KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT – CƯ SĨ DIỆU ÂM (MINH TRỊ)
Lời Khai Thị Của Đại Sư Ấn Quang
Bất luận là người tại gia hay xuất gia, cần phải trên kính dưới hòa, nhẫn nhục điều mà người khác khó nhẫn được, làm những việc mà người khác khó làm được; thay người làm những việc cực nhọc, thành toàn cho người là việc tốt đẹp. Khi tĩnh tọa thường nghĩ đến điều lỗi của mình. Lúc nhàn đàm đừng bàn đến điều sai trái của người. Lúc đi, đứng, nằm, ngồi, ăn, mặc, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng chỉ niệm Phật hiệu không để gián đoạn: hoặc niệm nho nhỏ, hoặc niệm thầm.
Ngoài việc niệm Phật, đừng dấy khởi một niệm nào khác. Nếu khởi vọng niệm phải tức thời bỏ ngay. Thường có lòng hổ thẹn và tâm sám hối. Nếu đã tu trì, phải tự hiểu là công phu của ta hãy còn nông cạn, chẳng nên tự kiêu căng, khoa trương. Chỉ nên chăm sóc việc nhà mình, đừng nên dính vào việc nhà người. Chỉ nên nhìn đến những hình dạng tốt đẹp, đừng để mắt tới những hình dạng xấu xa bại hoại. Hãy coi mọi người như Bồ-tát, mà ta chỉ là kẻ phàm phu. Nếu quả có thể tu hành được như vậy thì nhất định được vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc Thế-giới.
Lời giới thiệu
Tôi hân hạnh nhận được một xấp thư của Phật tử Diệu Âm viết, những lá thư gửi cho gia đình, bà con, bạn bè…Tôi đã đọc và phát hiện ra những điều hay; sau cùng tôi vô cùng hoan hỉ nhận xét rằng đây không phải là những lá thư thường tình mà là những lời pháp rất hay, thích hợp, linh động, thực tế !… Theo tôi thì những “lời thư pháp” này có thể giúp cho người phá mê khai ngộ, chuyển phàm thành Thánh.
Tôi xin trang trọng giới thiệu cùng quý vị và mong tất cả quý vị hãy đọc kỹ những lời thư, đọc từng bài một, rất lợi ích cho chính mình, cho cha mẹ, cho gia đình … Hy vọng những lời thư đượm nhuần pháp Phật này có thể giúp cho quý vị thấy được phương cách để trở thành người con chí hiếu khi cha mẹ còn tại tiền; nếu song thân đã quá vãng, quý vị sẽ là người đại hiếu như Đại Mục-Kiền-Liên; gia đình của quý vị sẽ trở thành gương mẫu của đạo đức và hiếu hạnh, góp phần xây dựng xã hội an lạc, thái bình, thịnh vượng … Niệm Phật vãng sanh Tây-phương Cực-lạc là con đường cứu cánh viên mãn, thành toàn hạnh nguyện cứu độ chúng sanh của chư Phật vậy. Nam-mô A-di-đà Phật.
Thích Thiện Huệ.
Thay lời tựa
Pháp môn niệm Phật tối vi diệu! Bất khả tư nghị! Ngài Quán-Thế-Âm Bồ-tát dạy: “Pháp môn Tịnh-độ hơn hết tất cả các hạnh khác”. Ngài Đại-Thế-Chí Bồ-tát dạy: “Nếu tâm chúng sanh nhớ Phật niệm Phật, thì đời này hoặc đời sau nhất định thấy Phật, cách Phật không xa, chẳng cần đến pháp phương tiện nào khác mà cũng khai ngộ được tâm của mình”. Đức Bổn-Sư Thích-ca-Mâu-ni Phật dạy: “Thiện nam, tín nữ nào chấp trì niệm danh hiệu A-di-đà Phật từ một ngày cho đến bảy ngày, nhất tâm bất loạn, thì người đó khi mạng chung sẽ được đức Phật A-di-đà và chư vị Thánh Chúng hiện thân tiếp dẫn. Người đó khi lâm chung, tâm trí không điên đảo và quyết định được vãng sanh về thế giới Cực-lạc của Phật A-di-đà”. Đức Phật A-di-đà phát nguyện: “…chúng sanh nào trong mười phương nghe đến danh hiệu của Ta, chí tâm tin kính, ai có căn lành, thành tâm hồi hướng, nguyện sanh về nước Ta, cho đến mười niệm, nếu không được vãng sanh Ta thề không thành Phật. Duy trừ kẻ phạm tội ngũ nghịch và phỉ báng chánh pháp”.
