Cuộc chơi trái phiếu nghìn tỷ của Trung Nam Group và áp lực dòng tiền
Công ty Cổ phần Đầu Tư Xây dựng Trung Nam (được biết đến với tên gọi Tập đoàn Trung Nam – Trung Nam Group) được thành lập vào 2004, xuất phát điểm là đơn vị trong lĩnh vực xây dựng.
Sau 18 năm hoạt động, doanh nghiệp đã phát triển thành tập đoàn đa ngành hoạt động chính trong 5 lĩnh vực gồm năng lượng, hạ tầng – xây dựng, bất động sản, công nghiệp thông tin điện tử. Trong đó, mảng năng lượng là trụ cột mạnh nhất của tập đoàn với loạt dự án thuỷ điện, điện gió, điện mặt trời…
Trong lĩnh vực bất động sản, Trung Nam Group thông qua Công ty Trungnam Land đã góp mặt hai dự án tại Đà Nẵng là Khu đô thị sinh thái Golden Hills với tổng đầu tư 1,6 tỷ USD, dự án Khu công viên văn hóa và đô thị Đà Lạt – Golf Valley.
Trong lĩnh vực hạ tầng, Trung Nam Group nổi bật nhất với việc làm dự án chống ngập 10.000 tỷ tại TP HCM thời điểm giữa năm 2016. Tuy nhiên do những khó khăn, vướng mắc trong việc tái cấp vốn và phụ lục hợp đồng BT khiến tiến độ hoàn thành dự án bị lùi lại nhiều lần.
Ngoài ra, Trung Nam Group còn làm chủ đầu tư dự án Cảng biển tổng hợp Cà Ná gồm 17 bến tàu, tổng mức đầu tư 6.500 tỷ đồng.
Dồn dập phát hành trái phiếu
Để mở rộng phát triển các mảng chủ chốt như năng lượng tái tạo, bất động sản vài năm gần đây, nhóm các đơn vị thành viên của Trung Nam Group liên tục phát hành trái phiếu, huy động vốn. Điển hình như CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1, CTCP Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam, CTCP Trung Nam Thuận Nam… với quy mô trên chục nghìn tỷ đồng.
Từ năm 2021 đến nay, Trung Nam Group đã huy động thành công 5.830 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Trung Nam Group phát hành thành công lô trái phiếu có trị giá 430 tỷ đồng.
Theo thông tin công bố trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam mới đây đã phát hành thành công 430.000 trái phiếu mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, tương đương giá trị phát hành 430 tỷ đồng.
Lô trái phiếu được phát hành ngày 24/6/2022, kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn vào ngày 24/6/2023. Trung Nam Group sẽ mua lại trái phiếu trước hạn khi có sự kiện vi phạm hoặc mua lại theo yêu cầu của trái chủ khi doanh nghiệp không bổ sung tài sản đảm bảo theo cam kết.
Năm 2022, Trung Nam Group đã hoạt động tích cực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp và có thêm đợt huy động vốn qua kênh này.
Cụ thể, vào ngày 29/07/2022, Trung Nam Group đã huy động thành công lô trái phiếu 100 tỷ đồng, kỳ hạn 2 năm, thời gian đáo hạn vào ngày 29/07/2024.
Đáng chú ý, Trung Nam Group dồn dập phát hành 2 lô trái phiếu như đã nêu bên trên trong bối cảnh doanh nghiệp phải trả nợ trái phiếu đến hạn. Cụ thể, vào ngày 16/8 là ngày đáo hạn lô trái phiếu 600 tỷ đồng của Trung Nam Group, được huy động cách đây một năm, vào ngày 16/08/2021.
