Bỏ hàng chục triệu đồng nhưng không được xuất khẩu lao động sang Nhật Bản

Nhiều người lao động đang như ngồi trên đống lửa vì đã đóng hàng chục triệu đồng cho Công ty Lá Đỏ nhưng không thể đi sang Nhật Bản làm việc.

Trong những ngày qua, nhiều người lao động đã tìm đến Công ty TNHH Phát Triển Nhân Lực Lá Đỏ (Công ty Lá Đỏ, TP.Thủ Đức, TP.HCM) đòi lại tiền đã đóng để tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Nhật Bản… nhưng không được.

Ngày 11/1, chúng tôi đã liên hệ với bà Lê Thị Cẩm Tú, Giám đốc Công ty nhưng cả 2 số điện thoại gọi đều không nghe máy; nhắn tin thì nhận được phản hồi “liên hệ mục đích để làm gì?”.

Thu cả trăm triệu đồng của nhiều học viên…

Trưng ra các tài liệu và trao đổi với phóng viên Báo Giao thông, anh Huỳnh Văn Tài (26 tuổi, quê Trà Vinh), cho biết: Ngày 24/3/2020, anh đăng ký tham gia đơn hàng kỹ sư đi lao động ở Nhật Bản tại Công ty Lá Đỏ, tổng phí là 4.500 USD, chưa bao gồm học phí tiếng Nhật.

“Tôi nộp 7,5 triệu đồng đặt cọc phỏng vấn XKLĐ diện kỹ sư (tiến cử, bao đậu) và các giấy tờ liên quan bao gồm bằng cấp gốc, bảng điểm gốc, hộ chiếu gốc…Ngày 26/03/2020, tôi được phía công ty thông báo trúng tuyển đơn hàng và yêu cầu tôi chuyển gấp 2.500 USD trong vòng 1 tuần để bên Nhật làm hồ sơ trình Cục Nhật Bản”, anh Tài trình bày.

Bỏ hàng chục triệu đồng nhưng không được xuất khẩu lao động sang Nhật  Bản 1

Các học viên đứng trước Công ty Lá Đỏ yêu cầu trả lại tiền. Ảnh: Quang Phương.

Theo tài liệu, ngày 30/3/2020, Công ty Lá Đỏ đã ký cam kết về việc đưa lao động sang Nhật làm việc. Anh Tài đã đóng tiếp hơn 35,2 triệu đồng. Phía công ty cam kết sau 3 đến 6 tháng có tư cách lưu trú COE (Giấy xác nhận tư cách lưu trú tại Nhật Bản). Ngày 11/4/2020 công ty thông báo có hợp đồng ngoại và ký hợp đồng ngoại (hợp đồng ký kết với công ty tiếp nhận ở Nhật Bản). Ngày 13/4/2020 anh Tài tiếp tục đóng tiếp 52 triệu đồng.

“Tuy nhiên, từ đó đến nay chúng tôi vẫn không thể xuất cảnh qua Nhật làm việc. Chúng tôi liên hệ với Công ty Lá Đỏ, họ yêu cầu tiếp tục đợi thêm 3 tháng nữa, nếu sau 3 tháng vẫn không có kết quả thì hoàn 100% tiền đã đóng và công ty chịu trách nhiệm về hồ sơ trong thời gian chưa trình Cục.

Mới đây nhất là ngày 21/10/2021 công ty tiếp tục ký bản thỏa thuận, nội dung tiếp tục chờ COE, nếu sau ngày 21/12/2021 không có kết quả, thì công ty sẽ hoàn 100% tiền và hồ sơ, cam kết hồ sơ sạch để đi công ty khác”, anh Tài trình bày và cho biết đến hẹn, một lần nữa anh lại thất vọng.

“Tôi yêu cầu hoàn tiền và hồ sơ, phía công ty không trả mà bảo do đối tác đối ngoại bỏ trốn, công ty không có khả năng chi trả 100%, không chịu trách nhiệm về hồ sơ của tôi. Công ty buộc tôi phải chịu mất 1.500USD phí làm hồ sơ. Mới đây, bà Tú hẹn 5/1/2022 sẽ chuyển tiền cho tôi, nhưng đến ngày bà Tú không chuyển tiền, lấy lý do không có tiền”, anh Tài bức xúc.

Theo các tài liệu phóng viên thu thập được, có khá nhiều trường hợp người lao động đăng ký đi XKLĐ tại Nhật Bản đã đóng tiền vào Công ty Lá Đỏ nhưng đến nay… không những không sang Nhật làm việc được mà tiền cũng không đòi lại được.

