Hai năm Be xây dựng ứng dụng gọi xe thuần Việt

Đến nay, Be đã không còn ở giai đoạn loay hoay để tồn tại mà đang tiến vào sự phát triển ổn định với vị thế nổi bật trong ngành ứng dụng gọi
xe. Cùng các “ông lớn” trong những mảng kinh doanh mũi nhọn như nội dung số, viễn thông, truyền thông… Be Group đang chứng tỏ thực lực của mình
khi có thể đưa ra nhiều giải pháp vận hành tối ưu cho ngành vận tải, xa hơn đó là cả hệ sinh thái công nghệ mở, chào đón các doanh nghiệp Việt có
cùng chung chí hướng nhằm nâng cao sức cạnh tranh nội địa.

Năm 2018, thị trường gọi xe công nghệ vẫn còn trong giai đoạn “tranh tối tranh sáng” với loạt ứng dụng mới ra mắt, từ những đấu thủ mạnh nước
ngoài lẫn những tay chơi mới nội địa. Người dùng vẫn đang làm quen với hình thức di chuyển mới, các ứng dụng “sớm nở tối tàn”. Nhiều startup
không đủ “độ lì” cần thiết để bám trụ lại trong một thị trường chạy đua tăng trưởng bằng cách tung khuyến mãi liên tục.

Trong bối cảnh đó, ý tưởng về một ứng dụng gọi xe thuần Việt dần thành hình. Đội ngũ sáng lập của Be tìm sang Indonesia để học hỏi mô hình của
những ứng dụng thành công. Đồng thời tìm hiểu cách thức những ứng dụng nội địa tại nước sở tại có thể chiếm lĩnh sân nhà thay vì nhường thị phần
cho những đối thủ cạnh tranh giàu tiềm lực quốc tế.

Trong một thị trường quy mô lên đến hai tỷ USD vào năm 2025, theo Google và Temasek, câu hỏi đặt ra là liệu có chỗ đứng cho một ứng dụng gọi
xe dành cho người Việt, do người Việt làm chủ hay không, một startup Việt liệu có thể đương đầu với những “kỳ lân” ngoại hay không… Đó là những
câu hỏi mà nếu chỉ cần một phút giây lưỡng lự không quyết, Be đã không thành hình và vươn cao đến hôm nay.

Năm 2018, Be ra đời trong nhiều thách thức. Điều kiện công nghệ hạn chế, thói quen tiêu dùng chưa hình thành và trong mắt người dùng, chỉ có
một số tên tuổi quen thuộc. Đội ngũ nhân sự mới “như tờ giấy trắng”. Việc thu hút đội ngũ tài xế cũng gặp nhiều trở ngại bởi thương hiệu Be chưa
đủ sức thuyết phục trong thời gian đầu mới thành lập.

“Những chuyến xe 0 đồng, thậm chí vài nghìn đồng tượng trưng, trong khi đó chiết khấu cho tài xế cao, thưởng mạnh… giữa lúc doanh thu chưa
có, là điều những tay chơi mới như Be khó theo đuổi”, đại diện doanh nghiệp này nói.

Đứng trước tình thế khó khăn bủa vây, đội ngũ nhà sáng lập của Be nhiều lần đặt câu hỏi: Lúc này, “chiến” hay “biến”?

Hiểu rằng nếu lao vào cuộc đua “đốt tiền”, tất cả sẽ trở về guồng cũ: ai mạnh tiền sẽ thắng, Be đã lựa chọn con đường khác.

CEO Nguyễn Hoàng Phương chia sẻ, doanh nghiệp không có những chuyến xe 0 đồng, miễn phí chiết khấu với tài xế từ ngày đầu. Nếu muốn, Be có thể
làm như vậy nhưng liệu sẽ đi được bao xa? Thay vào đó, ứng dụng tìm được công thức để làm hài lòng khách hàng, ổn định đội ngũ tài xế, công ty
bền vững.

