Công ty nợ lương nhân viên ?

Kính gửi Công ty luật Minh Khuê, mong được sự tư vấn giúp đỡ của các Anh Chị. Em làm tại Công ty cổ phần, những tháng gần đây (khoảng 6 tháng) công ty không trả lương đúng ngày và lâu dần là không thanh toán lương, BHXH từ khi hết vào tháng 6 cũng không đóng tiếp cho nhân viên.

 Với những nhân viên còn làm việc là thiếu 3 tháng lương, với nhân viên đã nghỉ được 1.5 tháng (nghỉ từ 15/10) thì còn thiếu họ 1.5 tháng trước khi nghỉ (lương tháng 9 và 1/2 tháng 10). Các vấn đề phát sinh: 1. Công ty hứa hẹn (bằng email cho tất cả nhân viên) thanh toán lương dứt điểm trong tháng 11 nhưng không thanh toán. Em phải làm sao để lấy lại lương? (Một tháng trung bình một người 8 triệu) 2. BHXH không đóng từ tháng 6 vậy nếu các anh chị muốn xin việc chỗ khác thì BH này sẽ bị mất 3 tháng không đóng. Em phải làm gì trong trường hợp này? 3. Trong hợp đồng lao động không đề cập tiền đồng phục phải hoàn trả lại cho Công ty trong trường hợp nghỉ trước khi hết hợp đồng lao động, nhưng Công ty bắt nhân viên phải trả (khoảng 2 triệu) Như vậy có đúng không ạ? Mong nhận được hồi âm từ các Anh Chị.

Câu hỏi được biên tập từ chuyên mục tư vấn luật lao động của công ty luật Minh Khuê.

Công ty nợ lương nhân viên ?

Luật sư tư vấn luật lao động, gọi: 1900.6162

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi cho chúng tôi. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Cơ sở pháp lý:

Bộ luật Lao động 2012

Luật BHXH 2006

Nội dung tư vấn:

1. Đối với vấn đề tiền lương:

Căn cứ Điều 96 Bộ luật lao động 2012 như sau:

“Điều 96. Nguyên tắc trả lương

Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương.”

Trong trường hợp này, bạn có thể khiếu nại với lãnh đạo công ty. Nếu công ty không giải quyết quyền lợi về tiền lương cho bạn, bạn có thể  yêu cầu hòa giải viên lao động tiến hành hòa giải. Trường hợp hòa giải không thành, bạn có thể khởi kiện ra tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty của bạn đặt trụ sở để tòa án tiến hành giải quyết theo các quy định sau:

Điều 200. Cơ quan, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

1. Hoà giải viên lao động.

2. Toà án nhân dân.

Điều 201. Trình tự, thủ tục hòa giải tranh chấp lao động cá nhân của hòa giải viên lao động

1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

đ) Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu hoà giải, hòa giải viên lao động phải kết thúc việc hòa giải.

3. Tại phiên họp hoà giải phải có mặt hai bên tranh chấp. Các bên tranh chấp có thể uỷ quyền cho người khác tham gia phiên họp hoà giải.

Hoà giải viên lao động có trách nhiệm hướng dẫn các bên thương lượng. Trường hợp hai bên thỏa thuận được, hòa giải viên lao động lập biên bản hòa giải thành.

Trường hợp hai bên không thỏa thuận được, hòa giải viên lao động đưa ra phương án hoà giải để hai bên xem xét. Trường hợp hai bên chấp nhận phương án hoà giải, hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải thành.

Trường hợp hai bên không chấp nhận phương án hoà giải hoặc một bên tranh chấp đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng, thì hoà giải viên lao động lập biên bản hoà giải không thành.

Biên bản có chữ ký của bên tranh chấp có mặt và hoà giải viên lao động.

Bản sao biên bản hoà giải thành hoặc hoà giải không thành phải được gửi cho hai bên tranh chấp trong thời hạn 01 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản.

4. Trong trường hợp hoà giải không thành hoặc một trong hai bên không thực hiện các thỏa thuận trong biên bản hòa giải thành hoặc hết thời hạn giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều này mà hoà giải viên lao động không tiến hành hoà giải thì mỗi bên tranh chấp có quyền yêu cầu Toà án giải quyết.

Điều 202. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

1. Thời hiệu yêu cầu hòa giải viên lao động thực hiện hòa giải tranh chấp lao động cá nhân là 06 tháng, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

2. Thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết tranh chấp lao động cá nhân là 01 năm, kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà mỗi bên tranh chấp cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

2. Đối với vấn đề BHXH:

Khoản 1 Điều 2 Luật BHXH 2006 quy định về đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc như sau:

“1. Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là công dân Việt Nam, bao gồm:

a) Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ ba tháng trở lên;

b) Cán bộ, công chức, viên chức;

c) Công nhân quốc phòng, công nhân công an;

d) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân đội nhân dân, công an nhân dân;

đ) Hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội nhân dân và hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn;

e) Người làm việc có thời hạn ở nước ngoài mà trước đó đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.”

Trong thư bạn không trao đổi cụ thể trường hợp của bạn, cho nên, chúng tôi không thể xác định chính xác bạn có thuộc một trong các trường hợp nêu trên hay không. Tuy nhiên bạn có thể đối chiếu quy định trên, nếu bạn thuộc trường hợp đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì  việc công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho bạn là vi phạm pháp luật.  Bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi đến người sử dụng lao động để người sử dụng lao động xem xét lại hành vi không nộp tiền bảo hiểm xã hội cho bạn. Ngoài ra, các tranh chấp lao động về bảo hiểm xã hội được giải quyết tại Tòa án theo quy định  tại  Khoản 1 Điều 201 Bộ luật lao động 2012:

“1. Tranh chấp lao động cá nhân phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động trước khi yêu cầu tòa án giải quyết, trừ các tranh chấp lao động sau đây không bắt buộc phải qua thủ tục hòa giải:

a) Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc tranh chấp về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;

b) Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;

c) Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;

d) Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế;…”

Theo đó, bạn có thể làm đơn yêu cầu Tòa án cấp quận, huyện nơi công ty đóng trụ sở yêu cầu Tòa giải quyết nếu người sử dụng lao động không giải quyết cho bạn hoặc giải quyết mà bạn không thấy thỏa đáng.

3. Vấn đề tiền đồng phục:

Trong trường hợp mà hợp đồng lao động, nội quy công ty không có quy định nào về việc phải hoàn trả tiền đồng phục là 2 triệu đồng khi nghỉ việc, cũng không có thỏa thuận thêm trong văn bản nào thì việc công ty yêu cầu hoàn trả 2 triệu đồng tiền đồng phục là trái pháp luật. Trường hợp mà công ty khấu trừ khoản tiền 2 triệu này vào tiền lương còn nợ cũng là trái pháp luật, do chỉ được phép khấu trừ tiền lương trong trường hợp người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị của công ty theo quy định tại Điều 130 Bộ luật lao động. 

Trên đây là phần tư vấn của chúng tôi. Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 1900.6162 hoặc gửi qua email: Tư vấn pháp luật lao động bảo hiểm qua Emailđể nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê.

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

BỘ PHẬN TƯ VẤN LUẬT LAO ĐỘNG. 

Alternate Text Gọi ngay