Asanzo kiện báo Tuổi trẻ: “Trò chơi” mạo hiểm của ông Phạm Văn Tam?
LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO
Trong khi sản phẩm chủ lực của Asanzo là tivi đang chờ kết luận về vấn đề dán tem nhãn “made in Vietnam” thì tuần qua, dư luận lại bất ngờ với vụ việc Asanzo của ông Phạm Văn Tam khởi kiện ra tòa báo Tuổi trẻ ra TAND Quận 11 (TP.HCM), yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trước những diễn biến nêu trên, Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với LS. Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO, xung quanh vấn đề này.
Quy định “đánh đố” doanh nghiệp
Thưa ông, ngày 25/7/2019, Tập đoàn Asanzo của ông Phạm Văn Tam đã có đơn kiện Báo Tuổi trẻ ra TAND Quận 11, TP.HCM, nhằm đòi bồi thường thiệt hại, trong khi sản phẩm chủ lực của Asanzo là tivi đang chờ kết luận về vấn đề dán tem nhãn “made in Vietnam”. Động thái này từ phía doanh nghiệp phải chăng hơi vội vàng?
Tôi cho rằng phía Tập đoàn Asanzo có cơ sở và lý do của riêng họ trước khi đi tới quyết định khởi kiện báo Tuổi trẻ. Có thể, phía doanh nghiệp cảm thấy những thông tin xuất hiện trong sự việc có sự sai lệch, gây thiệt hại lớn cho họ. Bởi trong những sự việc thông thường, họ sẽ chờ kết luận từ cơ quan chức năng. Thậm chí, doanh nghiệp không cần thiết phải đưa sự việc ra toà giải quyết.
Hiện tại, tất cả thông tin chúng ta nắm được chỉ là một phần, nằm trong toàn bộ diễn biến sự việc. Mọi việc không hề đơn giản như những gì độc giả tiếp nhận qua các kênh báo chí, truyền thông. òn nhiều tình tiết chưa được làm rõ như mức độ “chế biến cơ bản” theo quy định của Luật Thương mại năm 2005 đến đâu, tỷ lệ gia tăng đối với sản phẩm lắp ráp thế nào, nguồn gốc linh kiện nhập khẩu ra sao, việc chấp hành pháp luật thuế nhập khẩu, hoá đơn, chứng từ đính hay sai,…?
Tuy nhiên, riêng phần về nhãn mác, xuất sứ hàng hoá, nội dung được nhắc tới nhiều nhất trong thời gian qua, đối với cá nhân tôi là một điều không thể lý giải. Doanh nghiệp ở vào tình thế bị đánh đố vì quy định hiện hành, nói nặng thì kiểu gì cũng chết, nói nhẹ thì kiểu gì cũng vướng, nói vừa thì kiểu gì cũng sai.
Sắp tới, dù kết luận của cơ quan chức năng có nội dung ra sao, doanh nghiệp vẫn phải tuân thủ. Song tôi nghĩ họ sẽ không “tâm phục, khẩu phục” vì họ không thể ghi xuất xứ Trung Quốc, cũng chẳng thể ghi xuất xứ hay sản xuất tại Việt Nam, thậm chí không ghi gì vẫn sai.
Theo ông, hiện tại, Tập đoàn Asanzo của ông Phạm Văn Tam cần làm gì để bảo vệ uy tín, hình ảnh của doanh nghiệp và quyền lợi người lao động?
Tôi cho rằng việc bảo vệ uy tín, hình ảnh doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào thực chất hàng hoá, sản phẩm doanh nghiệp bán ra trên thị trường. Nếu hàng hoá được Asanzo sản xuất xứng đáng được ghi là hàng Việt Nam nghĩa là họ có cơ sở để theo đuổi vụ kiện tới cùng. Đưa ra yêu cầu đối với các cơ quan báo chí đăng tải thông tin không đúng phải cải chính, xin lỗi, bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp.
Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch Tập đoàn Asanzo giải tích với báo chí về sản phẩm được doanh nghiệp bán ra trên thị trường. (Ảnh minh hoạ)
Nhưng điều quan trọng nhất trong thời điểm này là tiếng nói từ phía cơ quan chức năng. Thứ nhất, dù trong trường hợp này phía Asanzo đúng hay sai, cơ quan chức năng vẫn cần lên tiếng, có những chỉ báo để bảo vệ quyền lợi chung cho tất cả các doanh nghiệp. Thứ hai, nhanh chóng có định hướng, xây dựng và ban hành hệ thống văn bản, với những quy định rõ ràng về quy tắc hàng hoá xuất xứ, ghi nhãn cho một ngành hàng, xa hơn là nửa triệu doanh nghiệp.
Ngược lại, nếu như phát biểu của một vị quan chức trên một số phương tiện truyền thông cách đây chưa lâu là: “Chúng tôi đang soạn thảo Thông tư nhưng phân vân không biết có nên ban hành hay không vì ảnh hưởng nghiêm trọng”. Như vậy là làm khó doanh nghiệp vì bản thân họ bắt buộc phải ghi xuất xứ hàng hoá bán ra, nhưng cơ quan chức năng cũng chưa biết làm thế nào cho đúng thì doanh nghiệp phải làm thế nào?
Trường hợp này, tôi cho rằng cơ quan chức năng cần lên tiếng, nhận trách nhiệm. Nếu quy định chưa hợp lý, cơ quan quản lý Nhà nước cần gấp rút sửa đổi và cần một phương án thứ ba.
Khi cơ quan quản lý Nhà nước chưa có định nghĩa rõ ràng về hàng “Made in Vietnam”, dựa trên những thông tin, dữ liệu được 2 bên đưa ra, ông cho rằng những yếu tố pháp lý nào có thể tác động tới diễn biến phiên toà, nếu xảy ra?
Theo tôi hiểu, những tranh luận tại toà giữa Tập đoàn Asanzo và báo Tuổi trẻ sẽ không dừng lại trong phạm vi xuất xứ hàng hoá, mà sẽ có rất nhiều yếu tố khác. Song trong bối cảnh những mảng thông tin khác liên quan tới sự việc còn khá mù mờ, dư luận và chuyên gia rất khó để đưa ra nhận định chính xác.
Tôi chỉ xin nhấn mạnh lại là về xuất xứ hàng hoá, cơ quan chức năng hiện tại đang đối mặt với bài toán khó, đó là đưa ra một kết luận để tất cả mọi người làm đúng, và tâm phục, khẩu phục trong bối cảnh nội dung quy định về xuất xứ hàng hoá xuất hiện ở nhiều Luật, Nghị định, nhìn qua thì nghĩ rằng đơn giản và rõ ràng, nhưng càng tìm hiểu sâu lại bế tắc.
Tôi xin trích dẫn lại câu nói của cố Chánh án TAND Tối cao Trịnh Hồng Dương trong trường hợp này, đó là: “Xử kiểu gì cũng được”. Điều này nếu xảy ra thì rất đáng lo, vì với luật lệ thế này thì rất có thể, toà án kết luận là hàng hoá xuất sứ Việt Nam cũng đúng, mà kết luận ngược lại cũng không sai.
Hệ quả của sự việc này cũng khiến tôi lưu tâm. Như đã giải thích phía trên, hàng hoá lưu thông trong nước buộc phải có nhãn hiệu hàng hoá. Mà nhãn hiệu hàng hoá thì buộc phải ghi xuất xứ hàng hoá. Trong Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định cách ghi xuất xứ hàng hóa như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước…”. Dịch ra tiếng Anh là “Made in”. Nếu cứ buộc phải ghi xuất xứ, thì doanh nghiệp không còn cách nào khác, mà buộc phải ghi “Made in Vietnam” trong mọi trường hợp lắp ráp, dù cơ bản, phức tạp hay sơ sài, giản đơn.
