Dư âm « Mùa thu lá bay » – Ara Phát kể chuyện

Lan man với những tình hình Trung Hoa thời Tôn Trung Sơn dựng nên và đến giai đoạn Tưởng giới Thạch thua phải sang đảo Đài Loan và hai đảo nhỏ Kim Môn và Mã Tổ; hai địa danh này đã biết tự thuở lên 10 vì thướng xuyên được nghe nhắc nhở trên báo mỗi lần Trung Cộng tấn công bằng hỏa tiễn trái phép. Những ngày gần đây, tình hình biển dông xáo trộn do Trung Cộng gây bất ổn làm ảnh hưởng không ít đến bán đảo Đài Loan, một đất nước theo chính thể cộng hòa lập hiến, có tổng thống do dân bầu và có thủ tướng được thành lập từ năm 1949 với diên tích hơn 36 ngàn cây số vuông với hơn 23 triệu dân
.

Bản đồ du lịch Đài Loan Voyage À Taiwan, Cartographie, Jolies Cartes, Tourisme, Taipei Taiwan, Voyage En Asie, Thaïlande, Corée, ÎleBản đồ nước Đài Loan

Những năm cuối thập niên 50, bang giao giữa Việt Nam cộng hòa và Đài Loan rất tốt, nhiều chương trình hợp tác, từ quân sự, thể thao đến văn hóa . Chúng tôi được xem biểu diễn phi cơ khu trục phản lục của phi đội Lôi Hổ Đài Loan trên bầu trời Saigon với những đội hình đẹp mắt ; cũng có những chương trình cấp học bổng cho học sinh và sinh vên du học và tu nghiệp huấn luyện cho công chức, quân nhân . Lãnh vực đầu tiên đến với tôi là những trận cầu quốc tế giữa đội Hoa Nam và đội tuyển quốc gia Việt Nam, lúc đó chưa có sân Cộng Hòa mà tất cả các trận tranh hùng được diễn ra tại sân vận động Tao Đàn vào những năm 58,59, chỉ khán đài trung ương là bằng xi măng, còn khán đài cánh các bục ngồi bằng gỗ, nơi đây được chứng kiến « lưỡng thủ vạn năng » Phạm văn Rạng trấn giữ khung thành với giàn tiền đạo đạp thành phá ải Nhung(Piere), Vinh, Thách, Há, Quang chận cửa giữ đường , Tam Lang tung hoành cũng thấy đã mắt, trận đấu khiến thủ quân Hoa Nam là Lý Huệ Đường, to con, nhanh nhẹn, mạnh bạo như báo gấm Phi châu chỉ biết kêu trời nhất là khi anh tung quả phạt đền lại nằm gọn trong bàn tay đệ nhất thủ môn Á châu Phạm văn Rạng. Bên lề trận đấu có một chuyện vui thời sự, có lẽ giữ gôn mãi cũng chán thủ môn Hoa Nam Lương Huệ Minh lén theo các « tài phú » đi « sút » một quả, bị sao quả tạ đeo bám nên hôm ấy kiểm tục đi bố ráp, tướng thủ thành bị « vồ » về ấp, chỉ chút xíu sau là được về, chắc các thầy chú nghe than là  » tội nghiệp ngộ… ngộ chụp hoài lâu lâu cho ngộ sút một cái chớ ! » , chẳng sao nhưng ngày hôm sau được các báo « bốc thơm » cho rạng rỡ mặt mày .
Giải trí với Ara là những phim mà tôi gọi chung là phim Tàu nào là Bạch Viên Tôn Các, Na tra lóc thịt , Tây du ký…, những loại phim này được hãng phim Mỹ Vân chuyển âm. Theo thời gian lớn lên đổi gu với Vương Vũ, La Liệt, Khương đại Vệ trong các phim võ thuật, tiến xa thêm một chút ghé mắt các loại tình cảm, để ý những minh tinh điện ảnh nổi danh khác như Lý Lệ Hoa lại còn Lâm Đại, Lạc Đế, Lăng Ba hớp hồn khán giả trong nhiều phim tình cảm khóc chảy máu mắt …như « Lương sơn Bá, Chúc anh Đài », kịch bản này được các đoàn cải lương khai thác triệt để . Điện ảnh đình đám vào năm 1973 với phim  » Mùa thu lá bay » phim dành cho thanh niên thiếu nữ thời đại vào độ tuổi yêu đương, các cô mê mệt dáng dấp Đặng quang Vinh , đóng chung với Chân Trân, cũng là gu của thanh niên thời bấy giờ .,. Đặng quang Vinh chuyển hướng sang Đài Loan, đóng cặp với hàng loạt mỹ nhân trong những bộ phim tình cảm lãng mạn. “Mùa thu lá bay” được trình chiếu trên màn ảnh ciné Saigon

