Đại gia Sơn “xay xát” – ông chủ Tập đoàn Hoành Sơn chật vật với 2 dự án Cảng sau khi hoàn tất thâu tóm

pham-hoanh-son-1-1648400284-1656666027.jpeg

Ông Phạm Hoành Sơn –  Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hoành Sơn. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

Hết kiên nhẫn với cảng Phước An

Từ tháng 7/2016, cái tên Sơn “Xay xát” trở nên nổi tiếng trong giới tài chính khi Công ty TNHH MTV Hoành Sơn – công ty con của CTCP Tập đoàn Hoành Sơn do ông Phạm Hoành Sơn làm Chủ tịch HĐQT thâu tóm dự án cảng Phước An thông qua việc mua cổ phần của CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (mã PAP).

Đây vốn là một dự án của Tập đoàn Dầu khí (PVN) tại Thị Vải – Cái Mép (Đồng Nai), được thành lập theo thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa PVN và tỉnh Đồng Nai với mục đích đầu tư khai thác cảng Phước An và khu dịch vụ hậu cần cảng. Trước đây, PVN nắm cổ phần chi phối 79,58%, Sonadezi nắm 8,3% nhưng sau 3 đợt phát hành riêng lẻ, tỷ lệ của PVN giảm xuống còn 23,33%; Công ty TNHH Hoành Sơn nắm 44% và các cổ đông khác nắm 32,67%. Ông Phạm Hoành Sơn cũng trở thành Chủ tịch của Cảng Phước An.

Dự án Cảng Phước An là một dự án đầy tham vọng với tổng diện tích lên tới 733,4 ha (183 ha khu cảng và 550,4 ha khu dịch vụ hậu cần cảng), với tổng vốn đầu tư 17.571,36 tỷ đồng. Dự án có vị trí đắc địa khi nằm ở thượng lưu sông Thị Vải – Cái Mép và cách không xa dự án sân bay Long Thành.

Theo quy hoạch, khu cảng Phước An có năng lực phục vụ tàu có trọng tải đến 60.000 DWT, gồm 10 bến (6 bến container và 4 bến tổng hợp) với tổng chiều dài 3.050 m. Công suất bến là 2,5 triệu TEU/năm hàng container và 6,5 triệu tấn/năm hàng tổng hợp. Còn khu dịch vụ hậu cần cảng có công suất bến là 2,2 triệu TEU/năm hàng container và 4 triệu tấn/năm hàng tổng hợp.

cang-phuoc-an-1654831562.jpg

 

Tuy nhiên mới đây, Công ty TNHH MTV Hoành Sơn đã đăng ký bán ra 25,8 triệu cổ phiếu trong khoảng thời gian từ ngày 26/5 đến ngày 24/6 theo phương thức giao dịch thỏa thuận và khớp lệnh trên sàn nhằm giảm tỷ trọng tại PAP từ 44% xuống 26,8% vốn điều lệ.

Dự án cảng Phước An tuy đầy tham vọng nhưng đã “kẹt cứng” từ năm 2009 đến nay khi gặp “tảng đá” là tuyến đường kết nối duy nhất vào dự án. Tuyến đường xây dựng theo hình thức BOT do Sở Giao thông Vận tải Đồng Nai phê duyệt tiến độ từ năm 2021 – 2023, sau nhiều năm vẫn chưa thể hoàn thành.

Theo báo cáo tài chính quý 1/2022 của PAP, công ty đã chi hơn 1.500 tỷ đồng để triển khai dự án, trong đó gần 1.400 tỷ để giải phóng mặt bằng. Thế nhưng đại gia Hoành Sơn đã không thể kiên nhẫn tiếp?

