Hãng điện máy nhỏ tăng tốc tìm chỗ đứng

Bước đi nói trên của các hãng điện máy trong nước được cho là khá táo bạo trong bối cảnh thị trường có sự cạnh tranh khốc liệt khi cùng một sản phẩm, có đến hàng chục, thậm chí cả trăm thương hiệu nội, ngoại cung cấp. Chưa kể, hàng Trung Quốc cũng được đẩy vào Việt Nam với giá rẻ và mẫu mã đa dạng song chất lượng không thật sự ổn định.

Giá rẻ, mẫu mã đa dạng

Khảo sát các siêu thị, trung tâm điện máy tại TP HCM, chúng tôi ghi nhận bên cạnh các thương hiệu điện máy “mạnh”, chiếm thị phần lớn, còn có sự hiện diện của hàng loạt thương hiệu nhỏ hơn như: Funiki, VTB, Sunhouse, Darling, Sanaky, Kangaroo, Asanzo, Karofi… Các hãng này cung cấp gần như đầy đủ mọi nhóm sản phẩm điện máy, điện lạnh, điện gia dụng gồm: tivi, tủ lạnh, máy sấy, máy lạnh, tủ đông, tủ mát, máy lọc nước, máy lọc không khí, máy điều hòa không khí, máy nước nóng, nồi cơm điện…

Theo nhận xét của các nhà bán lẻ, những thương hiệu điện máy này tuy không mới nhưng gần đây có sự thay đổi rõ rệt về chiến lược. Đặc biệt, các hãng cố gắng đầu tư sản xuất, lắp ráp và tung ra thị trường nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh với thương hiệu nước ngoài. Nhiều nhóm hàng vốn được các thương hiệu nước ngoài thống trị nhiều năm, nay đã nhường “sân” cho sản phẩm sản xuất, lắp ráp trong nước.

Theo đại diện hệ thống siêu thị điện máy Chợ Lớn, các thương hiệu Funiki, Sunhouse, Darling, Sanaky, Kangaroo, Asanzo, Karofi… hiện chiếm lĩnh hầu hết thị phần các sản phẩm tủ đông, tủ mát, máy điều hòa không khí, máy lọc nước, quạt điện, máy lọc không khí… Nhiều sản phẩm của các thương hiệu này ngày càng lấn lướt hàng ngoại nhập.

Ông Ngô Minh Tiến, chủ doanh nghiệp (DN) Toàn Hoàn Thiên Thắng (chuyên cung cấp sản phẩm điện máy cho thị trường cả nước), nhìn nhận trước đây, hàng điện máy thương hiệu “nhỏ” chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nông thôn do có ưu thế về giá rẻ. Tuy nhiên, gần đây, những thương hiệu này đã thâm nhập mạnh thị trường của các TP lớn với nhiều mặt hàng có mẫu mã đa dạng. Lợi thế của những mặt hàng này là giá thấp hơn sản phẩm nhập khẩu cùng loại từ 10%-20%, thậm chí thấp hơn đến 40% nếu tính thêm ưu đãi của đại lý. Hãng và đại lý cũng thường xuyên tung ra nhiều chương trình hỗ trợ người tiêu dùng, như mua trả góp không tính lãi suất, thời gian bảo hành kéo dài gấp 2-3 lần so với thương hiệu ngoại, thời hạn được đổi trả dài hơn.

Ông Nguyễn Đại Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sunhouse, nhận xét công nghệ giữa các hãng trong và ngoài nước thường không chênh lệch quá nhiều. Sản phẩm trong nước còn có lợi thế về tiêu chuẩn phù hợp với thị trường, môi trường, do vậy, không ít hãng đã định vị được thương hiệu.

Ông Vũ Dương Ngọc Duy, Tổng Giám đốc Công ty CP Viettronics Tân Bình (VTB), cũng tự tin sản phẩm thương hiệu VTB không thua kém bất cứ mẫu nào được sản xuất trong khu vực, thậm chí có phần vượt trội. Tuy nhiên, một bộ phận người tiêu dùng hiện vẫn còn tâm lý ưa thích hàng ngoại và chưa thực sự mặn mà với sản phẩm trong nước.

Hãng điện máy nhỏ tăng tốc tìm chỗ đứng - Ảnh 1.

Tủ đông, tủ mát thương hiệu nhỏ hiện chiếm phần lớn thị phần

Tích cực đầu tư công nghệ

Tổng Giám đốc Tập đoàn Kangaroo – ông Lê Xuân Hoàn – cho hay DN chấp nhận kinh doanh không lãi để cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập, từng bước giành lấy thị phần. Về lâu dài, công ty đã đầu tư công nghệ để giảm chi phí sản xuất. Một DN “thuần Việt” khác là Công ty TNHH Điện lạnh Hòa Phát cũng đầu tư khoảng 200 tỉ đồng để sản xuất máy lạnh, tủ đông, tủ mát với công nghệ hiện đại, công suất 300.000 sản phẩm/năm, tăng trưởng khoảng 20%/năm.

Ông Nguyễn Mạnh Dũng, Giám đốc Công ty CP Thiết bị nhà bếp Vina, cho biết công ty đã phải chấp nhận gia công cho đối tác nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, công nghệ. Từ đó, từng bước nâng tỉ lệ nội địa hóa lên khoảng 70%.

Ông Vũ Dương Ngọc Duy cho rằng để tồn tại, ngoài cạnh tranh về giá thành và chất lượng, các sản phẩm còn phải có sự khác biệt để thu hút người dùng. Do đó, công ty đã nỗ lực trang bị nhiều công nghệ hiện đại, bổ sung nhiều tiện ích cho sản phẩm. Chẳng hạn, tivi VTB có tích hợp cả karaoke, chức năng SOS chuyển tín hiệu đến người thân khi cần thiết, tính năng liên kết với các sản phẩm khác trong nhà.

Công ty CP Tập đoàn Asanzo thời gian qua liên tục đưa ra sản phẩm máy lạnh mới ở cả phân khúc cơ bản đến cao cấp nhằm tiếp cận đối tượng người tiêu dùng chưa sở hữu hoặc cần mua thêm để phục vụ sinh hoạt gia đình, hoạt động kinh doanh của nhà hàng, quán ăn nhỏ. Các sản phẩm Asanzo đều được bảo hành từ 2-5 năm tại nhà, áp dụng chính sách 1 đổi 1 trong 2 năm đầu. Nhưng chưa hết, Chủ tịch HĐQT Phạm Văn Tam cho rằng để cạnh tranh, DN buộc phải đầu tư bài bản, tập trung vào sản phẩm chất lượng cao, nhiều công nghệ mới, giá cả phù hợp với thu nhập của nhiều người. “Chúng tôi đã đầu tư hơn 100 tỉ đồng vào nhà máy sản xuất, lắp ráp máy lạnh, sử dụng công nghệ hiện đại. Tương tự, nhà máy sản xuất, lắp ráp tivi cũng được đầu tư công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm khác biệt” – ông Tam thông tin.

Hướng tới xuất khẩu

Ông Nguyễn Mạnh Dũng cho biết mặt hàng bếp gas của công ty hiện xuất khẩu sang 15 nước trên thế giới, trong đó có cả thị trường khó tính là Nhật Bản. Trong nước, nhiều mặt hàng của công ty như bếp âm, bếp nướng, bếp hồng ngoại, bếp gas đôi… được tiêu thụ rộng khắp. Riêng mặt hàng bếp gas mini của DN đã chiếm 70% thị phần cả nước.

Hãng điện máy nhỏ tăng tốc tìm chỗ đứng - Ảnh 3.

Alternate Text Gọi ngay