Cảm Nhận Về Ca Khúc ‘Sao Chưa Thấy Hồi Âm’ Của Nhạc Sĩ Châu Kỳ
Nhạc sĩ Châu Kỳ (1923- 2008) một trong những cây đại thụ sáng tác của nền âm nhạc Việt Nam. Ông là một trong những nhạc sĩ thành danh trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam. Ông có nhiều sáng tác đưa nhiều tên tuổi của các ca sĩ nổi tiếng thời ấy vang danh. Một số sáng tác nổi tiếng của ông được khán thính giả nhạc nghe yêu thích cho đến ngày nay như là Con đường xưa em đi, Đón xuân này nhớ xuân xưa, Được tin em lấy chồng, Nửa vầng trăng, Túy ca, Khuya nay anh đi rồi, Sao chưa thấy hồi âm, Hồi âm….
Ca khúc “Sao chưa thấy hồi âm” được ông phổ nhạc từ bài thơ của nhà thơ Trương Minh Dũng. Ca khúc được ca sĩ Hoàng Oanh thể hiện đầu tiên đã được nhiều người nghe yêu thích và mang tình cảm sâu đậm đến người yêu nhạc. Và tiếp sau sự yêu mến của khán giả đối với ca khúc “Sao chưa thấy hồi âm” nhạc sĩ Châu Kỳ đã viết tiếp ca khúc “Hồi Âm”.
Những lá thư tay vốn là vật kết nối gắn kết của những mối quan hệ dù ở xa cũng trở nên gần gũi hơn. Tình cảm con người ta xa nhau, nhớ thương nhau cũng nhờ những lá thư tay đã gói trọn yêu thương gửi đến người mình mong nhớ. Có những yêu thương sẽ nhạt nhòa theo thời gian xa cách nhưng cũng có nhưng yêu thương càng xa lại càng mong nhớ bùi ngùi.
Ca khúc “Sao chưa thấy hồi âm” nhạc sĩ Châu Kỳ đã đưa người nghe vào dòng chảy cảm xúc của một người con gái tuổi đang yêu, đang ngóng trông tin hồi âm của người mình thương mến. Sự chờ đợi theo thời gian chỉ làm lòng người thêm nhớ nhung dõi theo tin tức người ở phương xa. Với tấm lòng chân thành trong tình yêu người con gái chỉ mong chờ tình của đôi mình sẽ được bền lâu như những câu truyện tình huyền thoại của tấm lòng nguyện chung tình cùng nhau cho đến mãi về sau. Dù sự vật có thay đổi theo thời gian thì vẫn mong mãi một lòng cùng nhau.
Theo năm tháng hoài mong,
Thư gởi đi mấy lần đợi hồi âm chưa thấy:
Anh ơi! Nhớ rằng đây, còn có em đêm ngày
Hằng thương nhớ vơi đầy.
Ngày đi người đã hứa toàn những lời chan chứa,
Còn hơn gió hơn mưa.
Một tuần một lần thư kể nghe chuyện sương gió,
Kể nghe niềm ước mơ.
Người ta thường nói thời gian là liều thuốc sẽ chữa lành những vết thương lòng, những nỗi nhớ nơi con tim. Thế nhưng trong tình yêu chân thành của người con gái thời gian chờ đợi không làm phai nhòa đi hình bóng mình thương nhớ. Có những lúc nhớ thương ngồi ôm lấy những kỷ niệm nhìn về hình bóng ai xa xăm ấy. Theo những năm tháng mong đợi những lá tâm thư đã thay lời tâm tình của cô gái gửi đến với anh để nói lên tâm tư thổn thức ngày đêm mong tin từ anh. Tình yêu nơi con tim của một cô gái bé nhỏ luôn hướng về anh mong anh hiểu rằng dù ở phương xa ấy, cuộc sống có khó khăn, khắc nghiệt anh cũng nhớ rằng nơi đây có một người đang hằng ngày thương nhớ về anh. Những lời hứa hẹn ân tình ngày anh bước ra đi em vẫn ghi nhớ trong tâm trí, giờ đây cầu nói tâm tình của hai chúng ta chính là những lá thư đơn sơ được gửi đi hàng tuần mong rằng anh cùng lắng nghe những câu chuyện phong trần trên cuộc đời này và sẽ nghe em nói về những niềm mơ ước trong tâm tư một người con gái.
