Asanzo và hồi chuông “cảnh tỉnh” cho các doanh nghiệp Việt | Doanh nghiệp

Xoay quanh sự việc của Asanzo và những bài học cho các doanh nghiệp cũng như trách nhiệm của các cơ quan liên quan, phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với TS. Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch – Tổng thư Ký – Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội về vấn đề này.

TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch - Tổng thư Ký - Hiệp hội DNNVV Thành phố Hà Nội

TS. Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch – Tổng thư Ký – Hiệp hội DNNVV Thành phố Hà Nội

– Thưa ông, qua vụ việc của Asanzo, theo ông các doanh nghiệp rút ra được những bài học gì và những tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa là gì?

Sau vụ Asanzo, tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, những doanh nghiệp sản xuất sẽ có những bài học hết sức cụ thể.

Thứ nhất, khi chúng ta tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh chúng ta phải nắm vững vấn đề về pháp luật để làm sao chúng ta không bị sai luật.

Thứ hai, trong hoạt động kinh doanh khi chúng ta phân phối các sản phẩm, đặc biệt đến các vùng sâu, vùng xa tập chung những đối tượng tiêu dùng hạn chế các vấn đề về chi phí thì phải lấy lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu. Có nghĩa là đạo đức kinh doanh làm nghề của chúng ta phải nên cẩn trọng, chỉ cần một vụ việc như Asanzo là các doanh nghiệp hầu như mất trắng và khó có thể quay lại từ đầu.

Theo tôi, qua sự việc này thì ngoài việc hỗ trợ các nhà sản xuất thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là ở cơ quan quản lý. Hiện nay, các văn bản luật của chúng ta còn kẽ hở tương đối rộng, rất nhiều doanh nghiệp có thể “lách” để tiếp cận người tiêu dùng một cách rộng rãi.

Với người tiêu dùng thì họ cần niềm tin, mà niềm tin của họ ở các cơ quan quản lý nhà nước, niềm tin từ các nhà sản xuất, từ các sản phẩm được quảng cáo một cách rộng rãi trên phương tiện truyền thông. Nếu không quảng cáo người tiêu dùng không biết, mà khi quảng cáo tức là đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép, như vậy chắc chắn người tiêu dùng sẽ tin tưởng.

Theo tôi, điều quan trọng nhất là các cơ quan quản lý phải tiếp tục kiểm tra, rà soát, đánh giá để người tiêu dùng không bị mất niềm tin. Vì khi người tiêu dùng mất niềm tin, ví dụ như vụ Asanzo thì không thể riêng Asanzo bị ảnh hưởng mà bản thân các doanh nghiệp khác đang sản xuất tương tự như Asanzo hoặc không sản xuất như vậy cũng sẽ ảnh hưởng. Bởi khi sự việc như vậy xảy ra, chắc chắn người tiêu dùng sẽ đặt một câu hỏi rất lớn về phía cơ quan quản lý nhà nước khi văn bản luật không chặt chẽ tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp.

– Ông đánh giá như thế nào về khả năng sản phẩm của người Việt Nam chinh phục người Việt và chinh phục thế giới?

Trong vấn đề xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian vừa qua, đặc biệt là 3 năm trở lại đây, Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ luôn yêu cầu đạo đức kinh doanh ngoài việc không đưa, nhận hối lộ thì quan trọng nhất là phải đưa người tiêu dùng lên số một.

Bên cạnh đó chất lượng ngày càng phải đảm bảo, giá cả ngày càng cạnh tranh và hội nhập một cách thành công vì sản phẩm không chỉ bán cho người Việt Nam, sản phẩm của người Việt Nam phải đi chinh phục cả thế giới nữa.

Tôi nghĩ rằng để chinh phục thế giới thì phải để cho họ biết đây là sản phẩm của người Việt Nam, có nét văn hoá của người Việt Nam.

– Vậy qua câu chuyện của Asanzo, ông đánh giá như thế nào về vấn đề truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của Việt Nam hiện nay?