Pháp môn niệm Phật tối vi diệu! Bất khả tư nghị! Tôi ngộ nhập vào Phật đạo bằng câu “A-di-đà Phật”. Đây là một duyên lành, thật tình cờ, giúp tôi thấy rõ chân lý giải thoát. Tôi bắt đầu tu học Phật từ đó và bắt đầu khuyên người niệm Phật cũng từ đó. Gặp người, tôi khuyên người niệm Phật. Cách xa, tôi viết thư khuyên người niệm Phật . Những lời khuyên đầu tiên tôi viết cho cha mẹ tôi, vô tình những lời này cảm hóa được song thân, anh chị em, bà con trong dòng họ, rồi truyền ra đến đại chúng… May mắn hơn, có người nghe những lời khuyên, niệm Phật và đã vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Thấy vậy, có người phát tâm muốn ấn tống những lời thư này. Tôi thu thập những lời khuyên song thân, sửa chữa vài điểm sơ suất, cho in vào tập 1, phần còn lại, chúng tôi sẽ cho in vào tập 2. Đây là những lời thư thực tế, tôi viết cho song thân, anh chị em, bà con, bạn bè… cho nên có một số chuyện có nét đặc thù cá nhân. Những tựa đề của những lời khuyên có tính tóm lược nội dung và để tiện cho việc sắp xếp mục lục hơn là đề tài diễn thuyết. Vì là những lá thư thực, cho nên không thể tránh được một số tên cũng đã xuất hiện song song, tất cả chỉ cùng một mục đích “ Khuyên người niệm Phật ”. Danh tánh mông mênh trong vòng chúng sanh vô lượng vô biên, thành tâm cầu xin quý vị hoan hỷ để cho công đức này được tròn đầy viên mãn.
Còn duyên, tôi còn tiếp tục khuyên người niệm Phật, tôi chân thành làm như vậy. Nếu hết duyên, tôi niệm Phật nhiều hơn, cố công lão thật niệm Phật để cầu sanh Tịnh-độ. Hy vọng những lời khuyên chí tâm thành ý này có thể giúp ích được cho những vị hữu duyên thức ngộ chân tướng của vũ trụ nhân sinh, sớm khởi phát Tâm Đại-Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm Nam-mô A-di-đà Phật…
Tác Giả Diệu Âm (Úc Châu – Minh Trị)
Trích “ Quyển 1 – Lời Khuyên Song Thân”:
Cha má kính, …. Con qua Pháp hai tháng về, nhận được thư cha la rầy về việc tu hành. Đọc thư cha mà con buồn đến rơi nước mắt, con muốn ngồi xuống viết thư nhưng không biết sao nước mắt con cứ trào ra, …… Thưa cha má, vì thương cha má mà con cố gắng khuyên cha má tu hành, con tưởng cha má nghe được sẽ mừng lắm. Không ngờ, cha chưa đọc kỹ thư xem con nói những gì, lời thư của con có điều gì trái với đạo lý không, mà lại mạnh lời nói con bị tà ma dụ dỗ, theo tà ma ngoại đạo. Con khóc không phải vì giận hờn gì cả, nhưng con khóc vì thực sự nếu cha không thèm nghe lời con, cứ để tâm nóng giận thì chắc rồi đây con cũng chỉ đành thương cha má mà rơi lệ thôi chứ biết làm sao hơn, vì con không thể cứu cha má được. Dù thương cha má đến đâu con cũng chỉ có khóc mà tiếc thương thôi chứ không thể làm gì khác hơn, ví dụ như bây giờ cha có thương bà nội, ông nội, thì cha cũng chỉ có khóc thôi chứ đâu có thể cứu ông bà được. Thương cha mẹ, không phải đợi lúc chết khóc cho nhiều là có hiếu, không phải chỉ lo một vài bữa ăn ngon là đủ đâu. Huệ mạng con người đâu ngắn ngủi trong vòng bảy mươi, tám mươi năm đâu cha má?
