‘Anh là thượng tướng mà không tìm được mộ em’

‘Anh là thượng tướng mà không tìm được mộ em’ - Ảnh 1.

Ông Đặng Vũ Thái chia sẻ câu chuyện xúc động với Tuổi Trẻ Online – Ảnh: T.ĐIỂU

Đây là câu chuyện xúc động được ông Đặng Vũ Thái – con trai cố thượng tướng Đặng Vũ Hiệp (1928 – 2008) – kể trong buổi giao lưu nhân chứng lịch sử họ Đặng, do Hội đồng lâm thời họ Đặng thành phố Hà Nội (vừa thành lập) tổ chức ngày 9-4 tại Hà Nội.

Chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ Online, ông Thái kể câu chuyện xúc động về bố và bà nội.

Từ câu nói của mẹ đến danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”

Bà nội ông Thái có mấy người con đi bộ đội, vào Nam chiến đấu. Năm 1977, bà vui mừng đón người con trai cả là Đặng Vũ Hiệp trở về với nhiều chiến công, cùng lúc nhận ba quyết định phong hàm thiếu tướng, làm thứ trưởng Bộ Quốc phòng, và phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Nhưng bà còn héo hon trong lòng khi người con trai út là liệt sĩ Đặng Vũ Tân đã hy sinh tại chiến trường từ năm 1971 mà chưa tìm được hài cốt.

Thương nhớ con, bà giữ kỷ vật chiến trường duy nhất của con trai út mà đơn vị gửi về cho gia đình là chiếc chăn chiên cạnh mình. Đêm đêm bà ôm chăn ấy ngủ bất kể đông, hè.

Bà còn căn dặn các con khi bà chết hãy dùng tấm chăn ấy để khâm liệm cho bà.

Sinh thời, bà luôn đau đáu nỗi niềm chưa tìm được con trai út còn nằm đâu đó chưa về với quê nhà, chưa về với mẹ khi đất nước đã trọn niềm vui. Nên bà từng nói câu trách hờn với người con trai cả: “Anh là tướng mà không tìm được em”.

Ông Đặng Vũ Hiệp lúc bấy giờ không những là tướng, mà còn phụ trách mảng chính sách quân đội, hậu phương quân đội ở Tổng cục Chính trị, lại hợp tác hỗ trợ Bộ Quốc phòng Mỹ tìm kiếm hài cốt lính Mỹ tại Việt Nam.

Vậy mà hài cốt em trai mình thì ông lại không thể tìm về cho mẹ. Cho tới tận lúc mẹ mất năm 1986, ông Đặng Vũ Hiệp cũng không thể an ủi được nỗi buồn đau của mẹ.

Nên ông canh cánh mãi trong lòng món nợ với mẹ, với em trai. Và hơn thế, ông thấm thía vô cùng nỗi đau và sự hy sinh lớn lao của các bà mẹ trên cả nước đã hiến dâng những người con của mình cho Tổ quốc.

Đầu những năm 1990, ông cùng với một số người ở Tổng cục Chính trị đã đề xuất Nhà nước có chính sách tôn vinh các bà mẹ vĩ đại ấy.

Giữa tháng 5-1994, Ban Bí thư Trung ương Đảng triệu tập cuộc họp do Tổng bí thư Đỗ Mười chủ trì để nghe Tổng cục Chính trị báo cáo tình hình công tác chính sách. Và những đề xuất nhân văn trên được đưa ra.

Chính từ cuộc họp này, Ban Bí thư yêu cầu Tổng cục Chính trị phối hợp với các ngành triển khai nghiên cứu xây dựng một chính sách xứng đáng đối với các bà mẹ có nhiều cống hiến.

Ngày 29-8-1994, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Ngày 17-12-1994, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký quyết định tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” đợt đầu tiên cho 19.879 bà mẹ trong cả nước, trong đó có mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam có chín con ruột, một con rể, hai cháu ngoại là liệt sĩ.

Mẹ của thượng tướng Đặng Vũ Hiệp không có tên trong danh sách các “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, nhưng ông cảm thấy rất hạnh phúc khi có thể làm được điều xứng đáng cho các bà mẹ vĩ đại.

Hai năm sau, năm 1996 thì thượng tướng cũng tìm được hài cốt em trai ở Nghĩa trang Trường Sơn, đưa về nằm cạnh mẹ ở nghĩa trang quê hương.

Tủ sách Đặng Thùy Trâm hãy nói về sự hy sinh của thanh niên cả nước

Xuất hiện tại buổi giao lưu, bà Doãn Ngọc Trâm – mẹ của liệt sĩ Đặng Thùy Trâm – ở tuổi 98 ngồi xe lăn nhưng trí tuệ vô cùng minh mẫn, đã khiến cả hội trường xúc động về tấm lòng của một người mẹ Việt Nam luôn đặt lợi ích chung của đất nước lên trên lợi ích cá nhân.

Bà Doãn Ngọc Trâm chia sẻ tâm nguyện tốt đẹp với tủ sách Đặng Thùy Trâm - Ảnh: T.ĐIỂU

Bà Doãn Ngọc Trâm chia sẻ tâm nguyện tốt đẹp với tủ sách Đặng Thùy Trâm – Ảnh: T.ĐIỂU

Khi ban tổ chức công bố xây dựng tủ sách Đặng Thùy Trâm ở nhiều nơi trên cả nước, bắt đầu từ huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi – nơi bác sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh năm 1970 – và xin ý kiến của bà, bà cảm ơn và cho đó là việc làm có ý nghĩa rất lớn.

Nhưng bà cũng nhắn nhủ ban tổ chức hãy xây dựng tủ sách Đặng Thùy Trâm không chỉ nói về Đặng Thùy Trâm mà cần nói về sự chiến đấu, hy sinh của thanh niên cả nước, những người con đã ngã xuống ở tuổi đôi mươi cho hòa bình và thống nhất đất nước.

Những ‘hóa thạch’ đẹp đẽ về người chiến sĩ, mẹ Việt Nam anh hùngNhững ‘hóa thạch’ đẹp đẽ về người chiến sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng

TTO – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam gọi những tác phẩm mỹ thuật trong triển lãm ‘Còn mãi với thời gian’ chính là những hóa thạch đẹp đẽ về hình tượng người chiến sĩ, liệt sĩ, là tiếng lòng của các nghệ sĩ về những người ngã xuống cho hòa bình.

Alternate Text Gọi ngay