Bổ sung sắt cho trẻ nhỏ – Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố

  1. Những đối tượng nào có nguy cơ cao bị thiếu sắt?

Sắt là chất thiết yếu cho sự tăng trưởng, phát triển của não và hệ thống thần kinh của trẻ. Sắt cũng là thành phần tham gia cấu tạo máu, vì vậy thiếu sắt kéo dài dễ dẫn đến tình trạng thiếu máu.

Trẻ sinh non, trẻ sơ sinh có mẹ bị thiếu sắt trong giai đoạn mang thai, trẻ bú sữa mẹ hơn 6 tháng nhưng không được bổ sung phong phú các loại thực phẩm, trẻ kén ăn, ăn chay… đều là đối tượng có nguy cơ cao bị thiếu sắt. Nếu thiếu nhẹ, hay thiếu trong giai đoạn ngắn, trẻ sẽ không có triệu chứng gì đặc biệt. Nếu thiếu sắt nặng kéo dài thì dấu hiệu dễ thấy nhất là trẻ xanh xao, nhợt nhạt, mệt nhỏi, tóc khô, móng tay giòn, sức đề kháng giảm nên trẻ dễ bị nhiễm trùng, như nhiễm trùng đường hô hấp… Nếu bạn thấy bất kì dấu hiệu nào như trên, hãy đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám. Bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm để xác định chính xác tình trạng thiếu sắt của trẻ.

  1. Bổ sung bao nhiêu sắt cho trẻ là đủ?

Với trẻ sơ sinh đủ tháng khỏe mạnh, lượng sắt trẻ tích lũy được từ mẹ trong  thai kì đủ cho nhu cầu của trẻ trong 5-6 tháng sau sinh. Vì vậy, trẻ không cần phải bổ sung thêm sắt. Sữa mẹ trong giai đoạn này rất quan trọng, vì tuy sắt trong sữa mẹ không nhiều như sữa công thức nhưng dễ hấp thu hơn đáng kể.

Trẻ sinh non cần được bổ sung thêm sắt 2mg/kg mỗi ngày, tối đa 15 mg/ngày, bắt đầu từ 1 tháng tuổi, tiếp tục đến 12 tháng tuổi (khuyến cáo của Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kì). Lượng sắt này được cung cấp đủ trong sữa công thức. Nếu trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn, có thể cho trẻ uống thuốc sắt dạng lỏng, siro cho đến khi trẻ có thể ăn dặm.

Từ khoảng 6 tháng tuổi, trẻ cần được tập ăn dặm, tốt nhất là bắt đầu từ các thực phẩm giàu sắt và kẽm. Cha mẹ có thể bổ sung sắt dạng thuốc lỏng 11mg mỗi ngày nếu trẻ vẫn chưa thể ăn thức ăn đặc.

Trẻ từ 1 tuổi trở lên không nên uống quá nhiều sữa bò (quá 600ml sữa mỗi ngày), vì đây không phải là nguồn cung cấp sắt cho cơ thể. Hơn nữa, sữa bò có thể ức chế sự hấp thu sắt từ thức ăn khác.

  1. Những nguồn thực phẩm nào có thể giúp trẻ bổ sung sắt?

Đây là cách phổ biến và an toàn nhất để dự phòng thiếu sắt cho trẻ, hoặc bổ sung sắt cho trẻ bị thiếu sắt mức độ nhẹ.  Có hai loại sắt được tìm thấy trong thực phẩm hàng ngày:

  • Sắt động vật: thường hay có trong những loại thịt đỏ (thịt bò, thịt heo, thịt cừu…), hải sản ( cá ngừ, cá hồi, tôm, cua, nghêu, sò…), gia cầm, trứng và nội tạng động vật như gan, thận.
  • Sắt thực vật: hiện diện trong các loại rau có màu xanh đậm (rau bó xôi, rau muống, bông cải xanh…), các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt hoặc trái cây khô…

Nguồn sắt thực vật sẽ không được cơ thể hấp thu tốt như sắt động vật. Vì vậy nếu trẻ ăn chay, trẻ cũng không được bổ sung sắt đầy đủ. Tuy nhiên, dùng chung với các loại thực phẩm giàu vitamin C (như cam quýt, dâu tây, đu đủ, bông cải xanh…) sẽ góp phần giúp trẻ tăng hấp thu sắt.

  1. Nên bổ sung thuốc sắt như thế nào?

Chỉ nên được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Trên thị trường có rất nhiều dạng thuốc sắt khác nhau, từ viên nén, viên nén phóng thích kéo dài, viên nang, viên bao tan trong ruột… ở dạng sắt đơn chất hoặc phối hợp với vitamin, acid amin khác. Tuy nhiên, dạng thuốc lỏng, siro thường phù hợp cho đối tượng trẻ nhỏ hơn. Dưới đây là một số lưu ý khi cha mẹ cho con uống thuốc sắt:

  • Sắt được hấp thu tối đa lúc bụng đói. Vì vậy, nên uống thuốc trước bữa ăn 1 giờ, hoặc sau bữa ăn 2 giờ. Nếu có thể, nên dùng chung với Vitamin C hoặc những thực phẩm giàu Vitamin C để tăng hấp thu sắt.
  • Trong trường hợp, trẻ bị kích ứng dạ dày do uống sắt khi đói (đau bụng, buồn nôn, nôn mửa…), có thể sử dụng thuốc trong hoặc sau bữa ăn, hoặc khởi đầu bằng liều thấp, sau đó tăng dần.
  • Một số thức ăn, có thể tương tác làm giảm sự hấp thu sắt như: sữa, trà, café, coca và các loại nước có ga… Vì vậy, nên tránh dùng những thực phẩm này 1 đến 2 giờ sau khi uống sắt. Tương tự với các thuốc dạ dày (như thuốc trung hòa acid dịch vị, thuốc kháng H2, thuốc ức chế bơm proton….).
  • Các dạng thuốc lỏng, siro có khả năng làm sậm màu răng của trẻ khi sử dụng trong một thời gian dài. Súc miệng, đánh răng sau khi uống thuốc sẽ làm giảm tác dụng này.
  • Thuốc có thể làm trẻ đi tiêu phân đen. Tuy nhiên, tác dụng này không gây hại. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như đau bụng, táo bón, tiêu chảy, buồn nôn…
  • Nếu trong nhà bạn có trữ sẵn thuốc sắt, phải để xa tầm tay của trẻ, vì sắt là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thuốc hàng đầu. Biểu hiện cấp tính của ngộ độc sắt thường là nôn mửa, đau quặn bụng, tiêu chảy, có máu trong phân….  Các triệu chứng trễ hơn gồm môi, móng tay và lòng bàn tay ngả màu xanh, lơ mơ, nhợt nhạt, co giật, thở nhanh và nông… Trong trường hợp này, phụ huynh cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế ngay để được cấp cứu kịp thời.

KHOA DƯỢC
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

Alternate Text Gọi ngay