Thưa cha má, nếu cha má đóng cửa lòng không chịu nghe lời khuyên của con thì chắc sau một vài lá thư nữa, nếu cha má không đổi, lúc đó cha má có muốn con viết thư nói thêm một lời nữa con cũng không viết. Nhưng dù sao trước khi quyết định dứt khoát không đá động gì đến chuyện tu hành nữa, con cũng vì trọn lòng hiếu thảo, nói cho hết lời. Nếu có sự may mắn, có được thiện căn, cha má và con cùng nhau hội về Tây-phương Cực-lạc một nhà, đời đời gần nhau. Còn như duyên nợ của cha má và con chỉ có đời này thôi thì chắc không trước thì sau cũng đành chia tay, đường ai nấy đi. Lúc đó có nhớ thương nhau cũng chỉ mượn tấm hình làm kỷ niệm rồi cũng sẽ tan biến theo thời gian thôi. Chứ biết làm sao bây giờ! Ví dụ như cha má có biết ông bà nội bây giờ đang ở đâu không?!!…
Thưa cha má, lá thư này con nói thật cái căn bản về sự tu hành của con, rồi tự cha má nghĩ sao thì nghĩ. Con đang theo tà đạo hay chính đạo, tùy ý cha má! Đức Phật Thích-ca Mâu-ni thị hiện thế gian để lại tám vạn bốn ngàn (84.000) pháp môn vi diệu để đối trị với vô lượng phiền não nghiệp chướng của chúng sanh. Trong kinh Phật nói rõ ràng rằng, Phật pháp trụ lại thế gian một vạn hai ngàn năm (12.000) và chia làm ba thời kỳ: Chánh pháp, Tượng pháp và Mạt pháp, sau kỳ mạt pháp thì Phật pháp diệt tận. Thời kỳ chánh pháp một ngàn năm sau khi Phật nhập diệt, thời tượng pháp một ngàn năm, còn lại mười ngàn năm là thời kỳ mạt pháp. Như vậy chúng ta đang ở vào ngàn năm thứ ba sau khi Phật nhập Niết bàn, nghĩa là ngàn năm đầu của thời kỳ mạt pháp. Phật pháp còn trụ lại thế gian hơn chín ngàn năm nữa. Sau chín ngàn năm, Phật pháp hoàn toàn không còn trên thế gian, cho đến khi đức Phật Di Lặc xuống trần thị hiện thành Phật dưới cây Long Thọ, mở hội Long Hoa xây lại Phật pháp, (gần sáu trăm triệu năm nữa mới xuống). Đây là kinh của Phật để lại nói như vậy.
Trong tám mươi bốn ngàn pháp môn của đức Phật Thích-ca Mâu-ni, tựu trung lại cũng chỉ là Thiền-tông, Mật-tông và Tịnh-độ tông. Thiền-tông là pháp môn “Trực chỉ nhân tâm, Minh tâm kiến tánh, Kiến tánh thành Phật”, chỉ hợp với hạng thượng căn, chư Bồ-tát, chư vị Tổ sư trong thời chánh pháp và nửa thời tượng pháp mà thôi. Mật-tông được truyền qua vùng Tây-Tạng, và những quốc gia có những địa lý thiên nhiên đặc biệt, họ dùng đến mật chú để phá trừ phiền não, trị ma oán, tịnh thân khẩu ý để tu hành.
Còn Tịnh-độ-tông là pháp môn tối vi diệu! Bốn mươi chín năm thuyết pháp giảng kinh, Phật Thích-ca Mâu-ni quy tụ chúng sanh về với pháp môn này để cứu độ tất cả chúng sanh, không phân biệt đẳng cấp, cảnh giới, ứng hợp với cả chánh pháp, tượng pháp và mạt pháp. Nhất là thời kỳ mạt pháp, chư Phật đều khuyên chúng sanh nên một lòng theo Tịnh-độ tông mà tu thì sẽ đạt được kết quả.
Tịnh-độ tông là gì? Là pháp môn NIỆM PHẬT cầu vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc. Niệm Phật là đi thẳng về cõi Phật, làm cho tâm mình thời thời, khắc khắc là Phật. Lấy thẳng nhân địa Phật để tu thành Phật. Vì là pháp môn rất dễ tu cho nên không ai chịu tin. Vì thế, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni phải đợi sau cùng, khi thấy căn duyên thành Phật của chúng sanh thành thục rồi, Ngài mới thuyết trong những bộ kinh A-di-đà, Vô-Lượng-Thọ, Quán-Vô-Lượng-Thọ…
Pháp môn Niệm Phật vi diệu không thể tưởng tượng được, trong kinh gọi là “bất khả tư nghì”. Cho nên, hầu hết chùa chiền Phật giáo ngày nay tại Việt-nam, Trung-Hoa, và các nơi đều lấy sự niệm Phật làm căn bản tu hành. Dù là Thiền-tông, hình thức thọ trì có khác nhau nhưng nội dung không khác. Nơi nào có phép thực hành triệt để thì nơi đó cứu độ nhiều người, nơi nào áp dụng hời hợt thì khó thấy được kết quả, thậm chí có nhiều nơi áp dụng sai nữa là khác, từ đó làm cho lòng người hoang mang, mất lòng tin nơi Phật pháp!
