Bệnh Động Mạch Cảnh, Đột Qụy & Thiếu Máu Não Thoáng Qua (TIAs) – Bệnh Viện FV

 

BỆNH ĐỘNG MẠCH CẢNH LÀ GÌ?

Động mạch cảnh xuất phát từ động mạch chủ ở trong ngực đi lên 02 bên cổ và sau đó cho nhánh vào não nằm trong sọ. Chức năng của động mạch cảnh là cung cấp máu cho não. Khi động mạch cảnh trở nên hẹp hoặc tắc nghẽn thì được gọi là bệnh động mạch cảnh.

Bạn có thể bị bệnh động mạch cảnh khi lớn tuổi. Chỉ 1% người lớn từ 50 đến 59 bị hẹp động mạch cảnh đáng kể, nhưng có đến 10% người lớn từ 80 đến 89 bị bệnh này.

Động mạch của bạn thường trơn láng và không bị hẹp ở bên trong, nhưng khi bạn già đi, một chất hỗn hợp, gọi là mảng xơ vữa, được tạo ra trên thành động mạch. Mảng xơ vữa được hình thành từ cholesterol, calcium, và mô xơ. Khi có nhiều mảng xơ vữa hơn ở thành mạch, động mạch bạn trở nên hẹp và cứng. Quá trình này gọi là xơ vữa động mạch. Khi mảng xơ vữa đủ to, nó sẽ làm giảm lượng máu đi qua động mạch cảnh lên não của bạn, và bác sĩ gọi đây là bệnh động mạch cảnh. Bệnh động mạch cảnh là một vấn đề nghiệm trọng về sức khỏe vì nó có thể gây ra đột quị.

Một số mảng xơ vữa mềm và dễ vỡ có thể tạo nên những vùng thô nhám, không đều trong lòng động mạch. Khi điều này xảy ra, cơ thể bạn sẽ phản ứng giống như là bạn bị chấn thương và những tế bào làm đông máu, gọi là tiểu cầu, sẽ tập trung tại những chỗ thô nhám như vậy. Hậu quả là một cục máu đông lớn sẽ hình thành trong lòng động mạch cảnh hay trong các nhánh của nó. Nếu cục máu đông đủ lớn để làm giảm hay tắc dòng máu đem ôxy đến nuôi não, nó có thể gây ra đột quị. Thông thường hơn, chính một mảnh của mảng xơ vữa hay cục máu đông, tách ra và trôi theo dòng máu, đi lên một động mạch nhỏ hơn trong não bạn, làm tắc các mạch máu này và gây nên đột quị.

May mắn là bạn có thể dự phòng hay làm chậm tiến triển bệnh động mạch cảnh này. Bỏ hút thuốc là thay đổi quan trọng nhất bạn có thể làm để ngăn bệnh xảy ra. Những cách khác để phòng bệnh này là:

  • Luyện tập thể dục thường xuyên
  • Ăn uống đúng cách
  • Duy trì cân nặng lý tưởng

Kiểm soát các yếu tố làm gia tăng nguy cơ phát bệnh động mạch cảnh, chẳng hạn như tiểu đường, cao huyết áp, hay tăng cholesterol, cũng giúp dự phòng bệnh này.

BỆNH CÓ NHỮNG TRIỆU CHỨNG NÀO?

Bệnh động mạch cảnh có thể không có triệu chứng vào giai đoạn đầu.

Điều không may là dấu hiệu đầu tiên của bệnh động mạch cảnh có thể là đột quị. Tuy nhiên, bạn có thể bị một dấu hiệu cảnh báo sớm đột quị đó là các cơn thiếu máu não thoáng qua. Các triệu chứng của cơn thiếu máu não thoáng qua thường kéo dài vài phút đến 1giờ và bao gồm:

  • Cảm giác yếu, tê, hay cảm giác kim châm một bên thân thể, chẳng hạn, ở tay hay ở chân.
  • Không kiểm soát được vận động tay hay chân
  • Không nhìn thấy gì ở một mắt (nhiều người mô tả triệu chứng này giống như thấy cửa sổ kéo xuống)
  • Nói không rõ ràng hoặc khó nói

Những dầu hiệu này thường biến mất trong 24 giờ. Tuy nhiên, bạn không nên bỏ qua nó. Bị cơn thiếu máu não thoáng qua nghĩa là bạn đang có nguy cơ cao bị đột quị trong một tương lai gần. Bạn nên báo các triệu chứng này cho bác sĩ của bạn ngay.

Nếu bạn bị các dấu hiệu trên kéo dài nhiều giờ, hay chúng không biến mất trong 24 tiếng, có thể bạn đã bị đột quị, bạn nên gặp bác sĩ ngay.

