Huyệt tam âm giao nằm ở đâu? Tác dụng và cách vận dụng
Huyệt Tam Âm Giao là huyệt vị phổ biến trong châm cứu của y học cổ truyền. Nhờ khả năng tác động trên phạm vi rộng và có đặc tính tự điều chỉnh, Tam Âm Giao trở thành huyệt vị quan trọng trong hoạt động chữa bệnh của Đông y và dưỡng sinh.
Tìm hiểu về huyệt tam âm giao
Mục Lục
Huyệt Tam Âm Giao nằm ở đâu?
- Tên gọi khác: Hạ tam lý, đại âm, thừa mạng thừa mệnh.
- Đường kinh: Là huyệt vị thứ 6 của đường kinh Tỳ.
Tam Âm Giao là huyệt vị thứ 6 của đường kinh Tỳ, nằm ở phần lõm sau xương chày cách mắt cá chân trong khoảng 6,5cm (đối với người trưởng thành). Huyệt vị này nằm đúng vị trí giao giữa 3 đường kinh âm là Quyết Âm Can, Thái Âm Tỳ và Thiếu Âm Thận nên mới có tên là “Tam Âm Giao”.
Theo y học cổ truyền, huyệt Tam Âm Giao có tác dụng thông khí trệ, khử phong thấp ở kinh lạc, sơ can – ích thận, tỳ thổ. Cũng chính nhờ công năng có tính phổ rộng như vậy mà cho đến nay, ứng dụng của huyệt đại âm vẫn được đánh giá cao.
Công năng trị liệu của huyệt Tam Âm Giao
Trong một số cuốn sách về huyệt vị cổ, tam âm giao được nhắc đến như “vàng mười” của sức khỏe. Sở dĩ như vậy là vì huyệt vị này vừa có công năng dưỡng âm, điều hòa thần kinh vừa giúp giải độc hiệu nghiệm.
Công năng dưỡng âm
Tam Âm Giao nằm ở vị trí giao giữa 3 đường kinh âm của Can – Tỳ – Thận, có tác động trực tiếp vào hoạt động của can, tỳ, thận. Cụ thể là các công năng trợ vận hóa, điều huyết, thông khí trệ.
Riêng với hạ tiêu, huyệt Tam Âm Giao giúp hạ tiết, điều hòa chức năng của bàng quang. Chính vì vậy mà Tam Âm Giao trở thành chủ huyệt trong chữa trị các bệnh tiết niệu, sinh dục của y học cổ truyền.
Theo quan điểm của y học cổ truyền, chứng mất ngủ có gốc là âm huyết. Mọi nguyên nhân khiến âm huyết hao tổn đều liên quan đến giấc ngủ (mất ngủ, rối loạn giấc ngủ).
Cũng chính vì vậy mà những bệnh nhân đang gặp vấn đề về giấc ngủ luôn được khuyến khích kết hợp huyệt Túc Tam Lý và Tam Âm Giao để cải thiện tình trạng.
Công năng điều hòa thần kinh
Y học cổ truyền cho rằng, mỗi cảm xúc âm tính của cơ thể luôn có mối liên quan với một loại khí trong cơ thể. Chẳng hạn, chứng ưu thương tỳ, nộ thương can,… Song khi bất cứ cảm xúc âm tính nào diễn biến âm thầm cũng có thể dẫn đến Can khí uất – Căn nguyên của rất nhiều bệnh lý trên cơ thể.
Trong khi đó, huyệt Tam Âm Giao lại có tác dụng sơ tiết Can khí, giải quyết triệt để những cảm xúc âm tính. Ở những bệnh nhân bị căng thẳng, tâm lý đang gặp phải chứng “Âm hư hỏa vượng”, khi tác động vào huyệt đại âm sẽ cho hiệu quả tức thì.
