Đặt bàn cân hai phiên bản “Âm Dương Sư“: Triệu Hựu Đình Hollywood, Trần Khôn đậm châu Á
HHT – Hai phiên bản phim “Âm Dương Sư” với sự tham gia của những gương mặt nổi tiếng Triệu Hựu Đình, Đặng Luân, Trần Khôn, Châu Tấn đều công chiếu thời gian khá gần nhau. Hai phiên bản vừa giống lại vừa khác nhau, vậy bản nào nên xem hơn?
ĐỀU THẤT BẠI TẠI QUÊ NHÀ
Cả hai phim đều được chuyển thể, cải biên từ truyền thuyết nổi tiếng về Âm dương sư, sở hữu dàn diễn viên nổi tiếng nhưng chẳng may lại cùng… ngã sấp mặt tại thị trường nội địa Trung Quốc.
Âm Dương Sư: Tình Nhã Tập chỉ mới công chiếu được 10 ngày đã bị rút khỏi rạp. Nguyên nhân được cho là scandal đạo nhái trước đó của đạo diễn Quách Kính Minh ảnh hưởng lây sang cả phim này.
“Tình Nhã Tập” gặp chuyện do scandal đạo nhái của đạo diễn.
Còn Âm Dương Sư: Thị Thần Lệnh cũng không kém phần xui xẻo khi nam diễn viên Khuất Sở Tiêu – thủ vai Bát Nhã dính phải phốt “bắt cá” nhiều tay, bạo hành bạn gái… Không thể cắt bỏ các cảnh của Khuất Sở Tiêu, cũng không thể tiến hành quay phim lại, nhà sản xuất đành giấu biệt Khuất Sở Tiêu khỏi trailer lẫn hình ảnh quảng bá. Khán giả đinh ninh họ đến rạp là để xem Trần Khôn – Châu Tấn diễn chính nên khi biết không phải như vậy thì tức giận vì bị lừa gạt.
“Thị Thần Lệnh” gặp xui do “phốt” của nam diễn viên Khuất Sở Tiêu.
Nhưng nếu bỏ qua những rắc rối từ trên trời rơi xuống này, cả hai phiên bản Âm Dương Sư đều đáng xem với những ưu khuyết điểm riêng.
NỘI DUNG HAI PHIM KHÁC BIỆT
Tình Nhã Tập của Triệu Hựu Đình, Đặng Luân được chuyển thể từ tiểu thuyết Âm Dương Sư của nhà văn Nhật Bản Yumemakura Baku. Một số câu chuyện về các yêu ma như yêu quái chơi đàn tì bà, Họa Xà… kể trong sách được biên kịch kiêm đạo diễn Quách Kính Minh đưa vào phim của mình và thêm thắt tình tiết để tạo thành một cốt truyện hoàn chỉnh. Tình Nhã Tập lấy bối cảnh Tình Minh đến tham dự lễ Tế Thiên Đại Điển, cùng các pháp sư khác ngăn chặn sự trỗi dậy của Họa Xà, từ đó gặp được Bát Nhã.
“Tình Nhã Tập” mua bản quyền từ tiểu thuyết.
Còn Thị Thần Lệnh của Trần Khôn, Châu Tấn được chuyển thể từ game Âm Dương Sư nên không phụ thuộc cốt truyện từ tiểu thuyết. Phim kể về Tình Minh là người có dòng máu đặc biệt, nửa người nửa yêu nên anh không thuộc hẳn về con người, cũng không hẳn thuộc về yêu quái. Tình Minh bị đổ oan ăn trộm Lân Thạch, có âm mưu giải phóng cho đại yêu quái Tương Liễu chín đầu nên anh buộc phải tìm ra sự thật.
“Thị Thần Lệnh” chuyển thể dựa vào game.