Kịch bản của nhà văn Quỳnh Dao ăn khách và Quỳnh Dao ( Chiung Yao) thời ấy cũng là một hiện tượng của giới trẻ Việt Nam, các nhà sách, nhà xuất bản giới thiệu rất nhiều tác phẩm cũng có nhiều dịch giả nhưng tôi nhớ được Từ Tốc, tôi cũng đã nghiền ngẫm qua tác phẩm « Hải Âu phi xứ », »Song ngoại » và « Thuyền ». Đọc xong tác phẩm thứ 3 tôi không đọc nữa vì thấy không hợp với mình, đơn giản là vậy . Lúc ờ trong tù Trảng Lớn, có 1 tên bạn tù tên Vong A Sáng hay ghé quán Café tù tán dóc với Ara, có bút hiệu là « Từ Du » hèn gì nó » tù dư » hơn tôi 1 năm, cũng dịch truyện Quỳnh Dao, có lúc dịch chung cùng Từ Tốc , có hỏi tôi thích truyện QD không, trả lời với hắn truyện đầu lạ, đọc tiếp truyện thứ hai thấy có lúc không ổn, ráng đến truyện thứ 3 không thích nữa . Mày đừng bảo là khi nào về cho tao dăm bảy quyển, tao đủ rồi. Nói nào ngay lúc đọc những truyện của QD cũng thèm có ngày đặt chân lên hòn dảo này, không phải mơ mộng các cô nàng yêu tay ba tay tư mà để ngắm nhìn những địa danh bà diễn tả. Chỉ là mộng thôi vì lúc bấy giờ tuy rất nhiều công ty du lịch quảng cáo du lịch , từ Saigon đến Tokyo, HongKong, Taipei, Bankok….nhưng những thanh niên dễ gì có tờ xuất cảnh, khó khăn đủ điều chung quanh cái tuổi động viên… Rồi thì cũng ghé qua thăm họ Tưởng được nhưng đến ngoài 60 mới có dịp, sẵn dịp qua thăm đứa con Út đi học trong chương trình Erasmus vào năm thứ 2 hay 3 của đại học.
Từ lúc bắt đầu đi làm vào năm 1970, cũng mong có dịp được ra ngoài một lần, may mắn có được chuyến tu nghiệp hay dành dụm được một số tiền khả dĩ có thể thỏa mãn óc viễn du. Trời cũng còn thương gã Ara này nên 40 năm sau hắn mới có dịp. Ghé Taiwan hôm 11/11/2010 cùng với đứa con thứ hai tại sân bay Taoyuan (Đào Viên), út ra đón đưa về khách sạn nằm ngay trung tâm Đài Bắc, gần trạm métro nên di chuyển dễ dàng, từ diểm này sẽ đi tìm hiểu chung quanh khu Đài Bắc , đùa chơi với hai đứa con là cứ thấy hướng có chữ giống hình thù cọng rau muống là chữ Bắc, về hướng đó là về đến Đài Bắc không sai

Mùa thu lá bay trên sông Đạm Thủy là một quận của thành phố Tân Bắc, Trung Hoa Dân Quốc . Quận Đạm Thủy được đặt theo tên sông, nằm tại bờ duyên hải ở mũi phía Bắc Đài Loan.Tập trung rất nhiều tại đây những nhà hàng, quán cà phê, cửa hàng và nhiều người bán hàng rong, (Photo Ara)
Tháng 11 là mùa giông bão, đất trời phủ một màu xám , mưa lất phất, tìm một quán ăn ba cha con vào làm chung  » Mao Đài  » bên nồi lẩu hải sản, ăn bao nhiêu thì ăn all eat you can, người mình gọi lá ăn bao bụng, nghe loáng thoáng tiếng Việt của người đàn bà lấy chồng xa xứ đang ngồi bên một cửa hàng tạp hóa (photo con Ara)

