Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn là ai? Ý nghĩa và cách thờ cúng
5
/
5
(
4
bình chọn
)
Thiên Thủ Thiên Nhãn là vị Bồ tát có nghìn mắt, nghìn tay, mỗi bàn tay của Ngài đều có con mắt trí tuệ có thể nhìn thấy, nghe thấu trăm cõi, soi tỏ bốn phương tám hướng, dùng năng lực tấm lòng từ bi của mình để cứu khổ cứu nạn, độ hóa chúng sanh.
Mục Lục
Bồ Tát Thiên Thủ Thiên Nhãn là ai?
Thiên Thủ Thiên Nhãn Bồ Tát có danh xưng đầy đủ là Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Tự Tại. Ngài cũng thường được gọi với những cái tên khác như Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm, Thiên Thủ Thánh Quán Âm, Thiên Tý Quán Âm, Thiên Thủ Thiên Tý Quán Thế Âm… Ở Việt Nam, danh xưng của Ngài được lưu truyền trong dân gian là Quán Âm Tứ Tại.
Trong các tài liệu Phật Giáo, Quan Thế Âm Bồ Tát là một trong những vị Bồ tát có vị trí quan trọng, được thờ phụng vô cùng phổ biến, nhất là trong Phật giáo Đại thừa. Theo Thiên Thủ Kinh, Thiên Quang Nhãn Kinh, Mẫu Đà La Ni Kinh… Thiên Thủ Thiên Nhãn Bồ Tát là hóa thân của Quan Thế Âm Bồ Tát ở cõi Tây Phương giới, nơi Đức Phật A Di Đà làm giáo chủ. Ngài đại diện cho tinh thần Đại Bi, sự giác tha của Phật giáo Đại thừa. Một số tài liệu khác thì cho rằng Ngài là Thân sở hóa của Đại Nhật Như Lai hoặc theo Thiên Thủ Thiên Nhãn Kinh thì Ngài là hậu thân của Chính Pháp Minh Như Lai.
Về Bồ tát Thiên Thủ Thiên Nhãn thì Thiên là nhiều, vô số; thủ là tay còn nhãn là mắt; còn Quan là thấu suốt; Thế tức trần gian; Âm tức âm thanh. Như vậy, Quan Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn là vị Bồ tát có vô số tay mắt có thể cứu khổ, lắng nghe tiếng kêu cứu của chúng sanh trần gian. Ngài là vị Bồ tát nghìn mắt nghìn tay, có thể soi thấu hết chốn trần gian, nghe thấu trăm ngàn lẽ đời, thấu đạt những nỗi bi phẫn, khổ đau của con người.
Hình tướng của Bồ tát Thiên Thủ Thiên Nhãn
Thiên Thủ Quan Âm thường được mô tả có hình tướng gồm 40 cánh tay, mỗi tay có một con mắt, mỗi cánh tay có 25 công dụng nên được gọi là nghìn tay. Hai tay chính của Ngài tạo ấn hiệp chưởng, 38 tay bên cầm các bảo vật, pháp khí nhà Phật như búa, kiếm, tịnh bình, chày kim cang, bánh xe pháp, vải lụa gấm vóc, tràng hoa, châu báu… Phần đầu của Ngài có 11 giác ngộ với 5 tầng, tầng trên cùng là Pháp thân, tầng tiếp theo là Báo thân và 3 tầng cuối cùng là Hoá thân.
Thiên Thủ Thiên Nhãn Bồ tát có 9 khuôn mặt: 3 mặt ở bên trái biểu trưng cho bình đẳng tính trí, 3 mặt giữa biểu trưng cho Đại viên cảnh trí và 3 mặt bên phải biểu trưng cho thuyết pháp quan sát. Thân ngài sắc trắng, thường có 11 mặt hoặc 27 mặt, đầu đội bảo quan trên đỉnh. Hình tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Bồ tát mỗi bàn tay có một con mắt trí tuệ, tay cầm nhiều pháp khí tượng trưng cho mọi ngành nghề trong cuộc sống.
Bên cạnh những tay cầm pháp khí, Ngài còn có 42 cánh tay ở giữa tượng trưng cho 42 thành vị tu chứng cứu độ 25 cõi chúng sanh và phải trải qua 42 thánh vị để thành tựu giác ngộ. Lớp tay ngoài cùng của Ngài đại diện cho Hóa thân Phật đi các nẻo luân hồi nhằm cứu độ chúng sanh, còn những cánh tay chỉ xuống là biểu tượng cho sự vô uý thí, từ bi vi bổn.