Cha tu theo đạo Cao-Đài, tốt lắm, con có nói đụng chạm gì tới đâu. Cha đã tụng thuộc kinh Cao-Đài rồi, thì chắc chắn cha còn nhớ câu: “Một lòng Niệm Phật ăn chay làm lành”. Niệm Phật là pháp môn Tịnh-độ. Kinh đã dạy mình rằng: ngày ngày, ngày này sang ngày khác, thời thời, khắc khắc, phải niệm câu Phật hiệu “Nam-mô A-di-đà-Phật”, vì đây chính là cứu cánh cuối cùng để tu hành được giải thoát. Chỉ vì mình lơ là không chú ý đến, chỉ vì nhiều nơi cho đó là thứ yếu thành ra chỉ chạy theo cái ngọn, không chịu bắt cái gốc. Cho nên, con mới nói, không biết tu chỉ uổng phí công phu tu hành, để rồi cuối cùng đọa lạc vẫn hoàn đọa lạc là như vậy, chứ con có nói gì sai với kinh điển đâu!
Niệm Phật, ăn chay, làm lành, ba vấn đề trong kinh Cao-Đài, ở đây con chỉ nhấn mạnh đến niệm Phật mà thôi vì hai thứ kia là phụ thuộc, vì ăn chay được thì tốt, không ăn được vẫn tu được như thường. Còn làm lành thì hôm nay khỏi bàn, vì nếu đã biết niệm Phật thì dù có đem tiền mướn mình làm ác mình cũng không làm, cho nên bàn tới để làm gì? Như vậy, xin hỏi tại sao lại nói con bị tà ma gạt, dụ dỗ?!!!…
Trích “Quyển 2 – Lời khuyên cháu gái”:
Cháu Tuyết thương,
Cậu đã đọc kỹ thư cháu, trước tiên cậu khen cháu lắm đó. Một người trẻ mà có tâm hướng Phật trong một môi trường sinh hoạt khó khăn như cháu thật hiếm có và đáng quý. Sự hướng về Phật tu tập không phải là việc tầm thường đâu, đây chính là thiện căn của cháu đã có từ trong những đời trước. Ví dụ như khi cậu Năm viết thư về quê cho ông bà ngoại, thì dì Thứ của cháu đã cảm ứng trước tất cả mọi người. Đây chính là thiện căn phúc đức và nhân duyên của dì Thứ có đầy đủ hơn so với người khác trong gia đình. Trong đời này chúng ta là thân thuộc, vợ chồng, cha con, cậu cháu, anh chị em với nhau… tất cả đều do một duyên nợ từ tiền kiếp nào đó. Sau cuộc đời này có thể còn gặp nhau, cũng có thể không bao giờ gặp lại. Cuộc sống của một chúng sanh trải dài từ thật lâu xa trong quá khứ vô cùng cho đến mãi về tương lai thời gian vô tận. Cháu hãy tưởng tượng có hai sợi chỉ thật dài, bỗng nhiên nó nhập lại một cái gút, rồi sau đó lại tiếp tục đi tiếp. Mỗi sợi chỉ tượng trưng một mạng sống, hai sợi chỉ gút lại là cái duyên nợ ân oán với nhau trong đời này. Thời gian chúng ta ở chung với nhau nó dài cũng giống như cái gút so với chiều dài sợi chỉ vậy cháu ạ.
Khi cháu hiểu được Phật pháp rồi cháu sẽ thấy rõ ràng những sợi chỉ đó và những cái gút đó. Có sợi chỉ thoát được cái gút đi lên, có sợi chỉ qua khỏi cái gút đâm đầu đi xuống. Nếu thức tỉnh quay đầu thì vượt lên được, còn không thì đi thẳng vào nơi hiểm nạn, khổ đau vô tận. Thư của cháu lời lẽ rất tha thiết, có hiếu có nghĩa. Cậu Năm khen lắm, cậu sẽ theo thứ tự giúp ý kiến giải quyết những khó khăn cho cháu. Trước hết, “Cháu lo sợ rằng ngày mãn phần của bà Nội cháu đã gần kề”. Đọc đến dòng chữ này làm cậu Năm cũng cảm thấy ngậm ngùi, ngậm ngùi cho Nội cháu, ngậm ngùi cho số kiếp con người.
