Cấu tạo âm đạo: Góc nhìn từ bên trong – Tình Dục Thông Thái
Biết được cấu tạo bên trong âm đạo giúp phụ nữ cảm thấy thân thuộc hơn với cơ thể chính mình, cũng như nhận diện được những thay đổi bất thường. Từ đó có thêm kiến thức trong việc chăm sóc sức khỏe âm đạo.
Mục Lục
1. Cấu tạo âm đạo
Âm đạo là một ống cơ rỗng nối cổ tử cung với âm hộ, nằm phía trước trực tràng và phía sau bàng quang. Hình dạng của âm đạo có thể khác nhau ở mỗi người. Thường nhìn theo chiều dọc, âm đạo giống hình thang, hẹp nhất ở phần đầu và ngày càng rộng ra khi tiếp xúc với cổ tử cung.
Có sự thay đổi đáng kể về chiều dài, kích thước và chiều rộng âm đạo ở phụ nữ. Chiều dài trung bình của thành trước và thành sau âm đạo lần lượt là 6,3cm và 9,8cm. Thường sẽ có một lớp màng mỏng bao quanh và che một phần cửa âm đạo, đó là màng trinh. Khi quan hệ hoặc tập thể dục có thể làm căng hoặc rách màng.
Khi có sự kích thích, tử cung và cổ tử cung nâng lên trên, âm đạo bị kéo dài và nở ra. Tuyến Bartholin nằm ở hai bên cửa âm đạo sẽ tiết ra chất lỏng để bôi trơn âm đạo. Điểm G nằm bên trong âm đạo cũng sẽ nhô cao lên.
Âm hộ, khu vực có thể nhìn thấy từ bên ngoài, bị nhiều người nhầm lẫn là âm đạo. Tuy nhiên, phần duy nhất của âm đạo có thể nhìn thấy được là cửa âm đạo. Âm hộ bao gồm môi lớn và môi bé, có vai trò bảo vệ cửa âm đạo.
2. Chức năng của âm đạo
Âm đạo có nhiều chức năng, từ chức năng bài tiết, miễn dịch, đến chức năng tình dục và sinh sản.
-
Hàng tháng, âm đạo dẫn máu và các mô niêm mạc từ tử cung ra khỏi cơ thể trong chu kỳ kinh nguyệt
-
Âm đạo đóng vai trò như một hàng rào miễn dịch bảo vệ vùng kín chống lại các tác nhân có hại thông qua môi trường pH axit và hệ vi khuẩn thường trú
-
Âm đạo giữ tinh trùng cho đến khi chúng vào tử cung và là ống vận chuyển để sinh con
-
Khi quan hệ, âm đạo nhận dương vật và giúp đáp ứng kích thích tình dục ở phụ nữ
3. Những bệnh liên quan đến âm đạo
Dưới đây là một số tình trạng có thể ảnh hưởng đến âm đạo.
- Viêm âm đạo:
Đây là tình trạng viêm nhiễm hoặc mất sự cân bằng hệ vi khuẩn ở âm đạo. Có nhiều nguyên nhân như hoạt động tình dục, giảm nồng độ estrogen, hoặc thụt tháo âm đạo. Triệu chứng của viêm âm đạo gồm: tiết dịch âm đạo có mùi hôi; âm đạo đỏ, ngứa, đau, cảm giác bỏng rát; đau khi quan hệ; đi tiểu thường xuyên, tiểu đau;…
- Chứng co thắt âm đạo:
Là tình trạng cơ xung quanh âm đạo đột ngột co thắt lại khi có quan hệ tình dục. Co thắt âm đạo là một phản ứng tự động của cơ thể mà bản thân bạn không thể kiểm soát được. Triệu chứng bao gồm: khó khăn khi đưa tampon vào âm đạo, cảm giác bỏng rát, đau nhói khi quan hệ.
- Nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs):
Có thể gây ra các triệu chứng ở trong hoặc xung quanh âm đạo. Nhiều trường hợp có thể không có triệu chứng hoặc biểu hiện tương tự như các bệnh lý khác, như viêm âm đạo chẳng hạn. Do sự trùng lặp về triệu chứng của các STIs khác nhau nên thường khó chẩn đoán bệnh chỉ dựa vào triệu chứng. Một số STIs có thể ảnh hưởng đến âm đạo như: mụn cóc sinh dục, nhiễm trùng roi Trichomonas, nhiễm lậu cầu, nhiễm Chlamydia.
- Sa âm đạo:
Xảy ra khi tử cung, bàng quang hoặc ruột sa xuống âm đạo. Sa âm đạo có thể xảy ra do mang thai, sinh con, hoặc do một bệnh lý hiện có. Ở những giai đoạn xa, bệnh có thể có các triệu chứng: có một khối nổi lên bên trong hoặc nhô ra từ âm đạo, cảm giác nặng nề trong âm đạo, đau nhức ở xương chậu hoặc lưng, tiểu khó, thường xuyên muốn đi tiểu.
- Ung thư âm đạo:
có thể gây ra các triệu chứng nếu khối u lan vào sâu trong thành âm đạo hoặc các khu vực xung quanh. Các triệu chứng bao gồm: chảy máu âm đạo sau quan hệ, tiết dịch âm đạo bất thường, cảm thấy một khối u trong âm đạo, đau khi quan hệ, khi đi tiểu, đau ở xương chậu, bụng dưới hoặc lưng, táo bón, sưng chân. Trong một số trường hợp, ung thư âm hộ cũng có triệu chứng tương tự. Tuy nhiên cả 2 loại ung thư này đều hiếm xảy ra.
4. Lưu ý khi chăm sóc vùng kín
Bạn nên rửa vùng kín bằng nước ấm. Nếu muốn, bạn có thể sử dụng xà phòng nhẹ không gây kích ứng da – nhưng điều này là không cần thiết. Nhẹ nhàng làm sạch vùng âm hộ và các nếp gấp, sử dụng khăn sạch hoặc tay. Tránh để nước hoặc xà phòng vào bên trong âm đạo.
Ngoài rửa âm hộ, bạn cũng nên rửa hậu môn và vùng giữa âm hộ và hậu môn mỗi ngày. Tốt nhất là rửa “từ trước ra sau” – nói cách khác, rửa âm hộ trước rồi đến hậu môn. Nếu không, vi khuẩn từ hậu môn có thể lan sang âm đạo và gây ra nhiễm trùng.
Âm đạo là một ống nối cổ tử cung với âm hộ. Hình dạng, kích thước, màu sắc âm đạo có thể khác nhau giữa các cá nhân. Khi nhận thấy bất kỳ triệu chứng bất thường nào trong hoặc xung quanh âm đạo cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra.
Bác sĩ Bùi Thị Ánh Phương