Những pháp khí mà Thiên Thủ Thiên Nhãn Bồ tát cầm trong tay thường có ý nghĩa là”
-
Hoa sen: Biểu tượng cho sự thanh tịnh trong tâm, phẩm hạnh giác ngộ của chư Phật, Bồ tát
-
Chuỗi tràng hoa: Biểu tượng của sự thanh tịnh, lòng từ bi
-
Pháp luân: Biểu tượng của giáo pháp Phật giáo ban trải, cứu độ khắp nơi
-
Bình cam lồ: Năng lượng pháp vị cam lồ, sự gia trì của chư Phật giúp chúng sanh tận diệt phiền não khổ đau
-
Cung tên: Tượng trưng cho sự rõ ràng và hợp nhất của căn, đạo quả, đánh bại tử ma, thiên ma, ngũ ấm ma, phiền não ma.
Trong quan niệm của đạo Phật, thì nghìn mắt, nghìn tay là con số của viên mãn, các chùa chiền thường đúc tượng Phật Thiên Thủ Thiên Nhãn với 40 tay lớn và 960 tay nhỏ, trên mỗi tay đều có một con mắt. Bên cạnh đó, 1000 còn có thể hiểu là vô số, vô định, do đó số cánh tay và mắt được mô tả chỉ mang tính chất tượng trưng, có thể vài trăm cánh tay, vài trăm con mắt hoặc nhiều hơn 1000 tay và mắt là tuỳ thuộc vào sự sáng tạo của nghệ nhân.
Ý nghĩa của tôn tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Bồ tát
Thiên Thủ Thiên Nhãn Bồ Tát đã tự hoá thân thành ngàn tay, ngàn mắt để soi thấu chốn trần gian, dang rộng vòng tay cứu vớt chúng sanh khỏi khổ đau, bất hạnh. Bàn tay của Ngài tượng trưng cho hành động, con mắt tượng trưng cho trí tuệ, sự thấu suốt, dù ở bất kỳ đâu, bất kỳ nơi nào trên thế gian, Ngài cũng có thể thấy rõ tường tận, có thể ứng hiện và dang tay cứu giúp tức thì.
Tôn tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Bồ tát với 42 thủ nhãn ấn pháp là thể hiện sự diệu dụng của chú Đại Bi. Hình tướng nghìn tay nghìn mắt của Ngài không phải đơn thuần để chúng ta thấy Ngài thần thông mà là biểu thị của sự vô lượng vô biên, của lòng từ bi và trí tuệ của Ngài. Với hạnh nguyện sinh ra ngàn tay ngàn mắt, Ngài mong muốn đem đến sự an vui cho tất cả chúng sinh, để chúng sinh được thọ mệnh dài lâu, diệt trừ tất cả ác nghiệp tội nặng, tiêu trừ bệnh tật, xa lìa chướng nạn, tăng trưởng công đức pháp lành, được thành tựu các thiện căn, tiêu tan sợ hãi.
Theo kinh Phật, Thiên Thủ Quan Âm có nghìn tay nghìn mắt biểu thị cho sự viên mãn vô ngại, chúng sanh thờ phụng, trì niệm Ngài sẽ được Bồ tát dùng nghìn tay hộ trì, nhìn mắt dõi theo, thấu suốt, tiêu diệt tai họa, hàng phục yêu tà quấy nhiễu. Trong tay Ngài cầm nhiều pháp khí, có đầy đủ năng lực khắc chế sự trói buộc của cảnh trần, không sợ hãi hay khuất phục các quyền lực ngoại đạo tà giáo. Ngài mang đến sự cứu độ tuyệt đối bình đẳng cho chúng sanh, giúp chúng sanh phá mê khai ngộ, thoát khỏi khổ não.
Theo các tài liệu Phật Giáo, thiện nam tín nữ thấy Phật bà Thiên Thủ Thiên Nhãn thì vui vẻ, hoan hỉ vì Ngài hiền hoà lại uy nghi, kẻ bất lương gặp Ngài thì khiếp sợ. Việc thờ cúng tôn tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Bồ tát để cầu xin Ngài che chở vượt qua hoạn nạn. Mọi việc làm của gia chủ sẽ được Ngài dõi theo chứng giám, phù hộ, dẫn dắt theo con đường đúng đắn, hoá giải những điềm xấu và tai ương khi nó xảy ra.
Thờ tượng Thiên Thủ Thiên Nhãn Bồ tát để Ngài dạy ta, thấy trước mắt có người khổ nạn liền đưa tay giúp đỡ, che chở họ không do dự, không hối hận, ngắn thì cho họ miếng cơm manh áo, dài thì cho họ biết Phật pháp để tự cải tạo vận mệnh của chính mình. Khi học tập theo Ngài thì cuộc sống của chúng ta sẽ được thọ dụng từ Phật pháp, có thể hưởng thụ tối cao của nhân sinh.
