CEO Phạm Văn Tam: “Asanzo đã bị đẩy vào hành trình 89 ngày bão tố”
Clip: Ông chủ Asanzo nói về hành trình “89 ngày giông bão”
Tại cuộc họp báo, ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Asanzo chia sẻ, công ty đã phải trải qua 89 ngày từ khi “cơn bão” quy chụp đi qua. Hiện nay, Asanzo đã có tất cả kết luận về các cáo buộc trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, do các cơ quan chức năng không công bố chính thức các kết luận này nên tập đoàn phải tổ chức họp báo để “tự cứu lấy mình”.
Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Asanzo phát biểu tại họp báo sáng 17/9 tại Hà Nội. (Ảnh: P.V)
“Hôm nay là ngày thứ 89 kể từ khi cơn bão quy chụp Asanzo giả xuất xứ hàng hoá ập đến với công ty chúng tôi. Tôi tổ chức cuộc họp báo này khi cơn bão ấy vẫn đang từng ngày, từng giờ khiến Asanzo chảy máu. Tôi tổ chức cuộc họp báo này để dốc lòng mình với các nhà báo, hy vọng Asanzo được sống. Chúng tôi muốn sống và tiếp tục hành trình của mình, hành trình phục vụ những khách hàng bị bỏ quên”, CEO Tam nói.
Tiếp đó, vị CEO này chia sẻ thêm: “Những người dân vùng sông nước chỉ có bình ắc quy hay những khu vực điện thế trồi sụt, các tập đoàn điện tử nước ngoài gần như bỏ quên họ. Những, những tâm huyết ấy suýt nữa bị đạp đổ bằng một quy chụp giả mạo nguồn gốc xuất xứ, đẩy chúng tôi vào một hành trình 89 ngày bão tố”..
Ngoài ra, ông Phạm Văn Tam cho biết thêm, việc bị quy chụp gian lận xuất xứ, thương mại… khiến tập đoàn bị thiệt hại lớn, tuy nhiên, sau khi được “minh oan”, Asanzo sẽ trở lại mạnh mẽ hơn.
Ông này tâm sự: Phải mất 20 năm để tích luỹ, hiểu nhu cầu thị trường, biết tận dụng lợi thế cạnh tranh của các đối tác để tạo ra lợi thế cạnh tranh cho mình, 20 năm để vươn lên vị trí thứ 4 trên thị trường, nhưng chỉ 89 ngày bị quy chụp sai sự thật, chúng tôi trở về vạch xuất phát.
“Nhưng, cánh cửa này đóng lại sẽ có cánh cửa khác mở ra. Cũng trong chuỗi ngày khó khăn ấy, tôi lại nhìn thấy hy vọng Asanzo được minh oan nhờ vào sự khách quan, tôn trọng pháp luật của các đoàn kiểm tra và việc đưa tin đa chiều của các nhà báo, trong đó có nhiều nhà báo đang có mặt ở đây hôm nay”, ông Tam nói.
Ông Phạm Văn Tam cùng các cộng sự trao đổi thông tin với báo chí. (Ảnh: P.V)
Trao đổi tại cuộc họp báo, luật sư Trần Đức Hoàng cho biết: “Không chỉ người dân và cơ quan báo chí mà bản thân anh Tam đã rất nôn nóng muốn được biết kết luận của cơ quan chức năng… Đến từ 6h sáng ở cổng bộ, 8h đứng trước cổng Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan để xin gặp lãnh đạo làm việc, giải trình, mong biết dự thảo kết luận…”.
Theo ông Trần Đức Hoàng, tập đoàn có ba cáo buộc chính liên quan đến các vấn đề có làm giả xuất xứ, gian lận thương mại, lừa dối khách hàng hay không.
Nói về vấn đề gian lận xuất xứ, luật sư Hoàng cho biết, theo các kết luận cơ quan chức năng không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hoá.
