Asanzo có dấu hiệu giả mạo xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng và trốn thuế
Sáng 28-10, tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính – cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã tổ chức cuộc họp chuyên đề về gian lận xuất xứ, trong đó có họp với các bộ, ngành về kết quả kiểm tra, xác minh các nghi vấn sai phạm liên quan đến Công ty CP Tập đoàn Asanzo.
Theo báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh về vụ việc liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo và nhãn hiệu Asanzo của Tổng cục Hải quan, công ty này đã có dấu hiệu vi phạm với nhiều yếu tố.
Cụ thể, căn cứ kết quả điều tra, xác minh, Bộ Tài chính xác định dấu hiệu vi phạm cơ bản gồm: Vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (giả mạo nhãn hiệu); việc sử dụng nhãn hiệu Asanzo đã xâm phạm đến quyền nhãn hiệu theo Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.
Liên quan đến cáo buộc “lừa dối người tiêu dùng”, cơ quan chức năng xác định quy trình lắp ráp một số sản phẩm không đúng như quảng cáo và việc sử dụng cụm từ “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” cho một số sản phẩm và trên các thông tin quảng cáo không đúng với thực tế.
Đối với các vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, cơ quan chức năng đã xác định nhóm hành vi vi phạm cơ bản của Công ty Asanzo và các công ty có tên Asanzo đối với cả hàng xuất khẩu lẫn hàng lắp ráp để tiêu thụ trong nước.
Về hành vi vi phạm về trốn thuế, cơ quan chức năng cũng chỉ ra các sai phạm của Asanzo, trong đó có các hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự.
Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn.
Tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cùng Tổng cục Hải quan đều khẳng định, mấy chục doanh nghiệp là đối tác của Asanzo có mấy địa chỉ không còn hoạt động theo địa chỉ đăng ký kinh doanh, có dấu hiệu bỏ trốn. Các cá nhân đứng đầu doanh nghiệp là nhân viên của Tập đoàn Asanzo để trốn thuế, làm hoá đơn cao hơn thực tế.
Đại diện Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho hay, hành vi trốn thuế của Asanzo có 3 hành vi rõ ràng như để ngoài sổ sách, không xuất hoá đơn VAT, nhằm trốn thuế, Asanzo mua linh kiện thuộc diện chịu thuế Tiêu thụ đặc biệt nhưng kê khai là mua thành phẩm điều hoà nhiệt độ – mặt hàng không thuộc diện chịu thuế. Dựa vào sổ sách, công ty con xuất bán cho Asanzo mặt hàng điều hoà nhiệt độ, nhưng không xuất hoá đơn VAT và Asanzo cũng không kê khai VAT.
Thứ hai, là hành vi sử dụng bất hợp pháp hoá đơn, trong đó ghi thành phẩm điều hoà nhưng Asanzo nhập là linh kiện. Vi phạm thứ 3 là ghi hoá đơn cao hơn với mục đích trốn thuế.
Theo đại diện Tổng cục Thuế, nhiều công ty có quan hệ với Asanzo đều do người của Asanzo đứng tên, các lãnh đạo đều là nhân viên của Asanzo, sau đó hoá đơn được lập cao hơn giá thực tế nhằm trốn nghĩa vụ thuế. Đáng lưu ý, qua xác minh tài khoản ngân hàng, tiền trong các giao dịch được chuyển thẳng người nhà lãnh đạo Asanzo. Hiện số tiền rút ra hơn 500 tỷ đồng, hiện các công ty này không còn ở địa chỉ kê khai ở cơ quan thuế, do đó cơ quan này không thể xác minh thêm và hiện đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan của Bộ Công an.” Đại diện Tổng cục thuế cho hay.
Tổng số thuế truy thu và phạt là hơn 47,6 tỉ đồng. Trong đó, truy thu số tiền thuế kê khai thiếu và trốn thuế số tiền hơn 40,5 tỉ đồng. Số tiền chậm nộp thuế hơn 1,6 tỉ đồng. Phạt vi phạm hành chính về thuế hơn 5,3 tỉ đồng. Riêng hành vi không xuất hoá đơn khi bán hàng trốn thuế GTGT, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM không xử phạt vi phạm hành chính về thuế do hành vi vi phạm có dấu hiệu tội phạm đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan tiến hành tố tụng hình sự theo quy định.
Theo Tổng cục trưởng, Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn: Kết quả điều tra xác minh đã xác nhận mặt hàng tivi của Asanzo thì 98% là giá trị nhập khẩu, chỉ 2% lắp ráp, doanh nghiệp khai, tất cả linh kiện nhập khẩu tất cả ở nước ngoài rồi, cả bảo hành ở nước ngoài. Các cơ quan liên quan như Bộ Công an, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tổng cục Quản lý Thị trường thống nhất là sớm gửi báo cáo ngày hôm nay hoặc ngày mai cho Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và chúng tôi sẽ báo cáo Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình trước ngày 30-10 theo chỉ đạo. “Xác minh rõ dấu hiệu trốn thuế, vi phạm nhãn mác, đây mới chỉ là xác định ban đầu, có những cái đã cái xử lý; có những cái có dấu hiệu vi phạm về hình sự, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh và tiếp tục điều tra theo quy định. Liên ngành đã trao đổi, đề nghị Bộ Công an, Viện kiểm sát, sớm thực hiện, xác minh nhanh, theo pháp luật”, ông Cẩn nói.
Đặc biệt, theo đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Đến nay VCCI chưa tiếp nhận được hồ sơ khai báo thân nhân về xuất xứ C/O của hàng hóa Asanzo. Phía Asanzo chưa từng đến VCCI để làm thủ tục C/O cho bất cứ loại hàng hóa nào.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Công thương khẳng định qua thực tế làm việc và xác minh thông tin, đơn vị này cơ bản đồng ý với báo cáo tổng quan của Tổng cục Hải quan. Còn việc cấp giấy chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao cho tập đoàn Asanzo, Bộ Công thương cho rằng đây là trách nhiệm của Hội doanh nghiệp chất lượng cao TP.HCM chứ không phải của Bộ. Đối với hàng hóa xuất khẩu của Asanzo, Bộ Công thương nhận định với kết quả kiểm tra đạt được, tập đoàn này đã vi phạm những quy định tại Nghị định 31 của Chính phủ về quản lý ngoại thương. “Có thể coi hàng mà Asanzo xuất đi nước ngoài không phải xuất xứ Việt Nam”, đại diện Bộ Công thương nói.
Với hàng hóa lắp ráp, tiêu thụ, lưu thông trong nước, Bộ Công thương cho biết hiện chưa có quy định cụ thể nên rất khó để kết luận. Bộ này cho biết đang xây dựng thông tư về ghi nhãn hàng hóa “Made in Vietnam”.
Đại diện Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng đồng tình với việc Asanzo có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng hóa trong nước và xuất đi nước ngoài, có dấu hiệu vi phạm nhãn mác sở hữu công nghiệp. Tuy nhiên, Asanzo chỉ có dấu hiệu trốn thuế, chứ chưa đủ căn cứ xác định các công ty thuộc Asanzo có phạm tội hay không. Hiện tại doanh nghiệp này mới có dấu hiệu về không xuất hóa đơn bán hàng, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng hóa đơn có giá trị ghi cao hơn thực tế.