Hai chị em tại khu chợ đêm Tây Môn Đình(Xymending) Photo Ara

Cách khách sạn khoảng 100m là khu chợ đêm Ximending hay đọc trại âm là Tây môn Đình. Hình như là những căn bếp của người bản xứ ít khi đỏ lửa, họ ăn uống tràn ngập ngoài đường, đủ loại hàng quán, chỉ đi một vòng là no mà cũng không đắt. Ngay tại Đài Bắc có đến 11 chợ đêm trong tổng số 20 chợ đêm trên toàn quốc.

Tây Môn Đình (Ximengding) xuất phát từ chính tên vị trí của nó (photo Ara)

Tây Môn Đình (Ximengding) xuất phát từ chính tên vị trí của nó, nằm ở phía Tây thành phố Đài Bắc. Được xây dựng trong thời kỳ Đài Loan chịu sự cai trị của Nhật Bản nên Tây Môn Đình mang phong cách của xứ sở mặt trời. Chợ mở cửa từ buổi chiều hôm trước và kết thúc vào khoảng 3-4 giờ sáng hôm sau . Mấy đứa con đi hát Karaoké với bạn học, Ara đi khám phá đường ngang ngõ tắt của khu phố đến khi dôi chân rã rời bước vào tiệm massage cho nắn bàn chân, họ có kỹ thuật nắn hết sẩy, chỉ cần 15′ là nhẹ bước .Ra khỏi tiệm nắn bóp gặp ngay 1 gã Vi tiểu Bảo kè kè bên cạnh ra đấu bằng ngôn ngữ quốc tế rủ rê Ara đi « cắc cắc…bùm bùm », phì cười lắc đầu với hắn ; ai bảo mình nhìn mặt mũi có chữ « Dê » hiện lù lù trên trán.
Định là ba cha con có một đêm ghé « Chợ đêm ngõ rắn Huaxi » (Hoa Tây) , ăn thử món thịt rắn nhưng không đủ thì giờ
Truóc khi ghé chợ đêm có ghé thăm đài tưởng niệm tổng thống Tưởng giới Thạch, chỉ cách khách sạn 4 trạm métro , vừa lên vừa xuống chỉ mất 5′ .

đài tưởng niệm tổng thống Tưởng giới Thạch (photo Ara)

Sau khi Tôn Trung Sơn qua đời, Tưởng đã hoàn thành sứ mệnh tiếp nối, theo con đường chính trị với mong muốn đưa Trung Hoa vũng mạnh. Nhưng mỗi bờ đại lục lại có cách nhìn hoàn toàn khác nhau. Một bên là Cộng sản đưa dân qua một cuộc cách mạng văn hóa vô sản và lùa cả nước vào trong bức màn sắt, một bên còn lại sống trong bức màn nhung được chăm sóc đời sống đầy đủ văn minh, ca ngợi ông hết lời, tôn vinh ông như một vị lãnh tụ đã bảo vệ tự do và kiến thiết Đài Loan hùng mạnh.

Tờ tiền 200 Đolla Taiwan in chân dung Tưởng Giới Thạch ,lúc tôi đổi Dolla Taiwan năm 2010, tỉ giá lúc đó là 1 Euro tương đương 40 Dolla Taiwan (photo internet)

Người Đài Loan chứng tỏ được họ là những công dân thân thiện môi trường xanh, rất ít tư nhân xử dụng auto, hầu như họ chọn phương tiện xe máy và ưu tiên cho phương tiện công cộng để giảm bớt ô nhiễm môi trường. Nói đến hệ thống chuyên chở công cộng như bus và Métro, Đài Loan không kém Nhật về kỹ thuật và điều hành, giờ giấc đi lại chính xác đến từng giây, nhưng cái đáng nói là tinh thần kỷ luật tự giác của người dân. Tại các gare bus hay Métro được đặt nhiều cổng sắp hàng, mỗi cổng đặt đúng vị trí cửa métro hay bus. Xe dừng lại, cửa xe vào đúng các vị trí của cổng, khách sắp hàng tại các cổng lần lượt lên toa xe, đèn báo đã đủ số ghế cửa đóng khách chờ chuyến sau; mỗi chuyến cách nhau nhiều nhất là 7′. Tinh thần kỷ luật tự giác này tôi chưa thấy xảy ra ở Pháp, Bỉ hay nhiều nước Âu châu khác. Với tinh thần kỷ luật này họ mới có khả năng chống chọi với làn sóng đỏ lúc nào cũng manh nha lấn chiếm.

