Hiểu đúng về “ECU độ” và “Độ ECU”
Hôm nọ, có bạn Satria Fi inbox hỏi mình, sao xe lên lọc gió, lên kim phun, móc pô này nọ rồi mà chạy không ăn xe zin. Mình hỏi xe có ECU không? Bạn ấy trả lời không độ ECU vì sợ hại xe.
Suy nghĩ này không phải hiếm, mình đã gặp khá nhiều khi nói chuyện với khách tới mình làm xe. Đặc biệt là một vài khách lớn tuổi.
Vậy tại sao lại có suy nghĩ lên ECU độ sẽ làm hại máy như vậy?
ECU độ thường bị gắn với khái niệm “mở tua”. Mở tua có nghĩa là “mở giới hạn vòng tua tối đa của động cơ” – vốn dĩ trên xe zin sẽ bị nhà sản xuất giới hạn lại ở một mức nào đó. Mở tua thì động cơ sẽ quay nhanh hơn, kim tràn hết đồng hồ, máy rống hơn, pô nổ to hơn… Chính những điều này tạo cảm giác xót xa, cảm giác rằng cục máy đang bị hư hại.
Thật ra, lo lắng trên là hoàn toàn có căn cứ. Vì khi tăng số vòng quay của động cơ, thì các chi tiết máy sẽ phải chịu áp lực cao hơn. Điều này quá rõ ràng. Nhưng nếu các bạn đã có suy nghĩ như vậy thì nên để nguyên chiếc xe zin 100%, ít nhất là phần cục máy. Bởi vì khi các bạn độ nửa vời, thiếu tính toán, thì mức độ nguy hại còn cao hơn chuyện mở tua nhiều lần.
Hơn nữa cũng phải nói thêm, ECU độ mở tua được thì cũng hãm tua được. Muốn 13.000RPM có 13.000RPM, muốn 10.000RPM như zin có 10.000RPM như zin, thậm chí sương sương thích chỉnh 3.000RPM chơi thì có 3.000RPM chơi. Nên tại điểm này, có thể bỏ qua lo lắng mở tua sẽ làm hại máy.
“Mở tua” trên xe Honda Winner V1
Quay lại vấn đề.
Tại sao độ nửa vời thiếu tính toán sẽ gây hại cho động cơ?
Trước tiên, phải hiểu nguyên lý hoạt động của một chiếc xe phun xăng điện tử (Fi).
Động cơ trên xe phun xăng điện tử được điều khiển bởi một thiết bị trung tâm có tên là ECU (Electronic Control Unit) hay ECM (Electronic Control Module). ECU là một thiết bị thông minh hoạt động theo các ngữ cảnh cài đặt sẵn.
ECU không có khả năng tự học. Người lập trình càng cài đặt nhiều ngữ cảnh, càng tiên liệu trước nhiều tình huống thì ECU càng thông minh. ECU zin trên xe chỉ có thể được lập trình bởi hãng. Còn ECU độ thì cho phép người dùng cuối có thể can thiệp nhiều hơn: lập trình, thêm ngữ cảnh, thêm tình huống… Đại khái là ECU độ sẽ rất thông minh nếu người dùng biết cách “dạy” nó.
Như vừa nói, công việc của ECU là xử lý tình huống theo ngữ cảnh. Nó sẽ đọc tình huống bằng các cảm biến (Sensor), sau đó đưa ra quyết định xử lý thông qua các cơ cấu chấp hành (Actuator).
Các cảm biến điển hình: TPS (cảm biến vị trí bướm ga), IAT (cảm biến nhiệt độ khí nạp), MAP (cảm biến áp suất khí nạp), O2 sensor (cảm biến oxy), ECT (cảm biến nhiệt độ nước mát), CKP (cảm biến vị trí vô-lăng)…
Các cơ cấu chấp hành điển hình: béc phun, mô-bin sườn, quạt giải nhiệt…
Tương tự ECU, các cảm biến và cơ cấu chấp hành cũng có các giới hạn hoạt động nhất định.
Sơ đồ khối của một hệ thống phun xăng điện tử
Ví dụ:
– Cảm biến oxy zin trên xe không có khả năng đọc AFR (tỷ lệ xăng gió) thành con số cụ thể, mà chỉ có thể xác định và báo cho ECU 3 trạng thái: thiếu xăng, đủ xăng và dư xăng. Thiếu nhiều hay ít? Không biết! Dư nhiều hay ít? Không biết luôn! Có chắc chắn là đủ xăng không? Chắc vậy!