Còn nếu áp dụng quy định của Luật Thương mại, trường hợp chúng ta có số liệu cơ bản để chứng minh thì mọi người có thể dựa theo Luật và các khái niệm, bản chất để giải thích, sẽ rất dễ dàng. Nhưng giả sử, Asanzo và một số doanh nghiệp cùng ngành chỉ đóng góp 50% giá trị sản phẩm, chủ yếu là lắp ráp đơn giản thì chúng ta sẽ giải quyết như thế nào?
Toà án muốn phân xử để tạo cơ sở cho doanh nghiệp có hướng làm theo và cơ quan chức năng có hướng giải quyết trong những sự việc tương tự rất khó. Như vậy, cơ quan chức năng kết luận, toà tuyên án theo hướng nào cũng không thể khiến mọi người tâm phục, khẩu phục. Còn các doanh nghiệp cùng ngành sau này ghi xuất xứ theo cách nào cũng có thể dẫn tới sai phạm.
Nói về định nghĩa hàng “Made in Vietnam”, nhìn từ sự việc xảy ra tại Tập đoàn Asanzo, phải chăng vướng mắc về xuất xứ hàng hoá đang làm khó doanh nghiệp, thưa ông?
Pháp luật kinh doanh ở Việt Nam đang có nhiều vấn đề, mặc dù điều này chúng ta có thể làm tốt ngay từ đầu.
Nhìn từ sự việc xảy ra tại Tập đoàn Asanzo, khái niệm gốc của xuất xứ hàng hóa không phải là quy định của Luật Ngoại thương mà là Luật Thương mại năm 2005, điều 3.14 đã đưa ra định nghĩa, đối với trường hợp nhập nguyên liệu, nhập bộ phận, nhập chi tiết thì xuất xứ là nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng.
Định nghĩa rất hay, chuẩn mực, nhưng đi sâu sẽ thấy không ổn. Đơn cử, chỉ một quy định về “công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng” cũng đã tạo rào cản, bế tắc không vượt qua được. Hàng xuất khẩu chỉ bị vướng mắc ít, thậm chí là không vướng. Tuy nhiên, cùng một loại hàng hoá, với hàng nội địa, Luật pháp trong nước lại có những quy định có tính chất đánh đố doanh nghiệp.
Lúc đầu, bản thân tôi cũng phản đối rất nhiều liên quan đến Asanzo, tuy nhiên, tôi càng đọc kỹ, suy ngẫm, đã xem lại thì cái sai chính lại không nằm ở doanh nghiệp.
Cụ thể, Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định hàng hóa lưu thông trong nước buộc phải có nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu hàng hóa buộc phải có xuất xứ hàng hóa. Theo đó, xuất xứ hàng hóa Nghị định này quy định rất rõ “sản xuất tại”, “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ bởi…” kèm theo tên quốc gia, lãnh thổ… đồng nghĩa với “Made in”. Như vậy, chuyện ông Phạm Văn Tam nói rằng trước đây sản phẩm ghi xuất sứ sai, giờ sửa lại thành “sản xuất tại Việt Nam”, nếu dịch ra tiếng Anh là “Made in” vẫn là một.
Ngoài ra, Nghị định 43 cũng quy định doanh nghiệp tự xác định và tự ghi xuất xứ hàng hóa với 3 điều kiện: trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định về xuất xứ của Luật pháp, Hiệp định…
Quy định tưởng như đơn giản như vậy, nhưng dẫn tới việc áp dụng vào câu chuyện của Asanzo đó là không thể ghi xuất xứ Trung Quốc, không thể ghi xuất xứ Việt Nam được, cũng không thể không ghi gì. Trong 3 phương án đó đòi hỏi doanh nghiệp phải chọn một.
Sự việc xảy ra tại Asanzo là tình huống để tất cả nhìn lại
Có vẻ như dư luận, người tiêu dùng Việt Nam tỏ ra khá nhạy cảm với những hàng hoá có xuất xứ từ Trung Quốc hoặc hàng hoá có linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông nhìn nhận như thế nào về điều này?
