Các nhóm máu hiếm nhất và ý nghĩa khi mang nhóm máu này

Nhóm máu hiếm là một trong những lĩnh vực nghiên cứu trọng tâm của chuyên ngành Huyết Học. Thỉnh thoảng chúng ta lại được nghe trên thông báo kêu gọi hiến máu, đặc biệt là máu hiếm.

Vậy nhóm máu hiếm là gì? Mình có đang mang nó không và cần lưu ý ra sao? Hãy cùng theo dõi bài viết này để hiểu hơn nhé.

1. Người bình thường có đặc điểm nhóm máu như thế nào?

Bạn đã nghe rất nhiều về các nhóm máu nhưng không hiểu nhóm máu là gì và có ý nghĩa như thế nào? Tìm hiểu nhanh thông qua video sau để hiểu rõ về vấn đề này!

Chúng ta chia nhóm máu dựa trên đặc điểm kháng nguyên trên bề mặt hồng cầu và kháng thể hồng cầu trong máu bệnh nhân. Thật ra, hệ thống nhóm nhóm máu rất phức tạp. Nhưng về thực tế thì hai hệ nhóm máu quan trọng nhất là hệ ABO và hệ Rhesus.

  • Hệ nhóm máu ABO

Gồm có 4 loại chính là nhóm máu A, nhóm máu B, nhóm máu AB và nhóm máu O. 

Nhóm máu A

Có các kháng nguyên A trên bề mặt hồng cầu. Đồng thời trong máu bệnh nhân có kháng thể “chống B”.

Nhóm máu B

Tương tự như trên, những người máu B sẽ có kháng nguyên B trên bề mặt hồng cầu. Trong máu họ sẽ có kháng thể “chống A”. 

Nhóm máu AB

Những đối tượng này sẽ vừa có kháng nguyên A và kháng nguyên B trên bề mặt Hồng Cầu. Họ sẽ không có kháng thể chống A hay chống B trong máu.

Nhóm máu O 

Hồng cầu sẽ không có kháng nguyên A hay B trên bề mặt. Đồng thời có cả kháng thể chống A và chống B trong máu.

  • Hệ thống nhóm máu Rhesus

Đây là một hệ thống nhóm máu quan trọng sau hệ ABO. Mà quan trọng nhất là kháng nguyên D của hồng cầu. Đây là yếu tố quyết định bệnh nhân máu “dương” hay máu “âm” như chúng ta hay nghe trên các phương tiện truyền thông. Nếu có kháng nguyên D trên hồng cầu thì người này sẽ là máu “dương”, còn không sẽ là máu âm. 

hệ thống nhóm máu ABOhệ thống nhóm máu ABO

2. Nhóm máu có ý nghĩa như thế nào?

Kháng thể chống A, sẽ phản ứng với hồng cầu có kháng nguyên A.

Tương tự kháng thể chống B, sẽ phản ứng với hồng cầu có kháng nguyên B.

Do đó, người nhóm máu A (tức là có kháng thể B) không thể được truyền máu B. Phản ứng giữa kháng thể và kháng nguyên trên hồng cầu sẽ gây tan máu, tổn thương thận, truỵ tim mạch, suy hô hấp. Đe doạ nghiêm trọng tính mạng của người bệnh. Đây là tai biến do truyền nhầm nhóm máu, một điều tối kỵ và tuyệt đối tránh trong điều trị. 

Đối với hệ Rhesus, Những người có máu “âm”. Tức là không có kháng nguyên D trên hồng cầu. Khi tiếp xúc với máu “dương” (trong trường hợp được truyền máu D dương, hoặc mẹ có máu “âm” mang thai trẻ máu “dương”), cơ thể của họ sẽ sinh ra kháng thể chống D. Và có thể gây phản ứng tương tự như hệ ABO.

3. Nhóm máu của người hình thành từ đâu?

Cá thể sẽ có nhóm máu rõ rệt sau một thời gian ngắn sau sinh. Do các gen mà di truyền từ bố và mẹ. Mỗi người sẽ cho thế hệ con của mình một gen quy định nhóm máu. Do vậy, nhóm máu là yếu tố di truyền từ cha và mẹ.

