Dùng phấn rôm cho trẻ có an toàn?
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa II Chung Thị Mộng Thuý – Bác sĩ Nhi – Sơ sinh – Khoa Nhi – Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Phấn rôm còn gọi là phấn thơm được nhiều người lựa chọn để xoa ngoài da các bé giúp da trẻ luôn thơm, sạch, không bị ẩm ướt vì mồ hôi, không bị rôm sảy hay bị mẩn ngứa do tã lót. Tuy nhiên, không phải bà mẹ nào cũng biết cách sử dụng phấn rôm an toàn.
Mục Lục
1. Phấn rôm dùng để làm gì?
Phấn rôm là sản phẩm được bào chế dưới dạng bột đóng trong hộp, khi con bị rôm sảy thì các bà mẹ hay dùng bột này thoa lên vùng rôm sảy nhằm mục đích thấm hút hết mồ hôi bám trên bề mặt da, giúp da khô thoáng.
Ngoài ra, một số bà mẹ còn dùng phấn rôm để xoa lên các vùng có nếp gấp như: Cổ, bẹn, nách cho trẻ nhằm tránh hăm ướt. Một số phụ nữ dùng phấn rôm cho bộ phận sinh dục để giảm mùi hôi khó chịu, một số khác lại dùng trên da khi bị mẩn ngứa.
2. Thành phần của phấn rôm
2 thành phần chính trong phấn rôm là bột talc và cornstarch:
- Bột Talc là một loại khoáng chất đất sét có tính chống thấm nước và hoạt động tương tự chất chống viêm nhiễm, được sử dụng cho cả các sản phẩm mỹ phẩm.
- Cornstarch là một loại tinh bột được làm từ ngô (bắp) và thường được sử dụng để nấu. Cornstarch có khả năng hấp thụ độ ẩm và dầu dư thừa trên bề mặt da của bé giúp bé chống viêm, làm mềm da, kháng khuẩn.
Ngoài ra, trong phấn rôm còn chứa muối canxi, muối kẽm, chất béo và một số chất tạo mùi thơm.
3. Bột talc trong phấn rôm có an toàn?
Tập đoàn Johnson & Johnson (một công ty có thương hiệu phấn rôm nổi tiếng phấn rôm Johnson Baby Powder) đưa ra tuyên bố về nghiên cứu phản bác cho thấy không có mối liên hệ có ý nghĩa thống kê giữa việc sử dụng bột talc để vệ sinh bộ phận sinh dục ống dẫn trứngcủa phụ nữ với ung thư buồng trứng với hàng chục nghìn phụ nữ được theo dõi trong hơn 40 năm và bằng chứng lâm sàng ủng hộ sự an toàn của bột talc.
Tính đến thời điểm này đây vẫn là vấn đề gây tranh cãi giữa nhà nghiên cứu và Johnson & Johnson.
Một số sản phẩm bột talc trong phấn rôm có chứa amiăng là “chất gây ung thư cho con người.” nên tránh sử dụng cho trẻ .
4. Cách sử dụng phấn rôm an toàn cho trẻ
Hít phải phấn rôm có chứa bột talc – loại bột không tan trong nước không bị phân hủy bởi vi khuẩn, sẽ gây tích tụ trong phổi khiến trẻ bị ho, khó thở, hắt hơi, sổ mũi, nặng hơn là nôn ói, tím tái và nghiêm trọng hơn thế nữa là có thể bị phù phổi cấp. Các bệnh như viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, tắc nghẽn tiểu phế quản cũng có thể xảy ra khi trẻ hít phải phấn rôm. Ngoài ra, hít phải phấn rôm lâu ngày còn có thể gây “bệnh bụi phổi” do thành phần bột talc, silica tích tụ lâu ngày trong phổi, gây xơ hóa mô kẽ và tạo các u hạt. Bệnh này chỉ có thể chữa trị triệu chứng và không có thuốc giải độc đặc hiệu.
Vì những lý do trên hãy cân nhắc việc sử dụng phấn rôm cho con của bạn. Và khi đã sử dụng thì hãy ghi nhớ các quy tắc sau đây:
- Không nên sử dụng phấn trực tiếp trên da bé. Thay vào đó, bạn nên đổ lên tay và xoa nhẹ lên da, hạn chế tình trạng phấn không đều, nơi nhiều nơi ít. Không để phấn rôm tiếp xúc trực tiếp với bộ phận sinh dục của trẻ.
- Không nên mở quạt hay ngồi gần cửa sổ khi đang đổ phấn trên tay để tránh làm bé hít phải bột phấn, có thể gây viêm phổi.
- Không sử dụng quá nhiều phấn ở những vùng có ngấn như cổ, nách, bẹn…Lượng phấn dư thừa có thể kết hợp với mồ hôi gây kích ứng da bé.
- Đối với bé gái, mẹ phải cẩn thận không được bôi ở sát vùng kín, mặt đùi trong, ngoài âm hộ, bụng dưới.
- Ngưng sử dụng ngay nếu nhận thấy da bé có nổi các mẩn đỏ, ngứa, sưng tấy.
- Khi thay tã, mẹ nên để phấn ở xa tầm tay của trẻ, tránh để bé nghịch, chơi với chai đựng phấn.
6. Lựa chọn loại phấn rôm nào phù hợp cho trẻ
Nên chọn phấn rôm của các nhãn hàng có uy tín để đảm bảo về chất lượng, giảm thiểu nguy cơ gây dị ứng da cho trẻ.
Tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn thêm về những nhãn hàng được đảm bảo chất lượng. Chỉ nên sử dụng các sản phẩm đã được kiểm nghiệm bởi cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA).
Có nhiều loại phấn trẻ em trên thị trường nhưng bạn nên ưu tiên phấn được điều chế từ tinh bột bắp, bột sắn dây, bột yến mạch keo, muối nở. Loại phấn này đã được kiểm nghiệm và chứng minh là an toàn hơn cho trẻ em.
Ngoài việc chăm sóc da, để trẻ khỏe mạnh và phát triển tốt thì cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối về chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng, ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động.
Trẻ ăn không đúng cách có nguy cơ thiếu các vi khoáng chất gây ra tình trạng biếng ăn, chậm lớn, kém hấp thu,… Nếu nhận thấy các dấu hiệu kể trên, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Các dấu hiệu bé thiếu kẽm
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: healthline.com, webmd.com