Hát về anh

Cách đây khá lâu, sau ngày đất nước thống nhất được vài năm, tình cờ tôi gặp Thế Hiển trong dịp anh từ TP. HCM ra Hà Nội tham dự Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc. Khi ấy, tôi vừa là nhạc sĩ vừa là phóng viên viết về âm nhạc của một tờ báo thuộc Bộ Văn hóa. Trong rất nhiều gương mặt nam diễn viên tại hội diễn, tôi đặc biệt chú ý đến anh khi anh thể hiện một sáng tác do anh tự viết, bài hát: “Hát về anh”.

Hồi đó, bài hát mới ra đời, chưa nổi tiếng nhưng khi nghe anh hát, tôi đã thấy đó là một ca khúc rất hay, được sáng tác từ một nhạc sĩ không “nghiệp dư” chút nào. Bài hát là kết quả của một xúc cảm mãnh liệt, một sự rung động mạnh mẽ, tinh tế của trái tim người nhạc sĩ.

Tôi đã nói với Thế Hiển: “Bài hát này là “của độc”. Thế nào sau này bài hát cũng sẽ nổi tiếng”. Và quả thực, đến nay, bài hát được rất nhiều người biết đến và yêu thích. Bài hát luôn được vang lên trong các chương trình ca nhạc theo yêu cầu thính giả của Đài TNVN. Trong các hội diễn ca nhạc quần chúng cũng như chuyên nghiệp, rất nhiều ca sĩ đã chọn bài hát này để trình diễn. Nhiều bạn trẻ ưa thích, trân trọng chép lời bài ca trong sổ tay.

Nghe bài hát “Hát về anh” do Thế Hiển trình bày

Với một giai điệu sâu lắng, đằm thắm, tác giả vào bài thật tự nhiên bằng việc nhắc đến “gia tài” người lính Cụ Hồ: “Một ba lô, cây súng trên vai”. Liền sau đó là cuộc sống rất đỗi giản dị nhưng vô cùng cao cả của những người lính trẻ: “Người chiến sĩ quen với gian lao, ngày dài đêm thâu vẫn có những người lính trẻ, nặng tình quê hương, canh giữ nơi miền đất mẹ…”.

Sang đoạn B, tiết tấu được xử lý nhanh, hoạt hơn, vừa để tạo chút khác biệt mang tính đối tỷ, vừa diễn tả nhịp điệu cuộc sống đang hối hả, sinh động cần sứ mạng bảo vệ của những người lính trẻ: “Cho em thơ ngủ ngon và vui bước sớm hôm đến trường. Cho yên vui mùa xuân đôi lứa còn hẹn hò ước mơ…”. Tuy vậy nhưng vẫn nhất quán chất suy tư sâu lắng bao trùm toàn bài.

“Hát về anh” của Thế Hiển vừa có chất tươi trẻ của nhạc nhẹ (extrade), lại vừa có chất chững chạc theo phong cách của dòng nhạc bác học (académique). Dung hòa, kết hợp được cả hai phong cách âm nhạc trong một bài hát quả là việc không dễ dàng. Lời ca giản dị, dễ hiểu nhưng không dễ dãi, tùy tiện. Bài hát như một lời tri ân gửi đến những người lính đang ngày đêm canh giữ biên cương của Tổ quốc, giữ bình yên cho cuộc sống./.

Alternate Text Gọi ngay