Cảnh báo 7 nguyên nhân nổi mề đay ở trẻ em và cách chữa trị hiệu quả | BvNTP

Tìm hiểu được nguyên nhân nổi mề đay ở trẻ giúp ba mẹ có biện pháp phòng tránh được từ sớm, loại bỏ những nguyên nhân gây bệnh để bảo vệ làn da non nớt của bé cũng như ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm của bệnh.

 

Nổi mề đay là bệnh gì?

Nổi mề đay là một dạng dị ứng da gây nên bởi những tác nhân gây kích ứng như hóa chất, nhiệt độ môi trường, vi sinh vật… Khi gặp phải tình trạng này, các mao mạch trên da của bé bị tổn thương, khiến trung bì bị phù cấp hoặc mãn tính.

Nổi mề đay có biểu hiện là những nốt phát ban có thể sưng tấy, ửng đỏ, nổi thành mảng hoặc nốt riêng lẻ, gây ngứa ngáy, có thể xuất hiện ở một phần hoặc toàn bộ cơ thể. Trẻ nhỏ có sức đề kháng non yếu nên là đối tượng rất dễ bị nổi mề đay khi tiếp xúc với các tác nhân gây kích ứng.

Bệnh nổi mề đay ở trẻ có thể xuất hiện vài giờ, vài ngày, vài tuần, thậm chí có trường hợp kéo dài vài tháng. Tuy không quá nguy hiểm nhưng lại khiến bé ngứa ngáy, khó chịu, ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ của trẻ.

Bệnh mề đay được chia thành 2 cấp độ là:

Mề đay cấp tính: Mề đay xuất hiện trong ngày và kéo dài trong thời gian ít hơn 6 tuần. Tình trạng này không quá nguy hiểm và bố mẹ không cần quá lo lắng, bệnh có thể tự khỏi.

Mề đay mãn tính: Trường hợp nổi mề đay kéo dài hơn 6 tuần với các triệu chứng dai dẳng, khó chữa dứt điểm.

nguyên nhân nổi mề đay ở trẻ

Trẻ nhỏ thường bị nổi mề đay khi gặp các tác nhân gây kích ứng

 

7 nguyên nhân nổi mề đay ở trẻ

Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ bị nổi mề đay. Những nguyên nhân dưới đây được xem là phổ biến nhất trong các nguyên nhân nổi mề đay ở trẻ.

Dị ứng thực phẩm

Ở trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn thiện, cơ địa bé cũng nhạy cảm hơn người lớn nên con dễ bị dị ứng khi ăn phải một số thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản: tôm, cua; trứng, sữa, đậu phộng, các loại hạt, lúa mì, đậu nành…

Ngoài ra, một số chất bảo quản và chất phụ gia trong thực phẩm chế biến sẵn cũng khiến bé bị nổi mề đay khi ăn phải. Thậm chí, nhiều bé nhạy cảm hơn còn xuất hiện mề đay khi chỉ tiếp xúc với thực phẩm mà không ăn, ví dụ như dính nước ép trái cây vào da bé.

Tiếp xúc chất gây dị ứng

Trẻ nhỏ có thể bị nổi mề đay khi tiếp xúc với xúc chất gây dị ứng như lông động vật, phấn hoa, khói bụi, chất gây dị ứng trong không khí…

Do bị ốm

Nhiều trường hợp trẻ bị cảm lạnh, nhiễm virus, nhiễm trùng do vi khuẩn… có thể khiến bé bị nổi mề đay. Một số bệnh nhiễm trùng cấp như viêm amidan, viêm họng… có thể gây kích ứng da dẫn đến nổi mề đay.

Côn trùng cắn

Côn trùng cắn cũng là một nguyên nhân nổi mề đay rất phổ biến ở trẻ. Nhiều em bé làn da nhạy cảm chỉ cần kiến lửa hay một con ong đốt cũng khiến bé bị nổi mề đay vị trí rộng.

trẻ bị nổi me day

Côn trùng đốt có thể là nguyên nhân khiến bé bị nổi mề đay

 

Thay đổi nhiệt độ

Thay đổi nhiệt độ quá đột ngột, nhất vào thời điểm giao mùa khiến da của bé không kịp thích ứng, có thể dẫn đến nổi mề đay.

