thạch sung sướng cầm 8 bức tranh bảo tướng Bồ Tát Quán Âm đi tìm Pháp sư Viên Thông và kể mọi sự cho ngài biết. Pháp sư nghe xong hoan hỉ nói với Vương Kinh Thạch rằng:
– Mừng cho ông, Vương cư sĩ! Hôm nay ông đã được gặp Bồ Tát rồi đó!
Bài liên quan
Chuyện về pho tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn
Vương Kinh Thạch không hiểu gì cả, nói một cách kinh ngạc:
– Gặp Bồ Tát nào? Ý Đại sư muốn nói vị bạch y tú tài vẽ tranh là Bồ Tát Quán Âm chăng?
Viên Thông Pháp sư cười:
– Đúng thế. Vị tú tài áo trắng ấy chính là Bồ Tát Quán Âm. Nếu không phải là Bồ Tát, người phàm nào có thể vẽ các bảo tướng được như vậy? Vả lại, nếu không phải là Bồ Tát, ai là người có thể tặng ngài hạt Tây Phương Vô Úy?
Vương Kinh Thạch bừng tỉnh ngộ, vừa kinh dị vừa vui mừng vạn phần. Ông cảm thấy vinh hạnh vì Bồ Tát đã giáng lâm đến nhà mình vẽ tranh nên lòng tin vào Phật Pháp càng kiên cố thêm, lòng muốn làm việc thiện càng tăng mạnh thêm.
Ông đem 8 bức tranh bảo tướng Bồ Tát treo trong đại đình, nhờ 8 vị họa công mỗi người lấy một bức mà vẽ theo. Vẽ xong bức nào, ông tự tay chép bài Tâm kinh kèm theo và tặng cả hai cho người ta. Vẽ như thế tròn một năm thì ông đã tặng đi hết 1.000 bức. Còn 8 bức tranh mẫu mà Ngài Quán Âm đã tự tay vẽ thì ông giữ làm của gia bảo trong nhà, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.