Cụ Lê ngọc Huỳnh, gs sử địa, khi giảng thế giới sử bài « liệt cường xâu xé Trung Hoa » cũng có nói chuyện về « Tống gia tỉ muội » là 3 chị em họ Tống có chồng là những ông trùm, nổi bật của Trung Hoa đầu thế kỷ 20.
Tống Ái Linh chồng là Khổng Tường Hi cháu bảy mươi đời Khổng Tử là người giàu nhất Trung Hoa, bà đuọc mệnh danh là « một người yêu tiền »
Tống Khánh Linh:chồng là Tôn trung Sơn( Tôn Văn), tổng thống đầu tiên của Trung Hoa,Tống Khánh Linh được xem là « một người yêu nước ».
Tống Mỹ Linh: kết hôn với Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch, được xem là « một người yêu quyền »

Khách sạn trú ngụ chỉ cách khu chợ đêm 10′ đi bộ, muốn đi, về lúc nào cũng tiện. Về vào lúc nửa đêm lúc khu chợ còn tấp nập ầm vang, nghỉ ngơi để hôm sau còn nhiều điểm đến.
Đi cũng nhiều nơi, chưa thấy khách sạn nào mang 4 sao mà ăn sáng thật bết như vậy, nhìn trên bàn ăn toàn những thứ của người bản địa ăn sáng…cháo trắng, dầu cha quẩy, củ cải mặn hay trứng muối, com chiên Dương Châu, mì xào…mỗi thực khách chỉ được phục vụ 1 quả trứng « ốp la », chẳng muốn ăn, tìm một tách café cũng chỉ là café chẳng đậm màu nấu trên ấm rót cho khách và nước trà.
Nơi khu phố này tìm 1 cửa hàng điểm tâm sáng hay quán café kiểu bên nhà cũng đỏ mắt, phần nhiểu là loại bánh mì mềm có Jambon,fromage do một công ty nào đó đem bỏ mối tại siêu thị bày ra trên tủ kính cho người đi làm ăn nhanh và gọn, chỉ có một số quán nhỏ bán những loại nước mát và những quán trà.
Đúng là số « hủi « chọn nhằm khách sạn 4 sao kiểu cho ăn sáng đậm chất truyền thống!

Ara truóc ngôi đền thờ Khổng trọng Ni cùng với ông giữ đền

Đền thờ Đức Khổng Tử là điểm tôi ghé đầu tiên trên đường đi, dù sao cũng là tổ sư của Ara, cũng đã 1 lần hắn đứng dưới chân dung của ngài cùng hàng chữ « Lương sư hưng quốc », hắn cũng đã ngủ gà ngủ gật khi cụ Phạm văn Quế khăn đống áo dài the đem lễ nhạc, nho giáo của sư tổ rao giảng trên lớp cả cái thuyết  » nhân chi sơ, tính bản thiện » để rồi hắn được cái tiếng là « mất dạy, vô lương » sau thời gian bác, đảng cải tạo,….nếu tổ sư có linh thiêng, ngài về bẻ cu (cou) những thằng » toàn hồng » của ngài chuyên làm chuyện « đổi tình lấy điểm » .
Nơi đây có gặp và trò chuyện với người giữ đền, ông nói được tiếng Pháp tuy không nhiều còn Ara có tí ti ba rọi « Tàu Chợ Lớn » nên cũng rôm rả câu chuyện, hôm đó có buổi tế lễ, bỏ ra 10′ xem lễ nhạc của ngài.

