ĐỀN NỘI AM, XÃ LIÊN NINH – Tin tức hoạt động – Cổng thông tin điện tử Huyện Thanh Trì

 Xưa kia Nội Am và Thọ Am là một
làng, tên nôm là Kẻ Om. Vì có
gốc từ một làng nên ở đền thôn Nội Am cũng thờ
Đông Hải Đại Vương Nguyễn Phục như ở thôn Thọ Am.

         Nguyễn
Phục là một nhân vật lịch sử, sống vào thế kỷ XV.
Truyền thuyết địa phương và những tư liệu lịch sử cho biết,
Nguyễn Phục quê ở thôn Đông, xã Đoàn
Tùng (sau đổi là Đoàn Lâm), huyện Trường
Tân, trấn Hải Dương (nay là xã Thanh Tùng,
huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), mẹ ông lại là người Kẻ
Om (nay là Thọ Am, xã Liên Ninh, huyện Thanh
Trì). Năm 20 tuổi, Nguyễn Phục đi thi khoa Quý Dậu (tức
năm Thái Hòa thứ 11 – 1453) và đỗ Đệ nhị
giáp Tiến sĩ xuất thân. Ông làm quan tới
chức Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ, rồi
làm chức Phó tả thị giảng (dạy học cho hoàng tử
Tư Thành – sau này là vua Lê
Thánh Tông). Ông là người văn võ song
toàn, lại có tài ăn nói nên
đã nhiều lần được cử đi sứ ở Trung Quốc. Ông từng kinh
qua nhiều chức vụ khác nhau như quan Giám thí,
quan Thừa tuyên tham nghị Thanh Hoa, quan Đốc lương… Ở
cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm
vụ được giao.

        Trong
một lần vua Lê Thánh Tông đem quân đi
đánh Chiêm Thành, Nguyễn Phục được cử giữ chức
Đô chỉ huy sứ đốc vận chuyển quân nhu. Thuyền lương do
ông chỉ huy theo đường biển tiến vào phía Nam,
đang đi thì gặp bão lớn, ông quyết định chờ tan
bão mới đi tiếp nên quân lương bị chậm vài
ngày. Quân luật khép ông vào tội bất
tuân quân lệnh, xử tội chết vào ngày 20
tháng 10 năm Canh Dần (1470), mai tang tại Thanh Hóa.

          Sau
khi vua Lê Thánh Tông thắng trận rút
quân về theo đường biển lại gặp bão lớn, vua lo lắng
không yên, nhớ lại chuyện thuyền lương trễ kỳ hạn
là do song lớn gây ra, trong long hối hận, thương tiếc
quan đốc lương bị thác oan. Đêm ngủ vua mộng thấy như hồn
Nguyễn Phục cung kính xin hộ giá vua trở về. Sáng
ra thấy quả nhiên song yên biển lặng, trở về nhà
yên ổn, vua Lê Thánh Tông liền truy tặng sắc
phong làm Thần Đông Hải Đại Vương và dựng đền tại
nhiều nơi, trong đó có Kẻ Om, quê ngoại của ông.

            Đền
Nội Am tọa lạc ở đầu làng. Nhân dân còn gọi
tôn kính là đền Mẫu Nghi. Đền có kết cấu
kiến trúc chữ Đinh gồm Tiền tế và Hậu
cung, mỗi tòa ba gian, tường hồi bít đốc, hai mặt
mái lợp ngói ri loại nhỏ. Quy mô của ngôi
đền không lớn, nằm nép dưới tán cây cổ thụ
nên trông khá bình dị, xinh xắn. Bộ khung
kết cấu Tiền tế kiểu bốn hàng chân, vì nóc
kiểu giá chiêng, vì nách kiểu
cốn chồng rường còn liên kết đỡ
hiên là kiểu bẩy. Bộ vì Hậu cung kết cấu
kiểu vì kèo, gian trong cùng đặt ngai,
bài vị thờ Đông Hải Đại Vương.

         Đền
Nội Am còn giữ được khá nhiều di vật lịch sử rất
có giá trị, trong đó phải kể tới 32 đạo sắc phong
các thời Lê – Tây Sơn và Nguyễn, đạo
sớm nhất có niên đại Dương Hòa năm thứ 3 (1637),
đạo muộn nhất có niên đại Khải Định năm thứ 9 (1924).
Cùng với hệ thống sắc phong, đền còn giữ được một số đồ
thờ như kiệu, ngai, bát hương sứ mang phong cách nghệ
thuật cuối thế kỷ XIX.

          Qua
những di vật hiện còn có thể biết được ngôi đền
đã có lịch sử khá lâu đời, đặc biệt nếu
căn cứ vào đạo sắc cổ nhất có niên đại Dương
Hòa năm thứ 3 (1637) thì ít nhất ngôi đền
phải có từ trước năm 1637. Từ đó đến nay, ngôi đền
đã trải qua nhiều lần tu bổ, sắm sửa bổ sung đồ tế khí
để ngày một khang trang hơn. Trên thượng lương Tiền tế
còn dòng chữ cho biết vào giờ Ngọ, ngày 22
tháng 8 năm Bảo Đại thứ 18 (1943) đặt thượng lương, hoàn
thành việc dựng lại ngôi đền.

          Đền
Nội Am đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay
là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng
là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia năm 1988.

Alternate Text Gọi ngay