Trước đó, trong năm 2021, Trung Nam Group có hai đợt huy động vốn từ phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Trong đó lô phát hành vào ngày 18/5 có giá trị 2.000 tỷ đồng, trái chủ là một công ty chứng khoán trong nước và một tổ chức khác trong nước, mỗi bên chia nhau 50% số lượng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi có kỳ hạn 3 năm; lãi suất năm đầu là 9,5%/năm, các năm sau áp dụng lãi thả nổi = lãi suất tham chiếu + 3,5%/năm.
HNX thông báo về kết quả phát hành lô trái phiếu có trị giá 2000 tỷ đồng của Trung Nam Group.
Tài sản đảm bảo cho số trái phiếu trên là 100 triệu cổ phần tại Trung Nam Group (TSBĐ số 1), quyền và lợi ích phát sinh từ số cổ phiếu này. Trong thời gian chưa hoàn thành thủ tục ký hợp đồng thế chấp TSBĐ số 2 thì tài sản đảm bảo 1 là 300 triệu cổ phiếu của Trung Nam Group.
Ngoài ra còn có quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của khu đất tổng diện tích 848.605 m2 tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng (TSBĐ số 2); quyền tài sản gắn liền với Dự án khu công nghệ thông tin Đà Nẵng (TSBĐ số 3); toàn bộ số dư tiền và chứng khoản trên tài khoản chứng khoán của tổ chức phát hành mở tại CTCP Chứng khoán VNDirect (TSBĐ số 4).
Cũng trong năm 2021, lô phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ vào ngày 16/08/2021, kỳ hạn một năm, lãi suất 9,5%/năm. Đây cũng chính là lô trái phiếu đến hạn của Trung Nam Group vào ngày 16/8/2022 (như đã đề cập bên trên).
TSBĐ là 120 triệu cổ phần Trung Nam thuộc sở hữu của ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Tập đoàn Trung Nam; quyền tài sản của Nam Trung phát sinh từ, hoặc liên quan đến hợp đồng cho vay hạn mức số 0508/02HDVHM/TCKT/TNG-TNTNSP giữa tổ chức phát hành và Công ty TNHH Điện Mặt trời Trung Nam Thuận Nam, và các hợp đồng vay đã, đang và sẽ ký kết giữa Trung Nam và công ty Trung Nam Thuận Nam.
Theo các thông tin công bố, 2.600 tỷ đồng trái phiếu phát hành của năm 2021 đều dùng để tăng vốn đầu tư các dự án năng lượng tái tạo của tập đoàn, hoặc mục đích kinh doanh khác phù hợp với quy định của pháp luật.
Trong năm 2022, Trung nam Group có đến 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng giá trị huy động 3.230 tỷ đồng. Bên cạnh 2 đợt phát hành nói trên thì giữa tháng 6 năm nay, doanh nghiệp huy động 300 tỷ đồng, tháng 5 huy động thành công 400 tỷ đồng và tháng 4 là 2.000 tỷ đồng.”
Vietcombank đóng vai trò quan trọng trong dòng tiền của Trung Nam Group
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác toàn diện vào tháng 1/2022.
Tùy nhiên, từ thời điểm trước đó, Vietcombank đã xuất hiện và đóng vai trò quan trọng trong cấp vốn và bảo lãnh phát hành trái phiếu để Trung Nam Group thực hiện nhiều dự án.
Vietcombank tham gia vào cấp vốn hoặc bảo lãnh trái phiếu của Trung Nam Group. (Ảnh: Vndirect)
Vietcombank đã tài trợ nhiều dự án lớn của Trung Nam Group hiện đã đi vào hoạt động như: Nhà máy Điện mặt trời Thuận Nam công suất 450 MW tại Ninh Thuận, Nhà máy Điện gió Đông Hải 1 công suất 100 MW tại Trà Vinh và Nhà máy Điện gió Ea Nam công suất 400 MW tại Đắk Lăk với tổng giá trị thu xếp vốn lên tới gần 13.600 tỷ đồng.
