Ca khúc “Mùa Xuân Lá Khô” (Trần Thiện Thanh) và tiếng hát Tuấn Vũ – Sự kết hợp hoàn mỹ
Mùa Xuân Lá Khô là một trong những ca khúc nhạc xuân nổi tiếng nhất của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh. Cho dù ca khúc này được sáng tác từ trước năm 1975, nổi tiếng qua giọng hát Chế Linh và của chính tác giả Nhật Trường (là 2 trong tứ trụ nhạc vàng), nhưng khi nhắc đến Mùa Xuân Lá Khô, người ta vẫn luôn nhắc đến giọng hát Tuấn Vũ, và bản thu âm Mùa Xuân Lá Khô của trung tâm Giáng Ngọc với giọng hát Tuấn Vũ thời đỉnh cao cuối thập niên 1980 đã trở thành một ca khúc “kinh điển” của nhạc vàng hải ngoại.
Click để nghe Tuấn Vũ hát Mùa Xuân Lá Khô
Người lính và mùa xuân là chủ đề quen thuộc trong nhạc vàng nói chung và nhạc Trần Thiện Thanh nói riêng. Có lẽ sự xa cách và nỗi nhớ thương quê nhà, nỗi nhớ người yêu của người lính nơi biên ải đã dễ dàng gây được niềm cảm hứng sáng tác của người nhạc sĩ, rồi viết thành những ca khúc tạo ra được niềm xúc động mãnh liệt với nhiều thế hệ người nghe nhạc.
Tôi trở lại vùng hành quân vùng xa xôi đá sỏi biết buồn
Ba tháng hậu phương yên bình tuy vết thương chưa lành hẳn
Tôi lại đi giữa lạnh sang Đông
Đời tôi chinh chiến lâu năm, yêu lúc băng rừng như mộng tình nhân
Kiếp chúng tôi như kiếp sông dài trôi đi miệt mài chẳng cần ai biết cho ai.
Trong cái lạnh sang Đông, người lính chưa lành hẳn vết thương sau 3 tháng dưỡng thương ở quê nhà cũng đã phải trở lại vùng hành quân xa xôi, nơi mà “đá sỏi cũng biết buồn”. Cách dùng chữ độc đáo này của tác giả làm cho người ta có thể tưởng tượng ra đó là một vùng đất rất hoang vắng, thiếu bóng dáng người qua lại. Nhưng chiến chinh lâu dài, người trai vẫn vui kiếp sống miệt mài cùng những đêm băng rừng sâu không sờn chí.
Tôi đến đơn vị lại đi, nhọc hơi đâu đếm mỏi tháng ngày
Khi cánh dù mang tin lại những cánh thư xinh hậu tuyến
Tôi ngẩn ngơ biết mùa Xuân sang …
Ở đây không có hoa Mai,
không có hoa Đào trang điểm trần ai
Giữa vùng khô cằn sỏi đá đó, vì miệt mài đường dài hành quân nên người lính đã không còn biết gì đến ngày và tháng, cho đến khi những cánh dù tiếp vận đưa cánh thư tâm tình của người hậu tuyến gửi đến nơi đầu tuyến thì anh mới ngẩn ngơ biết rằng mùa xuân đã sang.
Trong 1 ca khúc nhạc xuân nổi tiếng khác của Trần Thiện Thanh là Đồn Vắng Chiều Xuân, nhạc sĩ viết: “Đồn anh đóng ven rừng mai, nếu mai không nở anh đâu biết xuân về hay chưa…” Nếu như ở trong bài Đồn Vắng Chiều Xuân, người lính còn may mắn đóng quân ven rừng mai để thấy được dấu hiệu của mùa xuân về, thì không gian trong bài Mùa Xuân Lá Khô chỉ là một vùng khô cằn sỏi đá, không có một nhành mai đào nào để trang điểm trần ai. Anh lính nhìn từng chiếc lá khô còn sót lại của mùa Đông lá rụng ở nơi vùng biên ải, rồi nhớ lại cũng một mùa lá khô năm xưa đã tình cờ quen biết người yêu:
Những lá khô rơi suốt năm dài
như trong một chiều lòng tôi biết yêu đương
Em tôi không đẹp như đời tưởng
Không áo xanh áo đỏ thơm hương
Quen trên đường chiều lá khô rơi
Ôi ngọc ngà giây phút chung đôi.
Lá ơi rơi chi trên dòng suối chờ
Cho tình cờ anh lính làm thơ
Lời thơ êm như hơi thở
Khi em nguyện chờ một người về xa.
Mối tình giữa anh lính trận và “em gái quê hương” thật đẹp và dung dị. Đó không phải là người con gái của chốn phồn hoa, nàng không thật đẹp rực rỡ vì không có áo xanh áo đỏ, mà chỉ có một tấm lòng trung trinh, chấp nhận chờ đợi người trai lính đi ở nơi miền xa xôi.
Khoảnh khắc được chung đôi dìu bước nhau trên đường chiều, khi chợt thấy từng chiếc lá khô rơi nhẹ trên dòng suối, anh lính ngẩn ngơ nhìn, cảm thấy xúc động vì cuộc tình thật đẹp, cảm thấy trân trọng và tận hưởng những giây phút yên bình hiếm hoi giữa thời binh lửa.
Tôi đã quen rồi chuyện đi và quen xa ánh đèn phố thị.
Nên dẫu mùa Xuân đơn vị không bánh ngon không rượu quý,
tôi nào nghe thấy lạnh trong tôi…
Chỉ thương em gái quê hương trong sớm Xuân hồng thiếu hẳn người thương
Em hỡi em khi chiến chinh dài xa nhau từng ngày và xa cả Xuân nay!
Người lính trận đã quen rồi chốn rừng sâu xa ánh đèn phố thị, nên dù mùa xuân chỉ có lá khô dưới những bước chân nhọc nhằn, không bánh ngon rượu quý, không hoa đào hoa mai… thì cũng chạnh lòng bằng việc nghĩ về người yêu nơi xa, khi xuân về trước mắt nhưng môi cười của người hậu phương bị kém tươi vì thiếu người thương, vì ngày tan chιến chinh còn mãi xa vời…
Xin mời bạn nghe lại ca khúc Mùa Xuân Lá Khô được thu âm trước năm 1975:
Click để nghe Chế Linh hát trước 1975
Click để nghe Nhật Trường hát trước 1975
Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacvangbolero.com