Hàng hoá xuất khẩu từ Trung Quốc rất đa dạng, phong phú, có mặt ở khắp thị trường trên Thế giới. Nhưng ở thị trường Việt Nam, phần lớn hàng nhập khẩu Trung Quốc có chất lượng thấp, độc hại. Người tiêu dùng Việt Nam tiếp xúc với hàng hoá Trung Quốc phần nhiều cũng có trải nghiệm “9 phần xấu, 1 phần tốt”. Vậy nên, tâm lý nhạy cảm đối với hàng hoá Trung Quốc của người Việt Nam là khá dễ hiểu.
Đối với nghi vấn Asanzo sử dụng hàng hoá Trung Quốc được báo chí thông tin, tâm lý người tiêu dùng Việt Nam chịu ảnh hưởng là đúng. Nhưng nhìn nhận ở góc độ pháp lý, nếu một doanh nghiệp có thể thực hiện trung thực, chính xác việc ghi xuất sứ hàng hoá bán ra, tôi cho rằng người tiêu dùng sẽ dễ dàng chấp nhận hơn.
(Ảnh minh hoạ)
Nhưng với trường hợp xảy ra với các sản phẩm của Asanzo, sự không rõ ràng này, nguyên nhân sâu xa không xuất phát từ phía doanh nghiệp. Đối với những hàng hoá có quy trình sản xuất phức tạp như sản phẩm điện tử, chúng ta phải nắm rõ về cấu tạo phần cứng, thiết kế phần mềm của sản phẩm, cộng thêm tỷ lệ đa quốc gia hay một quốc gia, cộng thêm phần giá trị gia tăng… Rồi sản phẩm lắp ráp ở nhà máy đặt tại Việt Nam, nó tạo ra sự biến biến đổi về bản chất sản phẩm, giá trị sản phẩm ra sao.
Sự việc xảy ra tại Asanzo là tình huống để tất cả nhìn lại, từ đó, tìm ra hướng giải quyết cho các doanh nghiệp cùng ngành, hay rộng hơn là hàng trăm nghìn doanh nghiệp trong trường hợp tương tự.
Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, có lẽ chúng ta nên làm quen với khái niệm sản xuất “Made in the world” và cho phép doanh nghiệp được thông tin phù hợp nhất với đặc thù sản xuất như “Made by Samsung” hoặc “Made by Nokia”?
Theo tôi, đối với những mặt hàng dễ gây tranh cãi về xuất sứ như ô tô, xe máy, điện tử… Cần bóc tách giữa khái niệm xuất sứ và lắp ráp tại Việt Nam. Linh kiện, nguyên liệu, hàng hoá dù nhập khẩu từ Trung Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan… cần ghi rõ nơi xuất xứ. Trường hợp hàng hoá đó đáp ứng thêm những yêu cầu về hàm lượng trí tuệ, công nghệ của Việt Nam hoặc yêu cầu khác mới được ghi là hàng hoá xuất xứ tại Việt Nam. Trong trường hợp hàng hoá bán ra thị trường nằm ngoài hai phạm trù nêu trên, có thể ghi sản phẩm được lắp ráp tại Việt Nam và giải thích để người tiêu dùng hiểu đó không phải xuất xứ.
Ở môi trường thương mại quốc tế, với đặc thù của chuỗi sản xuất toàn cầu hiện nay, doanh nghiệp nhiều khi nhập hàng nghìn chi tiết, linh kiện từ khắp nơi trên thế giới nên không dễ xác định xuất xứ. Do đó, nhiều nhà sản xuất sẽ ghi là “Made by Samsung” hoặc “Made by Nokia”, tức ghi thông tin sản xuất bởi chính tên hãng đó. Đó là cách ghi trung thực, thể hiện thông tin như “được sản xuất tại”, “được sản xuất bởi”, “lắp ráp bởi”. Nhưng Samsung và Nokia là hai thương hiệu điển hình, thậm chí giá trị của cụm từ “Made by Samsung” hoặc “Made by Nokia” còn lớn hơn “Made in”.
Xin cám ơn ông!