Hé lộ “sức khỏe” của NextTech Group dưới sự chèo lái của Shark Bình
Như Dân Việt đã đưa tin, thông tin về Shark Bình xôn xao dư luận khi vị cá mập này cho biết ông đã ly hôn vợ là bà Đào Lan Hương. Tuy nhiên, phía bà Hương lại cho biết “giấy đăng ký kết hôn vẫn ở trong két”.
Tập đoàn NextTech của Shark Bình làm ăn thế nào?
Shark Bình tên thật là Nguyễn Hòa Bình. Ông là Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech. Bà Đào Lan Hương đã kề vai sát cánh cùng ông Nguyễn Hòa Bình thành lập Tập đoàn Nexttech sau một thời gian quen nhau khi sinh hoạt chung tại Trung tâm tài năng trẻ FPT.
Bà Hương từng giữ chức Phó Chủ tịch và góp 30% vốn vào Tập đoàn, trong khi đó 70% còn lại thuộc về Shark Bình. Tuy nhiên, năm 2017, bà Hương rời vị trí Phó Chủ tịch tập đoàn để xây dựng sự nghiệp của riêng mình. Cùng với đó, là động thái rút vốn của bà Hương tại Tập đoàn này cách đây hơn 2 năm.
Shark Bình và doanh nhân Đào Lan Hương. (Ảnh: Vietstock)
Cụ thể, theo thay đổi đăng ký kinh doanh tháng 5/2020, cơ cấu cổ đông của NextTech gồm 2 cá nhân là ông Bình (tỷ lệ vốn góp 70%); 30% vốn góp còn lại được chuyển từ bà Đào Lan Hương sang ông Nguyễn Huy Hoàng.
Theo thay đổi đăng ký vào cuối tháng 12/2020, cơ cấu cổ đông của NextTech lại một lần nữa có sự thay đổi. Ngoài Shark Bình vẫn đang góp 70% vốn, tương đương 350 tỷ đồng, cổ đông của Tập đoàn này còn có ông Đào Minh Phú (tỷ lệ sở hữu 20%) và Nguyễn Huy Hoàng (tỷ lệ sở hữu 10%). Như vậy, tổng vốn điều lệ của Tập đoàn đạt 500 tỷ đồng.
Dù quy mô vốn điều lệ lên tới 500 tỷ đồng, song theo dữ liệu của Viettimes, quy mô vốn chủ sở hữu của NextTech Group chỉ ở mức 49,5 tỷ đồng tính đến cuối năm 2021. Như vậy, khả năng NextTech Group đang gánh lỗ lũy kế hàng trăm tỷ đồng, ăn mòn vốn chủ sở hữu của Tập đoàn này.
Các hạt nhân “khiêm tốn” của Shark Nguyễn Hòa Bình
Theo giới thiệu trên website của Tập đoàn, danh mục đầu tư của NextTech Group lên tới 20 doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại điện tử, công nghệ tài chính, xã hội.
Nhắc đến Nexttech Group không thể không nhắc đến Vimo – ví điện tử của Công ty Cổ phần công nghệ Vi Mô. Chủ tịch Nguyễn Hòa Bình từng là người đại diện pháp luật của doanh nghiệp này.
Tuy nhiên, sau đó doanh nghiệp đã thực hiện công bố thông tin thay đổi từ người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Hòa Bình (Chủ tịch) sang Tổng Giám đốc công ty. Ghi nhận tại đăng ký thay đổi vào tháng 12/2020, đại diện pháp luật là ông Đỗ Công Diễn – Tổng Giám đốc. Đáng chú ý, theo đăng ký thay đổi ngày 24/12/2020, vốn điều lệ của doanh nghiệp bất ngờ giảm từ 100 tỷ đồng xuống còn 50 tỷ đồng. 100% là nguồn vốn tư nhân. Tính đến cuối năm 2019, quy mô vốn chủ sở hữu của Vimo âm 11,7 tỷ đồng – theo Viettimes.
Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Chuyển đổi Số NextPay (tiền thân là Công ty cổ phần nghệ thuật MPOS Việt Nam) cũng có biến động đáng chú ý về vốn điều lệ.
