Hải quan: Hàng loạt công ty liên quan Asanzo là doanh nghiệp ‘ma’
Trên thùng máy làm mát hiệu Asanzo A-3000 trên thị trường ghi Công ty CP Tập đoàn Asanzo nhập khẩu; xuất xứ P.R.C. (China). Trong khi đó, thông cáo báo chí của Tổng cục Hải quan cho biết từ 2016-2019 công ty này chỉ nhập hàng mẫu không thanh toán là linh kiện – Ảnh: T.L.
Sáng 5-9, Tổng cục Hải quan đã có thông cáo gửi cho các cơ quan báo chí về kết quả kiểm tra xác minh thông tin báo chí phản ánh đến Công ty cổ phần tập đoàn Asanzo.
Nhiều công ty liên quan đến Asanzo không hoạt động, địa chỉ “ma”
Theo đó, đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo, Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) đã kiểm tra và có biên bản kết luận kiểm tra sau thông quan tại trụ sở người khai hải quan số 774/KL-KTSTQ(C3) ngày 15-8-2019 gửi công ty.
Ngày 27-8-2019, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ảnh về nội dung trên, trong đó chỉ ra một số dấu hiệu vi phạm và kiến nghị các cơ quan liên quan tiếp tục điều tra, xác minh, xử lý theo quy định.
Tổng cục Hải quan cho biết Công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo, được thành lập và hoạt động từ ngày 20-10-2016 với tên gọi Công ty CP Tập đoàn Asan, sau đó đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Asanzo.
Ngành nghề kinh doanh và hoạt động chính: sản xuất, lắp ráp và kinh doanh các sản phẩm điện tử, điện lạnh, thiết bị gia dụng mang nhãn hiệu Asanzo như tivi, máy điều hòa không khí, máy làm mát không khí, ấm siêu tốc, nồi cơm điện, bếp hồng ngoại, máy xay sinh tố…
Về mối quan hệ giữa Công ty CP Tập đoàn Asanzo với các công ty có chữ “Asanzo”, từ ngày 1-1-2017 đến 30-6-2019, Công ty CP Tập đoàn Asanzo có quan hệ mua hàng với 58 công ty, trong đó có 9 công ty mang tên Asanzo.
Kết quả, Tổng cục Hải quan đã xác định được 58 công ty có hoạt động mua bán linh kiện, hàng hóa với Công ty CP Tập đoàn Asanzo trong đó 14 công ty bỏ trốn, 4 công ty không tồn tại địa chỉ theo đăng ký kinh doanh, 7 công ty ngừng hoạt động, 1 công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh và 32 công ty còn lại đang hoạt động.
Theo thực tế kiểm tra, xác minh, hải quan kết luận nhiều công ty treo biển nhưng không hoạt động, địa chỉ đăng ký kinh doanh không có thật.
Một số công ty đã không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh nhưng trên cổng thông tin chưa cập nhật thông tin. Có tình trạng qua xác minh chủ nhà khai không cho công ty thuê làm trụ sở nhưng trên giấy phép đăng ký kinh doanh vẫn khai địa chỉ của họ.
Kiểm tra hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu của Công ty CP Tập đoàn Asanzo, hải quan xác định từ ngày 20-10-2016 đến 30-6-2019, công ty làm thủ tục hải quan nhập khẩu 26 tờ khai hải quan, tổng kim ngạch nhập khẩu hơn 171 triệu đồng.
Mặt hàng nhập khẩu để làm hàng mẫu (không thanh toán) gồm bảng mạch điện tử lắp ráp tivi, cáp tín hiệu, logo bằng kim loại, tấm LCD mẫu, bo mạch điện tử xử lý tín hiệu tivi… Trên tờ khai hải quan khai hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc.
Công ty không phát sinh hoạt động bán hàng hóa ra nước ngoài mà chỉ phát sinh 1 tờ khai hải quan xuất trả “bộ đầu thu khuếch đại âm thanh nhãn hiệu Asanzo” cho đối tác tại Hong Kong, Trung Quốc, số lượng 5 chiếc, trị giá 5.825.000 đồng.
