An Gia Group: Áp lực đến từ khoản nợ vay hơn 800 tỷ đồng đến hạn phải trả và 1.240 tỷ đồng trái phiếu đã đáo hạn
Theo Báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 3/2022, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Bất động sản An Gia (An Gia Group, HOSE: AGG) đang có khoản nợ trái phiếu hơn 812,5 tỷ đồng. Trong đó có hơn 507 tỷ đồng nợ trái phiếu dài và ngắn hạn đến hạn phải trả.
An Gia Group đang phải chịu áp lực từ khoản nợ vay hơn 800 tỷ đồng đến hạn phải trả và 1.240 tỷ đồng trái phiếu đã đáo hạn.
An Gia Group cũng cho biết trong BCTC, doanh nghiệp cũng có khoản nợ 295,5 tỷ đồng với các bên liên quan và hơn 5 tỷ đồng khoản vay ngân hàng đến hạn phải trả. Như vậy An Gia Group đang có khoản nợ vay tài chính và trái phiếu 807,7 tỷ đồng đến hạn thanh toán trong thời gian tới.
Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến thời điểm hiện tại, An Gia Group đang lưu hành 4 lô trái phiếu với tổng giá trị hơn 800 tỷ đồng.
Cụ thể, ngày 20/12/2021, An Gia Group phát hành lô trái phiếu AGGH2122001 được đảm bảo bằng cổ phiếu AGG. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn vào 20/12/2022 tới đây với giá trị 300 tỷ đồng do Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset làm tổ chức lưu ký/đăng ký.
Ngày 11/03/2022, An Gia Group tiếp tục phát hành lô trái phiếu AGGH2223001có giá trị 200 tỷ đồng, được đảm bảo bằng cổ phiếu AGG. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn vào ngày 11/03/2022 do Công ty cổ phần Chứng khoán Thành Công làm tổ chức lưu ký/đăng ký.
Đến ngày 06/04/2022, An Gia Group tiếp tục phát hành lô trái phiếu AGGH2224002, kỳ hạn 24 tháng, đáo hạn vào ngày 06/04/2024, được đảm bảo bằng cổ phiếu AGG. Lô trái phiếu này có giá trị 17,7 tỷ đồng do Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset làm tổ chức lưu ký/đăng ký.
Mới đây nhất, ngày 12/05/2022, An Gia Group thành công phát hành lô trái phiếu AGGH2224003 có giá trị 300 tỷ đồng do Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam làm tổ chức lưu ký/đăng ký. Lô trái phiếu có kỳ hạn 24 tháng, đáo hạn vào ngày 12/05/2024.
Lô trái phiếu AGGH2224003 được đảm bảo bằng Các căn hộ và căn thương mại tại Chung cư Khối 2 (Skyline) và Khối 5 (An Gia Riverside) thuộc Khu Phức hợp La Casa, phường Phú Thuận, quận 7, TP. HCM; Quyền sử dụng đất có diện tích là 2.697 m2 tại phường 10, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và cổ phần AGG thuộc sở hữu của các bên bảo đảm.
Cũng theo HNX, từ tháng 5/2022 đến tháng 9/2022, An Gia Group đã mua lại toàn bộ trước hạn 2 lô trái phiếu AGG_BOND_2020_3,4 và lô AGG_BOND_2020_1_02 với tổng giá trị 680 tỷ đồng. An Gia Group cũng đáo hạn lô trái phiếu AGG_BOND_2020_1_01 có giá trị 100 tỷ đồng hồi tháng 3/2022.
Ngoài ra, Công ty con của An Gia Group là Công ty CP quản lý và phát triển Gia Khánh vừa đáo hạn lô trái phiếu BM1926900001 trong tháng 9/2022 vừa qua. Lô trái phiếu này được phát hành 26/09/2019, có giá trị 460 tỷ đồng.
