Bộ Tài chính công bố 20 doanh nghiệp địa ốc vay nợ trái phiếu nhiều nhất
Trong năm 2021, 20 doanh nghiệp này đã vay tổng số nợ qua hình thức trái phiếu lên tới hơn 100.000 tỷ đồng, với những cái tên đứng đầu như Vạn Trường Phát, Osaka Garden, Mediterranena Revival Villas, Sunshine Group…
Trong báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021 và quý I/2022 gửi Chính phủ mới đây, Bộ Tài chính cho biết 20 doanh nghiệp bất động sản vay nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhiều nhất trong năm 2021 đã vay tổng số nợ lên tới hơn 100.000 tỷ đồng, lãi vay từ 8%/năm đến 12,9%/năm.
Theo đó, nhóm doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về nợ vay TPDN trong năm vừa qua là CTCP đầu tư và xây dựng Vạn Trường Phát, CTCP Osaka Garden, Công ty TNHH kinh doanh bất động sản Mediterranena Revival Villas và CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc No Va (Novaland). Tổng giá trị phát hành của các doanh nghiệp này là từ gần 7.000 tỷ đồng đến gần 10.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong danh sách còn có CTCP đầu tư Golden Hill, CTCP đầu tư Tân Thành Long An, Vinaconex, CTCP thương mại – quảng cáo – xây dựng – địa ốc Việt Hân (TNR Holdings), nhóm 3 công ty thuộc Sunshine Group (CTCP Sunshine Homes, CTCP Sunshine AM, CTCP kinh doanh nhà Sunshine)…
Đáng chú ý, trong các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn trên, có nhiều doanh nghiệp có lượng phát hành gấp hàng chục lần vốn chủ sở hữu. Điển hình như Vạn Trường Phát, là chủ đầu tư Khu đô thị Việt Phát tại Long An.
Công ty này thành lập ngày 26/6/2019 với tên gọi ban đầu là CTCP Star Zone, vốn điều lệ 320 tỷ đồng. Ngày 28/5/2021, Vạn Trường Phát đã thực hiện tăng vốn điều lệ lên thành 2.000 tỷ đồng. Trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 10/2021, Vạn Trường Phát đã huy động 4 lô trái phiếu với tổng giá trị 8.000 tỷ đồng, thời hạn 5 năm, đáo hạn vào năm 2026.
Với các lô trái phiếu này, Vạn Trường Phát thế chấp bất động sản liên quan và phát sinh từ khu đất 78 ha thuộc dự án Việt Phát tại xã Tân Lập, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Công ty cũng cho hay, số tiền thu được từ đợt phát hành trái phiếu này sẽ được doanh nghiệp dùng để thanh toán tiền đặt cọc để nhận chuyển nhượng một phần dự án Khu đô thị Việt Phát.
Tới đầu năm 2022, Vạn Trường Phát tiếp tục hoàn tất phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 5 năm, đáo hạn vào ngày 17/11/2026. Như vậy, lũy kế đến nay, doanh nghiệp đã phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu, cao gấp 3,3 lần vốn chủ sở hữu.
Hay như Công ty Mediterranena Revival Villas với vốn chủ sở hữu chỉ 153 tỷ nhưng năm vừa qua đã phát hành tới 7.200 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp, tương đương tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu lên tới hơn 47 lần.
Còn công ty Osaka Garden năm vừa qua phát hành 7.700 tỷ trái phiếu doanh nghiệp nhưng vốn chủ sở hữu chỉ đạt 270 tỷ đồng. Như vậy, tỷ lệ khối lượng phát hành trái phiếu/vốn chủ sở hữu của nhà phát triển bất động sản này lên tới 28,5 lần. Công ty CP Hoàng Phú Vương và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Residence cùng gấp 6 lần; Công ty CP Kinh doanh Nhà Sunshine gấp 7,3 lần…
Trong báo cáo thị trường bất động sản quý 1/2022, Bộ Xây dựng cũng cho biết các doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị phát hành trái phiếu bất động sản khoảng 17.211 tỷ đồng, chiếm 43,36% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, có trường hợp gấp 40 lần vốn chủ sở hữu, gây rủi ro cho thị trường. Kỳ hạn phát hành trái phiếu ngắn, khoảng 3-5 năm nhưng lại huy động vốn để thực hiện các dự án kéo dài trên 5 năm nên rủi ro với nhà đầu tư là không nhỏ.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2022, các thương vụ phát hành trái phiếu bất động sản lớn là Tập đoàn Vingroup (1.515 tỷ đồng), CTCP phát triển bất động sản Nhật Quang (2.150 tỷ đồng), CTCP đầu tư Smart Dragon (1.900 tỷ đồng), CTCP bất động sản Hano-vid (1.000 tỷ đồng), CTCP phát triển bất động sản Phát Đạt (400 tỷ đồng)…
Trong tháng 4 và tháng 5, các doanh nghiệp bất động sản đã “rón rén” hơn trong phát hành trái phiếu. Tháng 4 không có doanh nghiệp bất động sản nào phát hành. Còn trong tháng 5 cũng chỉ có số lượng ít gồm Công ty TNHH Đầu tư tư và kinh doanh địa ốc Mỹ Phú (700 tỷ đồng), Hội An Invest (hơn 300 tỷ đồng), Bất động sản An Gia (300 tỷ đồng), Công ty cổ phần Long thành Riverside (105 tỷ đồng).