Lò nướng hiệu Asanzo do Công ty Sa Huỳnh nhập từ Trung Quốc bị phát hiện khai báo gian lận và đã bị khởi tố – Ảnh: TTO
Văn bản của Tổ công tác VCCI là dựa trên giải trình của Asanzo
Trong khi đó, liên quan đến kết luận của Tổ công tác VCCI về xuất xứ hàng hóa của Asanzo, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo của VCCI cho biết văn bản của Tổ công tác VCCI đưa ra là dựa trên giải trình của Asanzo, nếu doanh nghiệp này cung cấp thông tin đúng.
Cơ quan chức năng không phát hiện gì mới thì họ không sai, còn nếu cơ quan chức năng phát hiện ra và thấy rõ mối quan hệ của Asanzo với các doanh nghiệp, nhập hàng từ Trung Quốc về, thì trường hợp ấy kết luận phải khác.
Liên quan đến giải trình của Asanzo, theo đại diện VCCI, công ty này cho biết mua toàn bộ 100% nguyên vật liệu ở nước ngoài, nhưng dây chuyền lắp ráp ở Việt Nam thì được gọi là Made in Vietnam, không vi phạm vì ở Việt Nam vẫn chưa có quy định về Made in Vietnam.
Quy tắc xuất xứ có nhiều cách hiểu và quy định khác nhau, có thể hiểu là toàn bộ dây chuyền lắp ráp nhưng có một vấn đề quan trọng là toàn bộ dây chuyền lắp ráp ở Việt Nam thì sẽ được xác nhận là hàng hóa Việt Nam và lắp ráp ở Việt Nam và nếu như vậy thì Asanzo không sai.
Theo vị đại diện này, điều đó có nghĩa là “đúng như Asanzo giải trình thì họ không sai, nhập 100% nguyên liệu về và lắp ráp ở Việt Nam, có dây chuyền công nghệ ở Việt Nam, thì có thể ghi Made in Vietnam. Nhưng nếu Asanzo không trung thực, nhập toàn bộ nước ngoài về và thay đổi nhãn mác thì là sai và phải chịu trách nhiệm.
“Chúng tôi cũng có Ban pháp chế và là cơ quan đại diện cho doanh nghiệp nên có trách nhiệm, tiếng nói để bảo vệ cộng đồng doanh nghiệp về mặt pháp lý. VCCI đưa ra văn bản trên với tư cách là đơn vị đại diện cho tiếng nói, cộng đồng doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp”, vị này cho biết.
Đối với vấn đề lắp ráp giản đơn với hàng hóa của Asanzo, theo vị đại diện này, tổ công tác của VCCI “chắc chắn đã đánh giá kỹ lưỡng về vấn đề này, khi Asanzo có nhà máy và sản xuất lắp ráp tại Việt Nam”.
Theo đó, theo giải trình Asanzo với Tổ công tác VCCI thì doanh nghiệp này không sai. Còn nếu cơ quan chức năng phát hiện Asanzo sai thì phải chịu trách nhiệm thêm về việc lừa dối. Nếu lắp ráp nguyên chiếc mang về, hoặc lắp ráp giản đơn thì là sai, nhưng họ nhập 100% nguyên liệu nhưng dây chuyền sản xuất cơ bản vẫn ở Việt Nam thì là đúng.
9 công ty có tên Asanzo:
Công ty CP Công nghệ cao Asanzo
Công ty CP truyền thông và giải trí Asanzo
Công ty TNHH Điện lạnh Asanzo
Công ty CP Đầu tư Công nghệ Điện Tử Asanzo
Công ty CP Viễn thông Asanzo
Công ty CP Đầu tư Asanzo
Công ty CP Điện Tử A Sanzo Việt Nam
Công ty TNHH Đầu Tư Sản Xuất Phương Nguyên Asanzo
Công ty TNHH Truyền thông Asanzo
Khởi tố vụ đồ điện tử hiệu Asanzo nhập ‘nguyên con’ từ Trung Quốc