Hateco Group của “đại gia” Trần Văn Kỳ lớn cỡ nào?
Theo thống kê của VietTimes, từ giữa năm 2020 đến nay, CTCP Hateco Thăng Long (Hateco Thăng Long) – thành viên thuộc tập đoàn Hateco của ông Trần Văn Kỳ (SN 1964), Chủ tịch HĐQT – đã huy động thành công tổng cộng 200 tỉ đồng qua 3 đợt phát hành trái phiếu, kỳ hạn 33 tháng (từ ngày phát hành đợt 1 đến ngày 26/2/2023).
Đây là trái phiếu không chuyển đổi, được phát hành dưới hình thức bút toán ghi sổ. Trái chủ nhận được trái tức 1 tháng/lần. Lãi suất áp dụng cho 12 kỳ thanh toán lãi đầu tiên của trái phiếu là 9%/năm. Các kỳ thanh toán lãi tiếp theo, lãi suất được thả nổi với biên độ 3%/năm.
Tổ chức thu xếp phát hành là CTCP Chứng khoán MB (MBS) và Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank) – Chi nhánh Thăng Long.
Mặc dù tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu không được công bố cụ thể, tuy nhiên, dữ liệu của VietTimes cho thấy, trước đợt phát hành đầu tiên đúng 2 ngày, Hateco Thăng Long đã thế chấp toàn bộ dự án Tòa nhà thương mại, văn phòng và căn hộ Hateco Plaza (tên thương mại là Hateco La Roma) tại lô đất số 4A phường Láng Thượng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội tại MBBank – Chi nhánh Thăng Long.
Được biết, dự án Hateco La Roma có quy mô 3.153 m2, được chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 9/2016. Chủ đầu tư là Hateco Thăng Long.
CTCP Tập đoàn Hateco
Theo tìm hiểu của VietTimes, Hateco Thăng Long được thành lập vào tháng 8/2016, với vốn điều lệ ban đầu 200 tỉ đồng. Trong đó, CTCP Đầu tư Hạ tầng và Công trình Kiến trúc Hà Nội – tiền thân của CTCP Tập đoàn Hateco (Hateco Group) – nắm cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu 80% vốn điều lệ. Phần còn lại được sở hữu bởi Hợp tác xã Thương mại – Dịch vụ Láng Trung (13,294%) và ông Trần Văn Kỳ (6,706%).
Đến tháng 11/2017, Hợp tác xã Láng Trung đã thoái hết vốn. Cơ cấu cổ đông của Hateco Thăng Long thời điểm này gồm 2 cổ đông là Hateco Group (nắm giữ 88,294% VĐL) và ông Trần Văn Kỳ (nắm giữ 6,706% VĐL).
Cập nhật đến cuối tháng 9/2020, Hateco Thăng Long nâng vốn điều lệ lên 320 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không được công bố.
Dữ liệu của VietTimes cho thấy, các năm gần đây, Hateco Thăng Long không phát sinh doanh thu do vẫn trong quá trình phát triển dự án. Giai đoạn 2017 – 2019, công ty này báo lỗ thuần lần lượt 9 tỉ đồng, 24,5 tỉ đồng và 15 tỉ đồng.
Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Hateco Thăng Long đạt 1.031 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 153 tỉ đồng, tăng trưởng lần lượt 15% và âm 6% so với thời điểm đầu năm.
Hệ sinh thái Hateco của “đại gia” Trần Văn Kỳ
Đóng vai trò hạt nhân trong hệ sinh thái Tập đoàn Hateco của “đại gia” Trần Văn Kỳ là CTCP Tập đoàn Hateco (Hateco Group).
Theo tìm hiểu của VietTimes, Hateco Group tiền thân là CTCP Đầu tư Hạ tầng và Công trình Kiến trúc Hà Nội, được thành lập vào tháng 11/2004, trụ sở chính hiện nay đặt tại số nhà 27, đường 9, tổ 23, phường Trần Lãm, TP. Thái Bình.
Tính đến cuối năm 2016, Hateco có vốn điều lệ 1.000 tỉ đồng, trong đó ông Trần Văn Kỳ nắm giữ cổ phần chi phối với tỷ lệ sở hữu lên tới 97,76% vốn điều lệ. Cổ đông cá nhân còn lại là bà Hoàng Thị Xuân, nắm giữ 1,518% vốn điều lệ.
Trải qua nhiều đợt nâng vốn, cập nhật đến cuối tháng 10/2020, Hateco Group có vốn điều lệ đạt 6.900 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không được công bố.
Về kết quả kinh doanh, dữ liệu của VietTimes cho thấy, năm 2019, Hateco Group ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.927 tỉ đồng, báo lãi thuần ở mức 391 tỉ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 20%.
Trước đó, năm 2017 và 2018, Hateco Group phát sinh doanh thu không đáng kể, báo lỗ thuần lần lượt ở mức 17,4 tỉ đồng và 276,5 tỉ đồng.
Theo giới thiệu trên trang chủ, hệ sinh thái Hateco của “đại gia” Trần Văn Kỳ đang sở hữu 8 thành viên gồm: Hateco Hà Nội, Hateco Thăng Long, Hateco Long Biên, Hateco Kinh Bắc, Hateco ICIC, Hateco Logistics, Hateco Đông Anh và Hafintech, với hoạt động chính trong 3 lĩnh vực là bất động sản, logistics và đầu tư phát triển cảng biển.
Trong đó, bất động sản là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Hateco với hàng loạt dự án lớn có thể kể đến như: Khu đô thị Trần Lãm tại TP. Thái Bình (quy mô 12 ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng); Hateco La Roma tại lô số 4A phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội (quy mô 3,500 m2, tổng mức đầu tư 2.000 tỉ đồng); Hateco Apollo nằm ngay trên trục đường 70, cách sân vận động Mỹ Đình 2,5 km (quy mô 4,5 ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỉ đồng); Hateco Green Park, Hateco Green City, …
Ở lĩnh vực logistics, Hateco có pháp nhân thành viên là CTCP Hateco Logistics (Hateco Logistics) – được thành lập vào tháng 11/2017 tại Khu Công nghiệp Sài Đồng B, Hà Nội với tổng diện tích 120.000 m2.
Hateco Logistics có vốn điều lệ ban đầu 135 tỉ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập là ông Trần Văn Kỳ (nắm giữ 80% VĐL), ông Nguyễn Hồng Ngọc (10%) và bà Trần Thị Lệ Nga (10%).
Về kết quả kinh doanh, năm 2019, Hateco Logistics ghi nhận doanh thu thuần đạt 86,6 tỉ đồng, tăng 78% so với năm trước; báo lãi thuần ở mức 7 tỉ đồng, trong khi năm 2018 lỗ 0,4 tỉ đồng.
Tại ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Hateco Logistics đạt 448,3 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu ở mức 138,5 tỉ đồng.
Về “đại gia” Trần Văn Kỳ, trước khi thành lập Hateco Group và nắm giữ chức vụ cao nhất, ông công tác tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (1985 – 1990), rồi Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (1990 – 2009).
Trong giai đoạn 2008 – 2013, ông Trần Văn Kỳ còn là Ủy viên HĐQT CTCP Chứng khoán Hòa Bình (HBS)./.