Cảng tổng hợp quốc tế tại Vũng Áng vẫn ngổn ngang sau 5 năm

Hồi tháng 10/2016, Hoành Sơn đã khởi công xây dựng cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (Dự án Bến số 4), thuộc Cảng Vũng Áng, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2017. Dự án có tổng mức đầu tư 1.489 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 16,1 ha, gồm một cầu cảng có thể tiếp nhận tàu chở hàng có trọng tải 50.000DWT, cùng hệ thống kho bãi và khu dịch vụ hậu cảng với công suất khai thác dự kiến 2,3 triệu tấn/năm.

Tuy nhiên, sau hơn 5 năm triển khai, sau 2 lần gia hạn tiến độ, đến nay công trình vẫn ngổn ngang, nhiều hạng mục chưa hoàn thành đưa vào sử dụng.

Lần gia hạn mới đây nhất, Ban quản lý KKT Vũng Áng cho phép dự án sẽ hoàn thành đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị và đi vào hoạt động trước ngày 30/6/2021. Tuy nhiên, thực tế đến thời điểm hiện nay dự án vẫn chưa hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động theo tiến độ đăng ký.

Chậm tiến độ thực hiện hơn 10 tháng, vi phạm về nguyên tắc thực hiện dự án đầu tư quy định, ngày 13/12/2021, Ban Quản lý KKT Vũng Áng cùng với chính quyền địa phương đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính đối với CTCP Cảng Hoành Sơn và xử phạt số tiền 30 triệu đồng.

Hoành Sơn là ai?

Ngoài vụ thâu tóm cảng Phước An đình đám, cùng thời gian, Hoành Sơn còn nổi tiếng với thương vụ trở thành cổ đông lớn của Công ty CP Cao su Sao Vàng và tuyên bố đầu tư thực hiện dự án Tổ hợp thương mại và nhà ở Sao Vàng – Hoành Sơn tại “đất vàng”  231 Nguyễn Trãi (Hà Nội). Ông Phạm Hoành Sơn cũng trở thành Chủ tịch của Cao su Sao vàng.

CTCP Tập đoàn Hoành Sơn được giới thiệu là doanh nghiệp hàng đầu của tỉnh Hà Tĩnh. Theo lời kể của ông Sơn, ông sinh năm 1972 trong gia đình có 4 anh em. Xuất thân trong gia đình không có truyền thống kinh doanh, bố làm bộ đội còn mẹ là giáo viên, cuộc sống khó khăn, ông khởi nghiệp kinh doanh chỉ bằng một chiếc máy xay xát nên kể cả khi đã thành danh, nhiều người vẫn gọi ông với biệt danh Sơn “Xay Xát”.

Những năm 90 ông cùng mẹ – bà Trần Thị Lục (đã bỏ nghề giáo) làm đại lý phân bón nhỏ lẻ tại Hà Tĩnh. Dần dần, công ty của ông trở thành doanh nghiệp phân bón hàng đầu tại nhiều tỉnh thành miền Trung như Quảng Bình, Nghệ An, Quảng Trị. Đại lý của Cty Sông Gianh (Quảng Bình); phân bón hóa chất Vinh; Nhà máy phân bón, hóa chất Lâm Thao… Thành công với phân bón, ông Sơn tiếp tục mở rộng ngành nghề kinh doanh sang các lĩnh vực khác như cung ứng thức ăn gia súc, kinh doanh sắt thép và xi măng…

Năm 2011, doanh nghiệp chuyển đổi thành Công ty CP Tập đoàn Hoành Sơn (Hoành Sơn Group), kinh doanh đa ngành nghề: thương mại (phân bón, xi măng…), than, quặng sắt, vận tải, xây dựng, sản xuất bia, rượu, nước giải khát, đồ uống, đầu tư dự án kinh doanh thương mại, vận tải biển với nhiều công ty con, hoạt động trên nhiều lĩnh vực trong và ngoài nước.