ĐIỀU GÌ GÂY RA BỆNH ĐỘNG MẠCH CẢNH?

Xơ vữa động mạch là nguyên nhân của hầu hết các ca bệnh động mạch cảnh. Các nhà khoa học không hoàn toàn chắc chắn về nguyên nhân gây xơ vữa động mạch. Mảng xơ vữa có thể hình thành do một tổn thương của lớp trong động mạch. Các yếu tố có thể gây tổn thương thành động mạch gồm có hút thuốc, tăng cholesterol, và cao huyết áp.

Ở những ca hiếm, bệnh phình mạch cảnh và loạn sản sợi cơ (fibromuscular dysplasia) cũng có thể là nguyên nhân của bệnh động mạch cảnh.

Các yếu tố khác có thể làm gia tăng nguy cơ bị bệnh động mạch cảnh gồm tiểu đường và có tiền sử gia đình về xơ vữa động mạch.

TÔI CẦN LÀM NHỮNG XÉT NGHIỆM NÀO?

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi thông tin về sức khỏe chung của bạn, tiền sử bệnh, và  các triệu chứng sau đó sẽ khám bệnh. Cả hai được gọi là bệnh sử và thăm khám bệnh nhân. Trong phần này, bác sĩ cũng sẽ hỏi xem bạn có hút thuốc hay bị tăng huyết áp không. Bác sĩ cũng muốn biết khi nào triệu chứng đó xảy ra và   thường xuyên như thế nào.

Trong lúc khám, bác sĩ sẽ nghe xem có những âm thanh bất thường trong động mạch của bạn không. Bạn sẽ cũng có thể đo huyết áp của bạn.

Sau bệnh sử và thăm khám, nếu bác sĩ nghi ngờ bạn bị bệnh động mạch cảnh, họ có thể cho bạn làm siêu âm duplex động mạch cảnh. Trong phương pháp thăm dò  không gây đau này, bác sĩ sẽ đặt một đầu dò siêu âm ở cổ bạn. Đầu dò phát ra những sóng tần số cao hơn âm thanh (sóng siêu âm) và sẽ bị dội lại bởi tế bào máu và thành mạch để làm hiện ra dòng máu và cấu trúc mạch máu. Xét nghiệm này có thể cho bác sĩ thấy mức độ thông thoáng của động mạch và tốc độ dòng máu trong động mạch.

Siêu âm duplex mạch cảnh giúp phát hiện được hầu hết các trường hợp bệnh động mạch cảnh. Vì vậy, bác sĩ của bạn thường không cần làm thêm xét nghiệm nào khác. Tuy nhiên, nếu siêu âm không cung cấp đủ thông tin, bác sĩ có thể cho thêm một vài xét nghiệm sau:

  • CT và chụp mạch máu cắt lớp điện toán (CTA):  CT và CTA chụp bằng tia x cho ra các hình lát cắt của não và động mạch cảnh. CT có thể cho thấy vùng não bị thiếu máu. Bác sĩ có thể tiêm thuốc cản quang để làm hiện rõ các mạch máu trên phim x quang. CTA cho thấy các động mạch ở cổ và đầu đồng thời xác định vùng động mạch bị hẹp.
  • Chụp mạch máu cộng hưởng từ (MRA): MRA dùng các sóng radio và từ trường để tạo ra hình ảnh chi tiết. Một số dạng xét nghiệm có thể cho thấy sự di chuyển của dòng máu và giúp đánh giá được bệnh lý động mạch cảnh. Để gia tăng độ chính xác, bác sĩ có thể tiêm một chất, gọi là gadolinium, để làm cho động mạch dễ thấy hơn.
  • Chụp động mạch xoá nền: Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ bơm thuốc cản quang vào mạch máu qua một ống nhỏ (catheter) được luồn vào động mạch để chụp. Cấu trúc của động mạch sẽ hiện rõ trên phim x quang bởi vì tia x không xuyên qua được chất cản quang. Xét nghiệm này cho biết dòng máu qua động mạch như thế nào và động mạch có bị hẹp hay không. Chụp động mạch có vài nguy cơ, bao gồm một tỉ lệ nhỏ đột quỵ, đó là lý do tại sao bác sĩ không dùng nó làm xét nghiệm hàng đầu để chẩn đoán và theo dõi. Phẫu thuật viên mạch máu cũng dùng xét nghiệm chụp động mạch để tạo hình mạch máu và đặt stent, điều này sẽ được đề cập sau.

BỆNH ĐỘNG MẠCH CẢNH ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO?

Việc điều trị sẽ tuỳ thuộc và mức độ hẹp của động mạch cảnh, hẹp có triệu chứng hay không, cũng như sức khoẻ chung của bạn. Trong giai đoạn sớm, phẫu thuật viên mạch máu sẽ đề nghị dùng thuốc và thay đổi cách sống, điều này sẽ được bàn sau.