Tính giải độc và tăng cường chuyển hóa
Bên cạnh công năng dưỡng âm và điều hòa thần kinh, huyệt Hạ Tam Lý cũng được sử dụng trong dưỡng sinh nhằm thanh lọc, tăng cường hoạt động chuyển hóa của cơ thể.
Huyệt đại âm hỗ trợ điều hòa hoạt động chuyển hóa của tạng phủ
Xét trong chỉnh thế hệ thống lý luận của y học phương Đông, khi một tạng hoặc một phủ có bệnh sẽ biểu hiện rõ nét qua chính đường kinh lạc đi qua nó.
Trên cơ sở này, người thầy thuốc sẽ thông qua chính các huyệt vị thuộc những đường kinh lạc này để chữa trị các rối loạn của tạng phủ. Cũng chính nhờ lý luận này mà huyệt tam âm giao đóng vai trò quan trọng trong hoạt động điều tiết, giúp cơ thể được thanh lọc.
Nguyên tắc và các cách tác động vào huyệt Tam Âm Giao
Là huyệt vị quan trọng trong hệ thống các huyệt trên khắp cơ thể, huyệt Tam Âm Giao được ứng dụng rộng rãi trong điều trị bệnh. Nhưng để huyệt vị này phát huy tác dụng cần tác động theo đúng nguyên tắc của y học cổ truyền.
Nguyên tắc chung
Khi day bấm huyệt Tam Âm Giao, bệnh nhân có thể ngồi dưới đất hoặc trên nệm, hay cánh tay gập nhẹ sao cho bàn tay vừa đủ ôm lấy cổ chân. Lúc này, bàn tay sẽ tác động vào vị trí huyệt cùng bên với một lực vừa phải, vừa day vừa bấm thành vòng tròn, duy trì trong 7-10 phút.
Trong khi day huyệt nếu cảm thấy mỏi có thể tạm dừng nhưng ngón cái vẫn phải đặt lên vị trí của huyệt. Sau khi nghỉ vài giây lại tiếp tục day huyệt cho đủ thời gian nêu trên, thực hiện mỗi ngày 1 lần.
Theo các y thư cổ, do huyệt Tam Âm Giao có tác động lên phần lớn các cơ quan trên cơ thể và có mối quan hệ chặt chẽ với tử cung nên tuyệt đối không được bấm hoặc châm cứu cho phụ nữ mang thai.
Bởi khi bị kích thích mạnh, thai kỳ rất có thể bị ảnh hưởng. Điều này càng tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với những người từng bị sảy thai hoặc sinh non.
Các cách tác động phổ biến
Ngày nay, y học hiện đại đã phát triển không ngừng và chỉ ra mối liên hệ giữa huyệt Tam Âm Giao với các vấn đề sức khỏe. Để huyệt vị này phát huy hiệu quả, người bệnh có thể lựa chọn một trong hai hình thức tác động là bấm huyệt và kiết già. Cụ thể như sau:
- Bấm huyệt: Xác định đúng vị trí rồi day huyệt theo vòng tròn với một lực vừa phải. Thực hiện trong vòng 7-10 phút, mỗi ngày làm 1 lần để cải thiện các vấn đề đang gặp phải.
- Kiết già: Đây là một tư thế ngồi thiền quen thuộc. Trong tư thế này, xương mác của một chân sẽ tạo sức ép vào đúng vị trí của huyệt đại âm của chân còn lại, giúp huyệt luôn trong trạng thái bị kích thích để cải thiện nhiều vấn đề về thần kinh, giải tỏa căng thẳng hiệu quả.
Trong một số nghiên cứu, việc ngồi kiết già còn giúp dưỡng âm hiệu quả. Khi cơ thể con người trong trạng thái căng thẳng, cơ bắp căng lên làm hao phí lượng lớn năng lượng, đổi lại nếu ta ở trạng thái thư giãn thì năng lượng được tích lũy. Quá trình này được gọi là sinh âm và dưỡng âm hay “Thần tĩnh tất âm sinh”.