Sử dụng thuốc

Việc trẻ sử dụng một số loại thuốc kháng sinh hay thuốc khác cũng có thể là nguyên nhân gây nổi mề đay.

Tác động tâm lý, sinh lý

Chấn động tâm lý mạnh, cơ thể mệt mỏi, xúc động… cũng có thể khiến trẻ bị nổi mề đay.

 

Phương pháp điều trị nổi mề đay ở trẻ

Tùy vào mề đay thuộc dạng cấp tính hay mãn tính, sẽ có những phương pháp điều trị phù hợp nhằm đem lại hiệu quả chữa trị cao nhất.

Điều trị nổi mề đay cấp tính

Việc điều trị nổi mề đay cấp tính khá dễ dàng. Nhiều trường hợp có thể tự khỏi sau vài giờ. Nếu không, ba mẹ có thể sử dụng thuốc để cải thiện tình trạng bệnh cho bé.

Thuốc bôi: Chủ yếu dùng thuốc chứa menthol, được chiết xuất từ bạc hà giúp làm dịu da bé và giảm ngứa hiệu quả.

Ngoài ra, ba mẹ có thể sử dụng kem dưỡng ẩm để làm dịu da bé. Nên chọn kem dưỡng dành riêng cho trẻ em, có thành phần lành tính, không chứa chất dễ gây kích ứng.

Thuốc uống: Ưu tiên lựa chọn là dùng thuốc kháng histamin H1. Thuốc này có tác dụng ức chế phóng thích histamin vào da, giúp giảm ngứa và kiểm soát tổn thương da lâm sàng. Nếu da bé đáp ứng kém với thuốc kháng histamin H1 thì có thể kết hợp thêm thuốc kháng histamin H2 để tăng hiệu quả.

Thuốc kháng cholin có thể được sử dụng trong các trường hợp nổi mề đay Cholinergic, loại mề đay khởi phát do cơ thể đổ nhiều mồ hôi, thân nhiệt tăng cao.

Điều trị nổi mề đay mãn tính

Việc điều trị nổi mề đay mãn tính sẽ khó khăn và cần nhiều thời gian hơn điều trị mề đay cấp tính. Với những trường hợp này thường sử dụng thuốc kháng histamin trong ít nhất 3 tháng, sau đó sẽ giảm dần liều lượng cho đến khi dừng hẳn.

trị mề đay ở trẻ

Nổi mề đay mãn tính cần được điều trị bằng thuốc để tăng hiệu quả

 

Lưu ý khi sử dụng thuốc cho bé, ba mẹ phải hỏi ý kiến bác sĩ trước và tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ trong suốt quá trình dùng thuốc.

Chăm sóc tại nhà

Ba mẹ có thể áp dụng một số cách dưới đây để chăm sóc bé bị nổi mề đay ngay tại nhà.

Chườm lạnh: Bố mẹ có thể sử dụng túi chườm lạnh để chườm nhẹ vào vùng da bị mề đay giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Lưu ý khi chườm lạnh không được chườm đá lạnh trực tiếp vào da bé vì có thể gây tổn thương niêm mạc da mà phải bọc đá vào khăn mềm rồi chườm.

Cho bé mặc thoáng mát: Khi trẻ bị nổi mề đay, ba mẹ nên cho bé mặc thoáng mát, lựa chọn loại vải mỏng nhẹ, thấm hút tốt để tránh cọ xát vào vùng da bị tổn thương hoặc gây bí bách khiến bệnh nặng nề hơn.

Cho bé tắm nước lá: Theo quan niệm dân gian, khi bé bị nổi mề đay, ba mẹ có thể nấu các loại nước lá để tắm cho con, vừa lành tính là hiệu quả cao. Ba mẹ có thể nấu nước lá khế, nấu nước lá chè xanh, lá cây sài đất… rồi pha loãng với nước mát và tắm cho con. Tắm liên tục vài ngày sẽ thấy tình trạng mề đay thuyên giảm rõ rệt.

 

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương – Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh

  facebook.com/BVNTP

  youtube.com/bvntp

Alternate Text Gọi ngay