Một trong những lĩnh vực được giới thiệu là mũi nhọn của công ty là logistics. Từ đội xe nhỏ lẻ, hoạt động chủ yếu trong tỉnh, đến nay, Hoành Sơn có trong tay gần 1.000 xe đầu kéo, 3 tàu vận tải biển có trọng tải 80.000 tấn/chiếc, 1 sà lan vận chuyển hàng hóa. Hoành Sơn còn mở rộng sang nước bạn Lào, vận chuyển thạch cao, quặng sắt về nước và bán dầu, than cho nước bạn.

Trong danh sách các dự án xây dựng “khủng” của Hoành Sơn có tên: Dự án cấp nước cho Khu kinh tế Vũng Áng (4.415 tỷ đồng) là dự án cung cấp nước phục vụ cho cả khu kinh tế Vũng Áng và Khu liên hiệp gang thép Formosa – một dự án cũng rất “lùm xùm” từ việc đội kinh phí đến lựa chọn chủ đầu tư không đúng quy định, Cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn (1.410 tỷ đồng); dự án khu công nghiệp Cổng Khánh 2 (350 tỷ đồng), Nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh (1.200 tỷ đồng); hệ thống kênh xả lũ Khu kinh tế Vũng Áng (gần 300 tỷ đồng)… hay dự án nhà máy bia rộng 30ha tại thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh); dự án Trang trại chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tại thị xã Hồng Lĩnh và huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).

Hoành Sơn cũng lấn sân sang dự án tái tạo năng lượng với dự án Nhà máy Điện mặt trời Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên), công suất 50 MWp, tổng mức đầu tư 1.458 tỷ đồng.

nc-vung-ang-1654831755.jpg

 

Theo thông tin trên Dân Việt, năm 2016 doanh thu Hoành Sơn Group đạt 2.391 tỷ đồng, xuống 1.741 tỷ đồng năm 2017; tăng lên 4.315 tỷ đồng năm 2018, giảm còn 3.758 tỷ đồng năm 2019 trước khi tăng vọt lên ngưỡng 6.294 tỷ đồng năm 2020. Tuy vậy, lợi nhuận sau thuế hàng năm của Hoành Sơn Group chỉ còn vẹn vài chục tỷ đồng.

Cụ thể, năm 2016, lãi sau thuế Hoành Sơn Group đạt 71,6 tỷ đồng, giảm còn 255,7 triệu đồng vào năm 2017; 13,3 tỷ đồng năm 2018, 13,2 tỷ đồng năm 2019 và 41,5 tỷ đồng năm 2020.

Năm 2016, tổng tài sản tập đoàn là 3.208 tỷ đồng, đến cuối năm 2020 con số này đã đạt mốc 8.771 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu giữ ở ngưỡng trên 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn này. Đáng chú ý khi danh mục nợ phải trả Hoành Sơn Group cũng nhanh chóng “phình to” từ ngưỡng 2.194 tỷ đồng (năm 2016) lên 7.610 tỷ đồng (năm 2020). Hệ số nợ phải trở/vốn chủ sở hữu đến cuối năm ngoái là 6,5 lần.

Thời điểm tháng 7/2014, vốn điều lệ Hoành Sơn Group ở ngưỡng 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm ông Phạm Hoành Sơn sở hữu 94%; bà Nguyễn Thị Hằng Nga sở hữu 4% và bà Phạm Ngọc Hà sở hữu 2% còn lại.

Đến tháng 6/2016, vốn điều lệ Hoành Sơn Group được nâng lên 2.500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông Hoành Sơn Group lúc này có ông Phạm Hoành Sơn nắm giữ 95%; bà Nguyễn thị Hằng Nga nắm giữ 4% và ông Nguyễn Tiến Ngọc nắm giữ 1%.

Tuy nhiên, năm 2018, vốn điều lệ Hoành Sơn Group giảm về còn 1.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tiến Ngọc chuyển nhượng số cổ phần của mình sở hữu sang cho bà Lưu Thị Duyên.

Tháng 9/2020, vốn điều lệ Hoành Sơn Group tăng lên mức 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT là ông Phạm Hoành Sơn.

Alternate Text Gọi ngay