Bé 6 tháng rưỡi bị nổi mẩn, sần đỏ | Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Bé 6 tháng rưỡi bị nổi mẩn, sần đỏ

Thưa bác sĩ, cháu nhà em 6 tháng rưỡi. Từ lúc 5 tháng đến nay, cháu bị nổi mẩn, sần đỏ, có lúc bong tróc, ngứa ngáy ở khắp mặt, cổ, kẽ tay, bẹn. Em đã lau rửa hằng ngày cho bé. Bác sĩ cũng đã kê đơn dung dịch tắm, kẽm oxit bôi ngoài da, kẽm uống, men tiêu hoá và thuốc chống dị ứng nhưng hơn 10 ngày nay vẫn không đỡ. Vùng nào bôi thuốc thì bị lác đỏ (nhẵn, không còn nốt mẩn), vùng nào không bôi thì lại nổi lên. 2 ngày nay, cháu lại nổi mụn trắng li ti khắp cơ thể (rải rác, không dày). Vì tình hình Covid-19 ở Đà Nẵng nên em không đưa cháu đi khám được nữa. Kính nhờ bác sĩ tư vấn giúp em bệnh này sẽ tiến triển như thế nào để em bớt hoang mang ạ. Cảm ơn bác sĩ.

Chào bạn! Xin cám ơn những thông tin bạn đã chia sẻ về tình trạng của con bạn.

Con bạn 6,5 tháng, bị nổi mẩn đỏ có lúc bong tróc, ngứa ngáy ở các vị trí mặt, cổ, kẽ tay, bẹn. Đã được điều trị với kẽm oxit bôi ngoài da và thuốc chống dị ứng 10 ngày nhưng không đỡ. Với những dấu hiệu của con bạn thì bác sĩ nghĩ bé đang bị tình trạng viêm da cơ địa hay còn gọi là chàm.

Viêm da cơ địa ( chàm) là tình trạng da đỏ và ngứa , thường xuất hiện ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có xu hướng bùng phát theo chu kỳ và có thể đi kèm với các bệnh dị ứng khác như hen suyễn. Một số yếu tố nguy cơ gây viêm da cơ địa như: tiền sử gia đình bị viêm da cơ địa, trẻ có tiền sử dị ứng, tác động từ môi trường ( khói thuốc lá, lông vật nuôi, thời tiết nắng nóng..)

Mục tiêu điều trị của viêm da cơ địa là giảm ngứa, giảm viêm, giữ ẩm cho da và ngăn ngừa nhiễm trùng. Do tình hình Covid-19 phức tạp bạn không thể đưa bé đi khám ngay nên bác sĩ sẽ hướng dẫn cho bạn một số cách chăm sóc da cho bé tại nhà để khắc phục bớt tình trạng da của bé hiện tại, giúp bé dễ chịu hơn và bạn cũng bớt lo lắng:

  • Bạn nên dùng loại sữa tắm không có thành phần xà phòng và hương liệu cho bé.

  • Khi tắm bé có thể cho trẻ ngâm mình trong nước khoảng 10-15 phút, không tắm nước quá nóng.

  • Sau khi tắm nên dùng khăn cotton thấm nhẹ nhàng từng vùng, tránh chà xát, tránh lau khô hoàn toàn.

  • Dùng kem dưỡng ẩm thường xuyên, bôi kem dưỡng ẩm sau tắm trong vòng vài phút, ít nhất 2 lần/ ngày hoặc nhiều hơn nếu da khô, đỏ, ngứa.

  • Trẻ nên mặc quần áo thoáng mát, loại vải mềm và thấm hút mồ hôi tốt.

  • Giữ tay của trẻ sạch sẽ và cắt móng tay thường xuyên.

 

Khi tình hình dịch ổn định hơn, bạn nên đưa bé đi bệnh viện khám sớm hay khám ngay nếu bé có các biểu hiện bị sốt, lừ đừ , bú kém, mụn nước rỉ dịch vàng.

Chúc bạn sức khỏe! Nếu có thêm bất cứ thắc mắc nào, bạn có thể gửi câu hỏi về cho chương trình, hoặc liên hệ tổng đài của Hệ thống bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, tại Hà Nội: 024 3872 3872 và tại TP.HCM: 0287 102 6789 để được hỗ trợ đặt lịch khám, tư vấn với các chuyên gia của chúng tôi. Trân trọng!

Đánh giá bài viết:

Alternate Text Gọi ngay