Bao nhiêu năm bôn ba quật lộn với đời, cuối cùng chợt nghĩ lại thì những gì xảy ra trong quá khứ tuồng như một giấc mộng lờ mờ lưu lại trong trí nhớ; cảnh hiện tại như trò huyễn hóa, còn đây mất đó hồi nào không hay; những ước vọng cho tương lai tưởng chừng là vàng son gấm vóc, nhưng đó cũng chỉ là những áng mây trôi, tan hợp hợp tan chập chờn không thực! Đối diện với cảnh sắp chia ly, ai mà không buồn, ai mà không đau xót! Nếu là người không hiểu đạo thì cảnh phũ phàng này sẽ đem đến sự đau khổ vô cùng, thương tâm vô tận, sầu não vô biên! Nhưng hiểu cho thấu kiếp nhân sinh thì đây là lẽ đương nhiên thôi!
Tất cả mọi người ai cũng đang đi về chỗ đó, rồi đây tới ông bà ngoại, tới cậu, tới cha má cháu, tới cháu, tới con của cháu… không ai tránh khỏi. Con người vừa mới sinh ra là đã bắt đầu tìm đường đi vào phần mộ, thì cần gì phải chờ ngày già rồi mới hiểu phải không cháu? Thế nhưng người không biết tu, không hiểu đạo họ sẽ rối bời, tâm hồn bấn loạn, mê mê mờ mờ để đem huệ mạng của mình gởi cho vào nơi hiểm ác. Còn người biết tu thì họ chờ đợi sự ra đi như một cơ hội để giải thoát, vẫy tay vui vẻ chào giã biệt cuộc đời khổ nạn.
Cháu nên biết rằng, một khi mình chọn con đường giải thoát thì mình giải thoát, an hưởng tất cả những sự sung sướng an lạc trên đời; mình chọn con đường đoạ lạc mình chịu đau khổ vô biên, tự mình dìm đời mình trong tăm tối phiền não triền miên vạn kiếp. Cho nên khổ đau hay hạnh phúc đang nằm ngay trong tâm của mỗi một chúng ta. Giải thoát hay đọa lạc đang ở ngay trước mắt, nó chỉ là sự lựa chọn tùy ý của mình mà thôi. Người lâm chung mà được sáng suốt, tâm hồn tỉnh táo và biết đường đi họ sẽ lựa chọn con đường tốt: “Đường về Cực-lạc”, người mê muội hoặc không biết đường đi, họ sẽ bị nghiệp chướng lôi kéo vào ngả hiểm nguy: “Đường về đọa lạc”. “Cực-lạc” hay “Đọa-Lạc” là do sở nguyện của mình, chính cái nguyện nó có năng lực rất mạnh, có thể quyết định được tương lai cho mình! Nguyện vãng sanh, mình vãng sanh về với Phật, không có lời nguyện thì mình trôi theo giòng nghiệp lực để thọ nạn.
Chính vì điểm này mà lúc nào Cậu cũng nhắc nhở phải nhớ PHÁT NGUYỆN VÃNG SANH. Người hằng ngày phát nguyện vãng sanh Tây-phương Cực-lạc với Phật, thì họ đã chuẩn bị đợi chờ ngày mãn báo thân để được gặp Phật, thì làm sao họ sợ sệt hay hoảng hốt trước giây phút lâm chung! Chính vì thế mà tất cả những người chí thành niệm Phật đều có tâm hồn tỉnh táo, vui vẻ, an nhiên, tự tại trong phút giây ra đi. Họ bình tĩnh đợi đức Phật A-di-đà đến tiếp dẫn để họ bỏ cái xác thân trần tục lại rồi đi theo quang minh của Phật. Ấy gọi là Vãng-Sanh. Sự thành tựu này, một là do lòng tin kiên cường và chí thành nguyện cầu của mình; hai là nhờ sự gia trì của Phật A-di-đà.