Một buổi tế lễ tại đền thờ Khổng Tử (photo Ara)
Một lá sớ lưu niệm tại của đền (photo ông giữ đền)
Chúng tôi đi đúng vào ngày khai mạc « Triển lám hội hoa thế giới 2010 ». Địa diểm tổ chức không xa thánh phố ;mỗi quốc gia trình bày đặc sản của đất nước mình, đi ngang khu triển lãm của Hy Lạp , chữ Taipei được ghi theo chữ của quốc gia họ là Grec chữ P được tray chữ Pi(Π) nên Taipei được ghi là ΤΑΪΠΕΙ nên nhiều học sinh Đài Loan chỉ trỏ thấy lạ (Photo Ara)
Trước gian hàng Hòa Lan, nơi nhiều người ngồi tạo dáng. (Photo Ara)
Tách trà ö Long trong một quán trà bên dường (Photo Ara)

Uống tách trà Ô Long cũng nên biết sơ qua về loại này. Tôi biết tên này đã hơn nửa thế kỷ, cũng là do bố tôi mê uống trà vào lúc bình minh và tôi là người thường xuyên đi mua trà cho cụ. Gần nhà thì có hiệu Chính Thái, Ninh Thái cứ mỗi lần đi mua cụ lại dặn, mua thứ ô long đừng mua loại liên tâm, lớn một chút đạp xe vào Chợ Lón, con đường Khổng Tử có hai tiệm trà lớn là Dân Ký và Văn hồng Phát . Cũng là Ô Long nhưng của Văn hồng Phát bố tôi chọn lựa, chuyện trò với người bán hàng cũng biết đôi điều về cái tên Ô Long, nguồn gốc tên này có từ tỉnh Phúc Kiến bên Tàu và có nghĩa đơn thuần là Rồng đen vì là tên người tìm ra cách thức tạo cho những lá trà mới hái có hương vị khác với loại khác. Mỗi nơi sấy Ô long theo một cách, Ô Long Đài Loan sấy lá trà cuốn tròn lại như trà nụ , đến lúc gặp nước nóng mới bung ra lá trà.
Cũng tại tiệm Văn hồng Phát cụ có mua 1 ầm trà bằng đất Giang Tây, họ bảo đảm nguyên gốc, theo như chủ tiệm, ấm trà làm bằng đất Giang Tây màu đẹp, nặng mà lại nhẹ; nhẹ là do tỉ trọng của đất, đặt chiếc ấm vào thau nước, ấm nổi lềnh bềnh rất cân đối giống như con thiên nga trên mặt nước họ còn gọi là ấm thiên nga, không đắt hơn nhiều những loại đất giả Giang Tây khác . Những loại đất nơi khác thiên nga chìm nửa bụng hay thiếu cân bằng, ngay cả vòi nước uốn cong cũng khác loại ấm ngày nay, miệng vòi tuân thủ đúng nguyên tắc bình thông nhau , rót trà ít bị nhiễu nhão.
Ở Taipei Ara vào cửa hàng trả mua làm quà, chỉ riêng Ô Long bao nhiêu là loại ngoài ra còn các loại tẩm ướp khác. Chủ tiệm có giới thiệu những hoa trà sấy khô to như đầu ngón tay cái, bỏ vào chiếc bình lơn bằng thủy tinh nhìn cánh hoa bung ra từ từ, mấu sắc vẫn còn nguyên.
Hoa trà cũng nhiều tên khác nhau nhưng hoa quý thuần sắc, có pha trộn màu khác là kém phẩm chất , nếu như trong đỏ có lẫn trắng, trong trắng lẫn tía thì là hạ phẩm . Nụ hoa thường bán là loại hạ phẩm , mua một số nụ hoa sắc trắng có vệt đỏ thẫm , đây cũng là loại hạ phẩm có tên là « Trảo phá mỹ nhân » tựa như mặt ngọc mà có vết cào đỏ. Ara biết đại khái qua những brochure nơi cửa tiệm. Nụ trà khô này cũng có bán tại chợ An Đông nơi các tiệm trà .