“Ngày 1/8/2019, Tổng Cục quản lý thị trường có văn bản gửi Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia để báo cáo kết quả kiểm tra, xác minh đối với Asanzo. Theo báo cáo này, Tổng cục Quản lý thị trường không có bất cứ kết luận nào cho thấy Asanzo có sai phạm về việc ghi xuất xứ hàng hoá, sau khi đã kiểm tra việc ghi nhãn hàng hoá của doanh nghiệp”, ông Hoàng nói.
Ngoài ra, ông Hoàng thông tin thêm, không chỉ cơ quan quản lý thị trường không kết luận Asanzo sai trong việc ghi xuất xứ hàng hoá, mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tổ chức được giao chức năng cấp chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/0), cũng đã thành lập Tổ công tác để xác minh vấn đề ghi xuất xứ hàng hoá của Asanzo.
“Tổ công tác của VCCI đã kết luận rằng, đối với các “sản phẩm điện tử Asanzo được lắp ráp tại Việt Nam từ các linh kiện mua trong nước hoặc nhập khẩu từ nước ngoài, việc ghi trên nhãn hàng hoá “sản xuất tại Việt Nam”, hoặc “chế tạo tại Việt Nam”, “nước sản xuất Việt Nam”, “xuất xứ Việt Nam” hoặc “sản xuất bởi Việt Nam” là đúng quy định pháp luật”, luật sư Trần Đức Hoàng cho biết.
Sự kiện thu hút rất nhiều cơ quan báo chí, sự quan tâm của dư luận. (Ảnh: P.V)
Bên cạnh đó, đại diện tập đoàn Asanzo cũng cho biết thêm, các cơ quan chức năng cũng đã khẳng định Asanzo không có sai phạm về vấn đề xuất nhập khẩu.
“Bản thân anh Tam đã rất máu, nôn nóng được biết kết luận của cơ quan chức năng… Anh đến từ 6h sáng ở cổng bộ, 8h đứng trước cổng Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan để xin gặp lãnh đạo làm việc, giải trình, mong biết dự thảo kết luận…”, luật sư Trần Đức Hoàng nói.
Thông tin từ tập đoàn Asanzo cho biết, ngày 15/8, Cục Kiểm tra sau Thông quan đã có kết luận kiểm tra đối với Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo.
Theo bản kết luận số 774/KL-KTSTQ, Cục Kiểm tra sau thông quan cho biết: “Trên cơ sở hồ sơ tài liệu, số liệu, thông tin do công ty cung cấp, tại thời điểm kiểm tra chưa phát hiện sai phạm về khai báo hải quan đối với hàng hoá tại 1 tờ khai hải quan xuất khẩu, 26 tờ khai hải quan nhập khẩu”.
Theo ông Trần Đức Hoàng, báo Tuổi Trẻ quy chụp Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo đã có hành vi lừa dối người tiêu dùng khi sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, không có bất kỳ biên bản kiểm tra nào của các cơ quan chức năng kết luận Asanzo có sai phạm trong việc sử dụng slogan này.
Theo đại diện pháp luật của tập đoàn Asanzo, về việc sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” cho quảng cảo sản phẩm, Asanzo có xin phép Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch TP.HCM và đã được đồng ý.
Trước đó, ông Phạm Văn Tam đã viết tâm thư gửi lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc cơ quan chức năng chậm đưa ra kết luận thanh tra sản phẩm thương hiệu Asanzo.
Theo đó ngày 30/8/2019, là thời hạn được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải có kết luận chính thức, việc các cơ quan chậm trễ khiến doanh nghiệp lâm vào bước đường cùng, Asanzo đã phải xem xét vấn đề tuyên bố phá sản.
Sau khi đại diện phía Asanzo kết thúc phần chia sẻ của mình, tới phần đặt câu hỏi của báo giới dành cho lãnh đạo của Asanzo. Đã có nhiều băn khoăn, thắc mắc của báo giới về vụ việc được đặt lên bàn của vị CEO Phạm Văn Tam cùng các cộng sự để chờ sự giải đáp thỏa đáng của phía Asanzo.
Dân Việt sẽ chuyển tới bạn đọc nội dung chi tiết của phần đối thoại này trong bản tin tiếp theo.