Có nhiều người họ biểu diễn đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, hẹn lại ngày vãng sanh, làm tiệc vãng sanh… giống như trò xiệc vậy. Ví dụ như pháp sư Đế-Nhàn có một người đệ tử, ông ta dốt chữ, không đọc kinh được, không thông minh, không làm gì được cho chùa. Thế nhưng ông ta lại muốn xuất gia, Ngài không cho nhưng ông ta cứ nằn nèo xin hoài, Ngài Đế-Nhàn mới chấp nhận và giao cho ông ta tới một cái am vắng để niệm Phật. Ngài dặn chỉ niệm Nam-mô A-di-đà Phật thôi, ngoài ra có giờ rảnh thì phụ với bà cụ coi chùa lo quét dọn trước sau. Ba năm sau ông ta đứng thẳng chắp tay hướng về hướng sư phụ mà vãng sanh. Trước khi vãng sanh, ông báo cho bà cụ biết để khỏi nấu cơm và hãy mau đi về tự viện báo với sư phụ tới mai táng. Ông vãng sanh đứng im như vậy ba ngày chờ đến khi sư phụ tới lo hậu sự. Đó là sự thật, một sự thật rất khó mà giải thích! Người tu hành mà không lấy đây làm gương, không chịu niệm Phật, không nguyện vãng sanh, đến cuối cùng hầu hết đều chịu chung số phần may rủi như bao nhiêu nạn nhân khác! Thật là tiếc vậy! Hãy liên lạc với cậu An để xin cuộn phim bà cụ Triệu-Vinh-Phương để coi rõ một trường hợp vãng sanh về với Phật. Đây là một chứng cớ sống động, chứng minh những điều cậu đã nói toàn là sự thật. Khó lắm mới có cuộn video này đó cháu, nhớ tìm cách sang ra cho nhiều người coi, đừng để mất bổn…
Trích “Quyển 3 – Lời Khuyên Dồng Tu Ở An Thái”:
Kính gởi quí đạo hữu Niệm Phật Đường An Thái và Như Ngọc, Hôm trước có nhận được một số hình chụp quí bác và anh chị em đang niệm Phật. Những tấm hình này quí lắm, một kỷ niệm thật thân thương. Nhìn thấy quí đạo hữu tinh tấn tu hành ai cũng phải khen. Với một niệm Phật đường nho nhỏ, phương tiện thì eo hẹp, nhưng thấy mọi người đều có sắc diện nghiêm trang, kính cẩn, tay chuỗi, tay chắp, chí tâm niệm Phật thật là cảm phục. Trong những thư trước viết cho Như Ngọc, cho quí bác, hôm nay xin viết về thăm chị Sáu, anh Ba, anh Hai, v.v… Nói chung Diệu Âm này không dám quên một người nào hết. Chỉ vì đồng tu nhiều quá không thể nào viết đến từng người. Chắc rằng, tất cả quí anh chị em hoan hỉ về chuyện này.
Nhìn vào hình thấy ai cũng thành kính tu tập. Đây là điều quí hóa. Tu hành muốn có được sự thành tựu thì không gì hơn là tâm chí thành chí kính. “Một lòng chí kính – Một đời thành tựu”, đây là huấn thị của chư Tổ Sư, Đại Đức. “Phật tại tâm”. Nếu chơn tâm của chúng ta là Phật thì ta phải thành kính Phật. Nói cách khác, thành kính Phật là ta đang trở về với chân tâm, không thành kính Phật là ta đang quay lưng với chơn tâm, xa lìa bổn tánh. “Trở về chơn tâm” là nhân, “Một lòng thành kính” là quả; “Một lòng thành kính” là nhân, “Một đời thành tựu” là quả. Học Phật là hành trình trở về chính cái chơn tâm của mình, ta sẽ đắc chính cái chơn tâm của mình. Ta có cái chơn tâm, chơn tâm này là Phật. Nhưng chơn tâm của chúng ta bị vô minh, phiền não, nghiệp chướng che lấp quá lâu, giờ đây muốn trở về lấy lại những gì của chính mình, nhưng tự ta không đủ khả năng đột phá. Cho nên, “Một lòng thành kính” chư Phật là hành động chính xác và cần thiết, một là để tâm ta luôn luôn có Phật, hai là quang minh chư Phật sẽ chiếu đến gia trì cho ta. Nội ngoại tương hợp để phá vỡ vô minh, nghiệp chướng. Chính vì thế mà pháp môn niệm Phật được gọi là pháp nhị lực, lực của ta hợp với lực của Phật, cứu một chúng sanh tội chướng sâu nặng như chúng ta một đời thoát ly sanh tử luân hồi, vãng sanh bất thối thành Phật.
Pháp Phật đối với ta có nhiệm mầu, có linh nghiệm hay không chính là ta có tâm chí thành chí kính hay không. Tâm chí thành, chí kính tự nó tạo ra công đức. Chư Tổ dạy, một phần thành kính được một phần công đức, mười phần thành kính được mười phần công đức. Nhất thiết phải có tâm thành kính mới thâm nhập vào Phật đạo, mới khai ngộ được chơn tánh. Người không có tâm thành kính Phật Bồ-tát thì dù cho có thông minh, tài cao, là trượng phu quân tử hay anh hùng hào kiệt, thì nhiều lắm cũng chỉ là sự thành công trong thiện pháp của thế gian mà thôi! Nghĩa là, đường thiện có thể đi, nhưng luân hồi sanh tử chắc chắn khó thoát khỏi! Tại sao vậy? Phật dạy: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Tâm không thành kính Phật thì trong tâm không có Phật. Xa lìa Phật là xa lìa chơn tâm, xa lìa chơn tâm thì sống với cái vọng tâm. Đã sống với vọng tâm thì phải theo vọng tâm để chịu sanh diệt vô thường! Trong kinh, Phật dạy niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, người con Phật mà không nghe lời Phật, không chịu niệm Phật, không thèm cầu sanh Tịnh-độ, thì rõ ràng trong tâm đã có ý đề kháng với Phật. “Nhất thiết duy tâm tạo”, tâm đã có sức đề kháng thì không thể tiếp nhận Phật lực gia trì. Chính vì vậy mà họ tự đi theo con đường tự lực tu chứng. Nếu đủ lực thì kiến tánh tức khắc thành Phật. Còn không, thì vô lượng A-tăng-kỳ kiếp thời gian phải chịu sanh tử luân hồi là chuyện thường tình đối với một chúng sanh muốn tự tu thành Phật vậy!