Cách bấm huyệt đại âm hiệu quả với từng bệnh lý
Nguyên tắc chung trong tác động vào huyệt Tam Âm Giao là day theo vòng tròn. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả mong muốn với từng tình trạng bệnh lý thì cần lựa chọn thời điểm cũng như tần suất bấm. Cụ thể như sau:
Bệnh huyết áp
Theo các y thư cổ, huyệt đại âm hỗ trợ hiệu quả bệnh lý huyết áp. Khi huyết áp bị quá cao hoặc quá thấp, người bệnh có thể tự day huyệt theo hướng dẫn sau:
- Bấm huyệt vào lúc 11h-13h trong vòng 20 phút. Bởi đây là thời điểm tim hoạt động tốt nhất.
- Thực hiện trong vòng 2-3 tháng để ổn định huyết áp, giảm bớt những lo lắng về tình trạng này.
Day bấm huyệt thường xuyên giúp ổn định huyết áp
Yếu sinh lý, hiếm muộn
Tam Âm Giao là huyệt vị đại bổ, tác động vào can, tỳ, thận, có tác dụng kích thích sinh sản. Với từng đối tượng, cách bấm huyệt đại âm như sau:
- Nữ giới lãnh cảm, nam giới suy giảm chức năng tình dục: Bấm huyệt Tam Âm Giao vào khoảng thời gian từ 17h-19h trong 20 phút. Thực hiện mỗi ngày để cảm nhận rõ sự thay đổi.
- Chứng lạnh tử cung và buồng trứng: Day bấm vào giờ của kinh thận (17h-19h). Tác động vào huyệt ở cả hai bên chân, mỗi bên 15 phút nhằm điều hòa hoạt động của tử cung, buồng trứng.
- Ngoài ra, việc day bấm huyệt tam lý ở nữ giới cũng giúp loại bỏ chứng khí hư ra nhiều, sa tử cung,… Sau một thời gian thực hiện, da dẻ sẽ trở nên hồng hào, mịn màng hơn do nội tiết đã cải thiện đáng kể.
Bấm huyệt Tam Âm Giao điều hòa kinh nguyệt
Huyệt đại âm nằm ở vị trí nối 3 kinh mạch, có chức năng lưu thông khí huyết. Do vậy, nếu nữ giới bị chậm kinh, kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh thì có thể tác động vào huyệt này theo hướng dẫn sau:
- Day bấm huyệt vào khoảng thời gian từ 21h-23h mỗi đêm.
- Mỗi lần thực hiện khoảng 15 phút, duy trì trong 1 tháng.
- Làm đẹp da, duy trì sự trẻ trung
- Theo tuổi tác, làn da của nữ giới bắt đầu xuất hiện nếp nhăn. Để duy trì sự săn chắc, hạn chế nguy cơ chảy xệ cho làn da thì chị em nên bấm huyệt này thường xuyên.
Cách thực hiện:
Bấm huyệt Đại Âm trong khoảng 20 phút (thực hiện sau 9h tối).
Nên kết hợp bấm huyệt với chế độ ăn uống và tập luyện để cơ thể khỏe mạnh, cải thiện làn da và vóc dáng.
Mề đay mẩn ngứa
Bên cạnh những tác dụng trên, y học cổ truyền còn thực hiện bấm huyệt Đại Âm để trị chứng mề đay, mẩn ngứa. Đông y cho rằng, tình trạng này chủ yếu do độc tố trong gan gây ra, chỉ cần bấm huyệt trong 20 phút thì độ ẩm dư thừa, các chất thải sẽ được loại bỏ.
Huyệt Tam Âm Giao là huyệt vị quan trọng, mang nhiều ý nghĩa trong trị liệu. Tuy nhiên, khi thực hiện các thao tác bấm huyệt, người bệnh cũng cần tránh lạm dụng, không thực hiện cho người mang thai để hạn chế gây nguy hại cho sức khỏe.