Nhưng anh vắng hồi thư,
Hay là anh hững hờ, hoặc là anh không nhớ!
Em đâu khác người xưa
Ngày lẫn đêm mong chờ tình yêu nói sao vừa.
Từ lâu đành xa vắng, đời trăm ngàn cay đắng
Hỡi anh biết hay chăng?
Chỉ cần một hồi âm là em mừng vui lắm,
Cớ sao anh phụ lòng?
Thời gian để chờ đợi một người mình thương không làm mất đi lòng tin với người mình yêu, nhưng chua xót trong tận đáy con tim của một cô gái chính là sự vô tâm thờ ơ. Nỗi nhớ khi xa vắng khi từng giờ từng khắc chờ hồi âm của người mong người phương xa thấu hiểu mà hồi đáp, chỉ cần một hồi âm là đủ để em vui vì biết anh đang ở đâu và cuộc sống ra sao. Cuộc đời vô vàng đắng cay khi tâm hướng về một người nhưng đợi mãi chẳng thấy hồi âm, cớ sao anh lại phụ lòng một cô gái mềm yếu chỉ ngóng trông về anh.
Ngày xưa anh còn nhớ
Nàng Tô Thị bồng con ngóng trông.
Thời gian đã hoài công,
Người thành đá ngàn kiếp yêu thương chồng.
Ngày nay em nào thấy
Lòng chân thành của tình thế nhân.
Tìm đâu trong tình yêu,
Được bền lâu để kiếp sau không sầu.
Lòng chung thủy sắc son một lòng cho chồng con là cội nguồn văn hóa của dân tộc Việt Nam bao thế hệ. Nhiều truyện xưa tích cũ đã ghi chép để lưu giữ lại những hình ảnh đẹp này của người Việt Nam. Câu truyện “Hòn Vọng Phu” cũng đã khắc ghi lại hình ảnh người con gái tên Tô Thị bồng con đứng chờ chồng đi chinh chiến về đến hóa đá đã lấy đi nước mắt của những ai hiểu được tấm lòng người con gái này, Một hình ảnh tượng trưng nét đẹp thủy chung của người con gái Việt xưa dành tình thương yêu cho chồng. Còn đây tấm lòng em dành trọn cho anh rồi anh có hiểu cho tâm tư thổn thức của em ngày ngày chờ tin anh gửi. Trong tình yêu ngày nay giữa bạc ngàn phồn hoa của thế nhân lòng chân thành em biết tìm nơi đâu để có được sự bền vững trọn kiếp.
Em mơ ước làm sao cho trọn mối duyên đầu,
Đẹp lòng anh yêu dấu.
Xưa Chức Nữ chàng Ngưu từng đắng cay dãi dầu
Chờ Ô Thước bắc cầu.
Còn anh từ xa cách làm em hờn em trách
Hỏi anh có hay không?
Mỏi mòn đợi hồi âm thềm hoa đành lẻ bóng
Nhớ thương anh ngập lòng.
Một niềm mơ ước trong tình yêu của con gái là có được tình yêu trọn vẹn và hạnh phúc mãi về sau. Chàng Ngưu nàng Chức nguyện yêu nhau say đắm dù bao trắc trở trần tục cũng mong chờ có nhau. Thế sao anh và em đến nay vẫn chỉ có mình em lẻ loi mỏi mòn đợi hồi âm của anh. Bóng hoa mềm này đành lẻ bóng nhớ thương một ngươi phương xa.
Ngọc Tuyền