Vietcombank cũng là đơn vị quản lý tài sản đảm bảo và quản lý các tài khoản cho khoản phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu với kỳ hạn 5.106 ngày của Công ty CP Điện gió Trung Nam Đăk Lăk 1 (thành viên của Trung Nam Group).
Hệ sinh thái của Trung Nam Group huy động hàng chục ngàn tỷ đồng từ trái phiếu
Trong những năm qua, Trung Nam Group đã phát triển thành tập đoàn đa ngành hoạt động với nhiều công ty thành viên năm trong hệ sinh thái của tập đoàn này.
Và cũng giống như Trung Nam Group, nhóm các đơn vị thành viên của tập đoàn đã dồn dập phát hành trái phiếu, huy động vốn trong những năm gần đây.
Mới đây nhất, CTCP Năng lượng tái tạo Trung Nam – thành viên của Trung Nam Group vừa huy động thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu.
Cụ thể, lô trái phiếu có mã TRECB2223001 kỳ hạn 1 năm. Trái phiếu được phát hành tại thị trường trong nước. Khối lượng phát hành là 15.000.000 trái phiếu có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.
Ngày phát hành và hoàn tất chào bán trong ngày 30/6/2022.
CTCP Năng lượng tái tạo Trung Nam cũng huy động 1.500 tỷ trái phiếu trong năm 2022
Hay trường hợp của Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 – một thành viên khác trong hệ sinh thái Trung Nam Group cũng thường xuyên gọi vốn qua kênh này với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành đến nay lên đến hơn 16.000 tỷ đồng.
Trong năm 2021, Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 đã có hơn 10 đợt phát hành và huy động thành công 10.220 tỷ đồng.
Trong đó, một số lô trái phiếu đáng chú ý như, lô trái phiếu 600 tỷ đồng, có kỳ hạn 1863 ngày. Ngày phát hành là 23/6/2021 và ngày đáo hạn là 29/7/2026.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản và không phải là nợ thứ cấp của doanh nghiệp. Lãi suất cố định 9,5%/năm trong 4 kỳ tính lãi đầu tiên. Các kỳ tính lãi tiếp theo hình thức thả nổi.
Mục đích phát hành trái phiếu để thực hiện đầu tư dự án Nhà máy điện gió Ea Nam có vị trí tại các xã Ea Nam, EA Khal, Dlie Yang thuộc huyện EA H\’leo, tỉnh Đak Lak.
Về tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu gồm toàn bộ cổ phần của cổ đông Công ty cổ phần Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1. Toàn bộ tài sản gắn liền với đất (bao gồm cả tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai) thuộc dự án nhà máy điện gió Ea Nam. Đồng thời thế chấp động sản là toàn bộ máy móc, thiết bị và các động sản khác thuộc dự án.
Một trường hợp khác đó là Công ty cổ phần Điện mặt trời Trung Nam cũng phát hành trái phiếu lượng lớn lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Doanh nghiệp này đa phần huy động trái phiếu kỳ hạn 7 – 9 năm và toàn bộ 2.350 tỷ đồng trái phiếu của nhóm này phát hành vào năm 2019.
Tháng 2/2022, Công ty cổ phần Điện Mặt Trời Trung Nam Trà Vinh – thành viên của Trung Nam Group cũng đã huy động thành công 400 tỷ đồng trái phiếu
Trung Nam Group dự kiến huy động 500 triệu USD trái phiếu trong ba năm tới
Theo thông tin từ Bloomberg, CTCP Đầu Tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) đang có kế hoạch chào bán 500 triệu USD trái phiếu trong vòng ba năm tới. Đồng thời, tập đoàn này cũng đang xem xét niêm yết cổ phiếu lên chứng khoán nhằm huy động vốn cho cho các dự án năng lượng cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng.
Ảnh minh họa (Nguồn: BusinessForum)
Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trungnam Group nói với Bloomberg này rằng tập đoàn cần nguồn vốn khổng lồ để thực hiện các dự án trên đến năm 2030.