Theo bà Nguyễn Hoàng Phương, startup công nghệ cần chi nhiều chi phí trong những năm đầu vì phải đầu tư lớn vào nền tảng, hệ thống, sản
phẩm… Tuy nhiên chiến lược “đốt tiền” lại là một phạm trù khác, nếu không triển khai đúng đắn và thận trọng, dễ sa lầy vào việc kiếm tìm giá
trị ảo.

“Bền vững” là cụm từ được CEO Be Group lặp đi lặp lại trong cuộc trò chuyện, đặc biệt khi nhắc về câu chuyện chiến lược.

Giữa bài toán cân đối “kiềng ba chân”: lợi ích khách hàng, thu nhập tài xế và lợi nhuận doanh nghiệp, Be tìm thấy lợi thế khác cho mình. Đó là
lợi thế của “kẻ đến sau”. Với người dùng, khi đã quen sử dụng dịch vụ như một phần của cuộc sống hàng ngày và mức độ sẵn lòng chi trả đã ổn định,
điều khách hàng quan tâm không chỉ là giảm giá mà là chất lượng dịch vụ. “Tuần trăng mật” để hút khách đã hạ nhiệt và sau đó là lúc khách hàng
điềm tĩnh hơn trong các lựa chọn.

Phía tài xế, Be xác định chiến lược “lấy tài xế làm gốc”. Nếu như thị trường gọi xe một thời gian dài chứng kiến những làn sóng “hút tài” rồi
loại thải ồ ạt, thì các chính sách treo thưởng nhất thời cũng chỉ thu hút được cái tài xế giai đoạn đầu. Với những tài xế lấy nghề này làm công
việc dài hạn, điều họ quan tâm còn là chính sách bảo hiểm, văn hóa doanh nghiệp, các hoạt động chăm lo cho bản thân và gia đình tài xế… Thấu
hiểu điều đó, Be là thương hiệu đầu tiên trên thị trường có các chính sách xem tài xế như một nghề nghiệp lâu dài, chuyên nghiệp, chứ không phải
tạm thời.

Điều này thể hiện qua chính sách phúc lợi của chương trình “Tài xế Be thân thiết” bao gồm bảo hiểm tai nạn giao thông toàn diện có chế độ áp
dụng 24/7 ngay cả khi tài xế tắt ứng dụng hoặc đang không trong chuyến. Cùng với đó là bảo hiểm chăm sóc sức khỏe bao gồm cả bệnh hiểm nghèo. Đến
đầu năm nay, Be Group đã hỗ trợ giải quyết thành công hơn 530 triệu tiền bồi thưởng bảo hiểm cho các tài xế, xóa định kiến nghề tài xế công nghệ
ngoài tầm phủ của các chính sách an sinh phúc lợi.

Chính sách “lấy tài xế làm gốc” còn xuất phát từ tầm nhìn dài hạn của Be. Đối với doanh nghiệp này, các tài xế mới là “tuyến dịch vụ trực
tiếp” đại diện cho văn hoá doanh nghiệp. Từ đây, Be tiên phong kêu gọi xây dựng quy chuẩn nghề nghiệp cho nghề tài xế công nghệ. Từ phối hợp với
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) tổ chức các cuộc thi như Tay lái vàng đến khóa huấn luyện tài xế chuyên nghiệp
từ kỹ thuật lái xe an toàn cho đến nghệ thuật chăm sóc khách hàng…

Là một startup Việt cạnh tranh với các ông lớn nước ngoài, đại diện Be cho biết đến nay vẫn còn nhiều dò xét về năng lực thực sự của ứng dụng
này. Đáp lại những cái nhìn dè chừng là nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ nhân viên lẫn các tài xế.