– Béc phun zin trên xe, xe 150cc chẳng hạn, thường có lưu lượng phun vào khoảng hơn 100cc/phút. Nên nếu ECU ra lệnh cho nó phun nhiều hơn thì nó sẽ không làm được.
Động cơ sẽ hoàn hảo khi bộ ba đồng đội Sensor – ECU – Actuator (gọi tắt là SCA) hoàn hảo và ăn-rơ với nhau hoàn hảo.
Khi bạn độ xe, bạn đang đi tìm các giới hạn mới cho các cảm biến và cơ cấu chấp hành trên xe.
Nếu độ nhẹ, sự thay đổi còn nằm trong giới hạn xử lý của bộ ba SCA thì không sao, mọi chuyện OK.
Nhưng khi mức độ của việc độ chế tăng lên, vượt qua giới hạn đọc hiểu của cảm biến, trước tiên cảm biến sẽ ngu, tiếp đó kéo ECU ngu theo, ECU ngu thì chấp hành cũng ngu nốt. Và những kẻ ngu sẽ thường gây hại, đoạn cuối sẽ nói rõ hơn.
Lúc này, cần tới sự can thiệp của con người. Câu hỏi đặt ra là: Trong bộ ba S-C-A thì can thiệp đứa nào?
SCA là một team, C là đội trưởng, S-A là lâu la. Vậy người thông minh dĩ nhiên sẽ chọn can thiệp thằng đội trưởng, rồi sau đó đội trưởng sẽ tự quán triệt cấp dưới của mình.
ECU zin trên xe Honda Winner V1
Giục bỏ ECU zin, thay bằng một con ECU độ có khả năng tùy chỉnh. Tiếp theo đó là bước tuning, nạp map, set map. Bước này, người tune sẽ làm công việc giới thiệu ECU với 2 thằng lính của mình là S và A. Chúng ta dạy C cách làm việc thế nào, hợp tác thế nào, xử lý tình huống thế nào để động cơ hoạt động hoàn hảo nhất.
Một con ECU xịn xò sẽ không cãi lời, không quên bài. Chúng ta dạy thế nào nó sẽ làm thế ấy. Chúng ta dạy giỏi thì nó sẽ làm tốt. Sure! Nhưng phải là ECU xịn xò nha, ECU dỏm sẽ rất hay cãi và hay quên. Dạy một đằng, làm một nẻo.
Mở rộng vấn đề một chút, nếu xe chúng ta độ quá nặng. ECU xịn xò đàng hoàng, nhưng S hay A không đủ trình đáp ứng thì C sẽ không phát huy được khả năng của mình. Lúc này sẽ phải nâng cấp S, A. Nhưng thôi, vấn đề này xin hẹn lại một bài viết khác.
Cảm biến oxy trên xe Honda Winner V1
Quay lại nội dung chính của bài này. Độ xe không độ ECU thì sẽ gây hại thế nào?
Đây chỉ đề cập đại khái hai vấn đề chính: Tỷ lệ xăng gió và Góc đánh lửa. Bộ ba SCA làm việc tắc trách, làm sai Tỷ lệ xăng gió và Góc đánh lửa thì dĩ nhiên xe sẽ chạy không đạt. Ngoài ra nếu mổ xẻ sâu hơn:
– Dư xăng: hao xăng, mau hư bugi, buồng đốt mau bị đóng muội…
– Thiếu xăng: nóng máy, cháy sutbap, có khi chảy cả bugi, chảy piston, chảy luôn buồng đốt…
– Đánh lửa quá sớm: róc máy, hại cây dên…
– Đánh lửa quá muộn: nóng máy, tổn hao công suất, hao xăng…
Chỉ cần 4 cái gạch đầu dòng trên là đủ xanh mặt rồi nên có lẽ không cần nói thêm.
ECU Aracer Mini 5 cho Winner/Sonic
Kết thúc vấn đề.
Mình bán ECU độ. Nhưng bài viết này mình không quảng cáo cho ECU độ. Ngoài kia đầy người bán mạnh hơn mình, họ lời lãi hơn mình nhiều lần. Mình không dại bỏ công sức viết một bài dài dằng dặc như vầy để quảng cáo giùm cho họ.
Mình chỉ muốn chia sẻ để các bạn hiểu đúng, hay ít ra là ngưng hiểu sai về ECU độ nói riêng và việc độ xe nói chung.
Ai đã lỡ niềm tin xe zin, đồ hãng thì thôi cứ giữ vững niềm tin xe hãng, đồ zin của mình. Không ai đâm thọc các bạn để các bạn phải tranh cãi cả.
Còn ai đã lỡ máu độ trong người rồi thì hãy chơi sao cho đúng, cho đáng.