Cụ thể, đăng ký thay đổi vào tháng 11/2017, vốn điều lệ của “hạt nhân” này biến động bất ngờ, từ 2,34 tỷ đồng vọt lên 54,34 tỷ đồng. Ghi nhận vào tháng 6/2019, 99% là góp của công ty TNHH Nextpay Việt Nam. Chưa hết, tháng 12/2020, doanh nghiệp tiếp tục thông báo điều chỉnh vốn điều lệ, giảm từ 54,34 tỷ đồng xuống chỉ còn 2,34 tỷ đồng như thời điểm công bố ban đầu. Đến nay, doanh nghiệp chưa công bố thêm thông tin về điều chỉnh vốn điều lệ.
Một phần trong danh mục đầu tư của Tập đoàn NextTech dưới sự chèo lái của Shark Bình. (Ảnh chụp màn hình)
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, một trong những “hạt nhân” khác được nhắc đến đó chính là Nganluong.vn. Ngân Lượng.vn hoạt động theo mô hình ví điện tử, theo đó người dùng có thể đăng ký tài khoản cá nhân hoặc doanh nghiệp với 3 chức năng chính: Nạp tiền, Thanh toán và Chuyển tiền. Tất cả các giao dịch đều được thực hiện trực tuyến thông qua Thẻ ATM nội địa, Thẻ quốc tế (Visa, Master, JCB, Amex), Internet Banking, QR-Pay… và các tiện ích sử dụng khác. Ngân Lượng.vn đã xây dựng hệ thống liên kết tiên tiến trực tiếp với gần 40 tổ chức tài chính và hệ thống thông tin tại Việt Nam và quốc tế.
Ngoài Ngân Lượng.vn và Vimo, Tienngay.vn – công ty cổ phần công nghệ tài chính Việt thành lập năm 2017, tiền thân là công ty CP đầu tư và thương mại DVH với số vốn điều lệ 9 tỷ đồng cũng là một cái tên nổi bật gắn với Nexttech Group của Chủ tịch Nguyễn Hòa Bình.
Theo thông tin công bố trên cổng đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp này ghi nhận biến động về người đại diện pháp luật, không thông báo biến động về quy mô vốn điều lệ. Hay nói cách khác, vốn điều lệ của doanh nghiệp này hiện vẫn duy trì ở 1 con số?
Ông Nguyễn Hòa Bình – Shark Bình. (Ảnh: KT)
Lĩnh vực xã hội, CTCP TopCV Việt Nam (TopCV Việt Nam) là cái tên nổi bật trong hệ sinh thái của Shark Bình.
Công ty này ban đầu có quy mô vốn chỉ vỏn vẹn 100 triệu đồng, sáng lập bởi 3 cổ đông cá nhân là ông Trần Trung Hiếu (70%), Vũ Nhật Anh (25%) và Nguyễn Văn Vũ (5%).
TopCV Việt Nam là đơn vị sở hữu nền tảng tuyển dụng nhân sự. Theo đăng ký thay đổi mới nhất (tháng 6/2022), vốn điều lệ của TopCV Việt Nam chỉ nhích lên 168,43 triệu đồng.
Một cái tên khác trong danh mục đầu tư của Shark Bình là ứng dụng FastGo. Theo giới thiệu, được thành lập vào tháng 6 năm 2018, FastGo là ứng dụng Ride-lan can đầu tiên của Việt Nam trên thị trường. Công ty từng đặt tham vọng năm 2020, dịch vụ FastGo sẽ có mặt tại 11 quốc gia Đông Nam Á. Doanh thu đạt 2 tỷ USD, phù hợp với 4 triệu khách hàng và 450.000 đối tác tài xế.
Thành lập năm 2018, FastGo có vốn điều lệ chỉ 2 tỷ đồng, từ 2 cá nhân góp vốn là ông Nguyễn Hòa Bình và ông Nguyễn Hữu Tuất.
Tháng 8/2018, cơ cấu cổ đông của FastGo biến động mạnh khi ghi nhận sự tham gia góp vốn của 7 cá nhân, nhưng tổng vốn điều lệ chỉ nhích lên hơn 2,4 tỷ đồng. Trong đó Shark Bình vẫn góp 1 tỷ đồng, tỷ lệ 41,621%.
Theo đăng ký thay đổi cập nhật ngày 27/3/2020, vốn điều lệ của FastGo nhảy vọt lên gần 29 tỷ đồng. Trước khi điều chỉnh, vốn điều lệ của doanh nghiệp mới chỉ đạt 3,2 tỷ đồng, tức là đã điều chỉnh tăng tới 9 lần.
Danh mục đầu tư của NextTech Group còn có VNDT, Antex và Enrex trong lĩnh vực Blockchain.