Cần chuyển cơ quan điều tra để đánh giá vụ Asanzo

Sáng 28-10, Tổng cục Hải quan họp với các bộ, ngành bàn về công tác đấu tranh chống gian lận xuất xứ. Nội dung chủ yếu của cuộc họp lại xoay quanh vụ việc Asanzo.

Hải quan: Asanzo xâm phạm bản quyền

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn nói rằng vụ việc Asanzo cũng như một số doanh nghiệp (DN), đối tượng lợi dụng các FTA mà Việt Nam đã ký kết để câu kết, giả mạo hàng Việt Nam xuất khẩu và tiêu thụ trong nước hiện có các ý kiến khác nhau (cuộc họp này ông Cẩn chủ trì theo ủy quyền của bộ trưởng Bộ Tài chính, phó ban thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia).

Cần chuyển cơ quan điều tra để đánh giá vụ Asanzo ảnh 1

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, chủ trì cuộc họp. Ảnh: CHÂN LUẬN

Ngay sau khi ông Cẩn dứt lời, đại diện Tổng cục Hải quan đã đọc báo cáo điều tra ban đầu xác minh các dấu hiệu sai phạm của Asanzo. Các dấu hiệu sai phạm tập trung vào vi phạm sở hữu trí tuệ, lừa dối người tiêu dùng và trốn thuế.

Theo đó, từ ngày 1-1-2017 đến 30-6-209, Asanzo đã mua hàng của 58 công ty, có nhiều công ty có chữ Asanzo. Khi kiểm tra 14 container hàng hóa của Asanzo, hải quan phát hiện ra các máy làm mát, lò nướng thủy tinh, lò nướng điện được nhập khẩu nguyên chiếc. Các sản phẩm và bao bì đều ghi “Made in China”.

“Đây là yếu tố xâm phạm bản quyền” – đại diện Tổng cục Hải quan nói.

Ngay việc sử dụng nhãn hiệu Asanzo thì trước đây TAND Cấp cao tại TP.HCM đã phán quyết Asanzo buộc phải chấm dứt sử dụng nhãn hiệu này nhưng Asanzo vẫn ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu cho các công ty khác. Việc làm này của Asanzo, theo Tổng cục Hải quan, là hành vi không chấp hành bản án, vi phạm quy định sở hữu trí tuệ.

Lừa dối người tiêu dùng?

Đại diện Tổng cục Hải quan nói thêm: Khi kiểm tra, Asanzo chỉ có một số bàn để lắp ráp tivi, mỗi bàn tám người làm việc, chủ yếu là bắt vít thủ công. Những bàn lắp ráp này vừa lắp tivi vừa lắp ráp điều hòa, lắp xong thì đóng sản phẩm vào bao bì có tên Asanzo. Đến tháng 5-2018 thì Asanzo không thực hiện lắp ráp máy điều hòa trên các bàn này nữa mà lắp ráp thủ công, một máy điều hòa lắp ráp hết 30 phút.

Về ấm đun nước, Asanzo cũng đơn giản là lắp ráp các bộ phận có sẵn thành sản phẩm, mỗi ngày được 1.500 sản phẩm.

“Đối chiếu với các video quảng cáo thì việc Asanzo quảng cáo sản phẩm của họ là “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” là không đúng” – Tổng cục Hải quan nhận định và đề cập cả tới việc Asanzo ký hợp đồng với Sharp Proxy Hong Kong mà chưa có giấy chứng nhận của Bộ KH&CN. Ngay cả việc sử dụng slogan “Đỉnh cao công nghệ Nhật Bản” thì Bộ KH&CN cũng không xác nhận được.

Asanzo cũng xuất khẩu 661 chiếc tivi. Những tivi này chỉ lắp ráp đơn giản, giá trị gia tăng rất thấp, chỉ chiếm 1%-2% giá thành. Vì vậy, số tivi này không đáp ứng được tiêu chí xuất xứ Việt Nam. Với hàng tiêu dùng trong nước, Asanzo chủ yếu nhập khẩu linh kiện hoặc mua từ các công ty trong nước, lắp ráp thành sản phẩm.

Có tình tiết tăng nặng về trốn thuế

Về cáo buộc trốn thuế, đại diện Tổng cục Hải quan nói theo kết luận Thanh tra thuế số 650/KLTT-CT ký ngày 15-10 của Cục Thuế TP.HCM và các hồ sơ liên quan, Asanzo thành lập 19 công ty liên kết do gia đình và nhân viên đứng tên để nhập hàng về bán lại cho Asanzo.