Nếu bạn có bệnh gì khác, phải kiểm soát đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ví dụ, bạn bị tiểu đường, phải theo dõi và kiểm soát đường huyết của bạn. Nếu bạn bị cao huyết áp, bác sĩ sẽ cho thuốc để giảm huyết áp. Nếu bạn hút thuốc, bạn nên bỏ thuốc. Nhờ bác sĩ kiểm tra cholesterol của bạn đều đặn để bảo đảm chúng ở trong mức bình thường. bác sĩ có thể kê thuốc, như statins chẳng hạn, để giảm mức cholesterol.

Phẫu thuật

Bạn có thể được yêu cầu mổ nếu bệnh động mạch cảnh của bạn nặng hay tiến triển. Các dấu hiệu nặng là bị TIA, đã bị đột quỵ, hay bị hẹp nặng động mạch cảnh nhưng không có triệu chứng.

Trong khi mổ, phẫu thuật viên mạch máu sẽ lấy đi mảng xơ vữa làm hẹp động mạch cảnh của bạn. Phẫu thuật này gọi là cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh và có thể được thực hiện bằng gây tê hay mê, tuỳ vào tình trạng cụ thể. Một khi đã làm tê/mê xong, bác sĩ sẽ bộc lộ động mạch cảnh qua một đường rạch da ở cổ, xẻ lòng động mạch và lấy đi mảng xơ vữa nằm ở lớp trong động mạch. Phẫu thuật này giúp lấy đi mảng xơ vữa và để lại một động mạch rộng rãi và trơn láng. Với phương pháp này, bạn có thể xuất viện sớm một ngày sau mổ, tuỳ thuộc vào việc bạn cảm thấy thế nào. Phương pháp này sẽ rất an toàn và hiệu quả lâu dài nếu được một bác sĩ mổ giỏi trong những trung tâm chuyên khoa.

Nong động mạch cảnh và đặt stent

Một phương pháp xâm lấn tối thiểu mới được phát triển gần đây là nong động mạch và đặt stent. Phương pháp này thường được thực hiện qua gây tê. Để thực hiện, bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ dài gọi là catheter xuyên qua da luồn vào trong động mạch đùi, đưa dần lên đến động mạch cảnh. Sau đó bác sĩ sẽ chụp hình động mạch cảnh bằng cách bơm thuốc cản quang qua ống nhỏ này để cho thấy vị trí và chi tiết mảng bảm làm hẹp động mạch cảnh. Sau đó, bác sĩ luồn một ống nhỏ khác mang theo một bóng nhỏ có thể bơm lên và xẹp xuống được, để ép mảng bám vào thành động mạch. Kế đó, bác sĩ sẽ đặt một ống bằng lưới kim loại gọi là stent để giữ cho lòng mạch mở. Thời gian nằm viện sau  nong động mạch cảnh và đặt stent cũng bằng thời gian của phương pháp mổ cắt nội mạch động mạch cảnh. Phương pháp nong động mạch cảnh và đặt stent còn gây tranh cải vì chưa có kết quả lâu dài thuyết phục. Tuy nhiên, đối với bệnh nhân có các bệnh lý làm gia tăng nguy cơ khi phẫu thuật cắt nội mạc động mạch cảnh, thì phương pháp nong mạch máu và đặt stent là một biện pháp có thể thay thể. Nó được chấp thuận khi bệnh nhân có triệu chứng với nguy cơ cao khi phẫu thuật cắt bỏ nội mạc động mạch cảnh, hay đối với bênh nhân đồng ý tham gia vào nghiên cứu lâm sàng để xác định hiệu quả của phương pháp mới này.

TÔI CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ VẪN SỐNG KHOẺ?

Nếu bạn không cần mổ, bạn và người thân cận trong gia đình bạn phải biết dấu hiệu cảnh báo của cơn thiếu máu não thoáng qua. Hãy tuân thủ dùng thuốc bác sĩ kê đơn, như aspirin – để làm loãng máu, hay statins – để kiểm soát mỡ máu. Điều cũng quan trọng không kém là các bạn phải được theo dõi sát bởi vì chỗ hẹp động mạch cảnh có thể xấu đi theo thời gian, ngay cả khi không có triệu chứng.

Thay đổi lối sống có thể làm chậm tiến triển của bệnh động mạch cảnh. Bước đầu tiên của người hút thuốc là bỏ hút. Những biện pháp để làm giảm nguy cơ bệnh động mạch cảnh là giảm cân, thể dục đều đặn, và ăn thức ăn có ít chất béo bão hoà.

Alternate Text Gọi ngay