Trên đường tu hành, nếu ta vẫn thường gặp được những người chủ trương không niệm Phật, đây là chuyện rất thông thường chứ không có gì đặc biệt. “Pháp môn vô hữu cao hạ”, học pháp Phật thì trước sau gì cũng thành Phật, nhưng sự khó dễ và thời gian thành tựu chắc chắn có khác. Nếu thực sự là người thượng căn thượng trí thì tự lực chứng đắc có thể đúng(!). Còn người bình thường mà theo con đường đó, thì quả thực không đơn giản! Biết rằng quá khó mà vẫn quyết tâm đi. Thành thực mà nói, đây là những người có chí khí kiên cường, nghị lực tuyệt luân, tâm đạo cao cả. Thật sự ta phải kính phục!
Kính quí đạo hữu đồng tu, chắc quí anh chị em đã biết qua tổng quát về sự hộ niệm, và sự hộ niệm liên quan đến con cháu trong gia đình. Nghe được tin quí cô bác và anh chị em phát tâm đi hộ niệm cho bất cứ ai cần đến. Đây là một tâm nguyện to lớn, là một sự phát tâm Bồ-đề cứu độ chúng sanh rất quí hóa của người tu hành. Đúng ra hôm nay chúng ta nên bàn thêm một ít chi tiết về “Ban-hộ-niệm” cần làm gì, hầu góp một vài ý kiến cụ thể khi hộ niệm, nhưng vừa rồi Như Ngọc có nói quí cô bác và anh chị có nêu ra một số vấn đề khá tế nhị. Do đó, thư này thay vì tiếp tục bàn việc hộ niệm, chúng ta nên chuyển đề tài bàn về những vấn đề tế nhị đó.
Những câu hỏi nêu ra trong thư, nhìn thì thấy đơn giản, nhưng lại rất khó thẳng thắn trả lời. Không bàn đến thì tâm không yên, còn bàn đến thì sợ rằng có thể sinh ra hiểu lầm. Thôi thì, với một số vấn đề đặc biệt này chúng ta nên bàn chung, chứ không nên đi quá sâu vào vậy. Xin quí đạo hữu nhớ rằng, trong thời mạt pháp này tu hành rất khó, rất nhiều chướng ngại, chướng ngại từ thế lực bên ngoài, chướng ngại từ trong tâm của mỗi chúng ta. Hoàn cảnh, môi trường, xã hội, tập quán, tư tưởng, cách sống, v.v… đều có thể là đối tượng làm chướng ngại tâm đạo của người tu hành. Nói chung, đây là thời đại của sự “Ô nhiễm”: ô nhiễm sinh thái, ô nhiễm tinh thần, ô nhiễm hoàn cảnh sống. Tất cả đang tạo khó khăn trên bước đường tu tập…
Trích “Quyển 4 – Nhất Môn Thâm Nhập Trường Kỳ Huân Tu”:
Kính gởi cô Lệ Tân,
Pháp môn niệm Phật là pháp rất khó tin, như trong kinh Phật nói là nan tín chi pháp! Chính vì thế, nói ra mà người ta không tin tưởng là chuyện thường tình, không có gì xa lạ. Nhưng một người nào đó vừa mới nghe nhắc đến câu “A-di-đà Phật” mà phát tâm tu hành, ngày đêm cố gắng chấp trì danh hiệu để niệm, một lòng cầu nguyện vãng sanh thì thật sự là đặc biệt, nhất định không thể là người tầm thường. Những người này trong quá khứ chắc chắn đã cúng dường vô số đức Phật mà chúng ta không biết. Chính nhờ thiện căn vô cùng lớn đó mới tạo tín tâm vào pháp môn một đời thành Phật này. Nói như vậy, để cho cô Lệ Tân cùng quý cô bác đang lập nhóm liên hữu ở thôn Cây Quân thấy rõ được rằng, nếu chân thành niệm Phật, chí kính lễ Phật, với đầy đủ niềm tin, tha thiết nguyện cầu vãng sanh, thì có thể biết được thiện căn của mình lớn lắm và xác định vị trí của từng người ở Liên Trì Hải Hội. Niệm Phật vãng sanh về Cực-lạc, dự phần ở ao sen thất bảo là điều chắc chắn, không thể sai lệch. Đây là lời Phật. Người nào quyết lòng theo đúng lời Phật dạy để tu hành, thì sự thành đạo ở ngay trong đời này. Diệu Âm xin thành tâm chúc mừng tất cả quý đạo hữu.
