Có nên dùng thuốc chống “khô hạn” vùng kín?
Thuốc chống khô hạn cho phụ nữ có thể là dạng bôi tại chỗ hoặc đường uống. Tuy nhiên, việc dùng bất kỳ loại thuốc chống khô hạn nào cũng đều cần có ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn và không gặp tác dụng phụ.
1. Khô hạn vùng kín ở phụ nữ là gì?
“Khô hạn” vùng kín là tình trạng âm đạo bị khô, thường gặp ở phụ nữ từ 50 – 59 tuổi. Thông thường, âm đạo luôn ẩm ướt do các tuyến ở cổ tử cung sản xuất xuất dịch nhờn nhằm ngăn ngừa nhiễm trùng, đồng thời để hoạt động quan hệ tình dục không đau.
Khi cơ thể giảm sản xuất hormone estrogen sẽ ảnh hưởng đến việc tiết dịch nhờn ở âm đạo, khiến cho âm đạo bị “khô hạn”. Lúc này, âm đạo sẽ bị giảm khả năng đàn hồi và rất dễ bị tổn thương. Tình trạng này có thể xuất hiện tạm thời nhưng cũng có thể kéo dài vĩnh viễn.
Vậy tại sao lượng estrogen trong cơ thể lại suy giảm? Đó là do các nguyên nhân sau:
- Phụ nữ đến giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh (từ 40 tuổi trở lên);
- Phụ nữ đang nuôi con cho bú;
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc (thuốc chống trầm cảm, thuốc tránh thai, thuốc kháng histamin, thuốc kháng estrogen điều trị u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung, …);
- Phụ nữ đang xạ trị khối u hoặc mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể đang bị nhiễm trùng.
Tình trạng khô hạn vùng kín ở phụ nữ có thể biểu hiện qua các triệu chứng như âm đạo bị khô và nóng, ngứa, cảm thấy khó khăn và đau khi quan hệ tình dục. Nếu không điều trị, âm đạo bị khô hạn rất dễ bị nhiễm trùng và lâu ngày dẫn đến teo âm đạo.
2. Điều trị khô hạn vùng kín ở phụ nữ
Các biện pháp điều trị khô hạn vùng kín ở phụ nữ được phân loại thành có sử dụng nội tiết tốt hoặc không. Trong một số trường hợp, có thể kết hợp cả 2 phương pháp để đạt hiệu quả điều trị.
- Điều trị không nội tiết tố: Bao gồm gel hoặc chất bôi trơn, kem làm ẩm và duy trì độ ẩm của âm đạo. Trong đó, gel bôi trơn thường được sử dụng khi quan hệ tình dục để giảm đau rát, còn kem làm ẩm được dùng thường xuyên để giảm tình trạng âm đạo bị khô hạn. Tuy nhiên, cần lưu ý là tránh sử dụng những loại gel, kem bôi có mùi thơm vì có thể gây ra tình trạng kích ứng niêm mạc âm đạo. Một biện pháp không nội tiết tố là tập luyện các bài tập để tăng cường sức mạnh các cơ âm đạo và giúp vùng kín được thư giãn.
- Điều trị nội tiết tố: Viên đặt estrogen, vòng âm đạo hoặc kem bôi estrogen, miếng dán âm đạo để giúp tăng cường giải phóng estrogen ở âm đạo, giảm khô hạn, cân bằng độ pH ở âm đạo, tăng độ đàn hồi niêm mạc và mô âm đạo. Ngoài các liệu pháp nội tiết tố tại chỗ, còn có thuốc chống khô hạn bằng đường uống giúp cải thiện estrogen và khô hạn âm đạo.
3. Có nên dùng thuốc chống khô hạn vùng kín?
Có nên dùng thuốc chống khô hạn vùng kín là thắc mắc của nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, lời khuyên đưa ra là khi có các biểu hiện âm đạo khô hạn nêu trên, người bệnh nên thăm khám bác sĩ hoặc đến cơ sở y tế có chuyên khoa để được chẩn đoán và chỉ định biện pháp điều trị phù hợp, tránh tự ý mua các loại thuốc hoặc gel bôi trơn.
Trường hợp âm đạo bị khô trong thời gian dài, bác sĩ sẽ kiểm tra và xác định nguyên nhân gây bệnh là do vấn đề tâm lý hay nhiễm trùng để có thể điều trị dứt điểm. Do đó, việc tự ý dùng thuốc chống khô hạn đôi khi không chữa đúng nguyên nhân.
Để tránh tình trạng khô hạn ở âm đạo, có thể phòng ngừa bằng những biện pháp sau:
- Giữ gìn vệ sinh vùng kín bằng cách chọn và sử dụng dung dịch vệ sinh có độ pH phù hợp và an toàn. Không nên dùng các loại xà phòng hoặc sữa tắm thông thường để rửa hoặc thụt vào sâu âm đạo.
- Thường xuyên thay đồ lót để vùng kín luôn sạch và không bị ẩm ướt. Nên chọn dùng đồ lót có chất liệu thấm hút mồ hôi và thông thoáng. Đặc biệt, cần chú ý thay băng vệ sinh thường xuyên và dùng dung dịch vệ sinh rửa sạch vùng kín khi trong chu kỳ kinh nguyệt.
- Cố gắng giữ tâm lý vui vẻ, thoải mái, hạn chế buồn bực, căng thẳng.
- Trong chế độ ăn hàng ngày, cần chú ý tăng cường các loại thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin E, axit béo Omega 3,… Bên cạnh đó, cần hạn chế đồ ăn ngọt và chất kích thích như cafe, bia, rượu, …
- Cuối cùng và quan trọng nhất là phụ nữ cần cần lắng nghe để nhận biết cơ thể mình đang gặp vấn đề gì, từ đó mới tìm cách điều trị hoặc biện pháp khắc phục.
Không nên tự ý dùng thuốc chống khô hạn ở phụ nữ mà không có chỉ định hay hướng dẫn của bác sĩ. Tốt nhất người bệnh nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân khiến âm đạo bị khô, từ đó bác sĩ sẽ chỉ định liệu pháp phù hợp với tình trạng bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.