CEO Nguyễn Hoàng Phương, một trong những nhà đồng sáng lập chia sẻ, trước sóng gió, quan trọng nhất là phẩm chất điềm tĩnh, quyết đoán nhưng
cũng không kém thận trọng của những người lãnh đạo. Vận tải là một lĩnh vực khó khăn, do đó càng cần sự thận trọng trong từng bước đi chiến
lược.

Giữa thị trường lớn “đỏ lửa” cạnh tranh, đến nay Be đã được xây dựng thành một hệ sinh thái đa dịch vụ, sử dụng rộng rãi tại 10 tỉnh thành cả
nước. Có thể kể đến beBike (đặt xe hai bánh), beCar (đặt xe 4 bánh), beTaxi (đặt xe taxi), thuê xe theo giờ, đặt xe đi tỉnh, đặt vé xe khách, be
Đi chợ (dịch vụ đi chợ hộ), beFinancial (giải pháp tài chính hiệu quả cho khách hàng cá nhân, tài xế và doanh nghiệp), beExpress (chuyển phát,
bưu chính), beDelivery (dịch vụ giao hàng), beLoyalty (tính năng tích lũy điểm thưởng cho người dùng)…

Theo báo cáo của ABI Research, Be Group đã nhanh chóng vươn lên vị trí số hai và là doanh nghiệp Việt duy nhất trong Top 3 ứng dụng gọi xe
phát triển nhất thị trường. Ứng dụng còn liên tục cải thiện, nâng cấp chất lượng dịch vụ với đội ngũ tài xế bePro, bePro+…

“Khi mới bắt đầu, điểm sao trung bình của tài xế gia nhập Be là 4,6/5 – mức trung bình của ngành gọi xe. Con số này đến nay là 4,9/5 – một chỉ
số đánh giá chất lượng mà khách hàng đã dành cho tài xế Be làm chúng tôi rất tự hào”, CEO Nguyễn Hoàng Phương chia sẻ.

Be sở hữu 10 triệu khách hàng đang sử dụng ứng dụng, thu hút hơn 100.000 tài xế gia nhập, tiếp nhận trung bình 350.000 lượt yêu cầu gọi xe mỗi
ngày, có mặt tại 10 tỉnh, thành trên cả nước. 270 doanh nghiệp đang sử dụng ứng dụng Be là đối tác chính thức về vận chuyển, với quy mô hơn
10.000 nhân sự.

Be Group cũng vừa thắng giải thưởng Doanh nghiệp xuất sắc châu Á Thái Bình Dương (APEA) 2020 cho hạng mục Fast Enterprise Award. Đây là giải
thưởng trao cho các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh về doanh thu, thị phần, cơ sở người dùng, lợi nhuận và nhận diện thương hiệu. Doanh
nghiệp cũng được vinh danh là doanh nghiệp xuất sắc trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo với câu chuyện thành công từ sức mạnh nội địa
do UBND TP.HCM trao tặng.

Sau hai năm vượt qua những “cơn sóng” trong hành trình đưa ứng dụng gọi xe thuần Việt tiến đến “trái tim” người dùng, Be vẫn đang nỗ lực từng
ngày để chứng minh startup Việt hoàn toàn đủ sức cạnh tranh, với năng lực, chiến lược và văn hóa doanh nghiệp đúng đắn.

Trên hành trình chinh phục người dùng Việt, CEO Nguyễn Hoàng Phương chia sẻ, bên cạnh những chỉ số kinh doanh, chiến lược, con người mới là
nhân tố quan trọng nhất. Trong khi đó với một startup Việt, bài toán nhân sự là một trong những bài toán khó giải nhất. Người trẻ với năng lực và
sức sáng tạo dồi dào đồng thời cũng mong muốn và yêu cầu nhiều hơn với nhà tuyển dụng. Trước những tập đoàn đa quốc gia, những doanh nghiệp lớn,
startup tỏ ra yếu thế trong câu chuyện tuyển dụng nhân tài.

