Hotline xe công nghệ Be thành tổng đài hỗ trợ mùa dịch
Thay vì nhận cuộc gọi của khách hàng và tài xế xe công nghệ, giờ đây, tổng đài viên Be lại nhận cuộc gọi từ người dân gặp khó khăn do Covid-19.
Chị Hoài Thanh (27 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) là nhân viên trực tổng đài của ứng dụng Be. Bình thường, trước kia, chị có nhiệm vụ nhận các cuộc gọi của khách hàng và tài xế xe công nghệ. Thế nhưng, kể từ ngày 5/8, mỗi lần nhấc máy của chị, đầu dây bên kia lại là những người dân đang gặp khó khăn do Covid-19 và người cần hỗ trợ nhu yếu phẩm.
Còn với Trương Phan Huy (24 tuổi, quận Phú Nhuận, TP HCM), những buổi trực xuyên đêm thường khá hiếm kể từ khi Huy làm nhân viên tổng đài Be. Tuy nhiên, từ đầu tháng 8, Huy đã đăng ký trực xuyên đêm ở vai trò tình nguyện viên của Be.
Tổng đài viên Be làm việc trực tuyến, tiếp nhận các cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ từ người dân.
Chị Hoài Thanh và Trương Phan Huy chỉ là hai trong số 80% nhân viên tổng đài ứng dụng gọi xe Be trở thành tình nguyện viên tiếp nhận cuộc gọi khẩn cấp từ người dân gặp khó khăn do Covid-19. Không chỉ nghe, tình nguyện viên Be còn gọi lại để xác nhận các trường hợp cần hỗ trợ nhu yếu phẩm. Đại diện Be cho biết, nếu hoạt động hết công suất, hotline Be có thể xử lý hàng nghìn cuộc gọi mỗi ngày.
Khơi thông đường dây nóng mùa dịch
Cuối tháng 7, Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM công bố cổng thông tin 1022 (nhánh 2) tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ từ người dân gặp khó khăn trong đại dịch. Tuy nhiên, với lượng thông tin quá lớn, việc điều phối đường dây nóng để không bị quá tải, nghẽn mạng là bài toán cần giải quyết.
Số liệu thống kê của Sở Thông tin Truyền thông TP HCM cho thấy, đến ngày 3/8, tổng đài 1022 đã nhận được 19.767 cuộc gọi. Trong đó, robot AI xử lý hơn 12.000 cuộc gọi, chiếm tỷ lệ 60%; số lượng tổng đài viên tiếp nhận là 7.584 cuộc, tương đương 38%. Dù có robot AI, song trên thực tế, vẫn cần nguồn lực hỗ trợ để xử lý cuộc gọi chờ và xác minh trường hợp cần giúp đỡ.
Trong bối cảnh Covid-19 đang bùng phát mạnh, nhu cầu gọi cứu trợ của người dân rất lớn, đồng thời để chung tay cùng cộng đồng chống dịch, Be đã tham gia vào quá trình hỗ trợ đội ngũ trực tổng đài trong dịch. Theo đó, khi tổng đài 1022 ghi nhận các cuộc gọi nhỡ, nhân viên tổng đài Be sẽ chủ động liên lạc lại từng trường hợp để không bỏ sót người đang gặp khó khăn. Các cuộc gọi ra được thực hiện thông qua số (028)71006869, vào các khung giờ sáng từ 8h-11h30, chiều từ 14h-19h mỗi ngày.
Be đang triển khai tiêm vaccine cho các tài xế. Những tài xế Be đã tiêm sẽ cùng tham gia đội thiện nguyện.
Không chỉ gọi xác nhận thông tin, Be cũng trở thành một trong các đường dây nóng tiếp nhận yêu cầu hỗ trợ nhu yếu phẩm từ người dân qua tổng đài 1900232345 – nhánh số 0 và tiếp nhận thông tin hỗ trợ từ mạnh thường quân qua nhánh số 4. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Tổng đài khẩn cấp tiếp nhận và giúp đỡ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19 trên địa bàn thành phố”, do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP HCM triển khai, có sự tham gia của Be Group, các cơ quan báo chí, tổ chức thiện nguyện và doanh nghiệp.
Sẵn sàng chạy hết công suất
Với lực lượng chiếm 80% nguồn lực tổng đài của Be, những tình nguyện viên Be cũng sẵn sàng tinh thần làm việc xuyên suốt. Dù tiếp nhận công việc trong thời gian ngắn, song đội ngũ trực tổng đài Be vẫn tự tin với nhiệm vụ mới. Tất cả đều được đào tạo kỹ năng chuyên môn, tuân thủ bảo mật thông tin người dân cung cấp, đảm bảo hiệu quả quản trị dữ liệu, giúp công tác hỗ trợ diễn ra nhanh chóng, chuyên nghiệp hơn.
“Mỗi tình nguyện viên trực tổng đài của Be đều đang trực chiến tại nhà, nhưng năng suất và không khí làm việc không thua thời gian chăm sóc khách hàng trước đây”, đại diện Be cho biết.
Chị Hoài Thanh, nhân viên trực tổng đài Be chia sẻ, chị cảm thấy vui khi được đóng góp một phần sức nhỏ bé vào hoạt động chống Covid-19 bằng chính chuyên môn của mình. “Không về quê được, thì mình tiếp sức ở Sài Gòn. Với mình, từng cuộc gọi đến và đi để giúp đỡ bà con đều mang ý nghĩa như đang giúp cho người thân của mình ở quê nhà”, chị Hoài Thanh bộc bạch.
Với tinh thần sẵn sàng trực xuyên đêm, Trương Phan Huy hào hứng cho biết chưa bao giờ thức làm đêm mà lại thấy hăng hái như vậy. Huy luôn cố gắng nghe nhiều cuộc gọi, liên lạc được nhiều người nhất có thể để giúp mọi người vượt qua khó khăn.
Theo đại diện Be, những đường dây nóng vẫn gọi đi và gọi đến, sôi nổi và ngập tràn yêu thương. Đội ngũ tình nguyện viên của Be cũng sẵn sàng chia ca, thức đêm để chờ những cuộc gọi từng ngày.
Tài xế Be làm nhiệm vụ vận chuyển nhu yếu phẩm đến người dân gặp khó khăn. Nếu cần hỗ trợ hoặc biết trường hợp cần được hỗ trợ, bạn đọc gửi thông tin qua tính năng “Cần hỗ trợ” trên ứng dụng Be hoặc liên hệ hotline 1900232345, website. Tải ứng dụng Be tại đây.
Ngoài ra, ứng dụng gọi xe Be cũng vừa ra mắt tính năng “Cần hỗ trợ” nhằm tiếp nhận thông tin và vận chuyển lương thực, thực phẩm, vật dụng trẻ em hoặc vật dụng y tế cho người đang gặp khó khăn tại tâm dịch TP HCM. Tính năng này được Be phối hợp cùng các nhóm thiện nguyện và mạnh thường quân, đóng góp nhu yếu phẩm. Hoạt động nằm trong khuôn khổ chiến dịch chung tay cùng cộng đồng “Thành phố gọi, Be sẵn sàng” của Be, đang được triển khai đồng loạt tại Hà Nội, TP HCM và dự kiến thêm nhiều tỉnh thành phố khác.
Hà Thanh (Ảnh: Be)