Những hộp trà ô Long kỷ niệm ở Đài Bắc Trà Ô Long của Đài Loan trồng ở Cao Sơn, là giống trà núi cao, lá nhỏ người hái trà chờ cho đến khi chồi trên cây trà đã bung lá, già và dày lê. Sở dĩ hái những chiếc lá già, dày vì chúng có khả năng chịu đựng được quá trình nhào và tạo hình theo nguyên tắc sản xuất Ô long.(photo Ara) .
Nụ trà sắp nở được phơi khô , đường kính 2cm , ngâm trong nước nóng hoa bung cánh, uống thơm đặc trưng của hoa trà. Hình bên trái là nụ trà phơi khô.(photo Ara)
Có nhiều loại hoa khác nhau nên hình thù của nụ khô cũng khác, thứ như tôi đưa lên nụ hình tròn có thứ nụ hình oval,loại này cánh hoa dài hơn, có khi hơi hé nở , thấy màu sắc bên trong. Tóm lại trà có nhiều chũng loại nên hoa cũng to nhỏ khác nhau, có sắc nhưng mùi hương kém.Có câu chuyện về huong trà.
Người Pháp muốn lấy lòng cụ Đồ Chiểu, ngày tết đem biếu cụ chậu hoa trà, cụ không nhận và trả lời
Khách đến cho ta một chậu trà,
Ta đui ta chẳng biết là hoa .
Xem hoa ta chỉ xem bằng mũi,
Đếch thấy hương thơ
m, một tiếng Khà !
Những bộ trà Ara có là 1 bộ độc ẩm bằng đá cẩm thạch và 6 chung trà, những chung trà làm bằng đá nên miệng dầy, đặt lên môi uống không đúng cách, lại mau nguội; bộ đối ẩm và 2 chiếc tách bằng đất nung miệng mỏng ôm sát bờ môi, nưóc không rơi vãi, đang đặt trên lò lửa, hắn uống hàng đêm, cuối cùng là bộ hội ẩm dùng lúc có khách, ấm trà chứa được 1l nước đặt trên mâm với 7 chiếc tách uống trà
Mâm hội ẩm « made in Japan », chiếc ấm trà bên 2 mặt và nắp đều được chấm phá những nét thành hình núi Phú Sĩ, tách cũng vài nét hình Phú sĩ dưới đáy. Bộ này mua từ 1 cửa hàng bán đổ cổ, cũng không đắt vì Bỉ không có lối trà đàm . Ba cái lăng nhăng này có trong cuộc đời vui đấy chứ, tội gì mà bỏ rượu từ trà

Ghé ngang một dòng thác nằm trên lung chừng núi, lên bằng xe giống xe lửa loại mini, thác nước Wulai nằm ẩn mình ở giữa những dãy núi là một thị trấn nhỏ thuộc quận Wulai (Ô Lai) của thành phố Tân Đài Bắc (New Taipei) ,Wulai trước đây là nơi sinh sống của thổ dân Atayal, một trong những bộ tộc đông nhất ở Đài Loan . Cũng không quá đặc sắc, xem chừng cũng không đẹp hơn những ngọn thác như thác Bản Giốc ở Việt Nam, nhưng trên đường đi đến mỏ vàng nhìn xuống thung lũng quang cảnh Nhật Nguyệt Đàm đẹp mờ ảo trong sương mù

Thác wulai
Hướng về phía bắc, Cửu Phần (Jiufen) là nơi ngắm bình minh và hoàng hôn tuyệt vời nhất. Là một khu dân cư nhỏ trên sườn đồi, Cửu Phần được xây dựng với một mê lộ bậc thang và các con đường đi bộ quanh co xung quanh nhà
Quang cảnh Nhật Nguyệt Đàm đẹp mờ ảo trong sương mù nhìn từ Cửu Phần trên cao. .