Cụ thể, anh Lê Tấn Cường (ngụ TP.Thủ Đức) cung cấp chứng từ đã đóng 52 triệu đồng; anh Nguyễn Hữu Nghĩa (quê tỉnh Vĩnh Long) đã đóng hơn 79 triệu đồng; Chị Phan Thị Kim Huỳnh (quê Bến Tre) đã đóng 80,5 triệu đồng; anh Võ Thành Nhơn (quê Vĩnh Long) đã đóng hơn 44,9 triệu đồng; anh Lê Văn Nhựt hơn 44,9 triệu đồng; anh Trần Hoàng Khang hơn 44,9 triệu đồng; anh Hà Quốc Cọng hơn 56 triệu đồng; anh Nguyễn Thanh Hậu hơn 68 triệu đồng; anh Vũ Văn Phôn hơn 92 triệu đồng… Tất cả các trường hợp trên đều bị trì hoãn việc trả tiền giống như anh Tài.

Lá Đỏ mất khả năng hoàn trả?

Theo các tài liệu phóng viên có được, trong tháng 12/2021, Giám đốc Công ty Lá Đỏ là bà Lê Thị Cẩm Tú đã có thông báo về việc hoàn cọc và trả hồ sơ gửi đến học viên.

Theo đó, bà Tú nêu “Tình hình rút hồ sơ số lượng nhiều trong tháng này nên công ty chưa thể xử lý hết tất cả các trường hợp. Cụ thể là chưa thu hồi tiền tiền cọc từ phía đối tác. Cùng với sự việc một số học viên dùng facebook ảo đưa công ty trên các trạng mạng xã hội như “Phốt lừa XKLĐ” khiến công ty thêm khó khăn.

Hiện tại, công ty đã thiệt hại về úy tín và tiền bạc khá nhiều, các công ty đối tác đã ngưng hợp tác. Công ty càng khó khăn hơn trong việc hoàn 100% cọc cho học viên trong thời gian sớm nhất như đã cam kết. Thời gian dự kiến hoàn cọc cuối tháng 12/2021”.

Bỏ hàng chục triệu đồng nhưng không được xuất khẩu lao động sang Nhật  Bản 2

Thư trả lời của Giám đốc Công ty Lá Đỏ buộc người lao động chịu mất tiền 1.500 USD. Ảnh: Quang Phương.

Tiếp đó, 22/12/2021, bà Tú lại tiếp tục có “Thư trả lời từ Giám đốc” về việc thực hiện hoàn cọc và hồ sơ gốc gửi đến một số học viên. Trong thư này, công ty đưa ra các lý do bất khả kháng không theo cam kết vì: Nghỉ dịch 5 tháng từ tháng 5/2021 – 10/2021 ảnh hưởng đến việc làm hồ sơ chậm trễ, ảnh hưởng đến việc kinh doanh; thứ 2 công ty bị đối tác lừa đảo bỏ trốn. Công ty đang tiến hành thu thập chứng cứ và nộp đơn kiện nhờ cơ quan chức năng hỗ trợ…

Từ đó, công ty đưa ra hướng giải quyết với các khoản đền bù trước kia đã hứa, hiện công ty không đủ khả năng thực hiện được, rất mong bạn thông cảm. “Hiện tôi không đủ khả năng để giải quyết hoàn cọc 100% cho bạn như đã cam kết”, thư giám đốc công ty Lá Đỏ viết.

Từ đó, Công ty này đề nghị người lao động chịu mất khoảng chi phí làm hồ sơ. Ví như trường hợp anh Nguyễn Thanh Hậu (quê Tây Ninh) đăng ký XKLĐ diện kỹ sư tổng phí 4.500 USD, công ty đề nghị anh chịu mất 1.500 USD vào phần cọc; Những trường hợp đi XKLĐ với tổng phí 3.500 USD, công ty đề nghị người lao động chịu mất 700 USD vào phần cọc đã đóng.

Có thể kiện vì có dấu hiệu của hành vi lừa đảo đoạt tài sản

Liên quan đến vụ việc nêu trên, Luật sư Đỗ Duy Khang – Văn phòng Luật sư Xuân Phú (Đoàn Luật sư TP.HCM), cho biết: “Công ty Lá Đỏ cam kết có thể đưa người lao động qua Nhật làm việc, đồng thời, đã nhận các khoản tiền của người lao động. Tuy nhiên, sau đó lại viện lý do cho rằng do dịch Covid-19 nên không thể thực hiện được hoặc do đối tác lừa đảo là không thuyết phục. Bởi vì, đối với một vụ việc đang có tranh chấp, khi một bên đưa ra những quan điểm thì phải kèm theo tài liệu, chứng cứ khách quan, chứng minh cho quan điểm đó là đúng sự thật.

Qua nội dung, tài liệu do những người lao động cung cấp, luật sư nhận thấy đại diện Công ty Lá Đỏ có dấu hiệu “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trong trường hợp này, những người lao động đã bị chiếm đoạt tiền cần làm đơn tố giác gửi đến Cơ quan Cảnh sát điều tra nơi Công ty Lá Đỏ có trụ sở, để tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và được bảo vệ quyền lợi theo quy định pháp luật”, luật sư Khang nói.

Alternate Text Gọi ngay