Mấy vấn đề của cô Lệ Tân đưa ra khá thực tế, rất hữu ích. Diệu Âm sẽ cố gắng nêu ra đây một vài ý kiến cá nhân đã học hỏi được, rồi xin tùy duyên nhận xét, chứ không dám nhận lãnh tiếng “chỉ bảo” như cô Lệ Tân nói đâu. Vấn đề đầu tiên của cô Lệ Tân đưa ra có liên quan đến sự tụng kinh cầu an, cầu siêu, cầu tiêu tai giải nạn, tụng kinh báo hiếu mùa vu lan. Trong đó cô Lệ Tân có đưa ra các bộ kinh Pháp-Hoa, kinh Địa-Tạng Bổn Nguyện, kinh Đại Mục Kiền Liên báo hiếu v.v…
Đầu tiên, Diệu Âm xin thưa rằng, tụng kinh, niệm Phật, niệm chú, cầu sám… nào cũng tốt cả. Thành tâm tụng niệm kinh điển của Phật đều có công đức, dùng công đức ấy hồi hướng cho ông bà cha mẹ, cho vong linh và hồi hướng cho chính mình vãng sanh đều được. Điểm chính yếu là công đức tu hành, công đức lớn thành tựu lớn, công đức nhỏ thành tựu nhỏ. Chúng ta muốn cứu độ vong linh, cứu độ cha mẹ, ông bà, hoặc đi hộ niệm cho người khác, đều có sự đóng góp công đức của chính mình đã tu được mà hồi hướng cho họ. Trong kinh Địa Tạng Bồ-tát Bổn nguyện có nói, khi hồi hướng công đức, thì người tu hành hưởng được sáu phần, còn người được hồi hướng hưởng một phần. Khi cầu siêu, cầu an, cầu tiêu tai giải nạn… nếu công đức của mình lớn thì vong linh được lợi ích lớn, công đức của mình nhỏ thì họ được lợi ích nhỏ. Do đó, khi lập đàn làm Phật sự, nếu càng được nhiều người tham gia cầu nguyện thì công đức hồi hướng càng lớn, vì nhờ sự đóng góp của nhiều người. Biết vậy rồi, muốn hồi hướng công đức cho người thân, chúng ta nên khuyên người trong gia đình tham gia càng đông càng tốt, vừa tỏ lòng hiếu kính vừa tạo thêm công đức gởi cho họ.
Trong thư cô Lệ Tân có ý nghĩ rằng, cầu siêu thì đọc kinh Địa Tạng, cầu an thì đọc Pháp Hoa, trả hiếu cha mẹ thì đọc kinh Mục Kiền Liên v.v.. Điều này không có gì sai, vì đọc tụng các kinh điển Phật đều có sự lợi ích. Tuy nhiên, điểm chính yếu vẫn là công phu của mình. Nếu công phu thành thục thì có thể nói rằng, đọc kinh, niệm Phật, niệm chú nào cũng đều có quả báo tốt. Nếu công phu không có, hoặc quá yếu thì sự cầu nguyện khó có lợi ích lớn.
Công phu thành thục là người có lòng thành kính và tinh tấn chuyên tâm tu hành. Người có lòng thành tín, có tâm lễ kính, biết y giáo phụng hành, trường kỳ chuyên tâm tu học thì người đó sẽ dễ đạt đến công phu thành thục. Người không thành tâm, tu hành không chuyên nhất, thích ôm đồm nhiều thứ thì thường chỉ thu lượm những kiến thức bên lề, dễ biến thành vọng tưởng, khó thâm nhập vào đạo pháp. Trong đó sự thành kính là chìa khóa khai đạo. Thành tất linh. Thành kính sẽ được linh ứng. Đây là điều tối quan trọng chúng ta cần nên chú ý…
MỤC LỤC:
QUYỂN 1