Về phía đông bắc của Đài Loan nơi thị trấn Ruifang Jinguashi(Cửu Phần), được dãy Keelung bao bọc , nơi đây còn là mỏ vàng của Taiwan.
Được chuyển đổi từ vị trí khai thác vàng trở thành khu vực « Bảo tàng vàng » đã ghi lại những dấu vết khó khăn của một thời định cư. Nói về phố cổ Jishan thì đây là khu phố cổ với những làn đường hẹp dành cho người đi bộ, người đi bộ có thể di chuyển tự do mà vẫn đảm bảo được sự an toàn tuyệt đối.
Là khu vực bảo tàng giữa thiên nhiên của mỏ vàng, vào đây tìm hiểu cách khám phá vàng của người dân trong khu vực khi vào đường hầm khai thác vàng còn lưu dấu những thiết bị dùng khai thác vàng cùng những hướng dẫn các tính năng đặc biệt của vàng.
Ngoài ra nơi đây còn khu phố cổ Jishan với những làn đường hẹp dành cho người đi bộ. Cũng tại khu phố cổ này Ara được thưởng thức món « tàu hũ thúi » đã từng hay nghe khi xem phim bộ Hong Kông , nếu ai ăn được sầu riêng hay fromage Camemberg của Pháp thì tàu hũ thúi này nuốt cũng thấy tuyệt vời.
Bữa trưa ba cha con ăn tại một nhà hàng lưng chừng núi với khung cảnh thiên nhiên trong lành và những đặc sản vùng núi có cả măng, nấm địa phương, có lẽ đây là bữa ngon nhất ở Đài Loan


Đi chung thăm viếng mỏ vàng còn có 2 người bạn học của cô Út; 1 là Phi luật Tân, còn lại là Nhật Bản.
Bên trong bảo tàng vàng
Bên trong nhà hàng lưng chừng núi
Vào khu phố cổ Cửu Phần thưởng thức « tàu hũ thúi », thúi thiệt! mà béo ngậy, đến đây mới biết không biết bao nhiêu loại tàu hũ.

Sát nách Taipei là thị trấn wanli, không thể ngờ nơi đây có những phiến đá kỳ quái được bàn tay của thiên nhiên sắp đặt thành một chuỗi nghệ thuật,đây là một bảo tàng đá với những kiệt tác thiên nhiên dành cho Đài Loan. Bảo tàng đá này có tên là Yehliu Géopark, một bảo tàng địa chất mà tạo hóa khéo ra tay xếp đặt.
Là những tảng đá được nước biển bào mòn hàng chục triệu năm, tạo thành những hình thù nhiều dạng khác nhau. Những đứa con thiên nhiên này đều được các nhà dịa chất cho một tấm khai sinh theo hình thù chúng có. Này là Heart Rock(mang hình trái tim),Mushroom Rock(như chiếc nấm đá), đứa khác như cây đèn cầy mang tên Candle Rock, nhũng tảng đá kiêu sa hơn trông tựa như đầu nữ hoàng vói tên Queen’s Head;….nếu ai thấy giống hình thù gì thì tiếp tục khai sinh thêm.
Công viên đá này được chia làm 3 khu vực, hôm tôi di mưa dầm, phải khoác poncho nên thăm viếng mỗi khu vực có phần hạn chế tuy nhiên cũng ráng được bao nhiêu thì được.

Khu vực 1 là nơi sẽ tìm thấy các hòn đá hình nấm, hình củ gừng vui mắt (photo Ara)
Khu vực 2 này thây hòn đá Đầu Nữ Hoàng (Queen’s Head) có tuổi đời khoảng 4000 năm tuổi (Photo Ara)
Trời mưa lầy lội không đến được khu vực 3 nằm liền kề với vách núi, bên dưới là những con sóng chảy siết dữ dội. Nhồi một cối Chery cho ấm lòng bàn tay

Bên ngoài khu Yehliu mọc lên những hàng cơm, họ mời chào níu kéo khách vào không khác những tiệm cơm ở các bến bắc Mỹ Thuận, Vàm Cống một thời. chúng tôi cũng vào cơm trưa tại một của hàng, những bữa cơm trua hay có một nồi lẩu như là một món canh.
Rời khỏi Yehliu trở lại Đài Bắc xem một kỳ quan khác do bàn tay khéo léo và khối óc tinh vi của con người; đó là tòa nhà Taipei 101.
Taipei 101 hay Đài Bắc 101, là tòa tháp biểu tượng của Đài Loan nằm ở quận Xinyi, khu trung tâm sầm uất nhất tại thành phố Đài Bắc. Tòa tháp bắt đầu khởi công xây dựng từ năm 1999 và đã chính thức đi vào hoạt động vào năm 2004 trở thành tòa nhà cao nhất thế giới lúc bấy giờ.


