Apple chuyển nhiều nhà máy trong chuỗi cung ứng sang Việt Nam
Đây là thông tin được bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI), Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) đề cập.
Tại Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022, bà Hương cho biết ngành điện tử là một trong những ngành sản xuất, chế biến, chế tạo có kim ngạch đứng đầu cả nước trong 10 năm liên tiếp.
Dù gặp nhiều khó khăn do sự ảnh hưởng của dịch bệnh, xuất khẩu của ngành vẫn đạt 108,35 tỷ USD, tương đương 32% tổng kim ngạch, xuất siêu 11,5 tỷ USD trong năm 2021. Riêng 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của ngành 39,47 tỷ USD, xuất siêu 3,12 tỷ USD.
Đại diện VASI cho biết tác động của đại dịch Covid-19, chiến sự Nga – Ukraine hay chính sách Zero Covid của Trung Quốc đã khiến giá nguyên nhiên liệu gia tăng, gián đoạn chuỗi cung ứng và ảnh hưởng đến ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, đặc biệt là ngành công nghiệp sản xuất linh kiện điện tử.
Trước tình trạng thiếu vật liệu sản xuất, ví dụ như chất bán dẫn, sản lượng của nhiều doanh nghiệp điện tử Việt Nam đã phải giảm 20% tính riêng tháng 5.
Bên cạnh đó, ngành sản xuất linh kiện điện tử nói riêng và ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung còn đối mặt tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động có tay nghề, trình độ cao và vẫn phải dựa vào lao động nước ngoài.
Lao động làm việc tại nhà máy Luxshare, khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang. Ảnh: Minh Khánh.
Song, ngành sản xuất linh kiện điện tử Việt Nam vẫn ghi nhận một số lợi thế nhất định như địa chính trị ổn định, kiểm soát dịch bệnh tốt, từ đó hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng và thu hút dòng vốn đầu tư này. Hiện nay, một số doanh nghiệp lớn trên thế giới đã và đang chuyển dịch nhà máy, dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia xung quanh.
Đáng chú ý, Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan thuộc chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp khác như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng quy mô sẵn có tại Việt Nam.
Trước đó, Samsung quyết định xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị đầu tư 220 triệu USD ở Hà Nội.
Hãng cũng triển khai kế hoạch mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. Đầu năm nay, Đồng Nai đã cấp phép đầu tư hai dự án trị giá 100 triệu USD của công ty Hansol Electronics Việt Nam (Hàn Quốc), nhà cung cấp linh kiện cho Samsung.
Để nắm được cơ hội trên, Phó chủ tịch VASI kiến nghị Chính phủ có chính sách chọn lọc quy mô lớn nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn có công nghệ tiên tiến, hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, các chính sách phải đi kèm điều kiện sản xuất sạch, bảo vệ môi trường và không xả thải ra môi trường.
Việc thu hút FDI tại Việt Nam cần tạo sức lan tỏa để doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội việc làm và tham gia vào chuỗi cung ứng của các “ông lớn”. Tránh xảy ra tình trạng FDI kéo theo một loạt doanh nghiệp phụ trợ để chiếm lĩnh thị trường, cạnh tranh với doanh nghiệp nội, tiêu thụ tài nguyên, năng lượng của đất nước.
Song song, Chính phủ nên có thêm các chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng lao động. Các cơ quan chức năng cũng cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ.
Ngoài việc ưu đãi cho FDI, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để nâng cao nội lực, giữ được thị trường nội địa.