CEO Asanzo trải lòng về con đường sản xuất tivi bán cho những người bị bỏ quên và khủng hoảng “Made in Vietnam”
Ông Phạm Văn Tam đã nói về triết lý sản xuất tivi cho những người bị bỏ quên trong buổi sáng 15/8/2019 tại Hà Nội.
Sáng 15/8/2019, tại Hà Nội, CLB Cafe Số tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Hàng Việt Nam nhìn từ Asanzo”, mở đầu buổi Tọa đàm ông Phạm Văn Tam, CEO Asanzo đã trải lòng về con đường phát triển Asanzo từ một người buôn bán hàng điện tử ở chợ Nhật Tảo cho đến khi quyết định đầu tư 500 tỷ đồng để xây dựng được nhà máy ở Khu công nghệ cao Quận 9, TP.HCM.
Trước rất đông các nhà báo và người quan tâm, ông Phạm Văn Tam không kìm được xúc động, nghẹn ngào rơi nước mắt khi nói về những khó khăn trong 2 tháng qua và ông cho biết sẽ quyết tâm đấu tranh để tiếp tục phát triển Asanzo.
Mở đầu bài phát biểu ông Tam nói rằng: “Nhiều bài báo nói tôi chỉ là người đi buôn, tôi rất buồn. Nhưng tôi tự hào đã từng là người đi buôn, đi buôn có gì xấu đâu, tôi là người Quảng Ninh nhưng đã xây dựng thương hiệu Asanzo là cái tên của miền Nam. Tôi chưa bao giờ giấu chuyện tôi đã trải qua nhiều ngày tháng buôn bán ở chợ Nhật Tảo, thời gian đó giúp cho tôi có cách làm mạnh dạn phát triển thương hiệu Asanzo sau này”.
Những chiếc tivi cho những người tiêu dùng bị bỏ quên
“Tôi là người sáng lập Asanzo, tôi đã có sản phẩm tivi đầu tiên nhờ những chuyến đi buôn, cung cấp hàng cho người dân miền Tây, những người sống ở những huyện nghèo, chợ nổi rất nghèo, thiếu điện, thiếu nước sạch. Khi đó tôi nghĩ mình sẽ làm tivi để phục vụ cho đối tượng khách hàng bị bỏ quên này. 20 tuổi tôi đã vào miền Nam, đã đi nhiều vùng quê ở miền Tây và rất hiểu người dân ở đây, họ sống trên xuồng ghe, bán trái cây, không có nước sạch, chỉ có trời và sông nước. Tôi không có mơ ước gì nhiều, tôi chỉ muốn làm ra những tivi có thể sử dụng điện ắc quy để phục vụ cho họ. Tôi gọi đó là những người tiêu dùng bị bỏ quên, các hãng tivi toàn cầu chưa có sản phẩm nào dành cho họ”, ông Tam chia sẻ.
Ông Tam nói tiếp: “Tôi ra đi từ chợ Nhật Tảo, tôi có 500m2 nhà xưởng, tôi làm ra những chiếc tivi chỉ dùng bình ắc quy là xem được, khi đó không có một hãng tivi lớn nào làm những sản phẩm này. Tôi làm ra những tivi màn hình LED cỡ 18-20inch đầu tiên. Để có thể sử dụng ắc quy để xem tivi, tôi phải thiết kế lại toàn bộ bo mạch, làm nhỏ gọn lại, nguồn điện cũng làm lại, chỉ cần dùng bình ắc quy 12V có thể dùng 4-5 tiếng xem tivi trên xuồng ghe, bo mạch của tôi không giống bất cứ một hãng nào, không copy của ai hết. Vào năm 2013, tháng đầu tiên bán được 1.000 tivi, tôi rất hài lòng, tôi không cần nhiều chỉ cần thế là đủ. Mỗi tháng tôi chỉ cần phục vụ vài trăm tivi cho khách hàng ở miền Tây, ở các vùng cao nguyên không có điện lưới, họ phải dùng năng lượng mặt trời, ắc quy để xem được tivi”.
“Dần dần tôi tăng chất xám của mình lên, tôi tăng bo mạch cho tivi để có thể dùng điện lưới, ở những nơi điện yếu chỉ tầm 90V, tôi phải thiết kế bo mạch lại tivi cho phù hợp với dòng điện yếu ở các khu vực đó, tivi của tôi vẫn có độ bền vẫn cao, bảo hành 3 năm, giá rẻ. Tới khi tivi smart ra đời, tôi đã làm những sản phẩm tivi khác biệt với các hãng lớn khác, tivi của Asanzo dùng được cả 3G và Wi-Fi, tôi thiết kế lại toàn bộ giao diện hệ điều hành Android cho tivi. Hệ điều hành Android là hệ điều hành mở và Asanzo đã thiết kế giao diện đơn giản nhất, dễ sử dụng nhất để người dùng có thể mù chữ, không hiểu công nghệ nhưng bấm 1 nút là xem YouTube, xem phim mà không phải đi quá nhiều tầng lớp. Tôi cắt bớt các chi tiết, tivi của các hãng toàn cầu có 4-5 cổng USB, 2-3 cổng HDMI, tôi thiết kế tivi chỉ cần 1 cổng USB, 1 cổng HDMI, tôi cải tiến lại nguồn điện phù hợp với các khu vực điện yếu, tivi của tôi chỉ cần nguồn điện 90-100V nhưng vẫn dùng bền, dùng tốt. Các hãng tivi toàn cầu chỉ thiết kế sản phẩm cho nguồn điện 220V, nếu dùng ở những khu điện yếu sẽ không xem được, tivi nhanh hỏng”, ông Tam nói.