Cổ phiếu Vimedimex không người mua sau khi lãnh đạo bị bắt
Giá cổ phiếu của Vimedimex giảm sàn trong phiên 10-11 sau khi chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Loan bị cơ quan điều tra bắt tạm giam – Ảnh: SSI, VMD
Phiên giao dịch ngày 10-11 khép lại với sắc xanh tăng trưởng bủa vây khắp các chỉ số chứng khoán chính. Song niềm vui dường như không đến với nhà đầu tư cổ phiếu VMD của Công ty cổ phần y dược phẩm Vimedimex, khi phải chứng kiến hơn 230.000 cổ phiếu bị dư bán sàn, trắng bên mua.
Chốt phiên hôm nay, cổ phiếu VMD chính thức giảm kịch biên độ -6,92% xuống mức giá 43.050 đồng, trong khi 4 phiên trước liên tục tăng trần.
Diễn biến trên được cho là có liên quan đến việc bà Nguyễn Thị Loan, chủ tịch HĐQT Vimedimex, cùng 7 người khác bị cơ quan điều tra bắt tạm giam với cáo buộc có nhiều sai phạm trong hoạt động bán đấu giá tài sản gây thiệt hại hơn 200 tỉ đồng.
Trong ngày, cổ phiếu của Chứng khoán Hòa Bình (mã chứng khoán HBS) cũng bị giảm tới 6,76% xuống còn 13.800 đồng. Bà Loan cũng làm chủ tịch hội đồng quản trị tại công ty này.
Cách đây không lâu, cổ phiếu HBS và VMD từng nổi sóng. Riêng cổ phiếu VMD từng được nhà đầu tư kéo tăng trần hàng chục phiên, nhờ thông tin Bộ Y tế phê duyệt cho Vimedimex nhập khẩu và phân phối vắc xin COVID-19 Hayat-Vax. Vào ngày 1-9-2021, cổ phiếu VMD chính thức lập đỉnh 82.400 đồng, trong khi hồi đầu năm chỉ quanh quẩn ở mức giá 19.000 đồng.
Theo báo cáo tài chính, trong quý 3-2021 Vimedimex đã vay hơn 360 tỉ đồng (trong hạn mức 98,25 triệu USD) từ một ngân hàng để thanh toán các chi phí thực hiện nhập khẩu vắc xin Hayat-Vax và Sputnik-V.
Vimedimex được Bộ Y tế khai sinh từ năm 1984, trở thành doanh nghiệp nhà nước tiên phong thực hiện chức năng xuất nhập khẩu dược phẩm, thiết bị y tế.
Đây cũng là một trong những doanh nghiệp lớn bậc nhất cả nước trong lĩnh vực nhập khẩu dược phẩm, với doanh thu cao vượt trội so với các đơn vị khác cùng ngành như Pymepharco, Traphaco, Dược phẩm Imexpharm, Dược Hậu Giang… đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Mặc dù vốn điều lệ chỉ bằng 6,5% vốn của Tổng công ty Dược Việt Nam (Vinapharm), nhưng chỉ tính riêng năm 2020, Vimedimex đã có doanh thu cao gấp 3 lần so với Vinapharm khi đạt hơn 18.100 tỉ đồng, theo báo cáo tài chính hợp nhất.
Doanh thu trên mốc chục ngàn tỉ đồng, nhưng vì giá vốn và chi phí bán hàng đều cao, nên lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp dược này trong hơn 5 năm gần đây đều xoay quanh mốc 30 – 40 tỉ đồng.
Mới đây, theo báo cáo tài chính quý 3-2021, Vimedimex đạt doanh thu hơn 2.170 tỉ đồng, giảm một nửa so với cùng kỳ năm trước. Sau khi khấu trừ giá vốn và các chi phí khác, doanh nghiệp chỉ còn lãi ròng xấp xỉ 9 tỉ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 9.760 tỉ đồng và 28 tỉ đồng, giảm lần lượt 24% và 2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến ngày cuối quý 3-2021, tổng tài sản của doanh nghiệp dược này đạt hơn 6.180 tỉ đồng, giảm gần 26% so với cùng kỳ.
Hệ sinh thái bất động sản liên quan đến bà Nguyễn Thị Loan
Sau khi Công ty CP y dược phẩm Vimedimex cổ phần hóa, bà Nguyễn Thị Loan và nhóm liên quan tiến hành thâu tóm và hiện đang sở hữu hơn 53% vốn điều lệ.
Lấy Công ty CP y dược phẩm Vimedimex làm bàn đạp, năm 2009 bà Loan cùng nhiều người khác đã hợp sức thành lập Tập đoàn dược phẩm Vimedimex (Vimedimex Group).
Thời gian gần đây, thương hiệu Vimefulland của Vimedimex Group đã nổi lên trên thị trường địa ốc khi liên tục giới thiệu hàng loạt dự án tại Hà Nội như chung cư The Iris Garden (quận Từ Liêm), chung cư The Emerald (quận Nam Từ Liêm), biệt thự liền kề The Eden Rose (huyện Thanh Trì), biệt thự liền kề Belliville (quận Cầu Giấy), dự án Athena Fulland (quận Thanh Xuân)…
Một đơn vị có liên quan đến Vimedimex Group là Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng cũng được giao làm dự án tuyến đường Minh Khai – Vĩnh Tuy – Yên Duyên dài 1,65km theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), quyền lợi nhận về là 60 hecta đất ở nhiều khu vực đắt địa của thủ đô.