Các công ty liên quan là Trần Thoàn, Việt Tài, An Thiên, sau đó gia công lại một phần rồi lắp ráp thành phẩm, dán tem Asanzo và bán cho doanh nghiệp cũng thuộc Tập đoàn Asanzo. Tuy mua “linh kiện” nhưng Asanzo lại ghi hóa đơn mua “thành phẩm” để không kê khai thuế tiêu thụ đặc biệt, bán hàng thành phẩm không xuất hóa đơn. Mua “linh kiện” nhưng Asanzo lại ghi nội dung hóa đơn là “mặt hàng thành phẩm” để không khai thuế tiêu thụ đặc biệt, sau đó bán hàng thành phẩm không xuất hóa đơn.

Cục Thuế TP.HCM xử phạt vi phạm hành chính về thuế đối với Asanzo với các hành vi vi phạm về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, về giao dịch liên kết, về bán hàng không xuất hóa đơn, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn, mua linh kiện rồi thuê gia công lắp ráp nhưng không kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt…

Ngoài ra, 
Asanzo còn bị xử phạt với tình tiết tăng nặng do có hành vi trốn tránh, che giấu vi phạm. Tổng số tiền phạt, truy thu, chậm nộp của Asanzo là 
47,6 tỉ đồng.

Trong đó, truy thu thuế giá trị gia tăng là 
21,3 tỉ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 
7,7 tỉ đồng, thuế tiêu thụ đặc biệt là 
11,5 tỉ đồng, thuế thu nhập cá nhân là 
10,3 tỉ đồng, số tiền chậm nộp là 
1,6 tỉ đồng, phạt vi phạm hành chính về thuế là 
5,4 tỉ đồng…

Các bộ, ngành lên tiếng

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN cơ bản thống nhất với ý kiến của Tổng cục Hải quan. Đại diện Cục nói vào ngày 12-8, Bộ KH&CN đã trả lời cho Asanzo rằng hợp đồng ký giữa Asanzo và Sharp Proxy Hong Kong chưa thể hiện nội dung chuyển giao công nghệ, nên không có cơ sở để cấp giấy chứng nhận chuyển giao cho Asanzo.

Ngoài ra, Cục đã nhận được đơn của Công ty Đông Phương yêu cầu hủy bỏ nhãn hiệu Asanzo đã cấp cho Asanzo. Sau khi cân nhắc, căn cứ vào bản án của TAND Cấp cao TP.HCM, Luật Sở hữu trí tuệ thì vào ngày 25-10, Bộ KH&CN đã ban hành ba quyết định liên quan đến việc hủy bỏ hoặc hủy bỏ một phần các giấy chứng nhận liên quan đến nhãn hiệu Asanzo.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cơ bản nhất trí với báo cáo của Tổng cục Hải quan về quy trình lắp ráp sản phẩm, quá trình sản xuất và đã làm việc với Asanzo. Về 661 tivi Asanzo xuất khẩu, đại diện Bộ Công Thương cũng đồng tình với phía hải quan. Về hàng hóa Asanzo bán tiêu thụ trong nước, đại diện Bộ Công Thương nói hiện chưa có quy định cụ thể về xuất xứ trong nước. Vấn đề này Bộ Công Thương rất thận trọng nên đang chỉ đạo xây dựng thông tư về việc ghi nhãn với các hàng hóa trong nước.

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bà Trần Thị Thu Hương, Giám đốc Trung tâm xác nhận chứng từ thương mại (C/O), nói rằng trên hệ thống cấp C/O của VCCI đến nay chưa có thông tin của Asanzo. VCCI cũng chưa bao giờ tiếp nhận hồ sơ thương nhân của Asanzo và chưa cấp C/O cho Asanzo.

Bà Hương cũng nói Asanzo có nhiều sản phẩm và phải xem xét từng sản phẩm. Khi ông Cẩn đề cập đến tivi và điều hòa của Asanzo và đề nghị bà Hương có ý kiến, bà Hương nói nếu đúng như vậy thì các sản phẩm đó “chưa vượt qua được công đoạn gia công đơn giản”.

Ông Lại Anh Tuấn, đại diện VKSND Tối cao, nói rằng ý kiến của các bộ, ngành đều chỉ ra các dấu hiệu về việc vi phạm sở hữu trí tuệ, trốn thuế, lừa dối người tiêu dùng của Asanzo. Tuy vậy, mới chỉ có căn cứ vào báo cáo của hải quan và những ý kiến đó thì chưa đủ cơ sở xác định Asanzo có vi phạm hay không.

“Ngay các báo cáo về thuế, hay các báo cáo nói Asanzo mua hàng rất nhiều cũng cần phải xem lại. Có thể việc mua bán chỉ để… nâng cao giá trị hình ảnh của Asanzo thôi chứ chưa chắc đã mua nhiều. Tôi nghĩ cần phải chuyển cho cơ quan điều tra để đánh giá lại” – ông Tuấn nói.

CHÂN LUẬN

Alternate Text Gọi ngay