Ngoài ra, một số tài liệu cũng cho rằng, việc thành tâm lễ bái, thờ phụng Thiên Thủ Thiên Nhãn Bồ tát sẽ giúp gia chủ được phù hộ, luôn nhận được những điều tốt đẹp. Gia đạo được bình an, sức khoẻ của người thân trong gia đình tốt hơn, mọi chuyện được hanh thông, hoá giải tai ương, mang đến bình an cho gia đình. Những người thường xuyên gặp trắc trở, bất hạnh, vận xui cũng có thể chuyển hung thành cát.
Cách thờ cúng Thiên Thủ Quan Âm
Thiên Thủ Quan Âm đại diện cho sự bao dung, bác ái, từ bi của nhà Phật, Ngài giúp chúng sanh tai qua nạn khỏi, giác ngộ chân lý, xoa dịu những đau khổ, phiền não của con người, đồng thời mang đến sự an lạc, bình tâm trong cuộc sống. Khi thờ tượng Thiên Thủ Quan Âm gia chủ cần lưu ý những vấn đề sau đây:
-
Xây dựng bàn thờ Quan Thế Âm ở vị trí phù hợp, nếu thờ tượng Phật khác thì đặt tượng Phật ở vị trí chính giữa. Nếu không có tượng Phật thì tượng Quan Âm ở vị trí chính giữa, bàn thờ tại gia nên đặt ở vị trí chính của phòng thờ hoặc phòng khách, đối diện với vị trí ngồi của gia chủ trong nhà
-
Sau tượng Phật không nên có cửa sổ, bàn thờ nên đối diện cửa sổ để có đầy đủ ánh sáng, đặt bàn thờ ở vị trí trung tâm để phát huy tối đa tác dụng cảm hoá an lạc. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của thầy phong thuỷ để có vị trí đặt tượng đẹp, hợp phong thuỷ.
-
Tuyệt đối không đặt bàn thờ phật ở nơi tiếp khách, ăn uống, hội họp, cười đùa, nên là nơi yên tĩnh, thanh tịnh để tụng niệm ngồi thiền. Đặc biệt, không đặt về các hướng như phòng ngủ, cầu thang, nhà bếp, nhà vệ sinh
-
Trong đạo Phật thường không quan niệm ngày tốt ngày xấu mà chủ yếu là sự thành tâm, đức tin, lòng thành kính của gia chủ với Tam Bảo. Tuy nhiên đa số các Phật tử đều muốn chọn ngày tốt để thỉnh tượng. Những ngày thỉnh tượng thường là mùng 1, 15, ngày vía Đức Quán Thế Âm như ngày 19/2 âm lịch (ngày đảng sinh), ngày 19/6 (ngày Phật thành đạo), ngày 19/9 (ngày Phật xuất gia).
-
Khi thỉnh tượng, gia chủ nên chuẩn bị bàn thờ phật trang nghiêm, đầy đủ, chu đáo sao cho khi rước tượng về nhà thì lập tức thượng an lên bàn thờ, tuyệt đối không dừng ghé nơi khác hay đặt tượng lên bàn ghế trước rồi mới đặt lên bàn thờ.
-
Trước khi thỉnh Thiên Thủ Quan Âm, gia chủ cần thực lễ khai quang điểm nhãn, lễ rước và lễ an vị, trong những ngày thỉnh tượng nên ăn chạy niệm Phật, tụng kinh trì thập chú để bày tỏ lòng thành.
-
Nên dâng cỗ chay kèm theo hoa quả và 3 chén nước sạch vào những ngày mùng 1, 15, 30 và ngày vía Phật, những ngày bình thường thì chỉ cần thường xuyên bày cúng hoa quả là được. Tuyệt đối không cúng cỗ mặn, không đặt giấy tiền, vàng mã, bùa chú lên bàn thờ Phật vì đây là đi ngược với giáo lý nhà Phật.
Đạo Phật không phải để dạy ta khẩn cầu, trông mong vào sự cứu độ của Bồ tát Thiên Thủ Thiên Nhãn mà dạy tay phải tự cứu, thay đổi vận mệnh của mình đồng thời phát tâm bồ tát, cứu độ những người xung quanh. Người có phước đức thiện tâm, khi nhìn thấy hình tượng Thiên Thủ Quan Âm thì cảm ứng được sự dịu mát, tu hạnh và hành trì theo đức độ Bồ tát. Còn người có tâm bất thiện khi nhìn thấy Ngài thì sợ hãi kinh hoàng, mơ ước kỳ nhân, tưởng tượng Ngài có phép lạ và chỉ biết khẩn cầu thật nhiều thứ.