Bất động sản Phát Đạt: Việc chủ tịch bị bán giải chấp cổ phiếu không liên quan doanh nghiệp
Ông Bùi Quang Anh Vũ (giữa) – tổng giám đốc Bất động sản Phát Đạt – trao đổi với báo chí – Ảnh: BÔNG MAI
Giới đầu tư chứng khoán đang lan truyền hình ảnh tờ giấy mời “Họp về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp” do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc chủ trì sẽ diễn ra vào ngày mai.
Với kỳ vọng dòng vốn sẽ sớm hết bị tắc nghẽn, không ít nhà đầu tư đã quyết định “đặt cược” – xuống tiền mua cổ phiếu trong phiên hôm nay 22-11. Dù vậy, không ít mã chứng khoán vẫn chưa thoát khỏi cảnh rớt giá.
Là một trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề từ đợt bán tháo cổ phiếu, Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) vừa trả lời phóng viên vào chiều nay để trả lời thắc mắc của báo chí và cổ đông.
“Mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh, phát triển dự án bất động sản bình thường, vẫn tiếp tục tiến lên”, ông Bùi Quang Anh Vũ – tổng giám đốc Bất động sản Phát Đạt – nhấn mạnh ngay khi bắt đầu cuộc trao đổi.
Trên thực tế, ngoài diễn biến bất lợi của thị trường chung, các khoản nợ trái phiếu doanh nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư mang cổ phiếu PDR ra bán tháo.
“Không bị áp lực trái phiếu”, ông Vũ khẳng định, đồng thời cho biết doanh nghiệp đã chuẩn bị đủ tiền trả nợ trái phiếu. Chẳng hạn trong kỳ tháng 10 vừa qua đã trả 100 tỉ đồng, tháng 11 này cũng trả 120 tỉ đồng.
Theo báo cáo tài chính, đến cuối quý 3-2022 doanh nghiệp này đang gánh khoản vay trái phiếu tổng cộng hơn 2.800 tỉ đồng, tất cả đều được đảm bảo bằng hơn 126 triệu cổ phiếu PDR. Ngoài ra, doanh nghiệp còn dùng 25,5 triệu cổ phiếu để thế chấp cho các khoản vay khác có tổng giá trị 550 tỉ đồng.
Trong bối cảnh giá cổ phiếu giảm sâu, nhà đầu tư lo ngại về rủi ro của khoản vay này. Tuy nhiên, ông Vũ cho biết doanh nghiệp đã giải quyết bằng cách mang dự án bất động sản ra thế chấp thêm với tổng giá trị khoảng 7.000 tỉ đồng
Dựa vào báo cáo tài chính, có thể thấy ba quý đầu năm nay doanh nghiệp đạt doanh thu 1.490 tỉ đồng (-38% so với cùng kỳ năm trước), lợi nhuận sau thuế đạt 1.399 tỉ đồng (+26%). Tuy nhiên, việc tăng trưởng kinh doanh lại đến từ khoản chuyển nhượng 26% vốn chủ sở hữu trong công ty con là Địa ốc Sài Gòn KL, để mang về khoản lãi hơn 1.248 tỉ đồng.
Ông Vũ thừa nhận, nếu không bán công ty con, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp sẽ âm. Tuy nhiên, đây là hoạt động bình thường của doanh nghiệp ngành bất động sản. Thay vì bán dự án nhỏ lẻ, doanh nghiệp chọn cách bán công ty con.
Về thị trường bất động sản, ông Vũ nhìn nhận: “Hồi xưa quăng lưới bắt được cá liền, bây giờ khó hơn”.
Chính những khó khăn của thị trường bất động sản cũng khiến Phát Đạt không thoát khỏi xu hướng cắt giảm nhân sự.
Dù vậy, vị tổng giám đốc cho biết hiện nay số lượng người giàu vẫn rất nhiều, tiền trong dân cũng còn rất nhiều, đây cũng là đối tượng để doanh nghiệp hướng đến, kể cả trong kịch bản xấu nhất vẫn cố gắng để có sản phẩm phù hợp.
Ngay lúc cổ phiếu PDR liên tục rớt giá, ông Vũ lại đăng ký mua thêm 20 triệu cổ phiếu PDR, tăng tỉ lệ sở hữu lên 3,45% cổ phần công ty. Thương vụ này dự kiến thực hiện từ ngày mai và kéo dài đến 23-12. Một vấn đề đặt ra gần đây là nhiều lãnh đạo của các doanh nghiệp bất động sản khác đã “thất hứa”, mua rất ít cổ phiếu so với số lượng đăng ký.
“Tiền của tôi. Tôi phải cân nhắc kỹ”, ông Vũ nói, đồng thời cho biết nhà đầu tư có thể nhìn cách ông mua như thế nào trong thời gian tới. Việc mua thêm cổ phiếu “không phải giải cứu gì”, nhưng vì tin nên mua.
Liên quan đến việc chủ tịch Nguyễn Văn Đạt bị tới 7 công ty chứng khoán khác mang hàng chục triệu cổ phiếu ra bán giải chấp, ông Vũ cho biết: “Đây là việc cá nhân của chủ tịch, tách bạch ra với hoạt động của công ty”.
Khép lại phiên giao dịch hôm nay, mã PDR chính thức ghi nhận 13 phiên liên tiếp nằm sàn, tạm neo ở giá 15.950 đồng/cổ phiếu, “bốc hơi” hơn 84% so với hồi đầu năm.