Còn theo Phó Tổng Giám đốc Đỗ Tú Anh, các dự án hiện tại của tập đoàn hầu hết là năng lượng gió và năng lượng mặt trời với tổng công suất 1,6 GW, dự kiến sẽ tăng gần gấp ba lần đến năm 2026, tập trung vào dự án điện gió gần bờ và ngoài khơi.
Cũng theo chia sẻ của phía lãnh đạo, năm sau, Trung Nam Group có thể hợp tác với một nhà đầu tư nước ngoài để tham gia đấu thầu dự án điện khí LNG với công suất 1.500 MW tại tỉnh Ninh Thuận. Công ty hiện đang đàm phán với nhiều nhà cung cấp khí LNG ở nước ngoài.
Ngoài ra, tập đoàn cũng đang nghiên cứu thử nghiệm một nhà máy hydro xanh có công suất từ 120 đến 200 MW, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào năm 2025. Đại diện Trung Nam Group thông tin, tập đoàn có kế hoạch sản xuất hydro xanh theo quy mô lớn vào năm 2030 và phần lớn sẽ dành cho việc xuất khẩu.
Tiềm ẩn rủi ro…dòng tiền
Việc sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao của Trung Nam Group hiện nay giúp cho doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để triển khai các dự án có quy mô lớn, tuy nhiên cũng có thể tiềm ẩn các nguy cơ đối với dòng tiền của tập đoàn.
Cụ thể, trong trường hợp rủi ro liên quan tới bán điện, dễ dẫn đến nguy cơ vỡ phương án tài chính. Trung Nam Group đang đối đặt với rủi ro nêu trên với câu chuyện tại Dự án điện mặt trời Thuận Nam.
Theo đó, ngày 31/8/2022, Công ty Mua bán điện (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN) bất ngờ thông báo tới Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam (thành viên Trung Nam Group) về việc dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam (công suất 450MW) kể từ 0h00 ngày 1/9/2022.
Được biết, nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam (tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) đã đi vào hoạt động hơn 22 tháng.
Nhà máy Điện Mặt Trời Trung Nam – Thuận Nam 450Mw kết hợp Trạm biến áp 500Kv. (Ảnh: Trung Nam Group)
Trong thời gian chờ bàn giao trạm biến áp 500kV Thuận Nam cho EVN, dự án này còn phải chịu chi phí truyền tải cho các dự án năng lượng tái tạo khác trên địa bàn tỉnh Bình Thuận và chi phí quản lý vận hành trạm khiến nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn và chịu áp lực rất lớn trong việc trả nợ vay ngân hàng.
Do vậy, việc EVN dừng huy động 40% công suất đồng nghĩa với việc dự án chỉ vận hành đạt 60% so với thiết kế, sẽ phá vỡ cam kết của nhà đầu tư về phương án tài chính được tổ chức tín dụng thống nhất.
Điều này có thể dẫn đến việc dự án mất khả năng cân đối trả nợ vay, trong khi các nhà đầu tư khác cũng như EVN lại được hưởng lợi trên đường dây truyền tải 500kV – được đầu tư bằng chính nguồn vốn của Trung Nam Group – để giải toả công suất.
Trước những khó khăn này, doanh nghiệp đã có văn bản “kêu cứu” gửi Chính phủ, Bộ Công Thương, EVN và Công ty Mua bán điện để kiến nghị tiếp tục huy động công suất chưa có giá bán điện. Đồng thời, cam kết tuân thủ chặt chẽ các quy định và yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến việc thực hiện thanh toán sau khi có cơ chế giá được áp dụng, không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện gì.
Mới đây, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có báo cáo gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành để kiến nghị về việc chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tiếp tục huy động phần công suất chưa có giá bán điện ở dự án Nhà máy điện mặt trời 450MW của Tập đoàn Trung Nam.