Nếu chỉ tính đến mái nhà thì Taipei 101 cao 449,2 m nhưng nếu tính cả phần cột thu sóng trên đỉnh tháp thì tất cả là 509,2m. Góp nên chiều cao đó là tổng cộng 101 tầng trên mặt đất và 5 tầng hầm phía dưới. (Photo Ara) 
Tòa tháp được thiết kế như một cây tre vươn thẳng lên bầu trời xanh ngát với những tầng chồng lên nhau nhìn như những đốt tre.Hình dáng thân tre này tượng trưng cho sự tăng trưởng lớn mạnh.
Thứ nổi tiếng khác của Taipei 101 là quả cầu kim loại khổng lồ bên trong tháp. Đó là một quả cầu kim loại khổng lồ nằm lơ lửng giữa hai tầng 88 và 89 với vai trò giữ cân bằng cho tòa nhà. Quả cầu này hay còn được gọi là con lắc, là bộ phận giảm chấn, thực chất được treo từ tầng 92 xuống. Là một con lắc hình cầu bằng thép nặng đến 660 tấn, nó sẽ điều chỉnh độ rung lắc của tòa nhà khi gặp những tác động như gió mạnh hoặc động đất. Nhờ nó mà tòa nhà có thể chống chịu những cơn địa chấn lên đến 7 độ Richter và cả những cơn cuồng phong với sức gió hơn 216 km/h (Photo Ara)

Tổng cộng có 61 thang máy . Trong đó có 2 thang máy đạt được kỷ lục là tốc độ nhanh nhất thế giới (1.010 mét/phút).Tôi cũng đã ở trong thang máy chứa 80 người, quả đúng như vậy. Có nghĩa là từ tầng 1 chỉ mất 39 giây đế lên đến tầng 89. chỉ trong một cái chớp mắt thôi .

Chụp từ tầng trên cùng của tòa nhà Taipei 101 xuống đường phố vừa lên đèn.(photo Ara)

Đi cả ngày cũng thấm, ra khỏi » Taipei 101″ đi tìm một nhà hàng đặc biệt khác không đắt như những nhà hàng tại 101 nhưng lạ; có thể một số người mắc bịnh tâm lý không chịu vào nơi đây, tên là gì đấy không nhớ vì tôi cho nó một tên gọi khác cho dễ nhó là nhà hàng winston churchill, tên dài quá thì viết tắt lại là W.C
Chỉ nghe tên là thấy thơm lừng rồi , Ara giới thiệu sơ qua bằng những bức ảnh cha con làm phó nháy.

Nhìn xem, hắn vểnh râu, toét miệng cười trên chiếc bồn cầu trong WC. Loáng thoáng trong đầu là có một nhà thơ cổ nào đó, hắn đã quên tên, bảo là « bình sinh ông chỉ thích làm thơ « trên » ba nơi là trên lưng ngựa, trên bụng vợ và trên chuồng xí ».
Ara thì cho rằng trong « tứ khoái » của con người, ngày hôm nay cùng lúc hắn được hưởng « nhị khoái » có ăn lại có
….
Bàn ăn là miếng kính đặt trên lavabo, ghế ngồi là bồn cầu, phòng ăn được trang hoàng kiểu Winston Churchil.
Ara gọi một đĩa Cury có màu vàng nghệ đặc trưng,món ăn được đặt trong đĩa « hết sảy », mùi vị xông lên mũi khi ăn thật thú vị.
Tráng miệng là những bồn kem; muốn chọn hương vị hay màu sắc gì cũng có.
Đúng là bữa ăn ngon, chỗ ngồi ngon,mọi người ăn ngon : NGON

Cũng nhờ xem « Mùa thu lá bay » và đọc những tác phẩm của nữ sĩ Quỳnh Dao Ara mới nghĩ đến một chuyến lang thang, dòm ngó để xạo đía với bạn bè, sẵn dịp tạt ngang Siamrep thăm khu đển đài di tích nổi tiếng Ankor . Hôm nào vui miệng kể về chuyến đi Ankor kèm theo hình ảnh đã ghi lại với bạn bè đã quen hoặc chưa quen

Liège, Belgique 23/8/2020

Kỷ niệm lần thứ 71 ngày đầy tháng .

Ara Phát

Partager :

WordPress:

J’aime

chargement…

Alternate Text Gọi ngay