>> Bạn có thể tìm hiểu thêm: Thiếu máu – Tổng quan về căn bệnh, nguyên nhân và cách phòng ngừa

Các nhóm máu

Các nhóm máu

4. Vậy nhóm máu hiếm là gì?

Điều này phụ thuộc vào tần suất lưu hành nhóm máu trong dân số. Ở Việt Nam khi đề cập đến nhóm máu hiếm thường hàm ý nhắc đến nhóm máu Rhesus D(-). Tức là máu “âm”. 

Trong dân số Việt Nam, máu Rhesus âm Rh(-) chiếm 0.04%. Tức là trong 90 triệu dân, chỉ có 36.000 người có máu Rh(-). Rất hiếm! Con số này ở người dân da trắng là khoảng 15%, cao hơn rất nhiều so với chúng ta. 

Về hệ ABO, theo thống kê của Viện Huyết Học Truyền Máu Trung Ương, dân số Việt Nam: 

  • 41.1% máu O. 
  • 30.1% máu B.
  • 21.2% máu A.
  • 6.6% máu AB.

Máu AB là nhóm máu hệ ABO hiếm nhất ở Việt Nam. Nhưng về mặt ý nghĩa thì không cao, vì trong trường hợp cấp bách người máu AB có thể nhận được tất cả các loại máu của nhóm khác. 

5. Máu hiếm có ý nghĩa như thế nào?

Máu O là máu trong dân số đông nhất. Tưởng chừng là dồi dào nhất nhưng thực tế đây là loại máu nhanh chóng thiếu hụt nhất do nhu cầu sử dụng cao. Mặt khác, O có thể truyền cho tất cả nhóm khác nhưng chỉ có thể nhận máu O từ người cho.

Người máu hiếm đặc biệt là nhóm có nhiều nguy cơ nhất là O âm (O-). Những người này theo đúng nguyên tắc chỉ có thể nhận được máu O âm. Nên khi có vấn đề cần sử dụng máu thì rất khó khăn để tìm người cho. Điều này thật sự đáng lo và nguy hiểm trong các tình huống cấp bách.

Một ý nghĩa thứ hai của nhóm máu hiếm đó là thai kỳ. Nếu mẹ mang máu Rh(-), nhưng mang thai con có máu Rh(+). Quá trình tiếp xúc máu Rh(+) của con sẽ làm mẹ sinh ra kháng thể chống D. Những kháng thể chống D này được sinh ra nhiều có thể gây bệnh tiêu huyết ở trẻ sơ sinh hoặc sẩy thai sớm. Đặc biệt là những thai kỳ từ lần thứ hai trở đi, càng về sau càng nhiều nguy cơ. 

6. Phải làm gì khi mình mang máu hiếm?

Trước hết, hãy đến bệnh viện và trình bày về nhóm máu hiếm của mình. Ngân hàng máu khi nắm được thông tin sẽ ghi nhận lại và một danh sách các người cho máu hiếm sẽ được lưu lại. Bạn có thể nhận được lời đề nghị được hỗ trợ các “đồng minh” khi cần thiết và ngược lại, khi cần sử dụng chế phẩm máu, họ sẽ giúp bạn. 

>> Tham khảo thêm: Thiếu máu tán huyết: Đặc điểm, nhận diện và điều trị bệnh

Trong thời kỳ mang thai, thai kỳ đầu sẽ ít nguy cơ nhất. Hãy tham vấn bác sĩ sản khoa và huyết học để được theo dõi và điều trị phòng ngừa cho thai kỳ sau. 

Nhóm máu hiếm là một trong những vấn đề thường gây bối rối cho bệnh nhân và cả bác sĩ điều trị. Nắm được nhóm máu của mình là vô cùng quan trọng trong các tình huống điều trị. Đặc biệt bản thân mình cũng có thể giúp ích cho rất nhiều bệnh nhân khác trong những trường hợp hiểm nghèo.

Alternate Text Gọi ngay