Không phải ở bất kỳ nước nào việc sản xuất một sản phẩm đủ tính cạnh tranh cũng sản xuất từ A-Z được mà chắc chắn phải nhập linh kiện từ các nước khác. Ở Việt Nam, ngành công nghiệp hỗ trợ, phụ trợ mới chỉ phát triển thời gian gần đây. Một sản phẩm do người Việt Nam hay xuất xứ của Việt Nam, theo tôi điều quan trọng nhất là tỷ lệ nội địa hoá trong mỗi sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam chiếm bao nhiêu phần trăm mới là quan trọng. Sản phẩm nội địa hoá cao sẽ tạo được rất nhiều công ăn việc làm cho người lao động trong nước, đây chính là đóng góp vào an sinh xã hội, là đạo đức kinh doanh.

Việc nhập các thiết bị, linh kiện…ở các nước khác  về lắp ráp ở Việt Nam là hết sức bình thường. Đến cả như một chiếc máy bay như Boeing, Airbus… đều phải nhập hàng chục nghìn các linh kiện ở các nước trên thế giới. Nhưng đến 90% sản xuất ở Mỹ hoặc Pháp và người ta biết là Boeing của Mỹ, Airbus của Pháp. Tôi nghĩ tỷ lệ nội địa hoá vô cùng quan trọng, sản phẩm của Việt Nam xây dựng được một văn hoá tốt, có đạo đức kinh doanh tốt, sản phẩm đó có nét của Việt Nam thì tôi nghĩ chắc chắn sẽ được phát triển.

– Là đại diện cho tiếng nói của doanh nghiệp nhỏ và vừa Thành phố Hà Nội, qua vụ việc Asanzo ông có kiến nghị gì để bảo vệ cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính?

Chúng tôi cho rằng các cơ quan nhà nước vẫn phải tiếp tục rà soát, đánh giá, kiểm tra bởi vì chắc chắn không chỉ có vụ Asanzo mà còn rất nhiều các doanh nghiệp tương tự như Asanzo. Vừa rồi chúng ta cũng đã ban hành quy chuẩn rõ đâu là “Made in Vietnam” và đâu là “sản xuất ở Việt Nam”, có quy định như vậy thì phải công bố rộng rãi.

Ví dụ như Kangaroo là của Việt Nam, Sunhouse là của Việt Nam… và các sản phẩm tương tự như vậy để người tiêu dùng khi chọn lựa họ biết sản phẩm này đã được quy định rõ, cụ thể, tránh trường hợp so sánh, mập mờ.

Cơ quan quản lý nhà nước nên thông qua các phương tiện truyền thông báo chí từ Trung Ương đến địa phương, công bố rộng rãi. Đây cũng có thể được coi là một hoạt động PR cho các sản phẩm do người Việt Nam sản xuất tại Việt Nam để làm sao cho người tiêu dùng không bị nhầm lẫn. Bắt buộc vẫn phải truyền thông mạnh mẽ và quan trọng nhất là  chúng ta phải lấy lại những gì các doanh nghiệp đã bị mất bởi vì “lỗi không phải do họ”. Chúng ta nếu sai thì sửa, có thể công khai đứng lên xin lỗi để người tiêu dùng quay lại sử dụng sản phẩm đó. Bởi vì dù sao doanh nghiệp vẫn đóng góp về thuế, vẫn đảm bảo an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm…

– Ông có kiến nghị gì về cơ chế chính sách để hỗ trợ cho các sản phẩm của Việt Nam cũng như hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp sản xuất của nước ta?

Về cơ chế chính sách, theo tôi thời gian tới Chính phủ cần họp ở các vùng miền để rà soát đánh giá hết các sản phẩm về mặt truyền thống. Hiện nay rất nhiều các sản phẩm truyền thống của chúng ta như dệt may, da giày…tỷ lệ nội địa hoá vẫn còn thấp. Chúng ta chủ yếu vẫn là gia công, về mặt sơ, sợi…Việt Nam vẫn đang phải nhập thì cần quy định hết sức cụ thể, rõ ràng.

Tôi nghĩ rằng phải rõ ràng từ những cái đó sẽ không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng và đấy cũng là cách giúp cho các doanh nghiệp phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Alternate Text Gọi ngay