Tuy nhiên bằng tâm huyết, năng lực và bản lĩnh của những nhà sáng lập, Be vẫn thu hút được đội ngũ nhân sự trẻ sẵn sàng đồng hành cùng startup
Việt chinh phục những tầm cao mới. Hiện tài sản bền vững nhất mà Be sở hữu là đội ngũ khoảng 100 nhân sự công nghệ, hơn 100 nhân sự vận hành,
pháp lý, tiếp thị, chăm sóc khách hàng, phát triển kinh doanh… luôn sẵn sàng tinh thần startup.

Không chỉ với nhân viên, mối quan tâm về yếu tố con người của Be Group còn hướng về các đối tượng liên quan. Các nhân sự của Be đã quen với
việc CEO đem vào cuộc họp các ý kiến bà đọc được từ các bình luận của tài xế, khách hàng trên cộng đồng mạng.

Hành trình hai năm còn sớm để khẳng định Be có làm nên tên tuổi theo kiểu “from zero to hero” hay không, tuy nhiên với nỗ lực của toàn đội
ngũ, sự linh hoạt thích ứng, am hiểu địa phương, khả năng thử nghiệm các tính năng mới một cách nhanh chóng… Be đang từng bước tiến lên nấc
thang chinh phục ước mơ ứng dụng gọi xe Việt.

Ngay trong “làn sóng” Covid-19 đầu tiên, Be đã thể hiện sự linh hoạt bằng cách nhanh chóng tung ra sản phẩm beĐichợ, đặt mua vé xe khách hộ…
Ứng dụng còn tranh thủ thời gian giãn cách xã hội để cải tổ đội ngũ, nhìn lại nội lực, định hướng của mình. CEO doanh nghiệp này chia sẻ, thị
trường vận tải Việt Nam tăng trưởng rất hấp dẫn với mức trung bình 38% một năm. Be chỉ cần tăng trưởng theo sự phát triển của ngành đã là rất
tốt, chắc chắn sẽ rút ngắn dần khoảng cách với đối thủ về doanh thu và số chuyến.

Ở một khía cạnh khác, khi nhiều ông lớn đang chạy đua trên con đường trở thành siêu ứng dụng, Be theo đuổi chiến lược hệ sinh thái công nghệ
mở. Thay vì lựa chọn đối đầu với các doanh nghiệp truyền thống, ứng dụng này chọn hướng đi liên kết cùng phát triển, đa dạng hóa hệ sinh thái mở.
Cụ thể, Be ký kết hợp tác với Vinataxi, hợp tác với hệ thống Vexere.vn – hệ thống vé xe lớn nhất Việt Nam với hơn 550 hãng xe hợp tác bán vé, hợp
tác với EMDDI để khách hàng có thể đặt dịch vụ xe taxi của 16 hãng thuộc Liên minh Taxi Việt tại Hà Nội, “bắt tay” cùng ví MoMo, SmartPay, True
Money, VNPay để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.

Theo đại diện Be, hệ thống gọi xe công nghệ là một lĩnh vực thiết yếu và có vai trò quan trọng đối với giao thông đô thị, xây dựng các thành
phố thông minh. Đã là thiết yếu thì cần được xây dựng, phát triển và sở hữu một cách công bằng, có tính liên kết và hợp tác rộng mở.

Hiện tại, trước thông tin nhiều nhà đầu tư đang mong muốn góp vốn và các thương vụ gọi vốn của Be. Tuy nhiên, Be vẫn cân nhắc lựa chọn đối tác
phù hợp với giá trị và định hướng phát triển của mình. “Be chưa bao giờ định hướng là một sản phẩm giá rẻ và chúng tôi sẽ không ngừng tạo ra
những giá trị thực. Be Group không chỉ mong muốn giữ vững thị phần hiện tại, mà còn kéo gần khoảng cách với đối thủ số 1 trên thị trường”, CEO
Hoàng Phương khẳng định.

Minh Anh
Thiết kế: Tấn Nguyễn

Alternate Text Gọi ngay