Điểm chung giữa cả hai phim chỉ là hệ thống nhân vật chính gồm Tình Minh và Bát Nhã, xây dựng thế giới nơi yêu ma quỷ quái sống cùng với con người, mối quan hệ chủ – tớ giữa Âm dương sư và yêu quái… Cốt truyện của Thị Thần Lệnh mượt mà và có lớp lang hơn, Tình Nhã Tập dù hấp dẫn nhưng vẫn có đôi chỗ còn gượng gạo.
TÌNH MINH VÀ BÁT NHÃ – AI HƠN AI?
Trong truyền thuyết gốc về Âm dương sư, nhân vật Bát Nhã luôn là người đồng hành cùng Tình Minh. Vì thế, đây cũng là hai nhân vật trọng tâm trong mỗi phim, còn các nhân vật phụ khác tùy theo nội dung mà phim này có mà phim kia không và ngược lại.
Triệu Hựu Đình thể hiện một Tình Minh trầm ổn hơn.
Cả Triệu Hựu Đình và Trần Khôn đều thể hiện ra được một Tình Minh tinh quái, thích đùa cợt, bên ngoài hờ hững nhưng bên trong sâu sắc khó dò. Nếu Triệu Hựu Đình thể hiện một Tình Minh có địa vị, được nể trọng thì Trần Khôn lại thể hiện một Tình Minh chẳng có nơi nào chấp nhận mình nhưng vẫn cao ngạo, ung dung. Do nội dung kịch bản nên Trần Khôn có đất diễn để thể hiện được nội tâm nhân vật sâu hơn.
Tình Minh của Trần Khôn thì sắc sảo hơn.
Nhân vật Bát Nhã trong nguyên tác là một người bình thường, giỏi võ nhưng đơn thuần, hoàn toàn là “chiếc chiếu mới” khi nhắc đến yêu ma quỷ quái. Vì điểm này, Bát Nhã của Khuất Sở Tiêu là đúng với hình mẫu gốc nhất, do Bát Nhã của Đặng Luân biết sử dụng phép thuật, hiểu về bùa chú. Nhưng cũng do kịch bản, Bát Nhã của Đặng Luân có cảm giác gắn bó sâu sắc hơn với Tình Minh.
Mối quan hệ giữa Tình Minh – Bát Nhã trong “Tình Nhã Tập” sâu sắc hơn.
Ngoài hai nhân vật chính, mỗi phiên bản Âm Dương Sư cũng gây ấn tượng với nhân vật phụ. Ở Tình Nhã Tập, diễn xuất của Vương Tử Văn trong vai công chúa khiến khán giả thổn thức theo. Còn Châu Tấn, dù xuất hiện rất ít ỏi trong Thị Thần Lệnh nhưng mỗi phút xuất hiện đều vô cùng đáng giá.
Vương Tử Văn khiến khán giả thổn thức trong vai công chúa.
Châu Tấn xuất hiện phút nào đắt giá phút đó.
KỸ XẢO ĐÁNG ĐỒNG TIỀN BÁT GẠO
Cả hai phiên bản Âm Dương Sư đều được đầu tư về kỹ xảo nên cực kỳ mãn nhãn. Mỗi phim có một màu sắc rất riêng biệt. Tình Nhã Tập đậm chất Hollywood với các cảnh thi triển phép thuật phát sáng, ảo diệu. Các cảnh chiến đấu sử dụng chổi, bay lượn, hoành tráng ở diện rộng. Thậm chí chính vì thế phim vướng phải nghi án đạo nhái Doctor Strange và Avengers: End Game.
“Tình Nhã Tập” kỹ xảo đậm chất Hollywood, vướng nghi án đạo nhái phim Marvel.
“Thị Thần Lệnh” đậm màu sắc ma mị Á Đông.
Thị Thần Lệnh mang màu sắc châu Á đậm nét hơn, với hệ thống yêu ma phong phú từ cây cỏ, động vật và xây dựng cả các khu vực tách biệt như Yêu Vực, Âm Dương Liêu… Cách sử dụng bùa, chú thuật khi bắt yêu và thi triển phép của phim cũng mang màu sắc rất riêng của Á Đông.
Cả hai phiên bản Âm Dương Sư đều đã có mặt trên Netflix.