“Nhằm giải quyết dứt điểm kiến nghị của nhà đầu tư, UBND Ninh Thuận kính báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành biết, chỉ đạo EVN sớm giải quyết nhằm tạo niềm tin cho các doanh nghiệp, không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo điều kiện cho tỉnh phát triển kinh tế xã hội” – báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận nêu rõ.
Áp lực trả nợ cao, Trung Nam Group đang kinh doanh ra sao?
Theo công bố của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, Trung Nam Group hiện là một trong những nhóm doanh nghiệp năng lượng tái tạo phát hành trái phiếu nhiều nhất thị trường Việt Nam.
Từ năm 2021 đến nay, Trung Nam Group đã huy động thành công 5.830 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với lãi suất trung bình phổ biến từ 9,5%/năm, kỳ tính lãi trung bình 3 – 6 tháng/lần. Như vậy, áp lực trả lãi định kỳ của tập đoàn này là khá lớn.
Để biết đánh giá khả năng trả nợ của Trung Nam Group đến đâu, hãy nhìn vào các kết quả kinh doanh của tập đoàn này.
Nguồn số liệu: Vndirect.
Trong 4 – 5 năm qua, lợi nhuận sau thuế của Trung Nam Group ghi nhận mức hơn 390 tỷ đồng (năm 2017, sau đó giảm mạnh còn 31,5 tỷ đồng (năm 2018). Trong năm 2019, lợi nhuận của tập đoàn tăng lên và đạt 123,8 tỷ đồng.
Đến năm 2020, Trung Nam Group ghi nhận doanh thu tăng vọt 58% so với cùng kỳ năm 2019 lên 10.285 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận thuần chỉ khiêm tốn ở mức 133 tỷ đồng, nhích nhẹ 7% so với năm trước. Như vậy, cứ 100 đồng doanh thu, tập đoàn này chỉ thu lời vỏn vẹn hơn 1 đồng chủ yếu do biên lãi gộp không cao.
Dù vậy, kết quả kinh doanh của Trung Nam Group đã bất ngờ có tín hiệu khởi sắc trong năm 2021.
Trong 5 năm qua, Trung Nam Group đã tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 20.940 tỷ đồng. (Ảnh: Ndh.vn)
Riêng năm 2021, mặc dù doanh thu chỉ đạt 8.788 tỷ đồng, giảm 14,5% so với năm 2020 nhưng lợi nhuận sau thuế đạt 2.104,5 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số vỏn vẹn 132,6 tỷ đồng năm 2020.
Được biết, vào tháng 5/2021 Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam – thành viên của Trungnam Group đã thực hiện ký kết hợp tác chiến lược với Công ty Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE) thuộc tập đoàn Hitachi (Nhật Bản). Qua đó, Hitachi SE sẽ sở hữu 35,1% cổ phần Nhà máy điện gió Trung Nam. Đây là dự án có tổng số vốn đầu tư tương đương 4.000 tỷ đồng với công suất 151,95 MW.
Trước đó, vào tháng 4/2021, Trung Nam Group cũng đã bán 49% cổ phần tại dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc (Ninh Thuận) cho CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu. Dự án được chuyển nhượng có vốn đầu tư tới 5.000 tỷ đồng, với công suất 204 MW vừa được vận hành hơn 1 năm trước và được hưởng giá bán điện 9,35 cent/kWh trong 20 năm theo chính sách ưu đãi.
Sau nhiều năm ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế thấp, lợi nhuận năm 2021 của Trung Nam Group đã tăng đột biến. (Ảnh: BVSC)
Việc Trung Nam Group chuyển nhượng vốn tại các dự án được cho là để tập trung nguồn lực tài chính, trong bối cảnh các khoản tín dụng cho vay trung và dài hạn đang khó khăn hơn.
Tính đến cuối năm 2021, công ty mẹ Trung Nam Group có tổng tài sản 41.111 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 23.321 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ vay trên vốn chủ sở hữu ở mức 23,8%.