Đạo đức kinh doanh
Có thể thấy nhãn hàng đó đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu, nhất là khi sản nằm trong top các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao chứng nhận. Và chính điều đó khiến dư luận bất bình.
Có thể khẳng định rằng, bất kỳ sự giả dối nào cũng đều sẽ bị lật tẩy.
Dư luận hẳn chưa quên sự vụ của Khải Silk, một nhãn hiệu khăn lụa nổi tiếng hơn 3 thập kỷ, đã bị sụp đổ chỉ trong chớp nhoáng khi bị dư luận xã hội vạch trần hành vi “treo đầu dê bán thịt chó”. Khải Silk với bao nhiêu năm tạo dựng được thương hiệu của mình, chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà sẵn sàng lừa đảo người tiêu dùng bằng việc nhập sản phẩm khăn Trung Quốc nhưng lại dán mác “made in Vietnam”. “Bài học Khải Silk” vẫn còn ám ảnh thì xã hội tiếp tục nhận thông tin Tập đoàn Asanzo nhập hàng từ Trung Quốc thông qua nhiều công ty nhập khẩu, dán nhãn Asanzo thay vì lắp ráp linh kiện và ghi xuất xứ Việt Nam.
Mặc dù thông tin này vẫn còn đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ, song người ta vẫn nói: Không có lửa làm sao có khói? Trên diễn đàn báo chí, CEO Tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam cho biết, sản phẩm Asanzo không phải “Made in Việt Nam” mà xuất xứ tại Việt Nam. Trợ lý của CEO này cũng xác nhận, phía Asanzo sẽ tổ chức họp báo và thông tin rộng rãi về sự việc vừa được báo chí phản ánh.
Tuy nhiên, Hội Doanh nghiệp Việt Nam chất lượng cao ngay khi nắm được thông tin của Asanzo đã lập tức tước danh hiệu mà Asanzo đã từng nhận được. Trả lời báo giới, bà Nguyễn Kim Hạnh- Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam chất lượng cao, đã mạnh mẽ phê phán hành vi của Asanzo, cho rằng, hành vi nhập hàng Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vào hàng Việt, và ảnh hưởng xấu tới uy tín chương trình Hàng Việt Nam chất lượng cao. Ai cũng rõ, trong kinh doanh, thương hiệu và lòng tin của người tiêu dùng là tài sản vô giá của doanh nghiệp nhưng cách mà Asanzo hay Khải Silk cũng như một số doanh nghiệp khác đã và đang làm chính là cách họ tự hủy hoại thương hiệu của mình nhanh nhất. Để tạo dựng được niềm tin đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ có một con đường đi duy nhất đó là trung thực và minh bạch. Tất cả những kiểu làm ăn chộp giật, mập mờ “đánh lận con đen” đều sẽ bị đưa ra ánh sáng. Và khi doanh nghiệp đã bị mất niềm tin nơi người tiêu dùng cũng đồng nghĩa thương hiệu của doanh nghiệp đó chính thức sụp đổ.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay, doanh nghiệp muốn tồn tại và phát triển bền vững chỉ có một con đường duy nhất là kinh doanh có đạo đức, có văn hóa, giữ chữ tín. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh: “Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là hình ảnh doanh nghiệp mà còn là hình ảnh quốc gia”. Các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước cũng đều cho rằng văn hóa doanh nghiệp chính là nhân tố quyết định thắng lợi trong cạnh tranh. Chính bởi vậy, doanh nghiệp muốn tồn tại, muốn phát triển bền vững, không còn cách nào khác là phải trung thực, phải tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng. Tuy nhiên, những vụ việc như Khải Silk, Asanzo hay hàng loạt các sự vụ kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… bị phanh phui thời gian qua cho thấy, văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh dường như chưa được doanh nghiệp đề cao. Không ít doanh nghiệp bước vào thương trường chỉ chú trọng hình ảnh bề ngoài mà chưa thực sự dựa trên những yếu tố cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp. Chưa hết, không những thiếu đạo đức kinh doanh, hành vi kinh doanh hàng nhái, nhập nhèm giả mạo xuất xứ hàng Việt của Khải Silk hay Asanzo còn đang vi phạm chủ trương thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Rõ ràng khi doanh nghiệp tuồn hàng bên ngoài vào trong nước và gắn nhãn hàng Việt, chẳng phải lòng yêu nước của bao người dân đã bị đánh lừa khi họ vô tình tiêu thụ sản phẩm hàng hóa ngoại nhập chứ không phải là hàng hóa Việt Nam hay sao?
Doanh nghiệp bước vào thương trường nếu không coi trọng yếu tố văn hóa kinh doanh, làm ăn thiếu chân thực, đánh lừa người tiêu dùng đều sẽ phải nhận những hậu quả xứng đáng. Đó là sự tẩy chay của người tiêu dùng, thương hiệu đó sẽ vĩnh viễn mất đi, không cách nào khôi phục lại được. Chính bởi vậy, thiết nghĩ, mỗi doanh nghiệp khi khởi nghiệp trên thương trường, trước nhất cần phải xây dựng cho mình văn hóa, đạo đức kinh doanh, không thể vì lợi nhuận trước mắt mà sẵn sàng đánh đổi cả một sự nghiệp còn dài ở phía trước.