Tính từ hồi đầu năm đến nay, An Gia Group đã phải chi trả 1.240 tỷ đồng cho các khoản nợ trái phiếu của mình. Điều này gây áp lực rất lớn đến bức tranh tài chính và được thể hiện rõ trong bản BCTC mới được An Gia Group công bố.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm, An Gia Group phải chi tới 502,8 tỷ đồng cho chi phí bán hàng (chủ yếu là chi phí môi giới) để đẩy mạnh bán hàng.
An Gia Group ghi nhận doanh thu thuần 5.465,8 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, cao gấp gần 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi trừ giá vốn hàng hóa 4.512,4 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của An Gia Group đạt 953,4 tỷ đồng, tăng gấp 4,5 lần so với cùng kỳ.
Doanh thu từ hoạt động tài chính của An Gia Group giảm 19,5% xuống gần 236 tỷ đồng, trong khi đó chi phí tài chính tăng 30,2%, lên 275,3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, An Gia Group cũng chịu lỗ trong công ty liên kết gần 48 tỷ đồng (cùng kỳ lãi 90 tỷ đồng) và hoạt động khác lãi 9,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, so với cùng kỳ năm ngoái, chi phí bán hàng của An Gia Group cao gấp 5,6 lần, lên mức 502,8 tỷ đồng và chi phí quản lý tăng 5% lên 81 tỷ đồng. Do đó, An Gia Group báo lãi trước thuế 291,6 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, doanh nghiệp này cũng đang có khoản thuế hoãn lại hơn 292 tỷ đồng.
Áp lực của An Gia Group về nguồn vốn cũng thể hiện rõ trong dòng tiền lưu chuyển của doanh nghiệp này.
Cuối quý 3/2022, dòng tiền từ hoạt động tại chính của An Gia Group âm hơn 665 tỷ đồng mặc dù doanh nghiệp đã vay gần 1.595 tỷ đồng. Nguyên nhân là do An Gia Group đã phải chi 2.416,7 tỷ đồng để trả nợ gốc vay cho các khoản vay trước đó của mình. Đồng thời, doanh nghiệp này cũng phải chi trả cổ tức gần 50 tỷ đồng cho các cổ đông không kiểm soát.
Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư của doanh nghiệp này cũng âm hơn 1.172 tỷ đồng. Điều an ủi cho An Gia Group là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương 2.533,2 tỷ đồng. Do đó, tính đến ngày 30/9/2022, dòng tiền thuần của An Gia Group ghi nhận dương 696 tỷ đồng.
Đẩy mạnh hoạt động bán hàng nên hàng tồn kho của An Gia Group giảm 49,2% so với hồi đầu năm xuống còn 3.665,5 tỷ đồng. Hàng tồn kho của An Gia Group tập trung ở các dự án như Westgate (Bình Chánh, TP. HCM) 2.204 tỷ đồng; The Standard (Bình Dương) 558,5 tỷ đồng, The Sóng (Vũng Tàu) hơn 373 tỷ đồng,… Tuy nhiên, ba dự án bất động sản này đã được An Gia Group dùng làm tài sản thế chấp tại các ngân hàng vay vốn tín dụng và trái phiếu của các ngân hàng này.
Mặc dù bán gần nửa hàng tồn kho nhưng tổng tài sản của An Gia Group lại ghi nhận mức sụt giảm hơn 1.621 tỷ đồng so với hồi đầu năm, xuống còn 10.943,5 tỷ đồng tại ngày 30/9/2022. Đồng thời, các khoản phải thu tăng mạnh chủ yếu là khoản thu dài hạn.
Dưới áp lực nguồn vốn, ngày 15/4/2022, tại Đại hội Cổ đông thường niên năm 2022, An Gia Group đã thông qua phương án phát hành 1.000 tỷ đồng ra công chúng. Loại hình trái phiếu là loại không kèm chứng quyền, không chuyển đổi, mệnh giá 100.000 đồng/tp hoặc bội số của 100.000 đồng.